Đôi điều suy ngẫm về việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo
Những năm qua, người nghèo trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo do trung ương và địa phương ban hành. Tuy nhiên, với nhiều chương trình ưu đãi như vậy nên không tránh khỏi việc đã từng có nơi xảy ra tình trạng lợi dụng để trục lợi chính sách giảm nghèo. Vì vậy, công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cần được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy trình, bảo đảm đúng người, đúng đối tượng.
Tôi có người bạn làm việc ở một Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện. Bạn tôi tâm sự, mỗi dịp cuối năm công việc chuyên môn nhiều lại đòi hỏi giải quyết kịp thời ngay nên luôn trong tình trạng bận rộn. Trong đó, công việc mất nhiều thời gian nhất chính là việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện.
Bạn tôi kể một số tình huống “dở khóc dở cười” liên quan đến công tác giảm nghèo tại địa phương. Nào là khi đến rà soát hộ nghèo thì các gia đình di chuyển, gửi những đồ có giá trị đi nơi khác. Khi cán bộ đến rà soát thì nhìn ngôi nhà tuềnh toàng chẳng có gì; hay câu chuyện có hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà, khi cán bộ đến gắn biển, trao tiền hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết thì đứng trong ngôi nhà mới xây bề thế mà nhiều gia đình bình thường cũng mơ ước; rồi những cuộc tranh luận nảy lửa trong quá trình bình xét, lựa chọn tại cơ sở. Tất nhiên số trường hợp như trong câu chuyện của bạn tôi kể rất ít và thường được các cấp xử lý kịp thời nhưng nó trở thành điều nhớ mãi trong quá trình công tác của người bạn tôi.
Thực ra, trong câu chuyện giảm nghèo, có rất nhiều tấm gương dù còn khó khăn nhưng có gia đình làm đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo, nhường suất đó cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn. Có hộ nghèo tích cực tham gia các phong trào ở địa phương như các hộ nghèo ở Phú Lương, Phú Bình, Đại Từ tự nguyện tham gia hiến đất khi Nhà nước mở rộng đường giao thông. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn những trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi, đòi hỏi các địa phương phải sâu sát hơn với đối tượng. Đáng buồn hơn là trước đây, có cả những cán bộ có biểu hiện lợi dụng chức vụ quyền hạn để giúp người nhà trục lợi chính sách.
Vì vậy, đòi hỏi việc rà soát chặt chẽ, thu thập thông tin chính xác sẽ giúp các nguồn lực hỗ trợ đến hộ nghèo, hộ cận nghèo kịp thời, đầy đủ. Trong quy trình rà soát phải có sự tham gia đầy đủ của các cấp, ngành liên quan và người dân giám sát. Thực tế cho thấy, nhiều hộ tự bằng lòng với cuộc sống hiện tại, thiếu ý thức vươn lên thoát nghèo, một số ít còn lười lao động; điều đó đòi hỏi công tác giảm nghèo cần phải thay đổi để linh hoạt và hiệu quả hơn.
Không ít ý kiến cho rằng, muốn giảm nghèo bền vững, nguyên tắc cho “con cá” và “cần câu” phải được cân nhắc áp dụng phù hợp với từng hoàn cảnh hộ nghèo, từng thời điểm, đồng thời cần tách bạch mục tiêu trong từng chính sách đầu tư hỗ trợ sản xuất. Ngoài việc phải đầu tư vốn, xây dựng các mô hình xóa đói giảm nghèo, muốn giúp người dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu cần có các giải pháp nâng cao dân trí, trình độ văn hóa. Theo đó, trao “cần câu” không chỉ thuần túy là đầu tư vốn, mà về lâu dài, đó là giáo dục đào tạo, dạy nghề, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mặt khác, trao “cần câu” hay “con cá” không chỉ bằng tấm lòng, mà phải có cách làm thiết thực, hiệu quả, giúp hộ nghèo ý thức vươn lên thoát nghèo và làm giàu, để giảm nghèo là thực chất chứ không phải là chỉ tiêu. Để tránh bị trục lợi chính sách, các địa phương, nhất là cán bộ cơ sở cần sâu sát các đối tượng hưởng chính sách để tham mưu, đề xuất kịp thời. Cần nắm sát dư luận xã hội, cộng đồng để phát hiện các thông tin mới về người hưởng chính sách.
Trợ cấp xã hội, hỗ trợ người yếu thế là các chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước ta. Công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thời gian qua trên địa bàn tỉnh được triển khai chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng cũng là động lực để mỗi người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước.
Có thể nói, các chương trình, chính sách giảm nghèo đã đem lại hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội; những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã phần nào giúp người nghèo giảm bớt khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống để vươn lên thoát nghèo.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...