Đôi điều suy ngẫm về Tết Trung thu
Tết Trung thu từ xưa đến nay luôn được các bạn nhỏ mong chờ. Dẫu cuộc sống có nhiều đổi thay và đủ đầy hơn nhưng những nét đẹp của ngày tết truyền thống này vẫn được nhiều địa phương gìn giữ. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, mỗi dịp Tết Trung thu về vẫn còn những điều khiến chúng ta phải suy ngẫm.
1. Trước Tết Trung thu mấy ngày, dọc tuyến đường chạy qua xóm tôi không khó để bắt gặp những chiếc trại được dựng lên rực rỡ nhiều sắc màu. Nhìn trẻ con, người lớn quây quần quanh trại tôi cảm thấy vui lây. Đời sống đủ đầy, cứ vài nhà gần nhau lại cùng dựng một trại. Bên trong được trang trí đầy đủ mâm quả, bàn ghế và một chiếc chiếu đủ cho khoảng chục người ngồi. Có trại hiện đại hơn lắp đặt cả ti vi, dàn hát karaoke. Suốt mấy tối trước Tết Trung thu là những cuộc gặp gỡ, uống rượu giao lưu rồi lời ra tiếng vào của người lớn với nhau. Các trại ra sức mở loa hết công suất, ồn ào ảnh hưởng đến hàng xóm. Đã có không ít những xích mích nảy sinh từ những vụ việc này. Và mục đích của việc dựng trại dành cho thiếu nhi bỗng bị người lớn chiếm làm không gian riêng. Trẻ em thì chỉ biết lặng lẽ tìm cuộc vui khác, nhường sân khấu cho những cuộc nhậu nhẹt, hát ca của người lớn.
2. Trung thu xưa trẻ con được chiếc bánh nướng bánh dẻo đã là hạnh phúc lắm. Những chiếc bánh hương vị truyền thống mộc mạc giản dị, ăn một lần là nhớ mãi. Nhưng bây giờ những chiếc bánh không hoàn toàn là của trẻ em nữa mà nhiều khi được người lớn sử dụng trong các mối quan hệ “mua bán” trục lợi. Thay vào những hộp bánh Trung thu giá cả phải chăng là những hộp bánh giá cả “từ trên trời rơi xuống”. Nguyên liệu truyền thống trước kia chỉ có đậu xanh, mứt bí, hạt sen... nay đã được “cải tiến” bằng các “sơn hào hải vị” đặt trong những chiếc hộp được thiết kế bắt mắt, đắt tiền. Tranh thủ thị hiếu này, nhiều siêu thị lớn trên địa bàn bày bán la liệt các mặt hàng bánh Trung thu độc, lạ, đắt tiền phục vụ nhu cầu của các “Thượng đế”.
3. Trung thu cũng là dịp để các cửa hàng, siêu thị bày bán được nhiều đồ chơi cho trẻ em. Còn nhớ ngày xưa chủ yếu đồ chơi tự làm. Đó là những chiếc đèn lồng, đèn ông sao. Nhưng ngày nay, muôn vàn đồ chơi được thiết kế bắt mắt, tiện dụng, hiện đại, có ánh sáng nhấp nháy, có âm thanh rộn ràng tươi vui. Nguy hiểm hơn, nhiều trò chơi mang tính bạo lực như súng, gậy, kiếm thiết kế như thật được bày bán khắp nơi. Những trò chơi dân gian như múa lân, sư tử, trò chơi rồng rắn lên mây kèm theo các câu đồng dao, những câu hát về chị Hằng chú Cuội, trò chơi dân gian được thay vào đó là các trò chơi tạo cảm giác mạnh như tàu lượn, súng ống, trò chơi điện tử,... Những đồ chơi dân dã ngày xưa vắng bóng và ngay cả những bài hát cho thiếu nhi thường sử dụng trong Tết Trung thu xưa cũng ít được sử dụng. Thay vào đó là những bài hát mang âm hưởng hiện đại, chủ yếu phù hợp với người lớn…
Thiết nghĩ, để tết Trung thu diễn ra theo đúng mục đích, ý nghĩa tốt đẹp như xưa, mỗi địa phương cần có giải pháp hữu hiệu, huy động sự vào cuộc của các tổ chức, ban ngành, đặc biệt là phát huy vai trò của Đoàn thanh niên. Nên chăng, Đoàn thanh niên các cấp cần kết hợp chặt chẽ với các nhà trường để tổ chức Tết Trung thu cho các em ngay tại sân trường, vừa vẫn “tranh thủ” sự ủng hộ của các cấp các ngành về tinh thần và vật chất, vừa phát huy “sở trường” của các thầy cô giáo, thì Tết Trung thu của trẻ em sẽ thật sự có ý nghĩa hơn. Tôi đã từng được tham dự buổi ngoại khóa Tết Trung thu của một nhà trường tổ chức khá quy mô hoạt động này. Mỗi lớp chuẩn bị một mâm cỗ được bày rất hấp dẫn và bắt mắt với bánh nướng, bánh dẻo, bưởi ngọt, hồng,... Trường thành lập ban giám khảo chấm điểm rồi tổ chức cho các em phá cỗ và liên hoan văn nghệ. Nhưng tiếc rằng những trường làm được như vậy còn ít, phần lớn giao về địa bàn dân cư và số thiếu nhi không được tham gia đêm Trung thu vẫn còn khá đông.
Tết Trung thu đang đến gần, mỗi chúng ta cần có những việc làm ý nghĩa nhất để các em thơ được vui một Tết Trung thu trọn vẹn, đầm ấm
Lê Văn Kiểu (TP. Thái Nguyên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...