Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024
13:32 (GMT +7)

Đôi điều băn khoăn xung quanh câu chuyện từ thiện tại vùng lũ lụt

Cơn lũ lịch sử đi qua nhưng trong ký ức nhiều người dân vẫn còn chưa hết lo lắng bởi ảnh hưởng nặng nề mà nó gây ra. Nước lũ tràn về, người dân vùng lũ đã được đón nhận tình cảm, sự sẻ chia của hàng nghìn tấm lòng hảo tâm đến ủng hộ giúp đỡ bằng tiền, hàng hóa, nhu yếu phẩm khác. Sự hỗ trợ kịp thời đó giúp họ vượt qua những khó khăn ban đầu, dần ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện từ thiện vẫn còn đâu đó đôi điều băn khoăn, trăn trở.

Bitmap in 42-43.cdr
Đoàn thiện nguyện dùng máy cày để vận chuyển đồ cứu trợ đến người dân vùng lụt của xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình

Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng đất ven bờ sông Cầu. Hơn 40 tuổi, tôi cũng đã từng được chứng kiến nhiều trận lũ lụt lớn, nhỏ nhưng quả thật, trận lũ lụt vừa qua để lại trong tôi nhiều trải nghiệm khó quên. Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 gây mưa và nước sông Cầu dâng cao. Cánh đồng lúa quê tôi nhanh chóng bị ngập sâu trong biển nước. Những tuyến đường quê dần bị chia cắt bởi nước lũ. Các gia đình gần khu vực sông Cầu cảm nhận rõ nhất hậu quả của thiên tai. Họ nhanh chóng bị nước lũ cô lập.

Những chuyến hàng cứu trợ xuất hiện ngày một nhiều góp phần hỗ trợ người dân bị ngập sâu. Dọc tuyến đường liên xã, các xe máy cày được huy động vận chuyển hàng hóa, đồ cứu trợ đến người dân. Đến bữa, các thành viên tình nguyện bơi thuyền, xuồng mang cơm phát cho từng người dân trong vùng lũ. Tôi có gia đình chị gái ở ngay điểm sâu nhất của xóm nhờ gọi mang cho sạc đa năng vì những ngày này, điện sinh hoạt bị cắt để đảm bảo an toàn cho người dân. Tôi lội bì bõm qua một số đoạn đường nhưng không thể vào bên trong được vì nước chảy xiết. Cũng may có mấy bạn trẻ nhiệt huyết, bơi thuyền, cầm vào đưa tận tay cho chị gái giúp tôi.

Khi thiên tai bão lũ lớn xảy ra, con người rơi vào tình trạng hoang mang và thiếu thốn, cần được hỗ trợ cụ thể và kịp thời. Một miếng khi đói bằng một gói khi no - mọi sự giúp đỡ dù nhiều hay ít lúc này đều quý giá. Trong những ngày mưa lũ, các cơ quan báo chí truyền thông đã tích cực cập nhật thông tin nhanh nhất đến người dân. Từ đó, người dân chủ động hơn trong ứng phó với lũ lụt.

Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin nên mỗi người dân chỉ với chiếc điện thoại trong tay là có thể phát trực tiếp những gì diễn ra quanh mình. Rất nhiều hình ảnh, video được chia sẻ. Đa số trong đó là những hình ảnh tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn nhiều hình ảnh khiến mỗi người phải suy nghĩ. Tôi xem đi xem lại một video chia sẻ trên mạng xã hội mà thấy buồn. Có mấy thanh niên trẻ lái xuồng máy vào hỗ trợ người dân thì không may vướng vào mẻ lưới đánh cá của người dân. Một người đàn ông khoảng ngoài 50 tuổi phản ứng khá gay gắt và yêu cầu bồi thường. Lời qua tiếng lại khiến không khí khá căng thẳng. Anh thanh niên cũng không kiềm chế được cảm xúc nên xưng hô cũng chưa phải phép, ném tiền xuống nước đền cho người nông dân đồng thời tuyên bố không bao giờ đến xóm này nữa. Đoạn video ngắn thu hút nhiều lượt chia sẻ khiến cộng đồng mạng có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh câu chuyện làm từ thiện ngày lũ. Giá như hai bên cùng kiềm chế cảm xúc, biết chia sẻ, nhường nhịn nhau thì không dẫn tới hậu quả đáng tiếc như vậy.

 Người dân vùng lũ lụt cần sự giúp đỡ, nhưng việc giúp đỡ cũng cần được thực hiện với lòng chân thành và tránh xa những động cơ cá nhân, lợi dụng việc này để “đánh bóng tên tuổi”, lấy việc từ thiện làm công cụ để thể hiện mình, chụp hình, quay video phô trương trên mạng xã hội. Điều này làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của việc giúp đỡ và khiến người nhận cảm thấy bị tổn thương, như thể họ chỉ là đối tượng để phục vụ cho mục đích cá nhân của ai đó. Sự sẻ chia đích thực phải đến từ trái tim, không phải vì mục đích gây chú ý hay lợi dụng. Câu chuyện về sao kê thời gian qua được nhiều người chú ý đã dần làm sáng tỏ nhiều vấn đề còn bất cập.

 Trong những ngày mưa lũ, không phải ai cũng cần sự giúp đỡ giống nhau, và không phải hoàn cảnh nào cũng có thể được giải quyết bằng những giải pháp giống nhau. Vì vậy, sự điều phối khoa học, kịp thời, tận tâm của các tổ chức do chính quyền phân công như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, các đoàn thể là rất cần thiết. Bởi từ đó, sự trợ giúp mới được phân tích kỹ lưỡng và cá nhân hóa để thực sự có hiệu quả, thay vì trao một cách đại trà. 

 Tinh thần tương trợ và giúp đỡ đồng bào là điều rất quý báu, rất đáng trân trọng và cần thiết. Tuy nhiên, cứu trợ cũng cần phải đúng cách, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, các câu lạc bộ, hội nhóm thiện nguyện phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, thông tin, địa chỉ cụ thể trước khi quyết định đi cứu giúp, hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt. Bởi nếu không đầy đủ thông tin, không nắm rõ tình hình ngập lụt thì không an toàn cho chính các đoàn cứu trợ.

Tình người trong thiên tai vẫn đang sáng lấp lánh mọi miền quê. Nhưng sự sẻ chia làm sao cũng phải đúng cách, đúng đối tượng. Và hơn hết, rất cần sự thấu hiểu và chân thành, không chỉ vì mục đích cá nhân hay làm màu. Có như vậy, sự giúp đỡ mới thực sự mang lại giá trị, làm cho tình người trong hoạn nạn trở thành một nguồn sức mạnh giúp người dân vùng lũ lụt sớm vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Minh Khôi

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy