Đồi cỏ xanh
VNTN - Tôi đã quen với việc dậy muộn ở căn nhà mới. Khi ánh nắng mặt trời tìm thấy khoảng trống hình ô van được tay kiến trúc nào đó kẻ trên tường ốp đá, ôm lấy tấm kính trong suốt thì tôi mới mở mắt, duỗi hai chân thẳng đờ, vươn vai, rướn người kêu ư ử và ngáp lấy ngáp để. Mùi phở gà dưới tầng một bay lên cao, lách vào cánh mũi phập phồng, khua cái bụng trống rỗng sau một đêm dài đuổi bắt bóng ma. Bà chủ ngồi trên chiếc ghế sô-pha, giở cuốn sổ thu ngân kêu loạt soạt. Nước da trắng bệch nhưng đôi môi lúc nào cũng đỏ loen loét. Cặp chân dài ngoẵng bó hẹp trong đôi giày cao lênh khênh, mỗi bước đi gõ nhịp xuống sàn. Tiếng huýt sáo quen thuộc của ông chủ ở dưới cầu thang khiến tôi thích thú, nằm lim dim mắt, ve vẩy đuôi mừng, hai chiếc tai cụp xuống chờ bàn tay ông ve vuốt. Ông nói bà vợ như ra lệnh:
-Mẫn! Đưa anh cái lược và gọi thằng Ất bưng tô cơm thịt lên đây, nhớ bảo nó cắt thêm hai cái xúc xích, trộn đều!
Và thủ thỉ với tôi:
-Chắc mày đói lắm đây. Ngoan nhé, đợt này nhớ thi cho tốt, đừng để tao muối mặt trước mọi người, mày có bao nhiêu tài thì khoe ra, biết chưa? Giờ hãy nằm im, tao chải tóc cho đã nào!
Tôi ti hí mắt nhìn theo dáng bà chủ vội vàng thực hiện mệnh lệnh của chồng. Bà tôn kính ông chủ hết mực. Một mình vừa quán xuyến quán phở Hương Mới vừa dịch thuật tài liệu thuê. Đi tới đâu, trước mặt ai, bà cũng mang vẻ đài các, khó gần nhưng hễ chỉ có hai vợ chồng thì bà lập cập như đứa trẻ mới lớn sợ đòn. Thậm chí tôi nghĩ rằng, bà không thể ghen với tình yêu thương mà ông chủ dành cho tôi, cũng không thể xót ruột vì mỗi ngày ba suất ăn dành cho con chó nhỡ lại cầu kì đến vậy. Có lần, bà lỡ miệng nói trước mặt khách hàng: “Nó chỉ là con chó săn thôi mà” khi thấy ông chủ mua lắc bạc đeo vào cổ tôi, thì khi về nhà, bà bị ông cho ăn cái bạt tai, má tím mấy ngày mới khỏi. Ăn uống no nê. Tôi dần quên đi những bát cơm thừa canh cặn hồi còn ở ngôi nhà của mẹ Mun. Cô bé Thơm đã chăm chút cho hai mẹ con tôi bằng tình cảm chân thành. Mỗi tối, tôi nằm rúc đầu vào bụng mẹ Mun. Mẹ thầm thì: “Con sẽ không bao giờ bị đánh nếu con biết vâng lời. Đặc biệt, gia đình này chưa bao giờ ăn thịt chó. Công việc của chúng ta rất nhàn nhã. Buổi tối, con ngủ làm sao cố gắng dỏng đôi tai ra phía cổng, khi phát hiện con chuột đói ăn bò ngang bờ đá phủ dây leo là chân con đã kịp giẫm chặt cái đuôi nó. Khợp! Ban ngày, con theo ông chủ đi săn. Ông sẽ ám hiệu con bằng tiếng huýt sáo”. Tôi được nằm trong chiếc áo lông sém vạt, thi thoảng ngứa răng tôi thích chí nhay nhay những sợi vải quăn cứng ấy. Bát ăn cơm sạch sẽ, dù chỉ là chiếc âu nhựa cũ, đặt ở góc thềm nhà bếp.
Mới đầu, tôi buồn lắm, ư ử khóc và sủa nhách cả ngày. Ông chủ luôn nhử tôi bằng chiếc xương đùi gà thơm ngậy. Cô bé Thơm sẽ được học đàn bằng số tiền bán tôi cho ông chủ ở thị trấn. Dần dần, lời âu yếm có hiệu quả. Những ông chủ chơi thú cảnh ở bãi cỏ xanh bên Hồ Tôm hay nịnh hót, tâng nhau lên tận mây xanh. Họ thừa tiền, thừa thịt nên người ông nào ông nấy lúc lỉu mỡ, lưỡi ngắn lại khi tặc lưỡi rất khó nghe. Ông chủ của tôi gầy. Không phải cái dáng của bác thợ hồ pha nùi nắng khét, không phải kiểu anh chàng mới lớn ti toe làm dáng con nhà giàu, đồ gì khoác lên người ông cũng sang. Tôi chỉ không ưa cái xích vàng trên cổ ông, trông hao hao giống sợi xích lạnh ngắt bà chủ hay lôi ra dọa tôi mỗi lần tôi gầm ghè với con mèo Nhật. Chỉ khác là trên sợi dây ấy có treo một nanh vuốt mà tôi ngửi thấy mùi tanh móng của thú rừng.
Bạn bè tôi toàn tay ẻo lả, trừ Đúc. Đúc thuộc dòng săn Phú Quốc, mặt lúc nào cũng nghiêm nghị. Đúc lạnh nhạt mỗi khi tôi hít hà chào hỏi. Đôi tai chú ta luôn cụp xuống đề phòng. Câu chuyện đi săn trên đồi cỏ luôn nảy sinh tranh luận và hẹn hò có dịp tranh tài thắng thua.
Tôi sống bằng những ước mơ, một ngày nào đó rượt đuổi đàn chim trời, vờn cặp rắn hổ bạnh quai hàm không cho chúng tiến sâu đến căn nhà có giàn thiên lý ngoài cổng, được nằm dài trên bãi cỏ gặm khúc xương ngon lành sau khi đã đem chiến lợi phẩm về báo công với chủ. Niềm vui nho nhỏ ấy khiến tôi hăng say tập luyện trong sân thượng hi vọng sau này sẽ trở thành chú chó săn chuyên nghiệp. Nhưng ở cái phố huyện này, ngay cả nhu cầu tối thiểu của loài chó cũng vào khuôn khổ giờ giấc, nói gì đến tự do?
Tôi cũng hài lòng vì được ông chủ cho ngồi ô tô đi đó đây. Đặc ân ấy có được, nhờ việc tôi phát hiện ra tên trộm liều lĩnh leo lên ban công nhà bên cạnh. Tiếng sủa vang khu phố. Bà chủ trông thấy hắn kinh hãi ngất lịm. Ông chủ quật ngã được gã nghiện loẻo nghoẻo trước khi công an ập tới. Trong bước đường cùng, hắn tính lôi kim tiêm trong túi ra uy hiếp đòn chí mạng. Tôi lao đến cắn tới tấp vào tay gã và nhận ra rằng mình không có đồi cỏ xanh để săn mồi, nhưng bảo vệ khu phố này đêm đêm được bình yên là trách nhiệm vô cùng quan trọng.
***
Nhưng đôi khi tôi cảm thấy buồn. Ông chủ thuộc dạng bảnh trai, lại sẵn sấp tiền trong túi quần, thành thử các cô gái kể cả chưa chồng cũng lao về săn đón, gây sự chú ý. Họ thơm tho và quyến rũ khiến ông quên mất bà vợ già ở quê, cô Mẫn trẻ ở nhà. Họ biết cách moi tiền và đong đưa đôi mắt. Mỗi lần như thế, tôi nhận được cái lườm nguýt kéo dài, bị đánh oan bởi gót giày nhọn hoắt khi cố tình ngồi thu lu trên ghế trước, canh ông chủ. Mối quan hệ tay ba, tay tư lằng nhà lằng nhằng không như loài chúng tôi yêu ghét rõ ràng. Sau mỗi mùa sinh sản, các cặp chó gặp nhau chỉ chào hỏi sức khỏe rồi đi.
Một buổi sáng rất đẹp, gió mát rượi. Tôi hi vọng điều may mắn sẽ đến với mình cả ngày. Trên bãi cỏ, con Phốc nhảy tâng tâng cùng quả bóng biểu diễn trong tiếng hò reo tán thưởng của người xem. Ông chủ Đại bế nó vào lòng, hãnh diện với thành tích huấn luyện của mình. Tôi và Đúc thi bắt con chuột vừa được thả ra khỏi lồng. Đúc nhún chân nhảy vù đi trước, thoáng một cái đã bỏ xa tôi. Chàng ta đuổi kịp con chuột, thích chí vờn lấy vờn để. Tiếng sủa ồm ồm đầy bản lĩnh. Tôi đến bên. Hắn nheo mắt nhìn, nhếch mép cười và bỏ con chuột ướt nhẹp, run lẩy bẩy trước hơi tàn, xoay người giữ thế, nhe răng khiêu khích. Luồng máu nóng chạy dọc sống lưng, những chiếc lông sau gáy dựng đứng, tôi cảm thấy mình đã trưởng thành. Hắn chỉ bắt nạt được kẻ hèn yếu như con chuột kia thôi chứ đừng hòng đấu tay đôi với anh hùng bắt trộm này. Chỉ cần một tợp, bộ lông đen mượt của hắn ướt bệt và mạng sườn nung núc ấy có vết sẹo nhớ đời. Tôi đang đắc ý tưởng tượng ra cảnh mọi người xúm xít tung hô mình và ông chủ, thì Đúc đã lao đến, thúc vào bụng một mõm. Đau thì ít mà cay cú thì nhiều, chúng tôi lao vào nhau cắn xé oăng oẳng. Mọi người vội vã chạy đến. Ông chủ xông vào can. Có cô gái giọng the thé khó ưa: “Chó điên rồi! Anh đánh bỏ mẹ chúng nó đi”.
Ông chủ cố gắng ra hiệu cho tôi dừng ngay trò man rợ này lại nhưng mắt Đúc đỏ ngầu, hàm răng nhe trắng nhởn. Nó thách thức: “Mày muốn làm chó săn chuyên nghiệp ư? Thắng tao đã rồi hãy tính nhé!”. Tôi phải thắng được hắn. Hai đứa xoay như con cù trên bãi cỏ. Chợt một nhát cán ô vạng vào cổ Đúc. Hắn vội buông tha tôi và họng hắn phát ra tiếng kêu đắng ngắt “ẳng” rồi đâm dậm dụi bụi cỏ, cột đèn. Vụt! Cán ô phang trúng bắp chân tôi. Đau điếng vì bị đòn oan, nhanh như chớp, tôi lao đến cắn vào tay kẻ vừa đánh và loạng choạng lùi ra xa trước khi bệt mông xuống bãi cỏ. Cả đoàn người nhốn nháo xúm lại khi tiếng the thé đổi bằng giọng tru tréo, khóc mếu. Tôi đã cắn người! Một cô gái mặc đồ đỏ ngắn tũn. Tay đang chảy máu. Ông chủ nói lời xin lỗi cô ta và hứa sẽ bồi thường một khoản tiền kha khá lo viện phí, bồi dưỡng sức khỏe. Tôi cúp đuôi cà nhắc trèo lên ô tô khi ông vừa nổ máy. Cô ta đáng bị như vậy. Đúc có còn sống hay không? Cái chân của tôi đang sưng vù nhức nhối. Bà chủ ơi, làm ơn bôi thuốc nhè nhẹ, hãy cho tôi được nghỉ ngơi dài dài. Ông chủ vừa lái xe vừa gọi điện lo lắng:
-A lô, em có phải nằm viện không? - Điện thoại bật loa ngoài.
-Anh còn nghĩ đến em nữa sao? Nếu anh không xử lý con chó điên ấy thì em đến gặp Mẫn nói chuyện chúng ta đấy.
-Thôi, anh xin. Anh đền. Mẫn đâu có được vi vu đó đây như em đâu, tị làm gì? Tiêm phòng dại mệt một thời gian thôi, mọi tổn thất anh lo.
Tôi nằm bẹp trong cốp xe, toàn thân đau nhức, trống ngực đánh dồn vì lo lắng. Bộ răng của mình đáng sợ thế sao? Thức ăn ôi thiu hay xác con gà chết cũng làm mũi tôi nhức nhối và thầm ước bàn tay người chôn chúng ngay lập tức. Tôi chưa hề liếm láp một bạn chó khác giới nào để ve rận có dịp tấn công bộ lông và làn da nhạy cảm của mình, trong khi đó, ông chủ “chụm miệng” với các cô gái lại là sở thích hàng ngày. Tôi nghĩ đến Đúc. Hắn trúng đòn quả này rất đau. Nếu khỏe lại thì cả hai cần phân chia, đánh dấu lại lãnh thổ bãi cỏ ven Hồ Tôm, mặc kệ tiếng còi toen toét của ông bảo vệ có cái dùi cui lăm lăm trên tay.
***
-Làm cho tôi bát phở! Hôm nay, khỏi cho con Két ăn. Mẹ kiếp! Đồ súc vật!
Ông chủ gô cổ tôi thòng vào chiếc dây da nối liền sợi xích sắt. Cô Mẫn ngạc nhiên nhìn chồng trân trân. Khi ánh mắt hai người chạm nhau, cô khẽ hỏi:
-Anh gặp chuyện gì sao?
-Nó là đồ ăn hại. Cuối tháng đen thật. À, gọi ngay cho tôi số ông Hoàng cầy, bảo sai người sang bắt cái con chết tiệt này đi cho khuất mắt. Tôi sang nhà hàng của lão luôn.
-Anh đợi chút, phở sắp được rồi ạ. Để em dọn.
Ông vằn mắt lên, dí ngón tay vào trán cô Mẫn quát:
-Mày ngu nó vừa phải thôi nha! Tao đi ăn thịt chó giải đen. Mẹ kiếp!
Tôi bị lôi tuột lên chiếc lồng sắt hai tầng hôi hám của gã thu mua chó dạo. Chung số phận với tôi có bốn vị, già có, trẻ có. Họ mang một bộ mặt ủ rũ đón nhận ngày kết thúc kiếp làm đầy tớ cho chủ. Tôi đưa mắt nhìn đường phố ken kín người giờ tan tầm. Tôi thấy bác chó già có bộ lông vàng lốm đốm bạc, rỉ nước mắt ướt nhèm má:
-Cả cuộc đời trung thành hết mực với chủ. Con tim này hẳn có không ít buồn vui. Ngẫm tường giờ đây mắt mờ, răng yếu được chủ cho công việc nhàn hạ canh gác mấy gian chuồng lợn, góp chút hơi tàn sủa báo động cùng đàn chó tơ xích ở bốn phía, mỗi bữa bớt ít cám lợn nhai trệu trạo cho dạ dày khỏi teo. Lúc xuôi tay nhắm mắt, tôi nguyện đem thân xác bón bụi chuối ngự hoặc gốc cây vải giúp đất vườn thêm màu mỡ. Nào ngờ, ông chủ bán tôi cho tay lái buôn. Tay lái buôn nhượng lại ông thợ thịt ở chợ. Hắn không ưng vì ở quê thịt chó già chả ai mua bèn trả lại tay lái. Ở nhà hàng phố, thịt chó dai nhách đã có nồi áp xuất, xương xẩu cứng ngắc cũng mục.
Chúng tôi không buồn sủa nhặng lên rát cổ nữa. Cái chết đang ở rất gần. Tôi tiếc rằng nguyên nhân mình chết sớm thế này thật lãng xẹt.
Nhà hàng: Thịt chó Đồng Quê dậy mùi giềng mẻ, lá mơ, men rượu, thịt quay… Người nào cũng bóng bẩy, mặt mày hớn hở tay bắt miệng chào bè bạn. Tôi nằm bẹp ở góc cũi sau nhà bếp, nhìn họ qua những chấn song sắt. Kia rồi, ông chủ của tôi đánh xe đến. Ông chọn một bàn riêng cách chỗ tôi nằm không xa và chỉ mình tôi mới có thể nom rõ ông. Những gương mặt của Câu lạc bộ thú cảnh Hồ Tôm khá đầy đủ. Họ có vẻ đói. Có ông chép miệng an ủi ông chủ, nhưng khi quay đi liền nuốt nước bọt đánh ực xuống cổ. Những món đặc sản của nhà hàng được dọn lên nóng hổi. Tôi hình dung cảnh bác lông vàng ban nãy bị nhát dùi giáng vào đầu. Mấy tay thợ phụ kéo xác bác đến thềm bể, dội nước sôi, làm lông, lôi lòng và xiên que sắt thui vàng rộm. Ông chủ tôi dùng tay xé miếng thịt bỏ vào miệng nhai ngon lành, tay còn lại chọn miếng dồi ngon giơ lên và nhồm nhoàm ca: “Sống ở trên đời không ăn dồi chó. Chết xuống âm phủ không có mà ăn”. Cả hội cười ha hả, rượu rót tràn ly. Mấy ả chân dài ngả ngốn đút thịt vào miệng thượng khách và lấy bàn tay bóng nhẫy mỡ ấy vuốt lên sóng tóc sành điệu của mình vào nếp. Nước mắt tôi ứa ra. Chốc nữa thôi, mình cũng được bày lên bàn, đủ món thế kia. Ôi những đồng cỏ xanh bất tận, những cánh chim trời. Cả đời trung thành như ông chó vàng vẫn bị chết tức tưởi vậy. Ông ở làng quê, con người bảo ông ăn bẩn, dọn đầu ra cho người, chầu chực cả bên ngoài nhà tiêu vì sợ chủ nhân gặp nguy hiểm lúc yếu thế và không đề phòng ấy vậy họ vẫn ăn thịt ông ngon lành đấy thôi? Mình sạch sẽ thế này, ông chủ vẫn dồn mình đến đường cùng, bảo mình điên dại đấy thôi?
Cánh song bật mở, gã thợ thịt lăm lăm dùi trên tay. Hắn đảo mắt nhìn lướt qua sáu con chó, lướt qua tôi và dừng lại trước con chó ghẻ đang gãi trầy da cổ. Chỉ chờ có thế, tôi lừa lúc hắn rón rén tiến sát con mồi, phang đòn chí mạng liền lấy chân lách cánh song, dùng hết sức lực còn lại phi thẳng ra ngoài.
-Bắt lấy nó! Chó xổng rồi!
-Lũ ăn hại!
-Nó chưa chạy xa đâu, mau đuổi theo!
Hai gã bảo vệ chặn đầu vung gậy đánh nhưng đều trượt cả. Tên thợ cạo phi dao nhọn đánh sượt bên sườn tôi miếng da đau điếng. Máu chảy âm ấm. Không sao! Da loài chúng tôi tự liền. Tôi chạy qua các ngõ nhằm hướng quả đồi xa tít. Thị trấn lùi dần về đằng sau. Cái bụng lép kẹp khiến thân thể tôi nhẹ nhõm hơn và giá như bây giờ cái bánh xe quay tít kia ban cho cái chết kẹp giống con chuột còn hơn bị họ bắt trở lại. Tôi không ngờ mình thoát chết kì diệu như thế. Khi không thể nhấc nổi chân nữa, tôi chui vào bụi cây rậm rạp ven đường cái heo hút nằm im dưỡng sức. Đói. Nếu bây giờ có miếng thịt mắc lủng lẳng ở lưỡi câu của bọn cẩu tặc là tôi cũng tợp liền, đằng nào chả chết, nghĩ thế và tôi thiêm thiếp. Trong mắt mập mờ một vùng tối sáng.
Một vật gì lạnh ngắt chạm vào mặt làm tôi tỉnh lại. Khi nhận ra một chiếc mũi của đồng loại thì tiếng “gâu”, “gâu” xé tan không gian vắng vẻ. Tôi run lập cập. Một con chó đực cao lớn, tai dỏng lên trời, cặp chân huyền đề sáu ngón xòe như những cánh hoa, móng vuốt sạch sẽ và thơm mùi cơm nếp. Kẻ thù hay ân nhân đây? Chậc, đến nước này rồi mình cứ nằm im là thượng sách. Con muỗi ngửi thấy mùi tanh ở mạng sườn, nó châm vòi rít một hơi đau điếng. Miệng tôi tự nhiên rên ư ử. Anh ta ngửi khịt khịt lần nữa và hỏi:
-Em đói lắm phải không? Ham chơi nên bị đòn hẳn?
Tôi chớp mắt, khẽ gật đầu. Anh ta vẫy đuôi tỏ vẻ thân thiện bảo:
-Nằm yên ở đấy đợi nhé! Cựa quậy là chết đó.
Đoạn, anh ta nhìn quanh quất xem có mối nguy hiểm rình rập không rồi phóng miết trên con đường đá sỏi. Một lúc, anh ta quay lại, miệng ngậm miếng bánh chưng rán cắn dở đã nguội ngắt. Tôi chén ngon lành và cảm thấy thèm sống hơn bao giờ hết. Tôi kể mọi chuyện cho anh ta và run lẩy bẩy đứng dậy, rũ tung lá khô trên người. Hai con chó lang thang trong đêm trăng, bóng trải dài lên những hòn đá mấp mô. Anh ta tên Kun, đọc lệch từ “cún” mà thành. Qua con suối nhỏ, tôi men xuống uống nước thì được Kun liếm vết thương bên mạng sườn dính đầy đất và xác cỏ.
-Anh sẽ thuyết phục ông chủ cho em ở lại cùng anh trông vườn rừng. Nơi đó an toàn lắm.
Chúng tôi đi dưới tán thông dẫn lên đồi và dừng lại trước căn nhà ken ván gỗ. Trời sáng bạch nền sân. Tiếng bẫy sắt lạnh toát nảy lên trên tay người đàn ông đã luống tuổi khiến tôi khiếp sợ, vội co chân thủ thế. Kun nhảy lên hôn hít cô bé con đang cười nắc nẻ và quay sang sủa ầm ĩ, đuôi ngoáy tít, cụp tai xuống rồi phủ phục hai chân trước đôi ủng vá dính đầy đất đỏ. Ông chủ cười khà khà:
-Mày nhặt bạn về cho tao hả? Chà chà, xem đã nào! Chậc, chậc! Lại đây, ngoan…
Ông chìa tay về phía tôi. Tôi cụp đuôi đứng ỳ một chỗ, hết nhìn ông, nhìn Kun lại nhìn ra con đường vắng hồi nãy vừa đi. Kun hiểu ý đến bên, dùng lưỡi liếm láp bộ lông rối bù của tôi, khẽ rỉ vào tai:
-Em hãy ngoan ngoãn để được ở lại đây. Anh sẽ dạy cho em biết săn trên đồi cỏ. Cái bẫy ông chủ đang cầm trên tay chỉ để bắt vài con chuột cống cải thiện thôi. Dù ông ngụy trang dưới đất bằng lá mục, em cũng phát hiện dễ dàng à.
Nhắc tới việc đi săn trên đồi cỏ, mắt tôi sáng lên, rưng rưng, đuôi sẽ phe phẩy, trống ngực đập rộn ràng.
Ông chủ lại gần, lấy tay vuốt đầu, xoa dọc sống lưng tôi và cười khà khà:
-Mày khá đấy nhưng bị ai đánh đau thế này? Ráng ăn để tao theo dõi mấy hôm đã, chủ mày đến đòi tao cũng không giữ đâu nhưng giờ mà đuổi mày đi thì chết bờ chết bụi làm mồi cho quạ, phí. Gầy quá, con ạ. Đợi tí, tao cho ăn tạm tô cơm nguội nhá.
Tôi đón nhận đặc ân của con người thêm một lần nữa. Cơm cháy trộn canh rau thả dúm muối trắng, hai con vật ăn ngon lành. Bà chủ đi chợ bán chuối đều như vắt chanh. Cô cậu chủ một buổi học bài, một buổi lùa bò lên núi, thỉnh thoảng Kun theo cùng họ. Ngày nào, ông chủ cũng đi vòng quanh đồi thông, vườn cây ăn quả xem xét. Đàn gà líu ríu chạy đằng sau. “Huýt”! Ông đưa hai ngón tay lên miệng. Kun đang nằm duỗi cẳng trên sân âu yếm ngắm tôi ngồi rình đớp con ong mật vo ve định đốt liền phóng vút xuống khe, tôi chạy theo. Con rắn hổ mang bạnh cổ vờn mổ đàn gà con của các mái mơ. Sau một trận đánh, nó phải cuộn tròn trên tay ông chủ rừng, cái lưỡi dài phun phì phì nọc độc. Tôi và Kun thắng cuộc. Bà chủ mua hẳn cái chân giò lợn ninh đu đủ xanh. Kun tha những chiếc xương thơm lừng lên bãi cỏ may ở đỉnh đồi và hẹn hò tôi lên đó nô đùa, sủa vang cho đàn chuột dọn nhà đi nơi khác. Khi mệt nhoài, chúng tôi nằm dài trên bãi cỏ thưởng thức món quà ông chủ ban thưởng chiến công.
Thấm thoắt, những lứa con của tôi và Kun lần lượt xa bố mẹ, đi khắp mọi nơi. Số phận chúng có như mẹ nó hay không nào ai biết được! Tôi chỉ mong cái chết đến với loài chó thật nhẹ nhàng, đêm dài trông trộm không đáng sợ bằng trái tim nhỏ bé bị tổn thương. Chiến công của chúng tôi không thể nhớ hết được. Kun đã già, sợi bạc xuất hiện nhiều hơn giữa bộ lông mượt. Tôi thay anh ấy theo ông chủ đi săn, bảo vệ khu rừng ấm áp. Kun ở nhà trông nhà, báo động mỗi khi có khách. Lần nào trở về, anh đều đón tôi ở cổng, đầu con đường dẫn lên bãi cỏ may còn đọng sương mai.
Hoàng Thị Hiền
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...