Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
14:57 (GMT +7)

Định vị kinh tế Thái Nguyên 2019

VNTN - Năm vừa qua là năm đánh dấu sự khởi sắc cả về chỉ số và thứ hạng của kinh tế Thái Nguyên. Đó là thực tế mà giới chuyên môn đã phân tích, làm rõ. Bước sang năm 2019 - một năm mà kinh tế thế giới được nhận định là có nhiều biến động khó lường - liệu chúng ta còn giữ được vị trí và thứ hạng cao trong khu vực và cả nước? Hãy thử nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh nội lực và những yếu tố tăng thêm từ các thành phần kinh tế. 

1. Do có định hướng phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại nên khi nói về kinh tế Thái Nguyên, điều quan trọng đầu tiên không gì khác ngoài giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN). Đó là điều dễ hiểu bởi trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, công nghiệp - xây dựng luôn có xu thế tăng theo từng năm và hiện đã chiếm tới 57, 2%. Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, năm 2018 giá trị SXCN của tỉnh đạt con số tuyệt đối là 670,1 nghìn tỷ đồng, tăng tới 13,4% so với năm trước và vượt 3,8% kế hoạch đề ra. Nếu so sánh với các tỉnh trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc, chúng ta đang đứng thứ nhất, với vùng Thủ đô Hà Nội chúng ta đứng thứ hai và với cả nước thì đứng thứ tư. Có thể nói, chưa khi nào giá trị SXCN của Thái Nguyên lại có thứ hạng cao như vậy. Theo ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, năm 2018 tiếp tục là năm khu vực công nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định và đóng góp trên 90% tổng giá trị cả tỉnh dù sức ép cạnh tranh trên thị trường là rất lớn.

 

Năm 2018, dệt may là nhóm ngành đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp địa phương cũng như xuất khẩu của tỉnh. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. Ảnh: Quang Khải

Cũng bởi công nghiệp FDI tăng trưởng chủ đạo nên giá trị xuất khẩu của tỉnh năm qua đã đạt con số kỷ lục. Lần đầu tiên chúng ta có kim ngạch xuất khẩu lên tới hơn 25 tỷ USD, tăng trưởng trên 10% so với năm trước và xếp thứ 4/63 tỉnh, thành trong cả nước. Samsung và một số doanh nghiệp FDI khác chính là những cái tên đóng góp nhiều nhất. Tuy giảm sản lượng so với năm trước, nhưng năm 2018, Samsung Thái Nguyên vẫn đạt tới 92,8 triệu sản phẩm điện thoại thông minh, 20,2 triệu sản phẩm máy tính bảng, vượt chỉ tiêu cả về sản xuất và xuất khẩu.

Dù chỉ chiếm tỷ trọng 10,9% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhưng năm qua chúng ta cũng chứng kiến những đóng góp đáng kể của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tuy diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp nhưng sản lượng lương thực vẫn tăng đều theo từng năm. Điều đó cho thấy tính hiệu quả trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào canh tác. Năm qua, chúng ta vẫn đạt trên 466 nghìn tấn lương thực, tăng gần 8 nghìn tấn so với năm trước…

Chính nhờ sự chuyển động mạnh mẽ ở từng khu vực mà chỉ số tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã đạt mức 10,44%, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 13,2%, đứng thứ hai khu vực trung du và miền núi phía Bắc và đứng thứ tư trong vùng Thủ đô Hà Nội. Như vậy, xét cả 3 năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 13,15%, hoàn thành mục tiêu nghị quyết Tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX đề ra.

Kinh tế tăng trưởng có sự chung lưng đấu cật của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các thành phần kinh tế. Môi trường đầu tư ngày một cải thiện, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng như chất lượng điều hành của chính quyền khởi sắc là điều kiện thuận lợi để gia tăng các dự án đầu tư vào tỉnh. Năm vừa qua cũng là quãng thời gian mà nhiều dự án tên tuổi đăng ký đầu tư vào Thái Nguyên, điểm nhấn là sự xuất hiện của 43 doanh nghiệp đầu tư 62 dự án với tổng vốn 113 nghìn tỷ đồng sau khi tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh.

2. Với tâm thế của một tỉnh thuận lợi về thu hút đầu tư, kinh tế đang trên đà phát triển, nên năm 2019 tỉnh rất kỳ vọng sẽ đạt được những mục tiêu cao nhất có thể. Đó là, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu góp phần tăng thu ngân sách, tiến tới tự cân đối thu, chi, trước năm 2020 không lệ thuộc vào nguồn cấp bù của trung ương.

Trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, việc đặt mục tiêu tăng 11% giá trị SXCN năm 2019 là khá cao. Xét về phần trăm tăng trưởng so với năm 2018 là thấp hơn, nhưng tính trên bình diện giá trị tuyệt đối lại cao hơn nhiều. Bởi lẽ, khi đã đạt giá trị SXCN tuyệt đối ở mức trăm nghìn tỷ đồng thì việc tăng trưởng dù chỉ từ 1% đến 2% là không hề đơn giản. Cơ sở để tỉnh đặt mục đạt cao như vậy xuất phát từ hai khu vực sản xuất chính là khu vực vốn FDI, trong đó có các dây chuyền sản xuất, lắp ráp điện tử của Tập đoàn Samsung và khu vực trong nước với Nhà máy Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo của Tập đoàn Massan và hệ thống dây chuyền may mặc của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.

Hiện nay, dù Samsung đã đạt ngưỡng về công suất, nhiều khả năng thụt giảm sản lượng, nhưng giá trị vẫn vượt theo từng năm. Mấy năm nay, DN này thường thay đổi cơ cấu sản phẩm, chuyển từ sản xuất các sản phẩm giá rẻ (khoảng 3 triệu đồng/sản phẩm) sang nhóm sản phẩm hạng trung và hạng sang, giá cao (từ 6 triệu đồng/sản phẩm trở lên). Còn với Núi Pháo và TNG, thị trường vonfram cũng như hàng may mặc đang rất tốt, hệ thống sản xuất của hai DN này vận hành ổn định, năm 2019 khả năng tăng trưởng cao.

Trả lời câu hỏi, ngoài khu vực FDI, các dòng sản phẩm thế mạnh của tỉnh như sắt thép, xi măng… sẽ đóng góp thế nào, các nhà làm kế hoạch khẳng định: Cả hai lĩnh vực này đều đang có xu hướng chững lại. Vì thực tế, chúng đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ thị trường trong nước và nước ngoài. Từ khi nhà máy sản xuất thép của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh chính thức vận hành và cho ra sản phẩm với sản lượng dự kiến đạt tới 5 triệu tấn/năm thì không chỉ thép TISCO Thái Nguyên mà ngay cả thép Hòa Phát cũng bị tác động, tiêu thụ sụt giảm. Còn với xi măng, thị trường hiện đã bão hòa vì có rất nhiều nhà máy xi măng ở khu vực phía Bắc mọc lên, cung vượt quá cầu.

Điều đó cho thấy, kinh tế Thái Nguyên vẫn đang phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó đứng đầu là Samsung. Câu hỏi đặt ra là liệu có rủi ro nào của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu làm ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu kinh tế của Thái Nguyên? Theo nhận định của người đứng đầu Sở Công thương, ông Nguyễn Ngô Quyết thì thị trường thế giới năm 2019 nhiều khả năng sẽ diễn biến phức tạp, khó lường hơn năm vừa qua. Cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn đã và đang diễn ra gay gắt. Việc Mỹ - Trung có những cạnh tranh, xung đột trên thị trường sẽ vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với Samsung. Nếu chỉ bằng các sản phẩm điện tử giá rẻ, Samsung sẽ không thể cạnh tranh được với các DN Trung Quốc, nên khi quan hệ thương mại hai nước có vấn đề, sản phẩm điện tử giá rẻ Trung Quốc sẽ tràn sang các thị trường không bị ảnh hưởng của Mỹ. Do vậy, cơ cấu sản phẩm của Samsung thay đổi sẽ giúp giảm rủi ro trên thị trường xuất khẩu. Mặt khác, nếu Samsung biết tận dụng cơ hội này để thâm nhập thị trường thân Mỹ thì cũng sẽ rất thuận lợi.

Với khu vực kinh tế trong nước, năm 2019 một số ngành sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định. Với việc tiếp quản 100% vốn từ doanh nghiệp nước ngoài là Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C.Starck, Núi Pháo Mining của Tập đoàn Massan chính thức đóng góp vào giá trị xuất khẩu khu vực nội địa hàng trăm triệu USD mỗi năm. Các doanh nghiệp may mặc, nhiệt điện, khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng… cũng sẽ có yếu tố tăng thêm do mở rộng quy mô đầu tư, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.

Từ những nhận định trên, Thái Nguyên phấn đấu năm 2019 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 9%, giá trị SXCN tăng 11%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, thu ngân sách đạt trên 15 nghìn tỷ đồng… Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh sẽ tăng từ 77,7 triệu đồng/người/năm lên 83 triệu đồng/người/năm. Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế chủ yếu của tỉnh như đã đề ra năm 2019 là trong tầm tay. Khả năng cao chúng ta vẫn giữ được vị trí tốp trên của khu vực trung du và miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước.

Minh Quân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy