Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
07:18 (GMT +7)

Đình Thanh Thù - nơi hội tụ, lan tỏa giá trị văn hóa ngàn xưa

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, làng xã giữ vị trí quan trọng khẳng định chủ quyền quốc gia, nơi phát tiết nguyên khí, phát triển mọi tiềm lực làm nên thế nước. Lịch sử tạo lập nên nguyên lý bất biến: Có làng mới có nước, bản sắc văn hóa dân tộc hình thành nên từ mỗi làng quê.

Những năm gần đây, không gian nhiều làng xã thu hẹp dần nhường chỗ cho các khu công nghiệp và đô thị mới, cư dân làng có nhiều biến động. Hình bóng làng xưa vẫn neo lại ngôi đình với những giá trị trường tồn về bản sắc và tinh thần Việt. Một trong những miền quê như thế là đình Thanh Thù, tọa lạc tại làng Thanh Thù, xưa thuộc tổng Tiểu Lễ (nay là xóm Thanh Xuân, phường Đồng Tiến, thành phố Phổ Yên.

Quang cảnh đình Thanh Thù
Quang cảnh đình Thanh Thù

Vẻ đẹp ngôi đình cổ

Theo các bậc cao niên, đình được xây dựng cùng với quá trình lập làng Thanh Thù. Năm Cảnh Hưng thứ 41, đình được dân làng góp công của tôn tạo làm trụ sở của Hội đồng kỳ mục của làng (hay còn gọi là Hội đồng hương chính) - nơi thờ cúng, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Tại đình, lý trưởng và các quan viên bàn bạc, đưa ra những quyết sách, giải quyết “việc làng” như bổ bán binh dịch, phân chia ruộng đất, tranh chấp, kiện cáo, sưu thuế, phạt vạ, ăn khao, tổ chức hội làng.

Vào các dịp lễ, Tết, dân làng tới đình làm lễ tạ ơn công đức tổ tiên, cầu quốc thái dân an, nước non thái bình thịnh trị, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đình là nơi tiến hành các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của làng.

Trải qua thăng trầm của lịch sử và biến cố thời gian, hiện nay đình vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính có giá trị về nghệ thuật kiến trúc thời nhà Lê thế kỉ XVIII. Kiến trúc của đình tuy giản đơn, nhưng tinh xảo trong từng bức chạm khắc long, ly, quy, phượng và các nét chữ câu đối.

Đình xây dựng theo lối nhà kẻ truyền ba gian. Gian giữa thông với hai gian hai bên và thông với đình hậu. Vách tường điêu khắc nổi hình ngựa và các vị thần hộ vệ thể hiện một sức mạnh thần bí của tâm linh.

Trên mái đình có lưỡng long chầu nguyệt, hai góc mái là hình hai đầu rồng được cách điệu mềm mại. Bốn góc mái là hình rồng lượn, uốn cong uyển chuyển nâng mái đình, giữa hai đường mái trước là hình hai con nghê và lân. Hai bên tả hữu có nhà tảo mạc.

Trước sân đình là cổng lớn, cột trụ khắc câu đối. Đặc biệt đình còn lưu giữ được hai tấm bia đá cổ. Một bức lưu lại di chúc của Lý trưởng (Lý Sinh). Vợ chồng ông không có con cái, khi qua đời ông hiến toàn bộ gia sản và mấy mẫu đất làm công quả cho đình. Bức kia ghi thần tích của miền đất vùng Tiểu Lễ.

Một góc mái đình còn nguyên trạng kiến trúc cổ xưa
Một góc mái đình còn nguyên trạng kiến trúc cổ xưa

Trong đình, gian giữa thờ Cao Sơn, Quý Minh, Phụ mẫu và Đức Thánh Tam Giang. Gian phải thờ Tiến sĩ Nguyễn Cấu. Gian trái thờ Thổ địa Long Vương. Đặc biệt, đình Thanh Thù, quê hương của Tiến sĩ Nguyễn Cấu vẫn lưu một số bản thư mục thần tích, thần sắc, bài vị, câu đối, hoành phi về ông. Thời Lê trung hưng và thời nhà Nguyễn đều có sắc phong cho làng Thanh Thù thờ Tiến sĩ Nguyễn Cấu làm Thành hoàng.

Ban thờ chính đình Thanh Thù
Ban thờ chính đình Thanh Thù

Mỗi năm đình Thanh Thù xưa tổ chức lễ ba lần: Lần thứ nhất khai xuân vào ngày mùng 4 và 5 tháng giêng. Sau lễ cúng tế ngày mùng 3 Tết “mở cửa đình”, dân làng đến thắp hương cầu phúc, cầu tài, cầu lộc, cầu mong mưa thuận gió hòa. Phần hội được tổ chức trọng thể với nhiều trò chơi dân gian, hát chèo, hát quan họ. Sáng mùng 6 rước các lễ vật “xôi, gà, chuối, oản” về đền Giá để làm lễ Phù Đổng Thiên Vương.

Lần thứ hai vào mùa hè, tổ chức vào 9/4 âm lịch, dân làng làm lễ cúng tế thần linh cầu mong được mùa, rước kiệu đi giao lưu với làng khác như đình Thanh Quang, đình Phúc Duyên, đình Từ Thù và tham gia các trò chơi đánh cờ, đấu vật, chọi gà, hát dân ca.

Lần thứ ba là lễ Thượng điền tổng kết vụ mùa vào 9/10 âm lịch. Dân làng làm lễ cúng tế Thành hoàng, Thần nông và các vị có công với nước thờ tại đình.

Từ đình Thanh Thù đi về hướng Đông Nam khoảng 500m vẫn còn bảo tồn được một giếng cổ có đường kính 2m, sâu 7m xây bằng đá ong. Dân làng kể lại rằng nước giếng ở đây không bao giờ cạn.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, Đình là nơi dừng chân của các sư đoàn 304, 312, nơi sơ tán của Ban Chỉ huy Quân sự huyện và trường học… 

Năm 2015, đình Thanh Thù đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh và hiện đang xúc tiến triển khai dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo.

Hướng dẫn chúng tôi tìm hiểu về lịch sử văn hóa và nghệ thuật kiến trúc của đình làng Thanh Thù, ông Nguyễn Văn Lại, 71 tuổi, chủ nhang của đình cho biết: Làng Thanh Thù xưa có 6 xóm: Tân Hoa, Thanh Trung, Hoàng Vân, Tân Thành, Hoàng Thanh và Vườn Rẫy (nay Vườn Rẫy sáp nhập vào Tân Hoa thành Thanh Trung, còn các xóm được gọi là tổ dân phố). Đình Thanh Thù có từ rất lâu đời, có thể lên đến cả ngàn năm từ khi khai khẩn lập ấp, lập làng. Các cụ truyền lại rằng ngôi đình này tu bổ tôn tạo tại vị trí hiện tại là 378 năm. Thời kháng chiến chống Pháp, giặc Pháp cho máy bay ném bom, càn quét đốt phá, cả làng bị cháy rụi, nhiều sắc phong do trưởng làng giữ bị cháy. May mắn đình làng không bị phá hủy và giữ được nét cổ xưa cùng nhiều di vật như nghi tượng, long đao, giáo mác để rước thần khi lễ hội. Những nét đẹp trong phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian vẫn được lưu truyền, bảo tồn, phục dựng giáo dục truyền thống cho con cháu.

Ông Nguyễn Văn Thanh, cháu đời thứ 11 Tiến sĩ Nguyễn Cấu lễ tạ cụ
Ông Nguyễn Văn Thanh, cháu đời thứ 11 Tiến sĩ Nguyễn Cấu lễ tạ cụ

Uy linh những thần tích thể hiện hào khí dân tộc Việt

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thanh, cháu đời thứ 11 của Tiến sĩ Nguyễn Cấu không giấu nổi xúc động: Cụ Nguyễn Cấu là người của dòng họ Nguyễn Đình. Chúng tôi đã đi nhiều nơi để tìm hiểu và được biết ngoài quê hương Thanh Thù, cụ còn được nhiều nơi thờ phụng, trong đó có Côn Sơn - Kiếp Bạc. Cụ là vị đại khoa tiết nghĩa, được 6 đời vua tin dùng. Khi bị sát hại, phó tướng của cụ và thuộc hạ thân tín đã lấy thủ cấp mang về quê giao cho người nhà mai táng. Tương truyền đêm ấy thủ cấp của cụ được đặt dưới một gốc cây to tại cánh đồng ở ngoài làng. Người nhà và cận vệ canh gác hương khói chuẩn bị hôm sau mai táng. Bình minh lên, mọi người thấy hiện tượng lạ: thủ cấp của cụ đã bị mối phủ thành đống. Người nhà của cụ đã để nguyên chỗ cũ, nay là cánh đồng Nghè…

Nghè Tiến sĩ Nguyễn Cấu
Nghè Tiến sĩ Nguyễn Cấu

Theo gia phả dòng họ Nguyễn Đình ở Thanh Thù, Tiến sĩ Nguyễn Cấu sinh năm 1442 tại làng, tên ông là Nguyễn Đình Cấu, tên tự là Phúc Trung. Năm 21 tuổi, tức năm Quý Mùi (1463), Nguyễn Đình Cấu đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Sau khi vinh quy bái tổ, vua Lê Thánh Tông ban tặng ông danh Nguyễn Cấu và được bổ nhiệm làm quan. Tiến sĩ Nguyễn Cấu là một trong số những quan văn có tài năng được chuyển hàng quan võ. Ông chủ yếu giữ trọng trách chỉ huy quân thị vệ, túc vệ trong cung cấm trên con đường võ nghiệp dài gần 60 năm và qua 6 đời vua Lê: Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông.

Vào thập niên thứ 2 của thế kỷ 16, nhà Lê bắt đầu suy yếu. Năm 1522 Mạc Đăng Dung cướp ngôi, vua Lê Chiêu Tông phải rời kinh đô về vùng Minh Nghĩa, Sơn Tây (Hà Nội ngày nay) để lánh nạn. Lúc bấy giờ, đã ở tuổi 81 nhưng vì có nhiều công trạng nên Nguyễn Cấu được giao nhiệm vụ bảo vệ cung cấm và khu vực kinh thành. Ngày 27/7/1522 quân của Mạc Đăng Dung tiến vào kinh thành và sát hại những người trung thành với vua Lê, trong đó có Chỉ huy sứ Thị vệ Nguyễn Cấu.

Tấm bia ghi công trạng Tiến Sĩ Nguyễn Cấu
Tấm bia ghi công trạng Tiến Sĩ Nguyễn Cấu

Khi nhà Lê trung hưng khôi phục lại ngôi báu, vua đã sắc phong cho Nguyễn Cấu là “Lê triều Khâm sai đại thần - Chỉ huy sứ - Thị vệ Long quân cẩm hầu - Chánh Đô đốc - Đức Bác quận công - Thượng đẳng thần”. Thời Lê trung hưng và thời nhà Nguyễn đều có sắc phong cho làng Thanh Thù thờ Tiến sĩ Nguyễn Cấu làm Thành hoàng.

Đến nay, trên diện tích đất rộng hơn 1.000m2, cháu con dòng họ Nguyễn, nhân dân thập phương và chính quyền sở tại đã đóng góp, xây dựng nên một ngôi nhà thờ ba gian, mái ngói bên phần mộ của Nguyễn Cấu. Mộ của ông có hình vuông với chiều dài các cạnh là 1,5m, cao 1,5m, phía trên mộ có một ngôi miếu nhỏ mái uốn vòm. Dân làng gọi chung khu nhà thờ và phần mộ là Nghè Tiến sĩ Nguyễn Cấu. Hằng năm, cứ đến ngày ông mất 27 tháng 7 (âm lịch), con cháu của Nguyễn Cấu lại tổ chức làm lễ cúng giỗ ông. Năm 2006, sau khi UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận đây là một di tích lịch sử, cơ quan chức năng đã xây dựng, đặt tấm bia đá, trên đó khắc chữ vàng, ghi tóm tắt tiểu sử danh nhân - Tiến sĩ Nguyễn Cấu.

Phần mộ an táng thủ cấp Tiến sĩ Nguyễn Cấu
Phần mộ an táng thủ cấp Tiến sĩ Nguyễn Cấu

Ngoài thờ tiến sĩ Nguyễn Cấu, đình Thanh Thù còn thờ Cao Sơn, Quý Minh, Phụ mẫu và Đức Thánh Tam Giang…

Cao Sơn, Quý Minh theo thần tích được tìm thấy tại xã Khôi kỳ, huyện Đại Từ thì đó là hai vị tướng có tài thao lược, văn võ song toàn, có công lớn giúp vua Hùng đời thứ 17 chiến đấu chống quân xâm lược nhà Thục.

Đức Thánh Tam Giang (Thánh Tam Giang là danh xưng gọi chung của năm anh em họ Trương) là Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và Trương Đạm Nương. Trong các bản thần tích hiện lưu giữ tại một số di tích, Thánh Tam Giang chủ yếu gắn với công trạng của Trương Hống và Trương Hát, hai vị tướng được nhắc tới nhiều nhất dưới thời vua Triệu Quang Phục. Công trạng các nhân vật khác (Trương Lừng, Trương Lẫy, Trương Đạm Nương) nguồn sử liệu đang tiếp tục được tìm kiếm. Tên gọi Tam Giang xuất phát từ tên gọi mà các triều đại Phong kiến Việt Nam phong cho Trương Hống, Trương Hát: Tam Giang thượng đẳng Thần. “Tam Giang” còn bắt nguồn từ đặc điểm nơi thờ thường ở ngã ba các con sông. Hai anh em ngài được đánh giá, đều là bậc tướng, chí dũng song toàn, “sinh vi dũng tướng, tử vi linh thần”).

Nghi lễ dân làng Thanh Thù vào dịp hội xuân hàng năm dâng lễ vật đền Giá cũng mang giá trị nhân văn sâu sắc. Đền Giá xưa thuộc làng Cẩm La, tổng Tiểu lễ (nay thuộc xã Đông Cao). Đền Giá thờ Phù Đổng Thiên Vương, vị anh hùng có công đánh đuổi giặc Ân và Mạnh Điền Quốc vương, một người dân yêu nước ở địa phương đã có công đánh đuổi giặc cứu nước từ thời Vua Hùng thứ VI.

Tương truyền khi Thánh Gióng đuổi đánh giặc Ân đến địa phận Tiểu Lễ, trời tối, rừng cây lại rậm rạp, quân sĩ đã thấm mệt. Một người dân địa phương hay tin đã đem lương thực nhà mình và vận động người dân cùng nhau giúp đội quân của Thánh Gióng. Ông còn vận động trai tráng trong vùng theo Thánh Gióng lên đường đánh giặc Ân cứu nước. Khi đất nước sạch bóng quân thù, nhà vua đã phong Thánh Gióng là Phù Đổng Thiên Vương, phong người dân ấy là Mạnh Điền Quốc vương và sắc phong cho dân làng lập đền thờ hai vị anh hùng.

Hằng năm, lễ hội chính của đền Giá xưa được tổ chức vào ngày mùng 5 và mùng 6 tháng Giêng, người dân có tục rước cành “dò” làm bằng tre tươi, bào mỏng thành tua, nhuộm màu đỏ, vàng tượng trưng cho "roi sắt” của Thánh Gióng, sau đó là rước các lễ vật từ các làng xã từng cùng chung sức cùng Mạnh Điền Vương giúp Thánh Gióng đánh giặc đến làm lễ tại đền bày tỏ tri ân công đức tiền nhân và lòng trung quân ái quốc. Đình Thanh Thù theo tục lệ ấy cả ngàn năm.

Đình Thanh Thù là nơi thờ tự, sinh hoạt tín ngưỡng dân gian tồn tại từ rất lâu đời. Các nghi thức tế lễ và hội đình là phương tiện giao lưu tình cảm, gắn bó cộng đồng. Nếp văn hóa dân gian này là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại để thế hệ hôm nay tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, hun đúc tinh thần yêu nước, ra sức cống hiến sức lực, trí tuệ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Bảo tồn, tôn tạo và lan tỏa giá trị văn hóa từ ngàn xưa chính là góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phan Thái

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy