
Góc biếm họa số 8 (2025)

1. Khái quát bối cảnh kinh tế xã hội
Năm 1975, Việt Nam thống nhất, mỹ thuật cả nước bắt đầu hòa nhập vào một dòng chảy chung, tạo ra một bức tranh toàn cảnh về Mỹ thuật Việt Nam (MTVN) hiện đại, khá đa dạng. Bên cạnh đó, vị thế nước Việt Nam mới đã khác, do đó, cuộc tiếp xúc văn hóa tự nguyện và cởi mở giữa Việt Nam với thế giới bên ngoài thay đổi nhiều về ranh giới và tính chất, quy mô. Cả nước đoàn tụ, văn học nghệ thuật phát triển với sự tham gia của nghệ sĩ cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Đường lối sáng tác nghệ thuật chính trong nhiều năm là phương pháp hiện thực XHCN, trở thành dòng chủ lưu ảnh hưởng từ miền Bắc vào miền Nam. Tuy nhiên, do giao lưu cá nhân, dù có hạn chế về mức độ nhưng những ảnh hưởng quan niệm, khuynh hướng, kỹ thuật của nghệ thuật hiện đại phương Tây cũng tác động ngược từ miền Nam ra miền Bắc.
Thành tựu đặc biệt của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ đã làm nền kinh tế thế giới những năm 1980 tăng trưởng nhanh chóng. Giao lưu VHNT hai miền Nam - Bắc, giao lưu quốc tế và các nguồn thông tin nhiều chiều trên thế giới bước đầu mở ra những ảnh hưởng, làm cho cách nhìn nghệ thuật và cách hiểu chức năng nghệ thuật rộng rãi hơn, cởi mở hơn. Sáng tạo vẫn theo lối của các giai đoạn trước nhưng xuất hiện những đòi hỏi đổi mới, nghệ thuật có thêm nhiều sắc thái biểu hiện đa dạng, tìm kiếm sự tự do lựa chọn đề tài, sự phát triển, thể nghiệm ngôn ngữ nghệ thuật.
Tiếp nối cách thức hoạt động mỹ thuật đã được định hình, giai đoạn 1975 - 1985, MTVN có sự tham gia của nghệ sĩ cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Say sưa với chiến thắng cùng lòng tự hào dân tộc sẵn có, các nghệ sĩ hào hứng vẽ khá nhiều tác phẩm mang tinh thần công dân và niềm tin vào tương lai. Chủ đề theo định hướng hiện thực XHCN vẫn tiếp tục duy trì và được coi trọng hàng đầu tại các triển lãm. Ý thức công dân của nghệ sĩ được nâng lên với mong muốn có những tác phẩm giàu tính sử thi - hoành tráng để ngợi ca, thể hiện cho được thành quả hào hùng của quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, mở ra bước phát triển đa dạng, phong phú hơn về phong cách, hiện đại hóa bút pháp nghệ thuật.
Giai đoạn Mỹ thuật 1975 - 1985 trước đổi mới là giai đoạn bản lề quan trọng, cho đến hôm nay, việc MTVN hiện đại đã tự xé bỏ những rào cản, đổi mới hoạt động, gia nhập một cách đàng hoàng, tự tin, có bản sắc vào làng mỹ thuật thế giới cũng một phần nhờ vào những tiền đề hoạt động đã đặt ra trong thời kỳ này. Những yêu cầu, nội dung đề tài mới được mở rộng trong cách nhìn cởi mở, sẽ tạo tiền đề đổi mới Mỹ thuật sau 1986.
Nhìn chung, sau năm 1954, ở miền Bắc đã hình thành một nền mỹ thuật cách mạng hoàn chỉnh với đầy đủ các thiết chế, trường đại học, Hội Mỹ thuật Việt Nam, viện bảo tàng, viện nghiên cứu, tạp chí chuyên ngành cùng hệ thống mỹ thuật phong trào rộng khắp, tạo nền tảng quy tụ hầu hết các tác giả chuyên và không chuyên tham gia hoạt động mỹ thuật. Sau khi thống nhất đất nước, chính nhờ nền tảng mỹ thuật với đội ngũ họa sĩ nhiệt tình và đông đảo này, kết hợp với các họa sĩ được đào tạo từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế và Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn,… MTVN nói chung và hội họa nói riêng đã có được những thành tựu: Phát triển đầy đủ các loại hình, thể loại, chất liệu hội họa sơn mài đạt được thành công vượt trội. Sự mở rộng đề tài và xây dựng thành công hệ thống hình tượng nghệ thuật là kết quả sáng tạo của nhiều thế hệ các họa sĩ. Trong đó, nhiều người được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về VHNT.
Văn học nghệ thuật, trong đó đặc biệt là mỹ thuật, âm nhạc có những sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc hơn cả. Bối cảnh toàn cầu hóa cùng những điều kiện Đổi mới cởi mở hơn về thông tin, kinh tế đã khiến cho tâm thế Hậu hiện đại và các hình thức nghệ thuật đương đại bùng phát, xuất hiện trong khoảng chục năm gần đây. Những hình thức nghệ thuật thị giác mới này, sau một thời gian bị quan sát e dè, nghi ngại, xem thường, đã dần được giới mỹ thuật và công chúng mặc nhiên coi đó như một trong những phương tiện biểu đạt nghệ thuật mới.
2. Sự đổi mới phương thức hoạt động và ngôn ngữ nghệ thuật
Từ năm 1975 về sau, có thể nói các họa sĩ vẫn duy trì truyền thống Trường Mỹ thuật Đông Dương và phát triển, kết hợp ngôn ngữ tạo hình đa chiều hơn. Các nghệ sĩ đề cao tinh thần dân tộc và cảm thức hoành tráng muốn tạo dựng những tác phẩm có tính chất sử thi. Việc thể nghiệm đa dạng các hình thức nghệ thuật trong sáng tác mỹ thuật Việt Nam với cách nhìn về bản sắc, truyền thống có những tầm vóc và chiều kích phức tạp, thô tháp, rộng lớn hơn so với giai đoạn 1954 trở về trước với quan niệm mở “Truyền thống không đứng yên, mà là sự chuyển động không ngừng theo tâm thức xã hội…”.
Sau năm 1986, giới mỹ thuật nắm bắt cơ hội đổi mới rất nhanh và hòa nhịp vào dòng chảy của hoạt động mỹ thuật khu vực và thế giới qua con đường thử nghiệm và tìm tòi ngôn ngữ nghệ thuật riêng. Khoảng năm 1999 - 2000, Mỹ thuật có thể coi như đã hoàn thành chặng đường phát triển cấp tập của nó với những nhân vật, sự kiện mở đầu, góp mặt đầy đủ mọi loại hình, thể loại, biểu hiện nghệ thuật trong tương quan với các nền mỹ thuật của thế giới hiện đại... Từ đây, mỹ thuật sẽ trở lại vận động một cách bình thường, tự nhiên với những thế hệ nghệ sĩ mới cùng vấn đề của họ. Trong khi đó, hội họa đã thực sự diễn ra một cuộc “cách mạng” về quan niệm cũng như ngôn ngữ hình thức và nội dung. Sự “đổi mới” này không chỉ ở một vài cá nhân, vài tác phẩm mà diễn ra trong cả nước với các thế hệ kế tiếp nhau, phá đi thế độc tôn của phương pháp hiện thực XHCN.
Mỹ thuật giai đoạn này phát triển rất đa phong cách, nhiều khuynh hướng khác nhau “thay đổi tính chất một cách sâu sắc và toàn diện” (Nguyễn Quân), không chỉ dừng ở đổi mới đề tài hay chủ đề mà thay đổi cả một mô hình thẩm mỹ mới với hệ thống quan niệm, cấu trúc và đối tượng mới. Những đổi thay khác hẳn của môi trường sống đặt ra những tiêu chí thẩm mỹ mới, đối tượng mới mà VHNT phải đáp ứng.
Hội họa Việt Nam đầu thập niên 1990, bắt đầu gây được sự chú ý của giới truyền thông và sưu tầm nghệ thuật ở nước ngoài nhờ sự khác lạ, hương xa (exotic) và có bản sắc riêng biệt, được định danh: Hội họa Đổi mới (Hội họa Doimoi). Mỹ thuật Việt Nam đồng thời thể hiện nhiều nội dung và hình thức nghệ thuật từ thẩm mỹ dân gian văn hóa Làng, tiền Thực dân, mỹ thuật Đông Dương, hiện thực XHCN cho đến các xu hướng nghệ thuật hiện đại đầu thế kỷ XX như dã thú, lập thể, siêu thực, trừu tượng..., cũng như các hình thức nghệ thuật đương đại cuối thế kỷ như pop-art, sắp đặt, trình diễn.
“Chúng ta tự làm nên lịch sử của chúng ta, nhưng trước hết là với những tiền đề và trong những điều kiện nhất định” (1890, F. Engel). Chính sách “Đổi Mới” của Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động đã khơi lại những nguồn lực mới cho sự phát triển. Việc tự do sáng tác, công bố tác phẩm, mở rộng đề tài, chất liệu cũng như việc tăng cường giao lưu thông tin, triển lãm với nước ngoài, hàng trăm gallery kinh doanh nghệ thuật hình thành… đã phần nào làm giảm bớt vai trò quan trọng đối với hoạt động sáng tác của các Hội, đoàn thể nghề nghiệp. Kinh tế thị trường tác động khá sâu vào hoạt động mỹ thuật, hình thành các gallery và thị trường nghệ thuật dẫn tới không gian tổ chức triển lãm được mở rộng đa dạng về địa điểm, hình thức và quy mô trưng bày. Yếu tố nước ngoài trong hoạt động mỹ thuật ngày càng nhiều, qua môi trường giao lưu quốc tế mở rộng.
Có thể nói, từ sau năm 1975, Mỹ thuật Việt Nam có điều kiện phát triển đa dạng về phong cách và nội dung. Mỹ thuật là một tấm gương phản ánh mọi mặt của xã hội, dung nạp biểu hiện nghệ thuật đa tầng thông tin từ hướng về truyền thống văn hóa làng, văn hóa tiền thực dân cho tới hiện thực XHCN, các trường phái hiện đại Phương Tây và sự “đổi mới” triệt để, mạnh mẽ nhất qua các hình thức nghệ thuật đương đại Installation, Performance, Video art, Digital art... Nội dung từ hoài niệm quá khứ, lễ hội, tâm linh, xây dựng CNXH cho đến thân phận cá nhân, tình yêu, giới tính,... những loại hình nghệ thuật mới có lợi thế đặc thù khi bộc lộ thái độ trực tiếp về các vấn đề sinh thái, chiến tranh, tệ nạn xã hội... phản ánh phức cảm thẩm mỹ, những chấn động tinh thần trước những biến cố chóng mặt của xã hội hiện đại.
Bước vào đời sống kinh tế thị trường, đồ họa quảng cáo, mỹ thuật ứng dụng phát triển mạnh, nhiều chất liệu, công nghệ phong phú. Có sự đan xen quan niệm, ngôn ngữ, chất liệu giữa các loại hình nghệ thuật. Tranh cổ động chính trị từng phát triển mạnh trong các cuộc kháng chiến trước đây vẫn là hình thức Nghệ thuật đồ họa công cộng được duy trì, phát huy trong những điều kiện sáng tác và không gian mới.
Sau 1975, đăc biệt từ sau Đổi mới, nền kinh tế bắt đầu khấm khá hơn, làn sóng xây dựng nhà cửa, mở rộng đô thị nở rộ bộc lộ môi trường thẩm mỹ phát triển lộn xộn, manh mún, thiếu quy hoạch. Từ cuối những năm 90 của thế kỉ trước, điêu khắc salon xuất hiện một số tác giả trẻ tài năng với những tìm tòi hình thức nghệ thuật khá ấn tượng, có phong cách riêng. Bên cạnh đó, phát triển mạnh xây dựng tượng đài từ các địa phương cho đến đoàn thể, tổng công ty… Cả nước có đến hàng trăm tượng đài, trong khi chỉ có một số rất ít nhà điêu khắc thực hiện được những công trình tượng đài có chất lượng như Nguyễn Hải, Lê Đình Quỳ, Tạ Quang Bạo, Phan Gia Hương, Lưu Danh Thanh, Vương Học Báo… Lê Công Thành với tượng đài Dũng sĩ Núi Thành; Lê Liên với tượng đài trong nhà tưởng niệm Hỏa Lò (Hà Nội); Phạm Văn Hạng với tượng đài tưởng niệm nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị); Vương Duy Biên với tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (Nam Định); Vũ Đại Bình với tượng đài Đức ông Trần Quốc Tảng (Quảng Ninh)… Bắt đầu từ 1997, xuất hiện việc tổ chức trại sáng tác điêu khắc quốc tế ở nhiều địa phương như một nỗ lực cải thiện môi trường văn hóa, tạo điểm nhấn cho du lịch, và là chỗ để các nghệ sĩ tự do sáng tác tượng ngoài trời phục vụ dân sinh một cách thân thiện, thẩm mỹ.
Về cơ bản, công tác đào tạo, nghiên cứu phê bình mỹ thuật phát triển mạnh về số lượng hơn bất kỳ thời kỳ nào trước đây. Xuất hiện một số tác giả xuất bản sách.
Mặc dù mỹ thuật Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể sau năm 1975, nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế và thách thức cần được khắc phục:
Thị trường mỹ thuật mới hình thành, còn manh mún và chưa chuyên nghiệp, thiếu các chế tài pháp lý dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra ở nhiều mức độ làm suy giảm giá trị nghệ thuật và lao động sáng tạo của nghệ sĩ.
Các hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra một cách tự phát, thiếu hệ thống và quy hoạch cũng như tính chuyên nghiệp. Một số nghệ sĩ nhanh chóng bị thương mại hóa, làm hàng, lặp lại mình trong đó có cả những tài năng trẻ thời kỳ đầu đổi mới.
Nguồn lực cho sáng tác và nghiên cứu chưa đáp ứng kịp thời và đầy đủ với nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Không có được hệ thống Curator chuyên nghiệp, lực lượng phê bình mỹ thuật mỏng và yếu, thiếu bảo tàng nghệ thuật đương đại có qui mô lớn để tổ chức các sự kiện nghệ thuật có tính chất quốc gia, thiếu các mạnh thường quân trong nước tài trợ… là những hạn chế lớn cho sự phát triển của Mỹ thuật Việt Nam để bước lên một cấp độ mới chuyển đổi về chất và tính chuyên nghiệp…
TS. Phạm Quốc Trung
Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...