KỶ NIÊM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024)
Địa chỉ đỏ bên đỉnh núi Slam Cao
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hàng năm nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ trên hành trình về nguồn của các tầng lớp nhân dân, điểm tham quan du lịch ấn tượng của bạn bè quốc tế.
Linh thiêng mảnh đất cội nguồn
Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng với nhiều đoàn du khách, Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 677, Sư đoàn 346 tỉnh Thái Nguyên tổ chức cho trên 300 cựu chiến binh về thăm Di tích rừng Trần Hưng Đạo, nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Con đường từ thị trấn Nguyên Bình tới Di tích dài 17 km thảm bê tông nhựa phẳng lỳ uốn lượn qua vùng rừng nguyên sinh ngút ngàn. Màu nắng non nhấp nhánh trong bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ. Những chùm hoa rừng rung rinh khoe sắc giữa màu xanh của cỏ cây. Núi rừng trùng điệp bồng bềnh mây trắng. Dưới thung lũng, bản nhỏ với những ngôi nhà như chiếc khăn thổ cẩm vắt lên vai núi huyền ảo trôi trong mây.
Hiện nay, khu di tích đã được quy hoạch bảo tồn, xây dựng nhiều công trình như: Nhà trưng bày, nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bức phù điêu lớn bằng đá tại sân nghi lễ, 4 tấm bia ghi chép tên tuổi, quê quán 34 chiến sĩ đầu tiên cũng như các chỉ thị và 10 lời thề danh dự của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Trên đỉnh Slam Cao còn có công trình ghi dấu vị trí đài quan sát, nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp quyết định trận đánh đầu tiên đồn Phai Khắt. Lán ăn ở sinh hoạt của 34 chiến sĩ cũng được phục dựng bên mỏ nước dùng của đội.
Nhà trưng bày khu di tích toa lạc bên cổng vào, tại đây lưu giữ nhiều hiện vật của các chiến sĩ sử dụng trong những ngày đầu thành lập, gắn liền với quá trình trưởng thành của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Các chiến lợi phẩm trong trận đánh mở màn, hình ảnh con người và truyền thống Cao Bằng cũng được trưng bày.
Nổi bật tại vị trí sân trung tâm di tích là bức phù điêu tạc bằng chất liệu đá có chiều cao 4,37m, dài 7,9m dựa theo bức ảnh tư liệu ghi lại thời khắc thành lập Đội và hình ảnh cách điệu các hình tượng thể hiện sức mạnh của dân tộc.
Đón tiếp đoàn cựu chiến binh Trung đoàn 677, nhà văn Mông Văn Bốn, Thường trực Khu di tích cho biết: Cao Bằng là địa bàn chiến lược được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn. Người nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào cách mạng tốt từ trước lại kề sát biên giới, lấy đó làm liên lạc với quốc tế rất thuận lợi, nhưng Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”.
Cao Bằng trong đó có xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình là nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp gắn bó từ những ngày đầu cách mạng. Thời gian địch ráo riết lùng bắt “Cán bộ người Kinh”, đồng chí được đồng bào hết lòng đùm bọc, che chở. Khu rừng Trần Hưng Đạo có nhiều cây cổ thụ thuộc núi Dền Sinh, dãy Khâu Giáng. Đỉnh Slam Cao là đỉnh cao nhất trong các dãy núi, rất tiện cho việc bố trí vị trí quan sát. Cắt qua rừng có các con đường mòn sang Bắc Sơn (Lạng Sơn) và Đình Cả (Thái Nguyên). Khu rừng nằm trên dải núi giáp giới ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, hội tụ đủ các yếu tố “địa lợi, nhân hòa” của một căn cứ địa cách mạng và “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”…
Khu lán ăn ở sinh hoạt của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân
Sau khi làm lễ dâng hương tại nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Đinh Văn Quốc, Trưởng Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn xúc động nói: “Ngày xưa tới được đây phải leo đèo lội suối theo những con đường mòn, 34 chiến sĩ đơn sơ áo vải, chưa có quân phục. Vũ khí trang thiết bị còn thô sơ. Bằng lý tưởng thiêng liêng đấu tranh giải phóng dân tộc, từ những bước chân đầu tiên, quân đội ta đã trưởng thành, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Tiếp nối truyền thống, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 677 đã chiến đấu kiên cường, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Lời tuyên thệ của những người lính với nhân dân được thể hiện bằng máu của hàng trăm anh hùng liệt sĩ đơn vị trên mảnh đất Cao Bằng…”.
Theo bước chân 34 chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ
Chị Hoàng Thị Hè, cán bộ ban quản lý đưa chúng tôi đi thăm từng khu vực trong di tích và giới thiệu cặn kẽ: Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930, các tổ chức vũ trang lần lượt được hình thành như Đội tự vệ đỏ trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 – 1931). Những năm 1940 – 1941 các đội du kích Bắc Sơn (Lạng Sơn), du kích Nam Kỳ được thành lập. Đây là những hạt giống quân sự của Đảng đóng vai trò nòng cốt trong các cuộc đấu tranh cách mạng địa phương.
Đặc biệt, từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước (28/1/1941), phong trào cách mạng Việt Nam do Người trực tiếp lãnh đạo có bước phát triển quan trọng. Tháng 5/1941, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tại Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng đã chuyển hướng chiến lược giải phóng dân tộc. Hội nghị nhận định: "Chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân ta trong giai đoạn hiện nay” và đề ra chủ trương thành lập đội vũ trang trong toàn quốc bằng nhiều hình thức, trong đó có việc: “Mở rộng và củng cố các tổ chức cứu quốc sẵn có, làm cho các đoàn thể có một tinh thần hy sinh tranh đấu sẵn sàng gây cuộc khởi nghĩa”. Hình thái của cuộc khởi nghĩa vũ trang từ khởi nghĩa từng phần, khởi nghĩa địa phương đi tới Tổng khởi nghĩa. Hội nghị chỉ rõ: Để có “một lực lượng vũ trang toàn quốc”, cần “phải có những tổ chức tiểu tổ du kích, du kích chính thức và tổ chức binh lính đế quốc”.
Sau hội nghị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Cao Bằng, phát triển những “châu hoàn toàn Việt Minh” ở Hà Quảng, Nguyên Bình, Hòa An. Đến năm 1942, phong trào Việt Minh ở Cao Bằng phát triển mạnh, đã xuất hiện nhiều tổng, xã “hoàn toàn Việt Minh” hình thành căn cứ địa rộng lớn khai thông đến các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang.
Từ cuối năm 1943 đến giữa năm 1944, thực dân Pháp liên tục tiến hành các đợt khủng bố khốc liệt ở hầu hết các tỉnh Việt Bắc làm tăng thêm lòng căm thù và quyết tâm đứng lên khởi nghĩa của các tầng lớp nhân dân.
Trước khí thế sục sôi cách mạng, các lực lượng vũ trang nhanh chóng trưởng thành. Ngày 7/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về sửa soạn vũ khí đưa phong trào cách mạng của Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn lên một bước mới. Tiếp đó, ngày 13/7, hội nghị Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng quyết định phát động khởi nghĩa giành chính quyền.
Cuối tháng 9/1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc trở về nước sau hơn một năm bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Sau khi nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp và Vũ Anh báo cáo tình hình cách mạng trong nước, đặc biệt về chủ trương phát động khởi nghĩa vũ trang của Liên tỉnh ủy, Người nhận định: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức đấu tranh thích hợp mới có thể đẩy phong trào tiến lên” và Người đã ra chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa. Người cho rằng phong trào cách mạng có mạnh khắp mọi nơi, nhưng vẫn còn rời rạc thiếu chặt chẽ, thiếu một đội quân chủ lực liên kết phong trào đó lại. Người quyết định lập đội quân giải phóng để “tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang để hoạt động” và trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Lê Quảng Ba cùng Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng khẩn trương chuẩn bị chọn người và tập trung vũ khí, thống nhất kế hoạch tổ chức thành lập đội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đề nghị đặt tên là “Đội Việt Nam Giải phóng quân”. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đề nghị thêm hai chữ “Tuyên truyền” để mọi người ghi nhớ nhiệm vụ, bởi lúc này chính trị quan trọng hơn quân sự.
Nghiên cứu các yếu tố, đồng chí Võ Nguyên Giáp chọn khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình, Cao Bằng tổ chức lễ thành lập đội. Trong 3 châu “hoàn toàn có Việt Minh” của Cao Bằng, Nguyên Bình là châu có phong trào cách mạng phát triển sớm và mạnh nhất. Dưới ách cai trị của thực dân và tay sai, nhân dân Tam Lộng và Kim Mã (nay là xã Tam Kim) luôn mang trong mình tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh.
Trong những ngày chuẩn bị thành lập đội, trên các ngả đường về khu rừng Trần Hưng Đạo, các đội tự vệ của các xã Tam Lộng, Kim Mã, Hoa Thám bí mật dẫn đường, bảo vệ cho các đội viên về nơi tập kết. Dưới sự chỉ đạo của các cán bộ địa phương như Nông Văn Lạc, Lý Đức Thương, các đoàn thể Cứu quốc đã đóng góp lương thực, rau, muối, giấy viết khẩu hiệu cho đội. Các đội viên và cán bộ lần lượt từ các châu kéo về. Một số trạm được tổ chức ở những nơi giáp Cao Bằng, Bắc Kạn để đón tiếp, đưa đường cho các đội viên.
Trước ngày thành lập đội, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận được chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để trong vỏ bao thuốc lá do đích thân Người viết – một cương lĩnh quân sự của Người. Nội dung bản chỉ thị: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là chính trị trọng hơn quân sự… Sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những đội du kích Cao – Bắc – Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết nhất, hăng hái nhất và sẽ tập trung phần lớn vũ khí để lập ra đội quân chủ lực. Đội có nhiệm vụ dẫn dắt cán bộ vũ trang ở các địa phương. Về chiến thuật vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay đông, mai tây, lai vô ảnh khứ vô tung. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc này quy mô của nó còn nhỏ nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.
Đúng 17h giờ chiều 22/12/1944, lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được cử hành trọng thể. Giữa mùa đông, tiết trời nơi non cao lạnh buốt, trong bóng đại ngàn, các đội viên tụ họp thành hàng ngũ chỉnh tề dưới cờ đỏ sao vàng. Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 chiến sĩ, trang bị 34 khẩu súng các loại, biên chế thành 3 tiểu đội; Đội trưởng là Hoàng Sâm (tức Trần Văn Kỳ); Chính trị viên Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch). Tham dự buổi lễ có đại diện Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng cùng với đại biểu nhân dân các dân tộc của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn.
Đứng trước hàng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt đoàn thể đọc diễn từ tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và nêu rõ nhiệm vụ của đội đối với Tổ quốc. “Các đồng chí! Ngày hôm nay 22 tháng 12 năm 1944, theo mệnh lệnh của Đoàn thể, chúng ta tập trung tại nơi rừng xanh núi đỏ này, giữa tổng Trần Hưng Đạo và tổng Hoàng Hoa Thám trong liên tỉnh Cao – Bắc – Lạng để khai hội thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân…”.
Sau khi đại điện các đại biểu tham dự phát biểu ý kiến, toàn đội làm lễ tuyên thệ 10 lời thề danh dự “Chúng tôi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân xin lấy danh dự một chiến sĩ cứu quốc mà thề dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh (10 lời thề danh dự của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân). Sau mỗi lời thề, những tiếng hô “Xin thề” đồng thanh cất lên vang động cả đại ngàn.
Ngay sau lễ thành lập, ngày 25 và 26/ 12/1944, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã tiến công đánh thắng hai đồn Phai Khắt, Nà Ngần, đánh dấu sự phát triển mới của lực lượng vũ trang cách mạng.
Đại tá Hoàng Văn Trình, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên, ông cũng nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 677 sau khi lên đỉnh Slam Cao, dù áo đẫm mồ hôi vẫn vui vẻ chia sẻ: “Trước trận đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần, đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban chỉ huy đội đã lên đây quan sát, vạch phương án tác chiến. Tôi rất cảm động khi thấy anh em về thăm di tích, nhiều người sức khỏe không được tốt vẫn cố gắng lên đỉnh núi…”.
Từ 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, kế thừa và phát huy truyền thống, 80 năm qua Quân đội nhân dân Việt Nam luôn vững bước dưới lá cờ quang vinh của Đảng và viết lên những trang sử hào hùng, oanh liệt, làm rạng rỡ non sông đất nước, xứng đáng với lời khẳng định của Bác Hồ kính yêu “Dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, Quân đội ta là một quân đội anh hùng”.
“Địa chỉ đỏ” bên đỉnh núi Slam Cao khu rừng Trần Hưng Đạo là điểm hẹn ý nghĩa trong hành trình về nguồn. Không chỉ là niềm tự hào về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, di tích còn là một di sản, một bảo tàng của những bài học về lý tưởng sống cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Phan Thái
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...