Đi về phía biển – Truyện ngắn. Đặng Hoàng Thám
VNTN - Huân vượt qua khe suối nhỏ và men theo một lối mòn xuyên giữa những lùm cây bụi lưa thưa để lên đồi. Hoàng hôn chìm dần xuống biển, đàn chim nhạn chao liệng chấp chới trên những gành đá, sóng đùa đuổi nhau, trào bọt trắng xóa lên bãi cát dài hoang vắng... Ở triền đồi mé biển, thấp thoáng bóng một ngôi nhà gỗ màu nâu sẫm ẩn hiện giữa những cội đại già trơ cành phơi đầy hoa trắng. Gần trên đỉnh đồi có một ngôi chùa nhỏ nhô lên giữa “thạch lâm” đá nhọn trùng trùng như bãi chông. Huân nghe những người dân địa phương nói về “Tảng Đá Chuông” ở gần hang “Phật Cô Đơn” trên đồi “Dùng một hòn đá nhỏ gõ vào Tảng Đá Chuông sẽ nghe tiếng “boong... boong... boong...” vang lên như tiếng chuông chùa ngân nga đồng vọng.
Có tiếng như ai khóc hư hư, mơ hồ trong làn gió từ biển thổi ngang qua ngôi nhà! Tuyệt nhiên không có bóng người! Hoa đại rụng trắng, rải rác đầy lối đi... Nhưng ngôi nhà chắc phải có ai ở trong đó, bởi tiếng nhạc dìu dịu, âm thanh trầm buồn, man mác như những tình khúc của Trịnh vang vang nhè nhẹ... Một mái tóc dài đen lòa xòa, lỏa xõa bay phất phơ trong gió khi cánh cửa sổ lá sách ở tầng trên bỗng bật mở. “Ô... ồ...!!”- Huân kinh ngạc, thảng thốt! Anh nghe sống lưng dờn dợn, gai ốc nổi lên khi thấy một khuôn mặt xanh xao, bờn bợt loáng thoáng bên khung cửa! Huân bỗng liên tưởng đến những câu chuyện kinh dị mà anh đã đọc trong sách và xem trong phim. “Ngôi nhà ma?!”- có thể lắm chứ, bởi trong dân gian đã có biết bao chuyện kể về ma rất ly kỳ và rùng rợn! Cô gái kia là ai? Cô ta có phải là người không hay chỉ là một oan hồn vất vưởng thích trêu chọc người trần gian?! Ngôi nhà vắng vẻ giữa vườn hoa đại gợi cho Huân sự tò mò muốn khám phá...
Chiều đã xế. Những mảng sáng vàng vọt, yếu ớt xiên qua vườn cây như nhảy múa khi có cơn gió mạnh thổi vi vu. Hoàng hôn trên đảo nhuốm chút buồn man mác. Huân đi cận ngang qua và nhìn lên cánh cửa sổ của ngôi nhà mà lúc ban nãy anh đã thấy mái tóc dài phất phơ từ phía xa. Có bóng người! Huân chợt phì cười - mình khéo viển vông - Một tiểu thư đài các, lãng mạn nào đó đang hóng gió trên lầu... Huân vui vẻ huýt sáo nho nhỏ. Lúc qua khỏi ngôi nhà một, bất giác anh quay lại. Mái tóc dài lại xuất hiện ở cánh cửa sổ, và trong làn gió biển vi vút lướt qua đồi, veo véo bên tai Huân như có tiếng người rên khóc hư hư, ai oán! Có lẽ mình “thần hồn nát thần tính” cũng nên, hay là trong ngôi nhà ấy có ma!!?? Huân bỗng nhiên nhớ lại những đêm khuya thanh vắng, trên nóc ngôi nhà cổ của bà nội anh, bọn mèo cái động đực kêu rên nheo nhẻo như tiếng trẻ con khóc nhè nỉ non, thê lương đầy man dại! Người ta giật mình lắng nghe, tinh thần căng thẳng, rồi sẽ có ai đó bật la to lên rủa sả bọn “mèo mả gà đồng” rửng mỡ ấy, tình hình dịu xuống, mọi người thở phào.
*
Những ngày ở đảo, Huân thường lên đồi Đá Chuông viếng Liên Hoa cổ tự. Ấy là một ngôi chùa ẩn mình trong một hang đá trên cao ngóng ra biển. Bên hông chùa có một vườn tượng với nhiều vị Bồ Tát, La Hán mỗi người một vẻ, lục dục, thất tình, hỉ, nộ, ái, ố... Những đêm trăng sáng, chùa cổ đẹp huyền hoặc, hư ảo như chốn non Bồng, nước Nhược. Chung quanh chùa có nhiều hang động kỳ bí gợi sự tò mò cho Huân... Một buổi sáng, anh theo sư Công khám phá hang Phật Cô Đơn. Lối đi ngoắt ngoéo, quanh co, một bên là vực sâu với sóng vỗ ghềnh ầm ì cuồn cuộn, một bên là bãi đá chông nhọn hoắt tua tủa. Đường đi hiểm trở...
“Tới hang Phật Cô Đơn rồi”- Sư Công nói.
Đó là một cái hang đá rộng cỡ gian phòng hai căn. Một tượng Phật bằng đất nung với áo cà sa sơn màu hường nhạt. Tượng thô sơ khá ngộ nghĩnh với gương mặt Đức Phật như tươi cười. Tượng cũng giống như những hình vẽ hồn nhiên của các em thiếu nhi nhưng độc đáo ở chổ là nó toát ra sự vô tư, tự tại, càng nhìn ta càng có cảm giác an nhiên.
“Thưa thầy, vì sao mà người ta gọi là Phật Cô Đơn?”
“Thí chủ hãy nhìn - Chỉ có một mình Ngài ở đây, chẳng có một vị nào khác nữa... Động không có người ở. Nơi đây âm u và lạnh lẽo!”
“Thưa thầy- ai đã nặn tượng Phật Cô Đơn? Tượng Phật này có vẻ như không cổ lắm?”
“Nam mô A di Đà Phật. Đúng vậy! ... Một vị tín nữ đã lấy đất sét ở núi Đá Chuông nặn nên tượng Phật và an vị Ngài nơi đây!”
“Có thể cô ấy là một nghệ nhân...”. Huân thoáng mơ màng tưởng tượng đến bàn tay búp măng của một nữ nghệ sĩ điêu khắc nào đó Giống bàn tay của Mỹ cũng nên, nhưng Mỹ là một họa sĩ, cô ấy vẽ tranh với bàn tay tuyệt đẹp của mình thanh thoát, dịu dàng và gợi cảm!
*
“Mỹ!... Mỹ... em làm gì ở đây?”- Huân vô cùng kinh ngạc khi thấy Mỹ khoác áo gió, tay cầm hòn đá nhỏ khẽ gõ vào Tảng Đá Chuông!
Mỹ quay lại, khuôn mặt xanh xao: “Em động chuông... em động chuông cho người ấy trở về...”- “Người ấy là ai?!”- “...Là chồng em... chồng em năm đó đã chết ngoài kia... Kia...” Mỹ chỉ tay ra phía trùng khơi xa thẳm, mang mang mây khói cuối chân trời - Đó là hướng quần đảo Trường Sa - “Anh ấy bảo vệ đảo và đã hy sinh ở đó!”- Huân thở dài, thoáng buồn bã nhưng anh nghe trong lòng cũng nhẹ nhàng trở lại khi nhìn kỹ ra người con gái bên Tảng Đá Chuông. Cô ấy không phải là Mỹ, chỉ là sự giống nhau đến lạ lùng! Người ta vẫn hay gặp những trường hợp ngẫu nhiên như vậy. Có lần, một cô gái bán hàng quả quyết là đã gặp Huân ở Hà Nội dù anh chưa bao giờ ra đấy! Khi anh phủ nhận, cô bán hàng có vẻ ngẩn ngơ!
Sư Công xuất hiện gọi:
“Hồng Đào... Hồng Đào... đừng gõ nữa!”
“Thưa thầy... thưa thầy”. Cô gái hơi luống cuống như người có lỗi!
“Chào sư thầy!”- Huân gật đầu chào sư Công.
Hồng Đào nhìn Huân với ánh mắt dạt dào tình cảm. Rất bất ngờ! Cô nhào đến ôm chằm lấy Huân khóc mùi mẫn: “Hư...hư... Anh đi đâu mà lâu quá mới về!...hư hư...hu hu... Em nhớ anh quá! Con nó nhớ anh quá... hư! hư…hư! Nhưng nó đã lặn xuống biển để tìm anh! Sao hai cha con không trở về nhà... sao không về nhà?!”
“Tôi không phải!... Tôi không phải...”- Huân gỡ nhẹ hai tay của Hồng Đào ra.
“Hồng Đào! Buông người ta ra đi. Thí chủ nầy không phải là chồng con... A Di Đà Phật! Tội nghiệp... tội nghiệp. Nạn tai... nạn tai!”
“Ảnh là anh Hiệp đây mà... sao thầy nói không phải?”
“Thầy đã nói là không phải... Nghe chưa!?”- Sư Công gắt.
“Dạ... dạ không phải...”- Cô gái dịu giọng, luyến tiếc ngẩn ngơ.
Rồi bỗng như giận dỗi ai đó, Hồng Đào ngoay ngoắc bỏ đi về phía ngôi nhà có vườn hoa đại.
“Con bé bị bệnh... từ ngày chồng con nó mất!”
“Chồng cô ấy là...?”
“Cậu ta đã ngủ yên dưới đáy biển trong trận chiến giữ đảo năm xưa. Sự hy sinh ấy vẫn còn để lại nỗi đau trong lòng biết bao người!”
“A Di Đà Phật...”. Sư Công lần tràng hạt, mắt chùng xuống: “Năm nào chúng tôi cũng cầu siêu cho những người anh hùng ấy!”
Sư Công nói thêm: “tượng Phật Cô Đơn do Hồng Đào nặn đấy! Nó là con gái của tôi. Đứa bé bị rơi xuống biển là cháu ngoại của tôi. Lúc Hồng Đào say mê nắn tượng, thằng bé đi chập chững ra khỏi hang và sẩy chân... Từ ấy, bệnh của Hồng Đào ngày nặng thêm!”
*
Lúc giã từ Hòn Nhạn, khi đi ngang qua ngôi nhà nhỏ có vườn hoa đại trên đồi, Huân thấy người phụ nữ có mái tóc đen dài phất phơ đứng bên cửa sổ nhìn anh như thiết tha, giận dỗi. Huân nghe lòng dâng lên nỗi xót xa vời vợi: “Hãy chờ, em nhé... Rồi chồng em sẽ trở về!”
Nắng nhuộm vàng mơ lên vườn hoa đại. Biển đảo quê hương nghìn năm vẫn đẹp kỳ vĩ và hoang sơ, ôm ấp cuộc sống của bao con người cùng với những buồn vui năm tháng! Có tiếng ngân nga như tiếng chuông chùa. Hình như ai đó gõ vào Tảng Đá Chuông!
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...