Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
20:11 (GMT +7)

Di sản văn hóa phi vật thể: Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn

Tháng 9 vừa qua, Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn ở xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đã chính thức được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là lần thứ 2 Lễ hội độc đáo này của cộng đồng người Pà Thẻn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trước đó, Lễ nhảy lửa của cộng đồng người Pà Thẻn ở xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhảy lửa (Cầu lửa - Pò dính) là lễ hội truyền thống của người Pà Thẻn tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, hàng năm được tổ chức vào ngày 16/10 (Âm lịch) khi mà mọi công việc đồng áng đã xong xuôi.

Đây là một lễ hội độc đáo, đậm nét Shaman giáo, sơ khai và huyền bí, có những bản sắc văn hóa riêng mà không dân tộc nào sinh sống ở Tuyên Quang có được. Đối với người Pà Thẻn, vị thần tối cao nhất là thần lửa và ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ. Người Pà Thẻn luôn có quan niệm xung quanh họ có các vị thần che chở, đùm bọc, giúp đỡ họ vượt qua nguy hiểm, hoạn nạn để tồn tại và mưu sinh, vì vậy khi Lễ nhảy lửa diễn ra thì tất cả mọi người trong làng đều có mặt để hò reo cổ vũ. Không chỉ là ngày vui của người Pà Thẻn mà Lễ nhảy lửa còn có ý nghĩa gắn kết cộng đồng và bảo lưu được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác.

  Quá trình chuẩn bị cho Lễ nhảy lửa

Nhảy lửa gắn liền với lễ truyền nghề thầy cúng, được tổ chức cho các thầy cúng nhận học trò và truyền nghề. Truyền thống hàng năm, vào khoảng tháng 10 thầy cúng (Pác mân) sẽ mở lớp dạy cúng và thường chọn vào ngày 16 tháng 10 (Âm lịch) là ngày bắt đầu. Thầy cúng đến nơi dạy học, cúng khấn mời thần thánh của thầy xuống, xin phép được dạy học cho những đệ tử và xin cho những người đến học được khoẻ mạnh, không vi phạm điều gì. Mỗi người đến học phải mang theo 1 con gà, 1 chai rượu. Điều kiện để các học trò (Tô thích) tham gia học cúng là đã được cấp sắc, khoẻ mạnh, thông minh, có đạo đức và không vi phạm những điều xấu. Việc học cũng sẽ kéo dài đến hết rằm tháng Giêng Âm lịch năm sau, lần lượt theo trình tự, các học trò được học các bài cúng như: Cúng mời thần thánh; cúng tổ tiên; cúng khấn cho người ốm đau được khỏe mạnh; cúng thổ công; cúng bảo vệ bản thân...

1
Thầy cúng Phù Văn Thành, Thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, làm lễ cúng gọi mời thần và “âm binh” về tham gia Lễ nhảy lửa

Lễ nhảy lửa được thầy cúng chọn vào 1 đêm trong khoảng thời gian đó, người chủ trì là thầy cúng, nghi lễ được tổ chức ở một khoảng sân chung rộng ở thôn và chia làm hai phần: Phần lễ cúng trước khi mặt trời lặn diễn ra khoảng 3 - 4 tiếng và phần nhảy lửa sau khi trời tối diễn ra trong khoảng 1 tiếng.

Phần thứ nhất là phần thầy cúng gọi mời thần và “âm binh” tới tham gia lễ và nhập vào các học trò. Thầy ngồi trên một chiếc ghế dài để cúng thần linh. Gõ hai vật bằng que tre, phát ra những âm thanh gấp gáp liên tục từ năm đến bảy giờ đồng hồ như vậy. Trước mỗi buổi lễ, thầy phải cúng thần linh, để cho phép người Pà Thẻn có được sức mạnh phi thường để nhảy vào đống lửa.

Phần thứ hai là phần nhảy lửa của các đệ tử. Theo thầy cúng Phù Văn Thành, Thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Quang Bình: “…Nhảy lửa là một nghi lễ để đón thần thánh xuống trần gian cùng vui với dân làng, có ý nghĩa tượng trưng cho việc các vị thần xuống trần gian tắm nước và phù hộ cho dân làng thêm sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Người Pà Thẻn còn quan niệm rằng việc tổ chức nhảy lửa nhằm giúp cho những người trong làng đang học cúng và làm thầy cúng được thông minh hơn...”.

Di sản văn hóa phi vật thể: Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn
Các đệ tử của thầy cúng thực hiện Lễ nhảy lửa

Để chuẩn bị cho Lễ nhảy lửa, ngay từ buổi chiều hôm đó, các học trò mỗi người phải tự đi  lấy và gánh củi về, đốt ở ngoài sân. Điều kiện để có thể chủ trì Lễ nhảy lửa là thầy cúng phải cao tay, biết cúng và biết dùng các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc để gọi “thần thánh” xuống trần gian và hóa thân vào những người có khả năng và được phép nhảy lửa.

Các bước thực hành Lễ nhảy lửa

Trước khi nhảy lửa, thầy cúng thắp hương lên bàn thờ, rót nước chè vào 5 cái chén, sau đó khấn mời, tế cáo trời đất, tổ tiên các vị thần ở trên trời xuống phù hộ, cùng vui chơi với dân làng. Sau đó thầy cúng bắt đầu thực hiện các nghi lễ cúng, đọc các bài cúng với nội dung là mở đường lên trời, báo cáo với Thần Lửa, thầy vừa cúng vừa gõ “Pàn dơ” (gồm que tre, chiếc vòng lắc Pà sán tầu và đàn Pàn dơ)  đây là loại nhạc cụ của người Pà Thẻn dùng sử dụng trong các nghi lễ tâm linh.

Để lấy lửa đốt củi trong đêm nhảy lửa, người Pà Thẻn không lấy lửa từ nguồn dẫn bên ngoài mà lấy lửa bằng một dụng cụ đặc biệt đó là một ống tròn, làm bằng sừng trâu, dài khoảng 5cm. Trong đoạn sừng trâu đó, họ dùng sáp ong miết vào xung quanh phía trong ống, sau đó nhồi bông vào. Khi chuẩn bị lấy lửa, thầy cúng đọc các bài cúng, lấy tay gõ vào miệng ống lửa liên hồi, sau một thời gian lửa sẽ bén cháy và lấy lửa đó để nhóm vào đống củi trong đêm nhảy lửa.

Lễ chính thức được bắt đầu vào khoảng 8 giờ tối. Mở đầu, thầy cúng thắp nến và bày lễ vật lên mâm cúng, thắp ba nén hương cắm vào bát hương trên bàn, tiếp tục thắp ba nén hương khác, cắm dưới đất bên cạnh ghế nơi thầy cúng ngồi. Sau đó, thầy ngồi vào ghế cúng, một tay cầm que tre, một tay cầm chiếc vòng lắc Pà sán tầu, vừa gõ que tre vào đàn Pàn dơ vừa lắc vòng, thân người rung bần bật theo từng nhịp gõ, miệng đọc bài cúng đầu tiên nói lên lý do tổ chức Lễ hội nhảy lửa bằng tiếng Pà Thẻn.

Thầy cúng sai các học trò nhóm lửa vào đống củi, thầy cầm bát nước thơm đi vẩy vào bốn góc của đống lửa và vẩy lên các học trò. Tiếp đó, thầy quay về đàn cúng, tay gõ đàn Pàn dơ và lắc Pà sán tầu liên tục, miệng đọc các bài cúng để được “xuất hồn” lên trời tìm các vị thần về nhập vào các chàng thanh niên đã ngồi chờ. Khi cúng, đầu ông thầy lắc lư, hai chân thầy rung lên đều đặn theo nhịp gõ của đàn Pàn dơ, nhạc lắc Pà sán tầu bên tay trái thầy cũng rung lên từng nhịp tạo âm thanh náo động, dồn dập. Người Pà Thẻn cho rằng, lúc này ông thầy đang xuất hồn đi chu du ở thế giới bên kia để tìm các vị thần, theo quan niệm, thế giới bên kia là thế giới vô hình, chỉ nhờ có ma “âm binh” phù trợ thầy cúng mới nhìn thấy và đi đúng vào con đường mà các ma nam “Pạ quơ” đang trú ngụ. Qua bài cúng và nhạc điệu, người Pà Thẻn cho rằng, con đường đi tìm thần về nhảy lửa của thầy cúng thật lắm gian lao, vất vả, có khi phải đi qua cả hang quỷ. Do vậy, thầy cúng phải là thầy cao tay, có nhiều phép thuật và quân binh mới làm được.

 Khi ngọn lửa đã được nhen nhóm và dần bùng lên cháy rực, tiếng nhạc Pàn dơ gõ mỗi lúc to hơn, nhanh hơn, có lúc xuất thần, ván ngồi cúng rung lên bần bật, thầy cúng bật dậy khỏi ván theo từng nhịp gõ Pàn dơ. Một lúc sau, thầy cúng bước ra khỏi đàn cúng, tiếp tục khấn và phù phép vào ngọn lửa đang cháy rực, đó là lúc mà người Pà Thẻn quan niệm rằng thần ở trên trời đã xuống cùng với lời gọi của thầy cúng trong khoảng 20 - 30 phút, cơ thể của các học trò bắt đầu rung lên, ánh mắt khác lạ, đầu lắc đi, lắc lại... Những thanh niên bắt đầu tranh nhau gõ pàn dơ, đống lửa ngày càng bốc cháy ngùn ngụt đỏ rực, rồi như được thần trên trời nhập vào, họ đột nhiên gõ mạnh dần và tự nhảy mỗi lúc một nhanh, rồi đi thẳng vào đống lửa, nhảy, nhào lộn trên đống than đang đỏ rực, có người còn bốc cả than đỏ, bỏ lên đầu, tung lên trời… rồi đứng dậy trong đám lửa, than nhiều lần. Cứ thế, họ lao vào nhảy múa giữa đống lửa đang đỏ hồng với bàn chân trần và dùng tay bốc than tung lên, ánh than phủ kín một màu đỏ rực xung quanh người nhảy, có người còn cho than hồng vào mồm nhai.

Khi một người nhảy xong lao từ trong đống than hồng ra, lại có một người khác tiếp nối, cũng có khi hai, ba người cùng vào nhảy một lúc. Họ vẫy vùng trong ánh lửa hồng rực trước sự reo hò, khích lệ của người xem như không hề cảm thấy sức nóng của than hồng. Những người tham gia nhảy lửa sẽ còn dùng cả tay và chân trần để phá cho tới khi tàn lửa. Khi nhảy họ nhắm mắt và như được thần dẫn đi nên bản thân họ không biết là đang lao vào đống lửa. Vì thế, sau khi nhảy vào lửa chân tay họ không hề bị bỏng, đau đớn hay trầy xước. Trong lúc đó, thầy cúng vẫn không ngừng gõ đàn và đọc bài cúng như hòa vào nhịp nhảy của các học trò, toàn thân rung lên bần bật trên ghế.

Di sản văn hóa phi vật thể: Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn
Bộ đàn cúng “pàn dơ” (gồm que tre, chiếc vòng lắc Pà sán tầu và Pàn dơ).

Khi một người kết thúc màn nhảy lửa của mình thì trở về ngồi bên cạnh thầy cúng và một lúc sau người lại rung lên, đầu lắc liên tục, rồi bất ngờ thay người khác lao vào đống lửa nhảy múa với than hồng. Việc nhảy lửa cứ thế diễn ra trong khoảng một tiếng. Lửa tàn thì nhóm lại, rồi nhảy tiếp cho đến khi đống than tàn hẳn mới thôi.

 Mỗi người một lần thường nhảy lửa trong vòng 2-3 phút, sau đó tiếp tục làm lễ “nhập đồng”. Một người có thể tham gia nhảy nhiều lần, qua đó thể hiện sức mạnh, sự khéo léo và nhanh nhẹn của mình. Đồng bào Pà Thẻn cho rằng thời gian nhảy trên lửa của họ tùy theo sức mạnh được thần linh ban cho. Khi hết sức mạnh, họ tự bị đẩy ra khỏi đống lửa, trở về ngồi lễ và lại lắc lư trong tiếng nhạc, chờ thần linh ban tiếp sức mạnh cho đợt nhảy mới.

Kết thúc nghi lễ

Khi lửa tàn hẳn, thầy cúng chiêu mộ các học trò về lại hàng chiếu phía sau để kết thúc lễ. Thầy cúng đọc bài cúng tiễn các ma về trời, lúc này các học trò của thầy mới dần tỉnh lại. Điều kì lạ nhất là họ không thấy đau  đớn và cũng không hề bị bỏng. Lễ kết thúc, thầy cúng đọc bài cúng cảm ơn các vị thần đã xuống góp vui cho dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia. Khi lửa đã tàn, than đã nguội, thầy cúng tiếp tục gõ pàn dơ, khấn cúng tiễn, mời thần thánh trở về trời và khấn xin các thần, thánh không nhập vào những người nhảy lửa nữa, để họ trở lại trạng thái bình thường.

 Theo bà Là Thị Toán, Thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình: “…Sau lễ nhảy lửa, nếu như năm ấy trong làng có nhiều người không bị đau ốm, nhiều học trò học được làm thầy cúng thì đến tết Nguyên đán, các học trò cùng cả gia đình sẽ đến tạ lễ thầy để xin lộc tài của thầy cho mọi người, sang năm mới được nhiều hơn năm cũ...”.

Di sản văn hóa phi vật thể: Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn
Thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, nơi sinh sống của người Pà Thẻn, còn lưu giữ Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn”

Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn ở xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đã có lịch sử lâu đời và được gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ. Lễ hội nhảy lửa không chỉ phản ánh vai trò và địa vị của những người thầy cúng trong xã hội trước kia, mà còn là bằng chứng thể hiện những yếu tố văn hóa, tín ngưỡng nguyên thủy sơ khai, niềm tin vào thế giới thần linh và những thế lực siêu nhiên. Lễ nhảy lửa đã trở thành tục lệ không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của người Pà Thẻn, tuy còn mang màu sắc tâm linh và huyền bí, nhưng Lễ hội truyền thống này của dân tộc Pà Thẻn là minh chứng cho sức mạnh, cho quá trình lao động, chế ngự thiên nhiên để sinh tồn và phát triển của con người. Đây không chỉ là ngày vui của người Pà Thẻn, không chỉ có ý nghĩa gắn kết cộng đồng mà còn bảo lưu được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác.

Vi Biên

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy