Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
09:55 (GMT +7)

Di ngôn

Maryna! Maryna! Mẹ đâu rồi! Ơ, sao lại im lặng thế này.

Bà Maryna đã có tuổi và còn thêm chứng nặng tai, đôi khi bà cố ý không trả lời vì bà quá oải hơi với đứa con gái Reinia. Bà chỉ vồn vã lên tiếng vào bất cứ ngày nào được xem là “Thánh lành”: ngày ký hợp đồng. Từ ngày cô chủ Régine ở nhà một mình, tỉ mẩn nhặt những sợi lông trên chiếc chăn cũ hoặc gập người mê mải chia những quân bài xem bói, bà mới lo sợ. Vào lúc như vậy, bà ra khỏi nhà, rồi dừng lại trên bậc thềm gào tướng lên lạc cả giọng.

Những người hàng xóm thì tủm tỉm cười.

 - Không biết rồi cô ấy sẽ sống ra sao một khi bà Maryna sang thế giới bên kia. Chắc sẽ lại rúm ró như chó bị đi kiết.

- Đấy chính là quả báo cho dòng dõi nhà cha xứ mà. Đã từ lâu, bà Maryna luôn phàn nàn rằng Régine luôn tìm cách trì hoãn việc ký hợp đồng với bà.

Rồi cuối cùng cái gì đến ắt phải đến:

Cả hai cùng đi chợ. Cứ mỗi ngày thứ hai hàng tuần, họ lại cùng nhau từ thành phố về nhà, bà Maryna người cao lớn, béo mập, lưng còng gập xuống do tuổi tác, người đao về phía trước vì phải mang vác hàng hóa; Reinia, cô con gái lớn của bà, người bé như cái kẹo, không mang gì, lặng lẽ như cái bóng, lẽo đẽo bước theo sau. Régine là cô chủ, còn bà Maryna là người giúp việc.

Di ngôn

Sáng hôm nay, một ngày tháng mười một, trời mưa phùn giá lạnh. Cơn mưa cuối mùa làm bà thêm đau ốm, nhưng nó lại gợi cho Régine nhớ tới lời hứa là nhượng một nửa ngôi nhà của mình cho người đầy tớ già.

Trên đường về nhà, Régine nhớ lại chuyện ấy, rồi đột nhiên ba chân bốn cẳng chạy bứt lên, bỏ lại đằng sau bà Maryna một mình, mệt mỏi, bệnh tật và không tài nào theo kịp, thậm chí gọi gào lên cũng không sao nghe thấy.

Vừa tới nhà, cô giật mạnh cánh cửa đang đóng chặt.

- Dì đâu rồi, Dì Maryna! Cô gọi thất thanh mà không hay người vú già Maryna mặt nhăn nheo, da vàng ệch đang đứng ở phía sau, lắc lắc đầu ra vẻ dè bỉu.

- Lạy Chúa nhân từ, nhưng tôi đây! Ta đã đi cùng với nhau, hà cớ gì cô lại hét ầm lên thế?

Régine xoa xoa hai tay, mặt xanh bợt, gượng cười hối hận.

- Cháu quên khuấy đi mất. Cháu gọi dì liên tục mà…, đừng nghĩ cháu sáo nhé. Dì biết không cháu không thể sống nếu thiếu dì.

Người hầu già chân nam đá chân chiêu, đi về phía ngôi nhà, Reinia lẽo đẽo theo sau.

Nhà của Régine hoàn toàn không phải là cả vũ trụ của Maryna, tuy vậy bà đã sống ở đó hầu như cả cuộc đời. Reinia khi còn bé tí, Maryna ở nhà bố đẻ của cô, một người đàn ông góa vợ, cha xứ Ostrovetski. Không một ai, thậm chí ngay cả cha xứ cũng chỉ biết cái cô gái xinh xắn, tươi như hoa này cũng chẳng còn trẻ trung gì nữa mà đã là mẹ của bé gái không cha. Người mẹ đơn thân này có thể sống cùng với đứa trẻ trên mảnh đất nhà mình, nhưng Maryna thì lại muốn cho cô con gái có một món hồi môn to hơn thửa đất mà họ đang sở hữu. Cô con gái của Maryna thì cứ lớn dần lên ở ngôi nhà của cô em gái, chính cô này phải làm lụng cực nhọc, chắt bóp  để mua được mảnh đất. Năm tháng trôi đi, thời còn ở Pologne, Maryna đã dọn đến ở nhà cô ấy, khi ông Ostrovetski đột ngột qua đời, và người con trai, mắc chứng nát rượu và chơi bời, đã bán tống bán tháo tài sản và trốn đi biệt tăm. Để lại gánh nặng cho Maryna là bé gái đã nhớn, bệnh tật và ngây ngô, đấy là cô em Reinia.

Con gái cha xứ rơi vào cảnh liêu điêu nhưng chưa đến nỗi tuyệt vọng, Cô không bị đơn độc trên cõi đời này. Mà ngược lại, chính người đầy tớ dễ bảo này, kể từ khi còn trẻ đến khi tuổi già ập đến, chưa một lần biết đến đàn ông, lại đột nhiên tuyên bố xanh rờn:

- Đã đến lúc tôi phải đi khỏi nhà mình, cô ạ. Con gái tôi đã đi lấy chồng. Tôi sẽ đến ở với nó. Tôi làm việc suốt cả đời để có chút tuổi già tĩnh tại.

Régine thì làm ra vẻ ấp úng:

- Con gái? Dì bỏ đi sao?! Thế cháu thì sao? Một sự chán nản trào dâng xâm chiếm cô.

Maryna vẫn tiếp tục công việc của mình. Điều đó giải nghĩa số phận bà phải vậy. Bà đã bảo đảm số phận cho con gái mình, và giờ đây bà lại làm việc vì những đứa cháu. Bà đã cho cô con gái miếng đất và sẽ còn tiếp tục mua nhà cho đứa cháu út nữa.

Họ đã chung sống cùng với nhau qua những năm dài khốn khó. Thời thế thay đổi, thậm chí đến cái từ “đầy tớ” cũng đã được mọi người hiểu khác đi, nhưng quan hệ giữa họ thì vẫn vậy. Régine thì ngày ngày vẫn ngồi chia quân bài, đọc các tiểu thuyết Pháp hoặc chọn nhặt lông tơ trên chiếc chăn lông; Maryna thì tất bật từ sáng đến tối. Bà trồng, chăm bón cây, lựa chọn phân loại khoai tây, các loại hoa trong vườn. Bà có những cây mẫu đơn, cẩm chướng, cúc hoa, bạc hà, cần núi. Cô chủ thì ngược lại tỏ ra đố kỵ với thú vui của người vú già ấy. Cô chỉ thích nhìn thấy trong vườn có nhiều hành tây, thứ ấy thực tế hơn. Khi biết thâm ý đó không làm cho người vú già từ bỏ, thì Régine bắt đầu tìm cách xua đuổi những đứa trẻ, không để cho chúng đến ngắt hoa, vặt quả ở chỗ bà Maryna.

Người vú già chẳng muốn sống nhàn tản. Nếu như không có việc gì phải làm ở gần nhà, bà mang cuốc đi làm việc với chị em phụ nữ trong làng trên cánh đồng của nông trang. Bạn bè của bà trêu chọc nhưng họ tỏ ra thích thú vì được làm việc cùng với Maryna.

- Ngày mai xin mời bà đến để nhận tiền công nhé!

- Tiền công nào thế? Bà hỏi để thay cho câu trả lời. Này, cháu gái tôi thời gian tới sẽ đến chỗ các bác. Nó muốn chứng minh nó cần phải làm việc như thế nào. Còn tôi, thi đã già rồi, không còn nhanh nhẹn nữa.

Thực ra, bà cảm thấy khỏe khoắn khi được làm việc. Khi những cơn mưa mùa thu bắt đầu và khi trong vườn cũng chẳng còn gì phải bận tâm nữa, trừ vài cây hướng dương và mấy cây hoa cúc gần bờ rào, Maryna nằm ngủ trên chiếc đi-văng cũ nửa làm giường, kêu cọt kẹt, đặt trong góc nhà, dưới bức tượng Thánh hen ố. Bà đưa mắt nhìn ra ngoài trời ẩm ướt, phàn  nàn:

- Ốm rồi, không biết có qua nổi mùa đông này không đây.

Nhưng kêu ca thế chỉ để mà kêu. Bà không thể ngồi nhìn Régine một mình xách nước, đánh đổ, vương vãi tung tóe. Bà cũng không nỡ ngồi nhìn bột bị cháy khét trên bếp, sữa sôi chảy giàn dụa trước mặt cô gái cũng đã luống tuổi rồi. Bà lại lồm cồm dậy, ca cẩm vu vơ và làm tất cả. Régine khi ấy tỏ ra dịu dàng, cô gợi lại những tháng năm ngọt ngào của cuộc đời mình. Maryna thì nhắc lại với Régine về bản hợp đồng làm osin của mình. Hai tay thõng xuống bắt chéo nhau, Régine nói:

- Thôi đừng sốt ruột, dì cháu mình sẽ cùng nhau vào thành phố. Cháu chẳng biết mình phải đi đến nhà ai. Và sau đó chúng ta sẽ lại tiếp tục, dì Maryna kính mến ạ.

Những lời hứa, thực sự cũng chỉ là những lời hứa… Khi sự cố đến, thì tất cả những lời hứa ấy cũng sẽ bị lãng quên.

Vào một ngày, Maryna cảm thấy thực sự khó ở. Từ chợ trở về, bà cảm thấy người như hụt hơi. Thêm vào, hai thắt lưng đau như dần… Mà còn không thể thở được nữa. Bà nằm ẹp xuống trên chiếc đi-văng nửa làm giường nửa làm ghế, tay ôm ngực.

Régine suy sụp. Thoạt tiên cô chạy ra sân, nhưng rồi cô hiểu rằng đây không phải là chỗ cần đến, cô lại quay vào nhà, lật ngược chiếc ghế lên, dưới có cái chậu đựng đầy nước, rồi chợt nhớ ra những việc cần phải làm. Bất ngờ cô lôi hộp ngăn kéo của chiếc tủ búp-phê có chứa hổ lốn mọi thứ bày lên bàn: những ống cuốn tóc, những cái túi nhỏ của Maryna đựng hạt giống hoa, hạt táo, hạt anh đào khô và rồi cô tìm thấy các loại thuốc.

- Nào di Maryna ơi, hãy uống thuốc đi, nhân danh Chúa, vừa nói cô vừa chăm chú quan sát: Dì ấy giả vờ hay thật sự ốm nhỉ?

Cô nhận thấy hình như là có vẻ nghiêm trọng. Người đàn bà này vẫn thường bê những rổ khoai tây trong vườn một cách nhẹ nhàng, bỗng nhiên người co rúm lại, gục xuống, co ro.

Maryna ngước nhìn những tấm cửa kính bụi phủ mờ, mắt ngấn lệ.

- Năm nay mùa đông lại bắt đầu sớm hơn, mẹ không thể qua khỏi được đâu Reinia ạ.

Régine muốn an ủi người bệnh, nhưng cô lại chẳng biết cần phải nói những gì… Một lần nữa cô lại nhớ lời hứa là để một nửa ngôi nhà của mình cho Maryna. Có lẽ nào cô phải để một nửa ngôi nhà cổ mà ở đó biết bao thế hệ của dòng họ Ostrovetski đã sống và lớn lên, cho một đứa con gái không rõ tông tích của người vú già Maryna! Để lại cho cô ta thì chắc chẳng được gì trong khi bao khách mặc cả trả cho cô một món tiền kha khá.

Tay cô chìa ra mặc dù đang hướng về các quân bài, nhưng chúng lại làm cô nhớ lại những điệu khiêu vũ ở trong ngôi nhà này, những cha xứ trẻ, điệu tăng gô và những trò chơi thử lòng kiên nhẫn. Những quân bài liệu mách bảo điều gì chăng? Chúng chẳng đả động gì đến cái chết của Maryna; Régine hiểu quá rõ về Maryna. Nhưng… cần phải hiểu thêm chút nữa. Cần phải làm một cái gì đó.

Maryna yếu ớt vẫy tay như ra hiệu.

Thôi đừng bói bài nữa…, xin cô…

Régine gạt các quân bài ra. Có lẽ Maryna thường không dễ bị mắc lừa. Nhưng cần phải chạy đi tìm một thầy thuốc. Ông ấy mới có thể giúp được bà ta.

 - Cháu đi gọi bác sỹ nhé, dì Maryna.

- Chả cần đâu. Tôi sẽ chết ngay trước  mặt cô, bà nói với giọng nhẹ bẫng, như bóng gió về lời hứa của Régine.

Régine tảng lờ vờ như không nghe thấy. Vội vã mặc áo măng-tô, vơ lấy chiếc mũ cũ chụp lên đầu.

“Cần phải cứu Maryna ra khỏi cái chết!” - vừa lẩm nhẩm nhắc lại câu nói ấy, cô vừa đi đến phòng mạch.

Tuy nhiên, sẽ chẳng có thứ thần dược nào có thể cứu Maryna thoát khỏi cái chết. Có lẽ liều thuốc duy nhất cho bà là đợi khi mùa xuân trở lại. Cũng chính tay bà tự chế lấy thứ thuốc đó trong căn phòng của mình. Khi những bông hoa cúc trong bình vào dịp lễ Nô-en đã hoàn toàn nở hết và đã lụi tàn thì Maryna tự tay làm lại chúng bằng giấy rồi treo sau những bức ảnh Thánh và trên những ô cửa sổ. Bà lấy những bông bạc hà khô, cây cần núi trong hộp sắt rồi dùng tay vò nát để cho hương thơm tỏa khắp căn phòng. Mùa xuân thực sự làm cho bà bận rộn với công việc này. Lúc ấy, bà ra ngoài hít thở khí trời mùa xuân, bệnh tật cũng tan biến, và bà lão già nua ấy lại bắt đầu làm việc. Nhưng vào lúc này, mùi bạc hà, thậm chí hương hoa cúc cũng không tăng thêm cho bà một chút cứu cánh nào.

Ông bác sỹ không thể nói được gì thêm. Đó là bệnh người già. Có khi có thể kéo dài, nhưng cũng có khi kết thúc sớm. Chẳng có gì ngạc nhiên cả. Tuổi tác mà…

Mùa đông đang trở về thét gào ngoài ống khỏi lò sưởi. Trong mơ, Maryna được gặp đứa cháu ngoại Oxana. Con bé là đứa thông minh, và đang là sinh viên khoa nông học. Oxana chưa hề hiểu thế nào là nghèo đói. Thời nay, các sinh viên được miễn học phí toàn phần, không những vậy họ còn được cấp học bổng. Điều này hoàn toàn khác với thời trước. Bà nó đã đi ở cả đời mong sao đứa cháu có được một ngôi nhà riêng khi nó ra trường, bắt đầu đi làm. Ở nông trang của làng - Maryna đã từng được nghe - Chúng tôi thực sự đang cần một kỹ sư canh nông.

Bà tỉnh dậy và hỏi ngay Régine: Khi nào thì chị mời được công chứng viên đến nhỉ?

Régine nhìn người vú giá e ngại, mắt cụp xuống.

 - Ngày mai ạ, cô quả quyết.

- Và thực sự cô đã có mặt ở thành phố, lòng thanh thản vì đã giữ đúng lời hứa. Nhưng khi đứng trước cửa văn phòng công chứng. Cô bỗng quay ngoắt lại. Cô không thể làm điều đó. Ai sẽ chăm sóc bà ấy? Và còn đứa cháu của bà thì sao? Không, mình không thể phó thác cho những người trẻ tuổi, họ không biết chăm sóc. Có lẽ phải bán ngôi nhà, và với số tiền có được, mình sẽ tìm một chỗ nương thân, thậm chí xin ở nhà của cha xứ làng bên. Chúa sẽ nhân từ, bao dung…

“Có thể Chúa sẽ tha thứ cho mình về điều đó, Maryna nghĩ vậy, thậm chí bà cũng không còn đủ sức để phát âm trọn vẹn một từ, thậm chí khi biết Régine đã nói dối là không gặp được luật sư. Còn mình, mình không bao giờ tha thứ, cho dù có ở thế giới bên kia. Tất cả cuộc đời mình, mình đã làm việc chả mong cầu cái gì cả…”.

Những ngày lạnh lẽo và ngắn ngủi êm ả trôi đi. Tuyết tụ thành từng bông bay lượn lờ ngoài cửa sổ. Những bông tuyết hư ảo phủ kín các tấm cửa kính. Mỗi buổi sáng, Maryna lại như được tận hưởng một bức tranh khác: Khu vườn xanh mướt, hoa nở, những đứa trẻ kéo những cành cây chạy đuổi nhau sau hàng rào bọ chét. Nếu như bà còn có thể cử động được đôi bàn tay thì bà sẽ thêu khung cảnh ấy trên vải lụa. Ý nghĩ này làm bà vui vui nhưng từ bây giờ bà không thể nghĩ tới một việc nào khác nữa. Giá đôi bàn tay còn nghe theo ý bà. Thế nhưng, đúng vào thời điểm ấy, bà lăn ra ốm và bà hiểu rất rõ điều đó. Bà còn làm được gì với đôi bàn tay ngoài việc phải đưa lên ngực, nó chẳng giúp được bà gì nữa. Tuy vậy, bà vẫn khao khát cháy bỏng điều đó: là sao còn thời gian để hoàn thành bức gấm thêu mùa xuân trên tấm vải và đi ra ngoài dạo chơi thở hít khí trời.

Régine sốt sắng thuyết phục Maryna, nhưng không có kết quả.

Ngôi nhà thì bừa bãi, bẩn thỉu, bát đĩa không được lau chùi, bà cô thì lơ đãng. Nhưng cũng chẳng sao…

Maryna thì chẳng thèm để ý đến cô nữa.

Mỗi sáng khi mùa xuân dập dìu ngoài cửa sổ, hạnh phúc nào hơn trong cuộc đời, người ta luôn có thể tìm thấy cho mình một điều gì đó hữu ích thuộc về mùa xuân.

Vào ngày đẹp trời, người bệnh như thấy có hàng nghìn con kiến bò trong người như muốn chạy trốn khỏi cơ thể, có lúc lại thấy chúng như muốn kéo đến ẩn nấp trong con tim. Các ngón tay nhúc nhích, cử động, cánh tay thì co duỗi ra được. Maryna cảm thấy phấn chấn. Bà đứng dậy, rời khỏi giường ngủ và bắt đầu công việc thêu tranh.

- Dì khá hơn rồi ạ, thưa dì Maryna! Régine mừng rỡ hỏi.

- Không thưa cô, tôi còn khó ở lắm, người vú giá chống chế. Có lẽ tôi sẽ chết trong vài ngày tới thôi. Hàng trăm con bệnh đang quần thảo trong lồng ngực tôi đây.

Bà chợt nhận ra trong con mắt của Régine ánh lên nỗi khiếp sợ, và có thể chính điều này làm cô nảy sinh sự đề phòng Marina nhắc lại lời hứa lần cuối cùng mà Régine đã nói với bà.

- Tôi chỉ có một thỉnh cầu với cô, người vú giá vừa nói vừa như dò xét qua ánh mắt của cô chủ, và cô hãy làm điều đó đi bởi vì đấy là chút lòng thương hại còn sót lại trong trái tim cô. Ở dưới đáy cái tủ, trong cái khăn mùi-soa, tôi có để một khoản tiền nhỏ. Cô làm ơn đi đến bưu điện, hãy đánh điện tín gửi con gái tôi, bảo nó về ngay với tôi. Nhớ gửi cho nó tấm ngân phiếu 10 rúp để làm lộ phí.

-  Vâng, cháu đi luôn đây, thưa dì Maryna.

Régine vội vã đi đến bưu điện. Cô sẽ đánh điện và gửi số tiền này đi. Tiếp đến, cố chuẩn bị sửa soạn để đón con gái và cháu ngoại của bà Maryna. Cô sẽ nói với họ về lòng tốt của người vú già, về tinh thần phục vụ tận tâm, về lòng trung thành đối với dòng họ nhà Ostrovetski. Và mọi người ôm nhau òa khóc thương xót người vú già Maryna xấu số.

Cô đã thảo xong nội dung bức điện.

“Và bây giờ, thưa cô chủ, xin hãy để cho tôi một nửa ngôi nhà mà cô đã từng hứa với tôi”, Régine như nghe thấy những tiếng vọng ấy. Cô run lên, nắm chặt số tiền và mảnh giấy hốt hoảng ra khỏi bưu điện như ma đuổi.

“Lạy Chúa lòng lành hãy tha thứ cho con…”

Maryna bắt đâu thêu bức tranh mùa xuân. Ngôi nhà vùng quê vẫn hiện trong vườn cây. Cần phải bổ sung ở chỗ này một ít hoa. Một cơn đau bỏng rát bỗng vặn xoắn trong lồng ngực, hàng ngàn con kiến như chạy đau rát trong lồng ngực. Cần phải hoàn thành nhanh bức tranh để rồi chết trước khi mùa xuân trở về.

Cô đã gửi cho con gái tôi bức điện chưa?

Rồi, Régine vừa trả lời vừa cụp mắt nhìn đi nơi khác.

Reinia thức trắng hai đêm để cầu nguyện mong sao cho mẹ Maryna khỏi bệnh.  Đến ngày thứ ba, cô nhận thấy người vú già thở khó nhọc. Khung cảnh mùa xuân mà Maryna đã thêu phác họa sơ giản được treo lên tường và trên đầu chiếc giường ngủ: ngôi nhà hiện lên giữa những lùm cây trong vườn, phía trên, những bông hoa đua sắc bừng nở, đằng trước là vệt sáng màu đỏ. Bầu trời ở phía trên với ông mặt trời đang nhoẻn miệng cười tươi, có đầy đủ: mắt, mũi, miệng.

Bà Maryna suốt đêm không tài nào ngủ được, bà chỉ muốn hoàn thiện bức tranh thêu khiêm tốn như vậy, còn bây giờ bà đang nằm thõng thượt trên giường để đợi cái chết.

Régine khiếp sợ sự thực. Cô sợ phải chứng kiến cái chết. Cô âm thầm chuẩn bị tư trang và lặng lẽ rời khỏi nhà.

Suốt trong đêm, tuyết tan chảy lan tràn. Nước chảy róc rách trong những rãnh thoát nước thải trong vườn. Mùa đông đã thực sự ra đi.

Régine vội vã đi sang làng bên, đến nhà cha xứ, là một trong những người quen của cô và cũng còn là đồng  nghiệp của cha cô nữa. Ông là người dễ hòa đồng. Có thể cha xứ đồng ý thu xếp cho cô ở nhà ông vì biết cô có tiền do vừa bán ngôi nhà. Ông tiếp cô một cách lạnh lùng, nhưng khi nghe nói đến tiền, ông dịu giọng hơn. Dĩ nhiên là ông xếp đặt cho cô một chỗ vừa ý. Hiện tại cô chỉ muốn nghỉ qua một đêm và tá túc ở nhà cha xứ một vài ngày. Cũng chẳng sao nếu bà Maryna chết mà không có ai ở bên. Linh hồn của người mãn phần, tử vì đạo sẽ tìm thấy chốn nương thân ở một thế giới khác mà không cần phải xưng tội, cha xứ sẽ lo mai táng cho bà ấy. Mọi người sẽ chung tay cùng cha xứ nếu như bà ấy chết. Lần đầu tiên Régine cảm thấy mình bình thản hơn.

Maryna mở mắt ra, chẳng có ai ở trong nhà cả. Bà cất tiếng gọi, cũng chẳng thấy ai trả lời.

“Tại sao Ganna và Oxana chẳng thấy về nhỉ?”, ý nghĩ ấy làm bà khổ sở. Tính ra đã ba ngày kể từ khi bức điện khẩn được gửi đi.

Gần trưa, mặt trời chiếu rọi thêu dệt và lan tỏa lên khắp mái nhà rồi bậu lên cửa kính. Maryna mỉm cười, đưa tay lên như xua đuổi ảo mộng kỳ dị, ông mặt trời như sợ hãi, rồi trốn khỏi cửa sổ để biến vào bầu trời. Bà quan sát hồi lâu, tưởng như là mình đang mơ.

Một lần nữa, vào buổi chiều, bà lại tỉnh dậy. Mặt trời đã khuất bóng sau hiên nhà, ánh nắng vàng ợt cười cợt nhảy múa ngoài hiên.

Bỗng nhiên Maryna sửng sốt, thức tỉnh rồi bật ngồi dậy.

- Mọi người nói rằng hình như mình khỏe ra! Bà lẩm nhẩm. Reinia con ơi! Bà gọi.

Chả có ai trả lời. Bà cũng chẳng còn sinh lực để hiểu tại sao ngôi nhà lại trống vắng đến thế. Rồi bà ngủ thiếp đi, và suốt đêm trong mơ bà thấy những dòng sông mùa xuân. Những hạt mưa đầu tiên gõ bi bung trên mái nhà.

Ngày hôm sau. Maryna nhận thấy mùa xuân đã trở về. Ánh sáng mặt trời đã tràn ngập trong căn phòng, nhảy múa trên các ô cửa, trên tường và trên trần nhà. Bà lao đến bên song cửa sổ.

Mùa xuân thực sự đã ở ngoài kia. Nó giống như bức tranh thêu nổi bật treo trên tường và điểm xuyến trên vải toan trước cửa sổ. Những đốt xương sống già nua của bà kêu răng rắc, những con kiến như bị nước nóng chạy trốn khỏi lồng ngực, dọc theo hai cánh tay rồi biến mất.

- Reinia này, mùa xuân đang ở ngoài kia rồi! Con đang ở đâu?

Bà đặt hờ một chân trên sàn nhà, nhìn lướt một lượt khắp căn phòng, chẳng thấy có ai cả. Bà xem xét các đồ vật: áo măng-tô, chiếc khăn len quàng cổ không thấy đâu. Régine đã đi khỏi nhà. Nhưng cô chủ đi đâu đã hai ngày nay. Cô ấy đã rời đi? Vậy thì đi đâu?

Bà chờ đợi cô chủ của mình. Bà đi lại trong sân. Mùa xuân đã mang lại cho bà sinh khí. Bà hỏi những người hàng xóm xem Régine đã đi đâu. Chẳng ai biết cả. Bà bắt đầu sắp xếp lại đồ vật trong phòng ngủ. Trên chiếc bàn ngủ của cô chủ, bà nhặt được một tờ giấy nhàu nát và ít tiền. Mười rúp. Số tiền ấy là của bà ư! Bà hiểu ra tất cả. Bà mở tờ giấy ra. Đó là nội dung của bức điện. Cô chủ ghi: “Hãy đến ngay đi, mẹ ơi...”. Nội dung bức điện còn dang dở.

Bà chợt hiểu. Bà lướt nhìn khắp căn nhà tuềnh toàng với ánh mắt giận dữ.

 - Ah, một kẻ đáng thương!.., nhưng hãy đợi đấy, một kẻ cuồng tín!

Bà thu dọn tất cả đồ đạc đựng trong ngăn tủ rồi đóng lại. Bà mặc quần áo, cầm tiền.

- Chúa vẫn là mãi mãi, tổ ấm của mình là chỗ cha xứ cơ! Bà đóng sập cửa lại làm những mảng sơn tường bong tróc rơi phủ kín bậc thềm.

Những con chim sẻ hót líu lo trên những cây anh đào.

***

Cha xứ hét ầm lên làm mắt ông nổi vằn những quầng tia phớt xanh.

- Bà ấy quy tiên rồi!

Reinia thậm chí không nhớ cha xứ đã rời đi từ lúc nào. Lúc thì cô ấy vơ lấy cái ghế, rồi lại bỏ ra cầm cái chảo, chạy lung tung khắp các phòng, vấp ngã túi bụi. Cô muốn hiểu những gì đang xảy ra mà sao không thể.

Một lúc sau, cô chạy ra bậu cửa rồi gào lên giọng thất thanh.

Maryna, Maryna! Mẹ ở đâu?...

Giời đất ơi! Sao tôi khổ thế này!

Roman Ivanoutchouk (Ukraina)

Dịch giả: Nguyễn Hữu Vỹ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy