Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
21:44 (GMT +7)

Đêm trăng tát cá

Quê tôi, trẻ con theo cha mẹ ra đồng rất sớm. Những đứa trẻ vừa lớn lên đã học cách yêu bùn đất quê nhà. Ngày nông nhàn, mẹ tôi thường ngồi cắt những ống quần cũ rồi khâu thành xà cạp chân, xà cạp tay. Mẹ khâu một đôi xà cạp nhỏ cho tôi theo mẹ đi tát cá. Làng tôi nằm ven sông, dải đê ngăn cách giữa khu khuyến nông và con mương dẫn nước. Hai bên bờ mương người làng vun đất cấy rau muống đỏ. Chọn một khúc mương nhiều tăm cá, mẹ tôi lội xuống vốc bùn đất be bờ, tôi lấy chậu nhôm tát nước. Nước cạn, lách chách trên lớp bùn lỏng là cá diếc, cá rô, cá mương thanh...

Thú nhất là những lần tôi được theo mẹ và mấy cô trong xóm đi tát cá đêm trăng. Khoảng chín mười giờ tối, mọi người kéo ra đồng mang theo dậm, gầu sòng, rổ mau, rổ thưa, chậu nhôm, nồi niêu, gạo, muối và một can nước mưa đầy. Đêm sáng trăng, mẹ be bờ, cô Thoan khoi (*) nong, cô Hạnh dựng gàu sòng đứng choãi chân tát nước. Nước cạn đến đâu cá bơi theo lạch vào nong đến đấy. Nước cạn, cá to bắt trước, tôm tép vạt sau. Tôi kiếm củi móc hùm nhóm lửa, đặt kiềng, bắc nồi nấu cháo cá chép trên đê. Tát cá đêm hao sức lắm, nửa đêm là đói bủn rủn chân tay. Trong ánh lửa bập bùng, gió thổi mát như quạt hầu. Cháo cá thơm phức, cỏ mần trầu, cỏ gà cháy thơm nồng, mùi tanh của cá và bùn non lấm láp, tôi xì xụp húp cháo. Ăn xong, tôi lăn ra đê, úp nón lên mặt tránh sương, ngủ một giấc cho đến khi mẹ gọi dậy khiêng cá về. Mẹ tôi, cô Thoan, cô Hạnh gánh cá, tôi cầm đèn pin đi trước soi đường. Đường đất, sáng trăng suông không tỏ mặt người sợ giẫm phải gai tre hay gai móc hùm. Gió từ sông thổi vào mang theo hơi nước mát lạnh, sương xuống đọng đầy trên vạt cỏ hai bên đường, tiếng gà gáy canh năm xao xác. Cá gánh về được phân loại, nhặt bỏ rong rêu, rửa sạch bùn đất rồi mang đi chợ bán.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Những ngày theo mẹ đi tát cá, mẹ tôi thường kể chuyện ngày xưa. Bà ngoại tôi làm vợ lẽ, ngày ấy đàn ông trong làng năm thê bảy thiếp là chuyện thường. Mỗi lần sinh con là một lần bà tôi dắt díu theo cả đàn con đi đẻ nhờ ở nhà anh chị, nhà hàng xóm. Sinh con với chồng nhưng không được đẻ ở nhà chồng. Sau này, bà tôi được chính quyền chia đất ra ở riêng, đêm đêm bà giã gạo làm hàng xáo. Cả một đời bà chắt chiu từ hạt gạo, hạt tấm, đấu cám nuôi chín người con. Các bác các bá tôi yên bề gia thất là lúc bà tôi ngã bệnh. Mẹ và cậu tôi ở cùng bà, cơm không đủ ăn, nồi cơm ghế khoai, ghế sắn. Bữa cơm, mẹ tôi dựng miếng sắn, lấy đũa gạt cơm xuống nhường bà.

Mẹ và cậu tôi cũng thường đi tát cá. Tôm cá ngày ấy đầy đồng, một vũng nước sủi tăm, tát cạn là bắt được đầy giỏ cá. Có lần, mẹ và cậu tôi theo người làng đi bắt cá ngoài đê. Khi ấy lũ vừa rút, cá trê, cá chuối, cá trắm rúc xuống lớp phù sa lỏng đỏ quạch. Cá nhiều đến nỗi cậu tôi phải tháo quần dài, lấy dây chuối buộc chặt hai gấu quần lại rồi đựng cá. Chân đê có cái cống dẫn nước mà cá trắm đen thường rúc. Cậu tôi tháo cái dây thừng ở mũi trâu buộc ngang lưng mình rồi dặn mẹ tôi nắm một đầu dây. Cậu vào trong cống bắt cá, khi nào bắt được thì giật dây cho mẹ tôi kéo ra. Cậu bò sâu vào trong cống mãi. Mẹ tôi gọi mà không thấy cậu trả lời, kéo dây nhưng không lôi được cậu ra thì mẹ chạy lên đê thất thanh gọi người làng đến cứu. Khi mọi người kéo được cậu tôi ra ngoài, người cậu bê bết bùn đất, miệng cũng đầy bùn, hai tay hai chân quặp chặt con cá trắm đen to hơn bắp chân.

Mãi về sau này, khi tôi lớn lên, mẹ tôi vẫn kho cá theo cách của bà ngoại. Cá bỏ mang, đánh vảy, làm thật sạch, cắt khúc kho với riềng tươi, lá nổ, măng non và kẹo đắng trong nồi đất. Mẹ kho bằng bếp củi hoặc đốt trấu ủ từ sáng đến chiều, nồi cá sém mỡ xung quanh, khúc cá săn lại, nhừ hết cả xương. Có cá khá cơm, mùi cá kho, mùi cơm chín tới thơm lừng cả xóm. Chiếu hoa trải ra hiên, cả nhà ngồi xếp bằng rồi so đũa. Trăng sóng sánh trong bát canh, bóng mẩy trong lưng cơm trắng.

Nhà tôi có hai sào ruộng ngoài đê, nước sông tràn qua khu khuyến nông vào ruộng. Trong tất cả các giống lúa, chỉ có lúa Q5 là chịu ngập tốt nhất. Giống lúa này thân cao, cứng như cây sậy, chim sâu tha hồ vít tổ. Mùa lúa chín, chờ ngày nước rút mẹ tôi sẽ mượn mấy cô hàng xóm gặt đổi công. Mỗi người chia nhau một góc gặt dồn từ ngoài bờ vào giữa ruộng. Vừa gặt vừa bắt cá bỏ vào chiếc giỏ đeo bên hông. Ếch bị dồn vào đám lúa còn sót lại, mẹ tôi bắt về rang lá lốt thơm lừng. Có lần mải mê mò cá, tôi bị đỉa trâu bám vào ngón trỏ. Giống đỉa này to, đen trũi, bám rất dai. Tôi hoảng quá, lao thẳng lên đê, vừa chạy vừa vẩy tay thật mạnh nhưng con đỉa không chịu nhả. Tôi lăn ra đê gào khóc. Bác Thẩn đi qua liền bôi nước bọt vào tay tôi, con đỉa nhả ra, máu ở ngón trỏ chảy ròng ròng. Tôi ngắt một nõn chuối nhai rồi đắp vào cầm máu.

Mảnh ruộng ấy, có vụ bị trâu ăn mất một đám lúa ven đê. Cả ruộng lúa đã chín vàng mà đám lúa ấy mới trổ đòng đòng. Mẹ tôi đứng tuốt đòng đòng về cho con thì nghe thấy tiếng phì phì dưới nước. Mẹ chắc mẩm là cá lớn nên lội theo gốc lúa đung đưa. Con rắn hổ mang to bằng bắp tay thình lình nhỏng đầu lên vít lấy tổ chim sâu. Mẹ tôi hốt hoảng bỏ cả đòng đòng mà chạy. Năm ấy, lúa chín rũ mẹ tôi mới dám mượn người gặt. Vừa gặt vừa lấy đòn gánh khua về phía trước để đánh động.

Càng về sau này, cá tôm càng hiếm, nhiều nhà thuyền chài bỏ nghề đánh cá trên sông. Thi thoảng ra đầm gánh nước, tôi gặp nhà bác thuyền chài giăng lưới. Có lần, bác cho tôi một đôi cá rói dặn mang về thả vào giếng đá, Tết đến tát giếng đi sẽ có cá ăn. Tôi bỏ đôi cá vào thùng nước gánh về, ngày nào ra giếng rửa bát cũng rắc cơm như cô Tấm nhưng đôi cá chưa một lần nổi lên ăn cơm bạc cơm vàng. Những ngày mưa lụt, nước dâng lên tận miệng giếng tôi cũng chưa từng thấy cá ngoi lên. Nào có ai tát giếng bao giờ…

Bây giờ, thi thoảng dắt các con về thăm quê, chở con ra đồng, chặt cành tre làm cần, đào giun làm mồi cho con câu cá. Những con cá diếc nhỏ, cá cờ cắn câu khiến các con tôi hét lên vì vui, vì lạ lẫm. Đồng đất bây giờ đã khác xưa. Máy cuốc lật đất trồng chuối, đánh hốc sắn dây. Người làng cũng bớt nhọc nhằn.

Mẹ tôi bây giờ đã đi xa, kỷ niệm về mẹ với những công việc nhà nông quen thuộc thi thoảng lại trở về khắc khoải. Trong những giấc mơ có đêm trăng tôi theo mẹ ra đồng bắt cá. Cá trắm, cá chép, cá mè quẫy lóng lánh dưới trăng bạc, lấp lánh trong đôi mắt mẹ. Cá chảy tràn từ ruộng cao xuống chân ruộng trũng, cá to đến mức ôm đầy một vòng tay.

__________

(*): Khoi là dùng cuốc cời đất bùn ra tạo thành rạch, xong đặt rổ vào đó để nước chảy đi, cá tôm đọng lại.

Hoàng Hiền

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bàn chân tìm nhau

Văn xuôi 6 ngày trước

Rủ nhau đi hái măng rừng

Văn xuôi 1 tuần trước

Thong dong mây trắng…

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Sương

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Gió mây vần vũ

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Lời ru từ mặt đất

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Tháng Ba mùa hoa gạo

Xem tin nổi bật 1 tháng trước