Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
02:19 (GMT +7)

Để nông thôn văn minh, nông dân giàu có

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn mới văn minh. Việc phát triển nông nghiệp được định hướng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị bền vững, hiệu quả, đồng thời tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh. Các chủ trương, chính sách mà tỉnh đã triển khai thực hiện trong thời gian qua đã góp phần làm cho bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh không ngừng khởi sắc.

Nhiều chính sách ưu tiên cho phát triển nông nghiệp

Nói về các chính sách của trung ương, của tỉnh để hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đồng chí Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện các chính sách như: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ Chương trình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX); khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; phát triển sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ động vật;…

Để nông thôn văn minh, nông dân giàu có
Nhờ nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ từ trung ương đến tỉnh, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp của người dân đã kết hợp trở thành địa chỉ du lịch. Trong ảnh: Khách tham quan trên nương chè ở thị trấn Sông Cầu, Đồng Hỷ (Ảnh: Hoàng Hùng)

Kiểm đếm lại các chủ trương, chính sách của tỉnh đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để thấy rõ hơn điều này. Tháng 7/2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05 về quy định chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết. Dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư mới máy móc, trang thiết bị và xây dựng các công trình hạ tầng đầu tư phục vụ liên kết, bao gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng/1 dự án liên kết.

Tiếp đó, cuối 2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 15 thông qua Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó có chính sách: hỗ trợ 50% giá mua máy móc, thiết bị chế biến, đóng gói, bảo quản chè nhưng không quá 500 triệu đồng/cơ sở; 50% giá trị máy móc thiết bị, phù hợp với quy mô sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm quả (na, nhãn, bưởi) nhưng không quá 500 triệu đồng/doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác; hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, 50% chi phí xây dựng, thuê địa điểm, mua thiết bị điểm bán sản phẩm thịt lợn, gà an toàn của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhưng không quá 50 triệu đồng/điểm.

Hiệu quả của việc thực hiện các chính sách kể trên là đã thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư phát triển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 513 HTX tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; 30 doanh nghiệp chăn nuôi liên kết gia công với 450 trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Hàng năm sản xuất, cung ứng trên 85 nghìn tấn thịt hơi các loại, chiếm khoảng 40% tổng sản lượng thịt hơi toàn tỉnh; 521 doanh nghiệp, HTX, cơ sở tham gia sản xuất, chế biến lâm sản; 3 doanh nghiệp tham gia liên kết với người dân trong thực hiện quản lý rừng bền vững với 1.332 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; 500 cơ sở, HTX, tổ hợp tác được hỗ trợ chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ (với 5.651,8 ha) bao gồm chè, cây ăn quả, lúa và rau màu; 97 chủ thể với 173 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3-5 sao; 110 doanh nghiệp, HTX tham gia thực hiện 115 dự án liên kết sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo chuỗi giá trị…

Nói như vậy cũng không có nghĩa là lĩnh vực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã hết khó khăn. Trên thực tế, một số lĩnh vực như trồng trọt, thủy sản thu hút đầu tư chưa cao. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc tích tụ đất đai còn gặp khó. Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp thời gian đầu tư lâu dài, dễ gặp rủi ro, hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng không mang lại ngay như một số ngành, lĩnh vực khác cũng khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư trong lĩnh vực này.

Để nông thôn văn minh, nông dân giàu có
Từ nhiều nguồn lực đầu tư phát triển, nhiều cơ sở sản xuất đã được hỗ trợ máy móc, kỹ thuật trong sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp. (Ảnh: Chế biến chè chất lượng cao tại HTX chè Hảo Đạt, TP. Thái Nguyên)

Ngoài ra, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức trong giải quyết các thủ tục, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Một nguyên do quan trọng khác là một bộ phận không nhỏ người nông dân còn chưa thay đổi tư duy sản xuất dẫn đến việc hợp tác giữa người dân và doanh nghiệp chưa mang lại kết quả như mong muốn.

Để giải quyết tình trạng này trong thời gian tới, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Các sở, ban, ngành địa phương, đặc biệt là các cấp hội cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh; khuyến khích người nông dân và doanh nghiệp, HTX tích cực tham gia liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, tạo tiền đề cho việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất với Trung ương có các chính sách phù hợp về tích tụ đất đai và các chính sách ưu đãi khác để thu hút các doanh nghiệp, dự án quy mô lớn đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

Bên cạnh các chủ trương, chính sách kể trên, để giúp nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, các cơ quan chuyên môn trong đó có Sở Công Thương đã đẩy mạnh tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước, định hướng xuất khẩu. Cùng với đó, Sở đã hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX mở rộng thị trường nội địa tại các tỉnh, thành phố tiềm năng, cung cấp thông tin về các doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu nông sản của một số thị trường trên thế giới, xây dựng cơ sở dữ liệu xuất khẩu, tổ chức các đoàn công tác đi nghiên cứu, tìm kiếm thị trường.

Một trong những hoạt động được Sở xúc tiến thường xuyên, liên tục là tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá, kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm của tỉnh. Mặt khác, việc phát triển hệ thống phân phối cũng được chú trọng.

Để nông thôn văn minh, nông dân giàu có
Chăm sóc vườn thanh long theo tiêu chuẩn an toàn tại xã Hợp Tiến, Đồng Hỷ

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao năng lực, sức cạnh tranh trong thời đại kinh tế số, Sở đã giao Trung tâm Xúc tiến Thương mại là đầu mối trực tiếp cử cán bộ đến từng đơn vị, HTX triển khai các hoạt động chuyển đổi số, hỗ trợ tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, website chè và truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ tư vấn đăng ký nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì cho sản phẩm; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, xây dựng thương hiệu, kỹ năng bán hàng, liên kết xuất khẩu.

Công tác hỗ trợ, hướng dẫn được tiến hành trực tiếp tại từng đơn vị, cơ sở sản xuất, giúp các HTX, doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ trong sản xuất kinh doanh, tiếp cận các kiến thức, kỹ năng nhằm phát triển định hướng bền vững. Qua đó, các sản phẩm được giới thiệu bằng kênh chính thức đến người tiêu dùng.

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua các chương trình như: Phiên chợ Đưa hàng Việt về miền núi, nông thôn; Chương trình Kích cầu tiêu dùng nội địa; hỗ trợ xây dựng “Điểm bán hàng Việt”, triển khai đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, Tuần lễ nông sản, Tuần hàng Việt... đã giúp doanh nghiệp, HTX quảng bá, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đặc biệt, thông qua các giải pháp chuyển đổi số, Sở Công Thương đã hướng dẫn, tư vấn cho các đơn vị hoàn thiện hồ sơ năng lực, các thủ tục pháp lý liên quan đến sản phẩm. Sở đã hỗ trợ cấp mã truy xuất nguồn gốc QR Code miễn phí cho tất cả các sản phẩm của tỉnh; thiết kế tem, mã truy xuất nguồn gốc, tờ rơi giới thiệu sản phẩm; Tư vấn, hỗ trợ thủ tục đăng ký website, Sàn thương mại điện tử trực tuyến với Bộ Công Thương; đăng ký nhãn hiệu, mã số mã vạch; cài đặt C-thainguyen…

Để giúp người nông dân, các HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất… ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn phải kể đến sự vào cuộc tích cực của Sở Thông tin và Truyền thông. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nỗ lực trong việc hỗ trợ nông dân tiếp cận và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số.

Thông tin về kết quả đã thực hiện được trong thời gian qua, đồng chí Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Sở đã tổ chức tuyên truyền, đào tạo kỹ năng số thông qua các hội nghị, hội thảo; thông qua 2.255 tổ Công nghệ số cộng đồng tại từng xóm, tổ dân phố. Đồng thời, chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo hạ tầng mạng phục vụ người dân sử dụng giao dịch, quảng bá sản phẩm nông nghiệp trên môi trường mạng; Triển khai hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể, HTX tiếp cận, thương mại điện tử sản phẩm các sản phẩm OCOP trên các nền tảng số như Tiktok, Facebook, Zalo… Phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hỗ trợ tự động hóa trong một số quy trình sản xuất sản phẩm OCOP.

Đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bưu điện Thái Nguyên, Viettel Thái Nguyên và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ đưa 2.400 sản phẩm được cập nhật trên sàn, gần 190.000 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được tạo tài khoản, đưa sản phẩm lên 2 sàn thương mại điện tử (Postmart, Vỏ sò).

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 50 tấn nông sản địa phương, trên 95% các doanh nghiệp, HTX đã quảng cáo, giới thiệu, bán sản phẩm trên nền tảng số và các trang mạng xã hội.

Từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ trên 662.000 tem truy xuất nguồn gốc QR Code, giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu lý lịch sản phẩm, từ đó tạo niềm tin đối với nông sản của tỉnh.

Cũng như nhiều ngành và lĩnh vực khác, ngành Nông nghiệp cũng đang đứng trước thời cơ và thách thức mới. Chúng ta cần tạo ra những nông sản có lợi thế thị trường, mang lại giá trị cao. Có như vậy mục tiêu xây dựng nông thôn văn minh, nông dân giàu có mới được hiện thực trên diện rộng để nông nghiệp sẽ tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, nông dân là chủ thể, nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững.

Bình Yên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy
  • Phong hoan****@gmail.com

    bài biết rất hay, rất có ích