Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
21:56 (GMT +7)

Để người ảnh hưởng bởi chất độc da cam không thiệt thòi

VNTN- Đất nước Việt Nam ra khỏi chiến tranh đã 45 năm, nhân dân ta đã bước vào công cuộc xây dựng đất nước theo tinh thần khép lại quá khứ hướng tới tương lai, nhưng dư âm của cuộc chiến, di chứng chiến tranh vẫn còn đeo đẳng bao người dân vô tội.

Ma Đức Định, sinh năm 1982 ở xóm Làng Há, xã Lam Vỹ, huyện Định Hóa, con thương binh Ma Đức Hoàn, do bị ảnh hưởng chất độc da cam, nên cháu bị não úng thủy, đầu to, tay chân bé, co quắp, không ngồi dậy được. Mọi ăn uống, sinh hoạt do bố mẹ giúp đỡ.

Những người con, người cháu sinh ra trong thời bình vẫn phải mang trên mình nỗi đau chiến tranh. Những người cha, người mẹ tóc đã bạc trắng vẫn cặm cụi chăm bẵm hàng ngày cho những đứa con, những đứa cháu, không nguyên vẹn hình hài, thiểu năng trí tuệ, tâm thần. Với các căn bệnh thần kinh, đau đớn về thể xác, tinh thần, những người làm cha, làm mẹ, đều vô cùng xót xa muốn đánh đổi cả cuộc đời mình để giành cuộc sống bình an cho chúng.

Như trường hợp nạn nhân chất độc da cam Dương Văn Trụ ở xóm Đồng Cạn xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ. Ông có hai con và một cháu ngoại bị di chứng chất độc da cam. Con gái Dương Thị Nguyên sinh năm 1973 và Dương Thị Lâm sinh năm 1982. Cả hai con gái đều bị mù, mọi sinh hoạt cá nhân hàng ngày là do bố mẹ giúp đỡ, những lúc cần đi làm ruộng, mẹ em phải cho con uống thuốc ngủ.

Cháu Dương Thị Nguyên (thứ hai từ phải) và Dương Thị Lãm (thứ ba từ phải), con nạn nhân chất độc Da cam Dương Văn Trụ 
Cháu Dương Thị Nguyên (thứ hai từ phải) và Dương Thị Lãm (thứ ba từ phải), con nạn nhân chất độc Da cam Dương Văn Trụ 

Trường hợp cháu Dương Thị Oanh sinh năm 2015 ở xóm Đồng Thịnh, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ là thế hệ thứ ba bị di chứng chất độc da cam. Ông nội cháu là Dương Văn Hòa sinh năm 1942 là nạn nhân da cam. Ông ngoại cháu là ông Dương Văn Khoa sinh năm 1950 là nạn nhân da cam. Cháu mắc bệnh thiếu máu huyết tán, cứ 25 ngày lại phải đi truyền máu một lần. Cháu chưa được hưởng chế độ, gia cảnh vô cùng khó khăn.

Cháu Đặng Văn Thái sinh năm 2010 ở xóm Gò Cao, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ là cháu nội của ông Bùi Văn Diếp, sinh năm 1949, là nạn nhân chất độc da cam. Ngay từ khi sinh ra cháu Thái đã bị liệt cả hai chân. Hiện toàn tỉnh Thái Nguyên có gần 1.000 cháu là thế hệ thứ ba bị nhiễm chất độc da cam nhưng chưa được hưởng chế độ. Trường hợp ông Lý A Vàng ở xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, sinh ra hai cô con gái rất xinh đẹp khỏe mạnh nhưng khi lấy chồng sinh con đều không nguyên vẹn hình hài có đầu thì không có thân mà có thân thì lại không có đầu. Trường hợp ông Lý A Vàng ở Đồng Hỷ, khi con gái sinh cháu không rõ hình hài thì cũng là lúc ông cũng bị bại liệt bác sỹ kết luận là do di chứng của chất độc da cam.

Nguyễn Thị Xuân, sinh năm 1990 ở xóm Nông Vụ, xã Vạn Phái, con ông Nguyễn Quang Minh, là cựu chiến binh chống Mỹ cứu nước, bị dị dạng, chân dài nhỏ không biết đi, ăn uống vẫn phải bón.

 Trường hợp ông Nguyễn Văn Hưng sinh năm 1953 ở tổ 6, phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên. Gần chục năm trời ông theo đuổi làm hồ sơ để xin đi khám và giám định sức khỏe để được hưởng chế độ trợ cấp người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Mãi tới tháng 3 năm 2017 sau khi có bệnh ung thư mới được xác định bị mất sức khỏe 81% và được hưởng chế độ được 3 tháng, tới tháng 5 năm 2017 thì ông Hưng qua đời. Trước lúc chết chúng tôi tới thăm ông rất xúc động. Ông nói là ông đã toại nguyện vì trước khi chết ông đã được công nhận là người có công với nước.

Ông Đỗ Văn Cát nạn nhân da cam ở xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên
Ông Đỗ Văn Cát nạn nhân da cam ở xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên

Với số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay có 25.686 người đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, họ đã bị phơi nhiễm chất độc hóa học da cam điôxin do quân đội Mỹ phun rải. Trong đó, số đang được hưởng chế độ là: 11.488 người. Số chưa được hưởng là: 11.977 người. Đối tượng gián tiếp là con các nạn nhân đã bị phơi nhiễm. Tổng số con đã bị nhiễm: 4.744, trong đó, số con đang hưởng chế độ: 1.638; số con chưa được hưởng chế độ: 2.232. Đặc biệt, có tới 957 trường hợp thế hệ thứ ba là cháu của những nạn nhân chất độc da cam bị dị dạng di tật nặng không tự sinh hoạt được vẫn chưa được hưởng chế độ.

Cháu Lương Đình Lực, sinh năm 1978, ở tổ 3, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên
Lương Đình Lực, sinh năm 1978, ở tổ 3, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên, bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người bố

Trên thực tế này, chúng tôi mong muốn Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi tiêu chí danh mục, bệnh tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học, tham mưu trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng để các cháu là thế hệ thứ ba bị di chứng chất độc da cam sớm được hưởng trợ cấp ưu đãi đồng thời có cơ sở, có căn cứ để khôi phục cho những trường hợp tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam nhưng sinh con không bị dị dạng, dị tật hiện đang phải tạm dừng trợ cấp. Có giải pháp tiêu chí cụ thể để giải quyết các trường hợp người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nhưng bị mất giấy tờ gốc, tới nay vẫn chưa được hưởng chế độ. Qua đó giúp các nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.

Trần Đại Trưởng, sinh năm 1984 ở xóm Cơ Phi, xã Vạn Phái, Phổ Yên, là con nạn nhân chất độc Da cam Trần Xuân Phương, đi bộ đội năm 1968 chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Khi sinh ra đã bị di chứng chất độc da cam, không đi lại được, mọi sinh hoạt do bố giúp đỡ.

Nguyễn Mạnh Thắng

(Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy