Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
14:30 (GMT +7)

Để đô thị Thái Nguyên phát triển bền vững

VNTN- Ngày 17/12, tại trụ sở Sở Xây dựng, Hội Kiến trúc sư (KTS) Thái Nguyên phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo chuyên đề “Quy hoạch đô thị phát triển bền vững”. Hội thảo không chỉ là cầu nối giữa các quan điểm chiến lược mang tính vĩ mô mà còn đặt ra những vấn đề hết sức cụ thể, đang là thách thức cần được giải quyết trong thực tiễn.

Để đô thị Thái Nguyên phát triển bền vững
Ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

Chủ trì Hội thảo có ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng; ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội KTS tỉnh; bà Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.

 Dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn, Hội KTS Hà Nội, Bắc Kạn; các hội viên Hội KTS Thái Nguyên, Câu lạc bộ KTS Trẻ tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt, Hội thảo còn có sự tham gia của KTS MoChiZuKi đến từ Nhật Bản, người đã có hơn 30 năm nghiên cứu các kiến trúc tại một số thành phố lớn tại Việt Nam.

Để đô thị Thái Nguyên phát triển bền vững
Các đại biểu, KTS tham gia Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên nhấn mạnh: Đô thị hóa, phát triển đô thị là xu thế, quy luật tất yếu của thời đại, là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm và được đề cập trong các văn kiện của Đảng. Việc tổ chức Hội thảo “Quy hoạch đô thị phát triển bền vững” lần này có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Hoàng Đức Khánh cũng bày tỏ sự trân trọng và đề cao những tham luận của các chuyên gia, diễn giả gửi tới Hội thảo. Đồng chí khẳng định, những ý kiến tâm huyết này sẽ góp phần giúp các cơ quan quản lý nhà nước tìm ra các giải pháp nâng cao được chất lượng quy hoạch, lập quy hoạch trên địa bàn tỉnh.

Để đô thị Thái Nguyên phát triển bền vững
Ông Trần Huy Ánh, Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội phát biểu trao đổi tại Hội thảo

Hội thảo đã nhận được 15 ý kiến tham luận của các chuyên gia, KTS với các nội dung thiết thực bao gồm:

Tổng quan về “Quy hoạch đô thị và phát triển bền vững”; Đánh giá về việc lập quy hoạch đô thị địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Các chính sách thúc đẩy quản lý phát triển bền vững đô thị ở Việt Nam (Bài tham khảo); Yếu tố văn hóa trong sự phát triển đô thị theo hướng bền vững; Tái tạo không gian đô thị hướng tới cộng đồng, trong hành trình hướng tới phát triển đô thị bền vững; Quy hoạch gắn với tự nhiên trong thiết kế và xây dựng các khu đô thị  mới nhằm hướng tới phát triển đô thị bền vững; Điều chỉnh cấu trúc không gian đô thị - chữa lành đô thị; Tổ chức đô thị du lịch vùng ven đô, qua các ví dụ thực tiễn; Tổ chức kiến tạo hình ảnh nơi chốn, tạo dấu ấn đô thị bằng giải phóng không gian công cộng; tuyến phố đi bộ và tuyến xe đạp; Rác và quy hoạch nhà ở tại Thái Nguyên; Thực trạng và chiếu sáng đô thị ở Thái Nguyên, giải pháp hướng tới phát triển đô thị bền vững; Tiện tích và bản sắc đô thị; Chuyển đổi số hệ thống quản lý quy hoạch và phát triển đô thị ngành xây dựng tại địa phương (Bài tham khảo); Nâng cao chất lượng đồ án Quy hoạch chi tiết khu dân cư, khu đô thị góp phần phát triển đô thị bền vững; Phương pháp tiếp cận quy hoạch tích hợp hướng tới phát triển đô thị bền vững.

Để đô thị Thái Nguyên phát triển bền vững
KTS Nguyễn Trọng Hà tham luận về đề tài "Yếu tố văn hóa trong sự phát triển đô thị theo hướng bền vững"

Bám sát chủ đề của Hội thảo, các KTS, các chuyên gia, diễn giả đã đưa ra nhiều dẫn chứng, mở rộng liên hệ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và trên thế giới, từ đó có những phân tích, đánh giá, kiến giải và đề xuất giá trị đối với công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch của đô thị Thái Nguyên nói riêng.

Một trong những vấn đề được trao đổi trực tiếp tại hội thảo đó là tầm quan trọng của yếu tố văn hóa trong sự phát triển đô thị. Với quan điểm, trong mọi mặt của xã hội và đời sống, muốn định hướng phát triển bền vững thì không thể không quan tâm đến văn hóa. Việc phát triển đô thị hướng đến phát triển bền vững không thể là một ngoại lệ. Đồng thời khẳng định, văn hóa là yếu tố quan trọng góp phần tạo dựng bản sắc đô thị, giúp đô thị trở lên độc đáo và hấp dẫn hơn.

Cùng với đó là ý tưởng tạo dựng các thành phố khuyến khích đi bộ và xe đạp; hệ thống đường sắt kết nối các thành phố như Thái Nguyên với Hà Nội phục vụ nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân như ở một số quốc gia khác.

Để đô thị Thái Nguyên phát triển bền vững
KTS MoChiZuKi nhấn mạnh về cách thức cung cấp dịch vụ vận tải đường sắt để Thái Nguyên phát huy vai trò đô thị vệ tinh quan trọng của Thủ đô Hà Nội

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã đề cập đến thực trạng còn nhiều bất cập của TP. Thái Nguyên hiện tại, như thành phố quay lưng về phía dòng sông Cầu (trái với quy luật thường thấy ở những thành phố tại những quốc gia có dòng sông chảy qua); định hướng đô thị thành phố Thái Nguyên về hướng Tây (kết nối với Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc) và định hướng đô thị thành phố Thái Nguyên về hướng đông (thành phố 2 bên sông), hay những vấn đề cụ thể hơn như thực trạng và phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị tại TP. Thái Nguyên.

Các vấn đề nêu ra tại hội thảo đều được các chuyên gia, KTS phần tích kỹ lưỡng, đánh giá phần được và chưa được ở nhiều khía cạnh khác nhau, mang đến cho người nghe một bức tranh toàn cảnh về vấn đề được trao đổi.

Ví như hệ thống chiếu sáng đô thị hiện nay của TP. Thái Nguyên được đánh giá mới chỉ đáp ứng cơ bản được về đảm bảo an toàn giao thông, chú trọng việc chiếu sáng cho tuyến phố hoặc các công trình trọng điểm. Còn nhiều khoảng thiếu sáng cho không gian kiến trúc vào ban đêm. Đơn cử như khu vực quảng trường Võ Nguyên Giáp cũng không thường xuyên đảm bảo việc chiếu sáng hay điểm nhấn của thành phố là dòng sông Cầu cũng đang là một khoảng tối về ánh sáng rất lớn, các bảng thông tin Led tại trung tâm thành phố nhiều khi phát ra ánh sáng mạnh từ màn hình gây khó khăn cho phương tiện tham gia giao thông…

Để đô thị Thái Nguyên phát triển bền vững
KTS Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội KTS Thái Nguyên điều hành phần thảo luận

Trên cơ sở các ý kiến tham luận, các KTS, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp giá trị như: Cần lập quy hoạch chiến sáng đô thị trên địa bàn thành phố; nên áp dụng quy mô tối thiểu đơn vị ở khi tổ chức lập quy hoạch chi tiết các khu dân cư, khu đô thị. Cụ thể, quy mô một đơn vị ở cần diện tích 25 - 30 ha, quy mô mô dân số cần từ 4.000 người trở lên với đồng bằng và miền núi là 2.800 người. Bên cạnh đó, nếu không bị khống chế điều kiện, sẽ xuất hiện các khu đô thị chỉ rộng 5ha, 10 ha ở cạnh nhau, không đảm bảo các điều kiện tối thiểu như diện tích cây xanh, công trình văn hóa… lâu dần dẫn đến khó kiểm soát về mặt quy hoạch cho quản lý nhà nước đồng thời không đáp ứng tốt được điều kiện sống cho người dân đô thị.

Cũng cần thiết phát triển các công viên tích hợp gắn với các khu ở mới, cùng nhiều giải pháp quan trọng khác để đảm bảo tiêu chí phát triển đô thị bền vững.

Hội thảo là một trong những bước đi đầu tiên của những nhà quản lý, chuyên gia, KTS và những người yêu Thái Nguyên mong muốn cùng chung tay xây dựng đô thị Thái Nguyên hiện đại, bền vững và bản sắc.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy