Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
17:47 (GMT +7)

Đề cương văn hóa Việt Nam: “Nguồn sáng soi đường”

Có thể nói văn hóa đương đại Việt Nam phát triển trong 80 năm qua gắn bó với Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943). Bản Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó đang hoạt động bí mật, chưa có chính quyền. Các phong trào cách mạng chống thực dân Pháp trước đó chưa có phong trào nào đề cập đến văn hóa một cách có hệ thống, toàn diện. 

Đề cương văn hóa Việt Nam: “Nguồn sáng soi đường”
Bìa tạp chí Tiên Phong số 1 tháng 11/1945 và toàn văn Đề cương về văn hoá Việt Nam, in trên tạp chí Tiên Phong. Ảnh tư liệu

 

Cho đến năm 1943 văn học nghệ thuật đang rơi vào bế tắc nghiêm trọng sau chủ nghĩa Hiện thực, chủ nghĩa Lãng mạn và Suy đồi. Cách mạng Việt Nam bước sang thời kỳ mới: Chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành độc lập dân tộc. Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng ngày 25 tháng 3 năm 1943 đã ra Nghị quyết riêng đầu tiên về văn hóa. Đề cương Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo đã được thông qua và công bố ở Hội nghị này.

Hai năm sau, năm 1945 Cách mạng Tháng Tám mới nổ ra, nhân dân ta mới giành được chính quyền. Nhưng trước đó, dưới ách nô lệ của Pháp, Nhật và chính quyền nhà Nguyễn, Đề cương Văn hóa Việt Nam đã đưa ra những chiến lược quan trọng cho nền văn hóa tương lai, xây dựng một nền văn hóa mới phù hợp với tiến trình cách mạng của dân tộc và xu thế phát triển của thời đại. Đề cương khẳng định: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa)”. Như vậy lần đầu tiên trong lịch sử, Văn hóa được xác định có vai trò và vị trí ngang hàng với Chính trị và Kinh tế. Đề cương đề ra ba nguyên tắc xây dựng nền văn hóa là: Dân tộc, Khoa học, Đại chúng. Đây là những vấn đề thiết cốt và quan trọng nhất của văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.

Nền văn hóa nào cũng là mục đích và động lực, bắt nguồn từ dân tộc, trở lại phục vụ dân tộc bằng gắn bó và phát huy bản sắc dân tộc. Văn hóa Việt Nam hướng tới khoa học, nền khoa học tiên tiến của nhân loại cùng nhân loại tham gia sáng tạo văn hóa, phục vụ con người nhằm nâng cao trình độ thưởng thức và hưởng thụ các giá trị văn hóa cho đại chúng.

Để Đề cương Văn hóa Việt Nam đi vào cuộc sống, trước hết phải xác định Văn hóa là gì. UNESCO có hơn 100 định nghĩa, trong đó Federico Mayor, Tổng Giám đốc nhiệm kỳ 1987 – 1999 cho rằng: “Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát và sống động mọi mặt của đời sống (của mỗi cá nhân và cả cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng thế kỷ, nó đã cấu thành một hệ thống thẩm mỹ và lối sống bản sắc riêng của mình” (1).

Bác Hồ định nghĩa như sau: “Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (2).

Cũng từ các định nghĩa này mà chúng ta thấy có khái niệm Văn hóa vật chấtVăn hóa tinh thần. Văn hóa là tất cả những gì do con người sáng tạo ra và trở lại phục vụ con người. Đề cương Văn hóa Việt Nam có 5 phần: Phần (I): “Cách đặt vấn đề”; phần (II): “Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam”; phần (III): “Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp”; phần (IV): “Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam” và phần (V): “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mácxít Việt Nam”.

Ngay ở Phần I: Cách đặt vấn đề đã chỉ rõ văn hóa là nói tới con người, là phát huy những năng lực sáng tạo của con người nhằm hoàn thiện con người vươn tới chân – thiện- mỹ. Sự phân chia văn hóa tinh thần và văn hóa vật chất chỉ là tương đối. Bác Hồ viết “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn mặc ở, và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó đều là văn hóa” (3).

Ở đây Bác Hồ nhấn mạnh đến phạm vi giá trị tinh thần của văn hóa như ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật (nghệ thuật gồm hội họa, điện ảnh, điêu khắc, kiến trúc...). Ngày nay, Văn hóa còn phát triển sống động trong công nghệ thông tin với Internet, Mass media, Google, Facebook,... mà năm 1943 chưa có.

Trước khi Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời, về mặt lý luận, trên mặt trận văn hoá Đảng đã bí mật lãnh đạo những cuộc đấu tranh chống lại những quan niệm về nghệ thuật sai trái trong xã hội. Những cây bút lý luận của Đảng như Đặng Thai Mai với Văn học khái luận, Hải Triều với Duy tâm hay là duy vật (chuyên luận, 1935), Văn sĩ và xã hội (1937), Chủ nghĩa Mác - xít phổ thông (1938), trong đó xuất sắc nhất là Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh.

Trên mặt trận sáng tác, chúng ta đã có nhiều tác phẩm có giá trị: Vũ Như Tô (kịch Nguyễn Huy Tưởng), Sống mòn (tiểu thuyết Nam Cao), truyện ngắn của Nguyên Hồng, Dế mèn phiêu lưu ký và nhiều truyện ngắn của Tô Hoài, thơ của Thâm Tâm, của Trần Huyền Trân, nhạc của Văn Cao, Du kích ca (Đỗ Nhuận), Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi)... là cơ sở, đặt nền móng cho nền văn hóa mới.

Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời đòi hỏi phải song song thực hiện hai nhiệm vụ. Một là các tổ chức thực hiện, hai là triển khai đường lối văn hóa, văn nghệ theo tư tưởng mới của bản Đề cương trong hoàn cảnh, điều kiện mới.

Đề cương văn hóa Việt Nam: “Nguồn sáng soi đường”
Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh. Ảnh tư liệu

Dù ngay sau khi công bố bản Đề cương thì Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ phải gấp rút tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, bảo vệ nhà nước Cộng hòa non trẻ đang bị quân Pháp, Tưởng và bọn phản động đe dọa. Tiếp ngay sau đó là kháng chiến trường kỳ chống lại bọn xâm lược Pháp. Thời gian không có cho việc triển khai Đề cương văn hóa Việt Nam trên tất cả các ngành, các bộ môn của văn hóa. Tuy vậy tầm quan trọng của Đề cương đã đặt ra cho việc “Văn hóa hóa kháng chiến” nên đã tiến hành Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất vào năm 1946, và lần thứ hai vào năm 1948. Hội Văn hóa toàn quốc Việt Nam và Hội Văn nghệ Việt Nam (tháng 7/1948, nay là Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam) đã ra đời dịp này. Các hội này tập hợp đông đảo những người hoạt động văn hóa trong cả nước (các ngành Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu, Nhiếp ảnh, Điện ảnh, Kiến trúc, Múa, Văn nghệ dân gian...) với tinh thần đoàn kết và sáng tạo, phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc.

Từ nay văn hóa Việt Nam hoạt động công khai trong một môi trường Tổ quốc độc lập, nhân dân tự do. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng rất chú ý việc khẩn trương đưa Đề cương vào cuộc sống kháng chiến. Bác Hồ đã nêu cao vai trò và nhiệm vụ của văn hóa trong thời kỳ mới (dù Đề cương chưa có điều kiện đề cập đến việc cải tạo tư tưởng, đào tạo con người trong xã hội xã hội chủ nghĩa hiện nay): “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi... Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và dân chủ” và Bác mong muốn “Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân” (4).

Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh trong báo cáo Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam đọc tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai đã nêu lên khái niệm văn hóa XHCN “Văn hóa xã hội chủ nghĩa và dân chủ mới thế giới chống tha hóa con người, đồng thời dựng lại nhân cách con người, cải tạo con người, làm cho con người không còn là “chó sói đối với người” nữa. Nó đề xướng và thực hành chủ nghĩa nhân đạo chân chính” (5).

Đường lối và chiến lược buổi đầu của Đề cương Văn hóa Vit Nam, xuất phát từ thực tiễn cách mạng, Đảng ta chỉ đề ra yêu cầu phải có “tác phẩm xứng đáng”, ấy là tác phẩm nghệ thuật có nội dung tư tưởng và nghệ thuật đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của quần chúng lao động, phản ánh được khát vọng và mong ước của nhân dân trong đời sống kháng chiến. Hình tượng nghệ thuật nổi bật là hình ảnh công nông và người lính. Diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (11/1946) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở...” đồng thời: “học lấy cái hay cái tốt của thế giới, của Tây phương hay Đông phương”.

Tiếp theo đó Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai (7/1948) Bác yêu cầu: “Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ mà còn để lưu truyền những gương mẫu oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho đời sau (…) nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới biết” (6). Như vậy nhiệm vụ của văn hóa không chỉ với trong nước mà còn lan tỏa ra ngoài cho nhân dân thế giới. Trước hết văn hóa phải sống đời sống hiện thực của Nhân dân. Người nêu nhiệm vụ “xây dựng nền văn hóa kháng chiến kiến quốc thiết thực và rộng rãi” với phương châm “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”.

Đề cương văn hóa Việt Nam: “Nguồn sáng soi đường”
Trước trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam tại huyện Đại Từ, Thái Nguyên (1949), từ trái qua phải: Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân. Ảnh tư liệu

Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi là mấy chục năm xây dựng miền Bắc đi lên CNXH và đấu tranh thống nhất nước nhà. Đất nước thay da đổi thịt từng ngày và phe XHCN lớn mạnh không ngừng. Văn hóa nước ta cũng lớn lên theo kịp với thời đại. Những sai lầm, vấp váp không tránh khỏi của mọi cuộc cách mạng đã xảy ra với Cải cách ruộng đất và Nhân văn giai phẩm. Đảng và Nhà nước ta đã nhận những sai sót đó (Bác Hồ đã xin lỗi Nhân dân. Các nghệ sĩ của Phong trào Nhân văn giai phẩm được phục hồi danh dự và được đặt tên đường phố, được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước).

Đề cương Văn hóa Việt Nam vẫn đồng hành cùng với văn nghệ sĩ ra chiến trường suốt thời kháng chiến chống Mỹ để rồi có rất nhiều tác phẩm văn học, sân khấu, hội họa, phim ảnh... phản ánh toàn diện, sâu sắc cuộc sống anh hùng của thời đại, của Việt Nam với chủ nghĩa anh hùng cách mạng làm lay động tâm hồn bè bạn khắp nơi trên thế giới.

Nhờ vậy, thành tựu vô cùng to lớn của Văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng soi đường của bản Đề cương đã tôn vinh và ghi nhận hàng trăm tác phẩm văn hóa, nghệ thuật với các giải thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước; hàng trăm Nghệ sĩ Nhân dân, hàng chục Anh hùng Lao động và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Rất nhiều tác phẩm của văn hóa Việt Nam đã được đưa ra nước ngoài, chiếm được tình cảm, sự khâm phục và ngưỡng mộ của công chúng thế giới.

Bên cạnh những thành tựu ấy, trên đường đồng hành với Đề cương văn hóa Việt Nam chúng ta không khỏi băn khoăn bởi còn nhiều việc chưa thực hiện được dù gần một thế kỷ đã trôi qua. Đề cương chưa có điều kiện nói đến nhưng đằng sau câu chữ của nó chúng ta hiểu đã trải qua một thời gian dài, tính hàng chục năm, những người làm công tác văn hóa vẫn bị níu kéo bởi sự hẹp hòi cứng nhắc trong những quan niệm và định kiến với các trào lưu văn hóa của thế giới trong sự vận động và phát triển liên tục.

Đề cương văn hóa Việt Nam: “Nguồn sáng soi đường”
Các văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Pháp ở Thái Nguyên. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Đã có lúc Tổng Bí thư Trường Chinh nhắc nhở: “Phương pháp sáng tác hiện thực XHCN là phương pháp tốt nhất”. Có nghĩa là không phải duy nhất. Có nghĩa là Văn hóa – Nghệ thuật còn có vô số những phương pháp sáng tác khác... Đến Đại hội VI của Đảng (1986), mở ra thời kỳ Hội nhập và Đổi mới, đồng chí Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Văn Linh dùng hình ảnh mạnh hơn: “Cởi trói”. Cho đến nay đất nước đã gần 80 năm tuổi nhưng chưa có bộ Lịch sử Việt Nam của Nhà nước, chưa có bộ Lịch sử Văn học Việt Nam chính thức. Văn học Việt Nam hiện đại, văn học miền Nam trước năm 1975, Văn học Việt Nam ở hải ngoại chưa có bóng dáng trong văn học, sử học, nói gì đến hội họa, sân khấu hay điện ảnh... Chúng ta đã một lần viết Từ điển Bách khoa (4 tập, năm 1995 - 2005) nhưng nhiều sai sót. Bách khoa thư Việt Nam đã bắt đầu viết, nhưng mấy năm trời chưa thấy ra đời…

***

Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) đã có tuổi 80. Từ đó đến nay, qua các thời kỳ của cách mạng Việt Nam, từ Cách mạng Dân tộc dân chủ nhân dân chống Pháp và chống Mỹ cứu nước đến Cách mạng Xã hội chủ nghĩa, qua các kỳ Đại hội Đảng, Đề cương văn hóa Việt Nam như một “Nguồn sáng soi đường”, đồng hành cùng cách mạng Việt Nam và ngày càng tỏa sáng, càng hoàn thiện tư tưởng xây dựng con người hài hòa, toàn diện. Con người mới Việt Nam với sự kế thừa tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc, phát huy bản sắc dân tộc với tiếp nhận có chọn lọc những nền văn hóa tiên tiến trên thế giới, vươn đến chân - thiện - mỹ. Con người Việt Nam ngày nay là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và quốc tế, giữa vũ trụ, tự nhiên và con người trong môi trường phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn như Đề cương đã vạch ra và dự báo.

  Lê Thị Hạnh Liên

----------------

(1) Lê Đình Cúc, Một số vấn đề Văn hóa Mỹ... Nxb.KHXH. 2011, tr.9

(2), (3) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, tập 3, tr.431

(4) Hồ Chí Minh, Về công tác văn hóa văn nghệ, Nxb. Sự thật, H, 1971, tr.72

(5) Trường Chinh, Về văn hóa nghệ thuật, Nxb. Văn học,1986, tr.11

(6) Hồ Chí Minh. Sđd, tr. 17-18

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục