Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
02:27 (GMT +7)

Để có một Quốc hội tranh luận

VNTN - Một trong những điểm rất mới tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá 14 chính là sự xuất hiện của những tấm biển mang ký hiệu như R14, L23, M16... và chúng chỉ được sử dụng khi đại biểu muốn tranh luận, trong các phiên họp toàn thể.

Chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận là mục tiêu được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh trong cuộc gặp với báo chí ngay sau một ngày bà tuyên thệ nhậm chức với khẳng định sẽ xây dựng một “Quốc hội thực sự đoàn kết, sáng tạo và hành động vì lợi ích nhân dân, vì danh dự và lòng tự hào dân tộc, vì sự phát triển bền vững của đất nước”.

Phiên bế mạc kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá 14

Hành động vì lợi ích của nhân dân, chắc chắn không thể là đi họp chỉ để điểm danh, suốt nhiệm kỳ không một lần phát biểu và bấm nút theo đa số.

Những vấn đề Quốc hội được trao quyền quyết định đều hết sức quan trọng và không chỉ sáng rõ qua việc các vị đại biểu tranh luận với nhau mà còn tranh luận với cơ quan trình, cơ quan soạn thảo, buộc các bên liên quan phải giải trình đến tận cùng.

Quốc hội khoá 13 và cả từ trước đó nữa, đổi mới các phiên thảo luận cũng là vấn đề được một số vị đại biểu tha thiết đề nghị. Khi mà tại các phiên họp toàn thể đa số các vị đại biểu đều trình bày các bài viết được chuẩn bị sẵn, nên chuyện nhiều nội dung na ná hoặc trùng nhau là khó tránh khỏi. Thỉnh thoảng cũng có vị đại biểu lên tiếng tranh luận, phản biện những ý kiến trước đó, nhưng cũng chỉ khi đến lượt phát biểu mới có cơ hội mà thôi.

Những tấm biển như đã nói trên (diện tích và màu sắc đủ để chủ toạ có thể nhận ra ở khoảng cách khá xa khi nó được giơ lên) trao cho đại biểu quyền tranh luận cả khi họ không có tên trong danh sách phát biểu hiện trên bảng điện tử. Để bấm nút tranh luận, tất nhiên đại biểu phải nắm chắc vấn đề, chăm chú lắng nghe, có tư duy độc lập và cần cả kỹ năng phản biện.  Và cũng thật thú vị khi người đầu tiên sử dụng quyền này ở kỳ họp vừa qua là một vị đại biểu mới tham gia Quốc hội khoá thứ nhất, cũng không phải là đại biểu chuyên trách mà là một vị kiêm nhiệm: Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu.

Càng những phiên thảo luận về sau thì các tấm biển tranh luận được sử dụng càng nhiều. Đặc biệt, ở phiên chất vấn, khi những tấm biển này phát huy tác dụng, các đại biểu có thêm cơ hội theo đuổi vấn đề, nhất là trong trường hợp người trả lời cố tình "né" những chất vấn hóc búa.

Điển hình là trường hợp đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) khi ông chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân rằng hiện nay có bao nhiêu trường hợp luân chuyển theo đường "tiểu ngạch", không chính hiệu kiểu như ông Trịnh Xuân Thanh? Có văn bản nào quy định về kiểu luân chuyển này không? Thực tế của tình hình này hiện nay ra sao và giải pháp xử lý trong thời gian tới như thế nào?

Đại biểu Ngô Văn Minh cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an trả lời trước dư luận về trách nhiệm của Bộ trong việc theo dõi, giám sát, quản lý đối tượng để ông Trịnh Xuân Thanh lặng lẽ ra đi rồi phải phát lệnh truy nã kiểu "con voi chui lọt lỗ kim" gây bất bình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Không nhận được hồi âm cụ thể từ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Ngô Văn Minh đã dùng quyền tranh luận đề nghị cả hai vị Bộ trưởng phải trả lời chất vấn của ông. Và, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời đại biểu Ngô Văn Minh bằng văn bản, đồng thời đề nghị Bộ Công an cũng có báo cáo về các trường hợp đang theo dõi mà đã bỏ trốn vừa rồi.

Bên cạnh các vị đại biểu tái cử từng trải như "ông nghị" Ngô Văn Minh, dấu ấn nghị trường kỳ họp vừa qua còn gắn với những tranh luận không kém phần sắc sảo của những vị đại biểu mới. Nữ đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) là một trong số đó. Lúc câu chuyện giáo viên ở Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) được điều động làm lễ tân gây xôn xao nghị trường khi người chất vấn dùng từ "tiếp viên" còn Bộ trưởng lý giải  "cán bộ địa phương cũng vì vui vẻ", đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đã tỏ ngay thái độ không đồng tình với cả hai vị này.

Vẫn trong số hơn 300 đại biểu lần đầu tiên có số ghế tại nghị trường, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) dường như đã tận dụng tối đa quyền năng của chiếc biển tranh luận. Ông chính là người duy nhất giơ tấm biển này trong phiên thảo luận Luật Về hội để thể hiện sự không tán thành với ý kiến của một vị trước đó là có thể thông qua Luật Về hội ngay trong kỳ họp thứ hai. Sau phiên thảo luận đó kết quả xin ý kiến cho thấy có 443/460 có hồi âm đồng ý chưa thông qua dự án luật này.

Không thể phủ nhận là Quốc hội đã chuyển dần từ tham luận sang tranh luận, dù đôi khi chủ toạ vẫn phải nhắc nhở các vị đại biểu đừng biến tranh luận thành "chen luận" khi một vài vị giơ biển để giành quyền phát biểu chứ không tranh luận. Nhưng, để có một Quốc hội thực sự tranh luận thì chắc còn cần thêm thời gian. Song, những ví dụ nêu trên cho thấy, Quốc hội tranh luận hay tham luận nhất định không phụ thuộc vào tỷ lệ đại biểu mới, tỷ lệ đại biểu chuyên trách là bao nhiêu. Mà phụ thuộc chủ yếu vào năng lực và trách nhiệm của từng vị đại diện ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Với hai phần ba là đại biểu mới, và cũng bằng đó đại biểu kiêm nhiệm, nếu khi bước chân vào nghị trường mỗi vị đại diện cho nhân dân không tạm quên chức vụ thì khó có thể tranh luận, đôi khi là với cấp trên của chính mình. Mặt khác, nếu Quốc hội vẫn kéo dài cảnh làm luật theo kiểu "bắc nước chờ gạo người", không hiếm dự án luật khi đến tay đại biểu mới chỉ vừa ráo mực, đại biểu không đủ thời gian đọc hết chứ chưa nói đến nghiên cứu, tham vấn kỹ càng thì con đường đi đến đích một Quốc hội thực sự tranh luận chưa thể nói đã gần.

Trúc Bạch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy