Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
21:41 (GMT +7)

Đầu tư tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

VNTN- Ngày 18/1/2024, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên và nhà tài trợ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức lễ khởi công công trình Tu bổ, tôn tạo Di tích Lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ.

Đầu tư tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
 Các đại biểu dành thời gian tưởng nhớ các đồng chí lãnh tụ trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức thành lập Trường, các giảng viên, học viên đã mất của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Dự buổi Lễ có các đồng chí: Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên; Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cùng lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và lãnh đạo huyện Đại Từ.

Đầu tư tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công công trình Tu bổ, tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam ôn lại lịch sử:

Năm 1949, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra quyết liệt, nhận thấy vai trò đặc biệt của đội ngũ nhà báo cách mạng – một lực lượng xung kích quan trọng, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bộ Việt Minh mở Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho báo chí.

Đầu tư tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
Tấm ảnh tư liệu về các giảng viên và học viên của Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Lễ khai giảng khóa học đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng diễn ra ngày 04/4/1949. Lớp học được mở với 42 học viên. Trong 3 tháng hoạt động, lớp học có 29 giảng viên trực tiếp giảng dạy, trong đó có các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi... Các học viên được học nhiều chuyên đề như: Xã luận, viết tin chiến sự trên báo chí... Lớp học bế mạc ngày 6/7/1949.

Ngày 28/3/2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có quyết định về việc xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia đối với Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ.

Đầu tư tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
Các đại biểu nghe giới thiệu về phối cảnh tổng thể Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Bác Hồ đặt theo tên nhà báo cách mạng Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947). Trường chỉ có lớp đầu tiên và duy nhất. Từ mái trường tranh tre nứa lá giữa đại ngàn Việt Bắc, các học viên của Trường, như: Thép Mới, Chính Yên, Trần Kiên, Mai Thanh Hải, Mai Hồ, nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Hải Như… đã tỏa về muôn nẻo, có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất. Không ít trong số họ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến.

Đầu tư tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
Di tích được xây dựng trên diện tích 859m2

Tròn 70 năm Trường thành lập, ngày 4 tháng 4 năm 2019, Bia Địa điểm Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã chính thức được dựng, trước sự chứng kiến của các đồng chí lãnh đạo các cơ quan ban ngành trung ương, cán bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên, đông đảo các đại biểu báo chí và các cấp hội nhà báo cả nước.

Trên cơ sở những giá trị và ý nghĩa lịch sử của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, việc tu bổ, tôn tạo Di tích này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ghi dấu một phần lịch sử thiêng liêng của nghề báo, là “địa chỉ đỏ” của báo chí cách mạng Việt Nam.

Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Hội Nhà báo Việt Nam làm chủ đầu tư, bằng nguồn xã hội hóa.

Đầu tư tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
Phối cảnh Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Di tích được xây dựng trên diện tích 859m2, gồm 3 hạng mục: Nhà Tổng bộ Việt Minh phỏng dựng, xây mới theo kiến trúc nhà sàn truyền thống; Nhà dạy học làm báo 2 tầng, được xây mới trên cơ sở thiết kế theo hình ảnh tư liệu; các hạng mục khác (nhà bia, tường rào, cổng, nhà bảo vệ…). Dự án được khái toán khoảng 12 tỷ đồng.

Theo đại diện chủ đầu tư: Đây là một công trình mang tính nghệ thuật, văn hóa và lịch sử cao. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là nơi lưu giữ và giới thiệu những giá trị của báo chí cách mạng tại Việt Bắc, phục vụ nhu cầu tham quan của nhân dân và du khách.

Đầu tư tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
Ông Đỗ Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam trao biển tượng trưng ủng hộ kinh phí cho Quỹ Vì người nghèo huyện Đại Từ

Cũng trong Chương trình, với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, Tập đoàn dầu khí Việt Nam tiếp tục ủng hộ quỹ vì người nghèo huyện Đại Từ trị giá 500.000.000 đồng để chăm lo đời sống cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hội Nhà báo Việt Nam trao 10 suất quà cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn tại xã Tân Thái.

Đầu tư tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
Hội Nhà báo Việt Nam trao 10 suất quà cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn tại xã Tân Thái

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy