Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
07:34 (GMT +7)

Đâu rồi câu Ví bên sông

Chúng tôi đến Đông Cao (TP. Phổ Yên) vào một ngày đầu hè, những âm thanh trầm bổng, ngân nga của làn điệu hát ví dường như vẫn vọng lại từ ký ức. Tôi tự hỏi, dòng sông kia không biết đã từng chứng kiến bao cuộc đổi thay và thẩm thấu vào mình biết bao tiếng hát, câu hò của những người dân sống dọc khúc sông này qua bao thế kỷ. Theo thời gian, nhịp sống hiện đại dần cuốn trôi những giai điệu thân thuộc ấy, để lại sau lưng nỗi lo về sự mai một của một loại hình nghệ thuật văn hoá dân gian quý báu của cha ông.

Khung cảnh bình yên ở Đông Cao khi chiều xuống
Khung cảnh bình yên ở Đông Cao khi chiều xuống

Thăng trầm điệu Ví, câu Hò

Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã Đông Cao là Phó Chủ tịch UBND xã Trần Văn Triều và ông Ngô Mạnh Tước năm nay đã gần 90 tuổi. Qua câu chuyện, chúng tôi như được tham gia vào chuyến hành trình về lại với những làng quê ven sông Cầu thuở xa xưa khi đâu đâu cũng vang lên câu Hò, điệu Ví.

Phó Chủ tịch UBND xã Trần Văn Triều (người ngồi trong bên trái) và ông Ngô Mạnh Tước (ngồi kế bên) trò chuyện cùng các văn nghệ sĩ của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên về dân ca Hát Ví
Phó Chủ tịch UBND xã Trần Văn Triều (người ngồi trong bên trái) và ông Ngô Mạnh Tước (ngồi kế bên) trò chuyện cùng các văn nghệ sĩ của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên về dân ca Hát Ví

Dân ca Hát Ví là loại hình nghệ thuật dân dã của người dân lao động ở vùng hạ du dòng Sông Cầu. Đây là hình thức sinh hoạt văn hoá tinh thần, được hình thành từ nhu cầu giao lưu tình cảm của người lao động. Bởi vậy mà bất cứ ai, ở bất cứ đâu cũng đều có thể hát, không cần câu nệ thời gian hay hoàn cảnh. Hát Ví đã đi sâu vào đời sống văn hoá tinh thần của mỗi người dân vùng nông thôn ở đây tự nhiên như thể nguồn nước sông Cầu mát lành vẫn âm thầm dưỡng nuôi vùng đất.

Ngôn từ trong Hát Ví mộc mạc, không mang tính trau chuốt. Lời hát cũng giống như lời nói chuyện hàng ngày “nghĩ sao nói vậy”. Hát Ví tồn tại trong đời sống theo hình thức truyền miệng. Người thì nghe rồi nhập tâm mà nhớ, người tự sáng tạo hoặc cũng có thể do “tam sao thất bản” mà thành. Đặc biệt trong lời Hát Ví được đưa vào khá nhiều câu ca dao, tục ngữ hoặc cả truyện Kiều. Bởi vậy mà nội dung lời hát luôn được sáng tạo chứ không cố định. Nội dung lời hát tập trung thể hiện tình yêu với quê hương, xóm làng, ca ngợi vẻ đẹp làng quê, tình yêu lao động, tình yêu cuộc sống, tình yêu lứa đôi… Cái hay của Hát Ví là không cần đến nghệ thuật biểu diễn sân khấu, không cần nhạc cụ như nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc khác. Đặc điểm này càng cho thấy rõ nét dân dã, thường nhật trong đời sống của nó.

Nhiều năm nay, Ông Ngô Mạnh Tước đã sưu tầm nhiều tư liệu về Hát Ví và Hò
Nhiều năm nay, Ông Ngô Mạnh Tước đã sưu tầm nhiều tư liệu về Hát Ví và Hò

Là người có vốn kiến thức phong phú, say mê tìm hiểu, lại luôn đau đáu với truyền thống văn hoá của quê hương, ông Ngô Mạnh Tước, nguyên cán bộ phường Đông Cao cho chúng tôi hay: Hát Ví đã xuất hiện ở Đông Cao chính xác từ bao giờ thì không mấy ai biết. Chỉ biết nó “nở rộ” trong thời phong kiến kéo dài đến thời kỳ đầu khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Người tham gia Hát Ví khi đó phần lớn là tầng lớp trung niên và người cao tuổi. Sau đó không biết vì nguyên nhân gì mà phong trào Hát Ví dần tắt đi. Cho đến sau cải cách ruộng đất (từ khoảng năm 1954 -1957) xuất hiện các tổ hợp tác xã và tổ đổi công. Khi người cày có ruộng, cuộc sống của người dân được nâng lên, phong trào Hát Ví lại sôi động trở lại và kéo dài cho đến khoảng năm 1959. Thời điểm đó xuất hiện nhiều loại hình giải trí mới như chiếu phim, vùng nông thôn có các đội tập kịch nói, cải lương diễn tuồng,… Từ đó, phong trào Hát Ví trầm lắng rồi dần mất hẳn.

Mãi đến 2014, được sự quan tâm từ Bộ đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, Hát Ví ở Đông Cao được phục dựng lại. Nhân dân địa phương vô cùng hào hứng. Khoảng 30 người có khả năng, kinh nghiệm Hát Ví đã nhiệt tình tham gia tập luyện và biểu diễn các hoạt cảnh kèm các làn điệu như: Tát nước đêm trăng; Gặp gỡ trong sân đình, nhà cổ; Trên bến dưới thuyền…

Kể đến đây, ông Tước chững lại, nhấp ngụm trà, gương mặt ông hơi chùng lại: Đáng tiếc là tất cả cũng chỉ dừng lại ở đấy!.

Ông khẳng định: Tiềm năng ẩn trong nhân dân với loại hình nghệ thuật này bây giờ cũng còn rất nhiều, nhưng năm tháng trôi đi, những người trực tiếp tham gia Hát Ví xưa kia giờ đã già yếu. Họ có kỹ thuật, nắm được nội dung lời hát nhưng chẳng mấy ai còn hơi để hát khi đã ở cái tuổi gần đất xa trời. Điều đáng quý duy nhất là khi ấy chúng tôi đã ghi chép lại được khoảng 100 bài Hát Ví và phần nào “đo lường” được khát khao muốn Hát Ví hiện diện trở lại trong đời sống ngày nay của người dân.

Cũng theo ông Tước, nếu đối tượng thực hành Hát Ví thường là người có tuổi và trung niên thì với Hò, lứa tuổi thực hành nhiều nhất lại là thanh niên. Theo tìm hiểu của chúng tôi qua lời kể của nhiều người dân địa phương, phong trào Hò ở đây phát triển mạnh mẽ vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước.

Hát Ví và Hò vì đều không cần đến nghệ thuật biểu diễn sân khấu nên có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Chỉ cần trong đám đông có vài người có chất giọng tốt, vang xa là được. Nhưng khác với Hát Ví là đối đáp khi nam nữ hai bên nhìn thấy nhau, người ta có thể Hò với nhau mà không cần thấy mặt. Các chàng trai làng bên khi không thể vào làng các cô gái chơi có thể đứng ở bên ngoài cổng làng Hò vọng vào trong. Từ trong làng, thanh niên Hò đáp lời mà không cần nhìn thấy mặt nhau. Hoặc người Hò khi tìm bạn, dù trời tối hay đường có cách ngăn thì chỉ cần cất tiếng Hò sẽ có người đáp lời. Hợp ý thì họ sẽ nán lại Hò với nhau tiếp, không hợp ý thì trả lời nhau rồi rời đi hoặc tìm bạn Hò mới.

Khi Hò, có thể là một người đơn lẻ, cũng có thể tập trung thành nhóm vài người. Một người Hò khởi xướng, những người khác có thể nhắc lời. Người linh hoạt thì có thể đáp lời ứng biến lời theo hoàn cảnh. Bên nào muốn cũng có thể thay người Hò cho đến khi một bên không thể ứng đáp lại nữa. Hát Ví cũng vậy, bởi thế nên nội dung câu Hát Ví và Hò luôn có sự sáng tạo, luôn được bổ sung với tiềm năng không giới hạn.

Hát Ví và Hò không khác nhau về nội dung nhưng khác nhau ở làn điệu. Hát Ví có tính chất êm dịu, tình cảm hơn. Ví dụ như, người nam có thể hỏi người nữ “Hoàn cảnh nhà em thế nào/ Sao em đi cấy có một mình/ Em đã có chồng hay chưa…”. Đối với Hát Ví, người hỏi nhẹ nhàng, người trả lời cũng nhẹ nhàng và ý nhị, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Người con gái, con trai khi hát thường gọi nhau là “anh cả, anh hai; chị cả, chị hai; cô cả, cô hai…”. Nam thì hát: “Ơ này cô cả, cô hai đấy ơi”. Nữ thì hát: “Ơ này anh cả, anh hai đó ơi”… hoặc Ví như, khi gặp cô gái đang cấy trên đồng, chàng trai có thể hát:

Hỡi cô cấy lúa trên đồng/ Sao cô lại cấy một mình cho khổ thân/ Nhà xa, trời sắp tối dần/ Để anh cấy với chung phần được chăng…”

Cô gái đáp lại rằng: “Cảm ơn, chàng cứ yên tâm/ Nhà gần, em cấy sắp xong ruộng rồi…”

Theo những bậc cao niên có kinh nghiệm, Hò tuy không khác về nội dung lời hát so với Hát Ví nhưng có thể nói thực hành Hò dễ hơn, bởi Hò không yêu cầu quá nghiêm ngắn về câu từ, trong thực hành cũng không yêu cầu luyến láy nhiều như Hát Ví. Người Hò cũng có thể dùng câu chữ “suồng sã” hơn trong đối đáp, thậm chí có lúc còn mang tính đối nghịch, thách đố nhau vừa để trổ tài thông minh, sự hiểu biết rộng rãi của mình vừa là để buộc đối phương của mình phải thua cuộc.

Chẳng hạn như, khi thấy cô gái đang cắt cỏ bên sông hoặc trên đồng, chàng trai có thể hát: “Hỡi cô cắt cỏ kia ơi/ Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng”.

Gặp phải cô gái “đáo để”, cô gái có thể đáp trả rằng: “Có cắt thì chị trả công/ Chứ mặt mày chẳng đáng làm chồng chị đâu/ Chồng chị có bảy thằng hầu/ Ba thằng cắp tráp theo sau là mười…”.

Cứ như vậy, họ gặp nhau là hát, hát cho đến khi đối phương không đối lại được nữa thì thôi. Cái hay ở đây là người hát dù đối đáp gì thì đối phương cũng không trách giận, không đối lại thì nhận thua. Hát xong là thôi, việc ai người nấy làm. Tất nhiên với các cuộc hát thì dài hơn, có thể hát từ tối đến đêm. Người đứng ra hát cũng không nhất thiết phải là một người mà nhiều người trong nhóm có thể thay nhau ứng khẩu.

Trong lời Hát Ví, người ta dễ bắt gặp những hình ảnh ví von để diễn tả nội tâm, thay điều muốn nói. Có lẽ vì thế mà hình thức hát dân ca này được gọi là Hát Ví chăng?.

Chắp mối lương duyên

 Là người có giọng hát hay, nhắc tới điệu Hò, bà Hoàng Thị Vân, tổ dân phố Dộc, phường Đông Cao như được sống lại với ký ức vào những năm bà mới đôi mươi. Bà kể: Tôi nhớ những năm 80 của thế kỷ XX là giai đoạn làng trên, xóm dưới người ta Hò nhiều nhất. Chúng tôi sống trong môi trường đó nên dù không có ai dạy, những câu hò vẫn tự ngấm vào máu thịt mình lúc nào cũng không biết nữa. Chúng tôi cứ tối đến, xong việc nhà là rủ nhau đi Hò.

Bà Hoàng Thị Vân, tổ dân phố Dộc, phường Đông Cao còn nhớ hàng trăm câu Hò mà bà đã cùng bạn bè đối đáp khi còn trẻ
Bà Hoàng Thị Vân, tổ dân phố Dộc, phường Đông Cao còn nhớ hàng trăm câu Hò mà bà đã cùng bạn bè đối đáp khi còn trẻ

Rất nhiều đôi nam, nữ đã yêu nhau và nên duyên từ câu Hò, câu Ví. Với bà Vân, dù không nên nghĩa vợ chồng với bạn Hò nhưng bà cũng có một kỷ niệm đặc biệt từ những câu Hò như thế. Bà chia sẻ:

Đó là năm 1983, tôi đã Hò với một chàng trai trong vòng 7 tháng. Cả hai đều có cảm giác thân thuộc và thấu hiểu nhau nhưng chúng tôi chưa một lần thấy mặt nhau. Người đó Hò hay và thông minh lắm. Tôi cũng từng Hò đối đáp với nhiều người nhưng không thấy hợp nên chỉ trao đổi lời Hò một, hai lần rồi thôi, cho đến khi tôi gặp người đó. Họ ở làng bên.

Sau 7 tháng quen biết qua giọng Hò, chàng trai đi bộ đội, bà Vân từ đó cũng không còn Hò với ai nữa. Tôi ngỏ ý muốn được bà Hò cho nghe. Bà vui vẻ đồng ý. Những câu Hò mà năm xưa cô thôn nữ Vân đã hát như đưa chúng tôi trở về khung cảnh yên bình của làng quê nằm ven sông hơn 40 năm trước.

Là người thông minh nên bà Vân dường như ứng biến được trước tất cả những câu hỏi của đối phương.Ví như khi được đằng trai hỏi tên:

“Tên em chính thực là gì, cho anh hỏi thật để cho anh biết cùng”.

“Tên em chính thực là Mây, còn nơi em ở tận trên cổng trời”.

Bà giải thích, hồi đó mới Hò với nhau nên mình chỉ giới thiệu tên thật thôi, mây là Vân mà, còn nhà thì chưa muốn cho biết. Nhưng đằng trai là người rất thông minh nên ứng tác ngay rằng:

Ước gì anh hoá Phạm Tuân, bay vào vũ trụ đi vào cung trăng. Cung trăng có cuội, có đa, có hồ bán nguyệt ta cùng tắm chung. Tắm xong lại xuống thiên đình, dắt em đi khắp nẻo đường tình yêu”…

Những ký ức của một thời tuổi trẻ ào về, bà Vân như lại được thả hồn vào những điệu Hò đầy tình tứ năm ấy. Bà kể tiếp: Có hôm bố tôi giao việc. Tôi phải nhặt xong 7 thúng lạc mới được đi Hò, nhưng muộn mấy người ấy cũng đợi. Vừa nghe thấy giọng tôi, người ấy đã hỏi: “Đi đâu từ tối đến giờ, để cho anh đợi, anh chờ, anh mong”. Tôi đáp: “Nhà em thì bận việc riêng, xay thóc, giã gạo không ai đỡ đần”…

Như sực nhớ ra điều gì, bà Vân bỗng cười, khoé miệng tươi tắn như còn phảng phất nét xuân thì: Thanh niên mà, hồi đó chúng tôi cũng tinh nghịch lắm. Sau khi đã nhiều lần hát với nhau, cũng có cảm giác thân thuộc, đằng trai có lần đã hỏi ướm đầy ý tứ:

 “Gần chùa mà chẳng được ăn xôi, gần em mà chẳng được hôn đôi má hồng”.

 Được sự cổ vũ, khích lệ của đám bạn trong nhóm, tôi mạnh dạn: “Gần chùa anh cứ việc ăn xôi, gần em anh cứ việc hôn đôi má hồng”.

Thế là đám con trai chạy về phía tôi. Sợ quá, bọn con gái chúng tôi ù té chạy, chân còn vướng cả vào dây bờ rào, ngã lại vùng lên chạy tiếp. Không đuổi kịp, họ lại Hò: “Chim kia ai đuổi mà bay, người kia ai đuổi mà quay ra về”. Không cần suy nghĩ, tôi đối luôn: “Chim khôn không đuổi cũng bay, người khôn không đuổi cũng quay ra về. Người về ta chẳng cho về, ta túm lấy áo, ta đề câu thơ. Câu thơ 3 chữ rành rành, chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Tình là ba. Chữ Trung thì để phần cha, chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình…”.

Lại có lần, trời đã khuya, đằng trai cất tiếng Hò: “Bây giờ đêm đã khuya rồi, bà con yên lặng đắm chìm trong mơ. Xung quanh cảnh vật im lìm, chỉ nghe thấy tiếng sáo diều vi vu. Em ơi có lẽ về đi, bảo vệ sức khoẻ ngày mai đi làm. Tối mai vào khoảng 9 giờ, đừng để anh đợi, anh chờ, anh mong. Nếu mai mà vắng mặt anh, thì anh khất hẳn cô nàng tối ngày kia…”.

Tôi quay sang hỏi mọi người đã muốn về chưa để tôi đáp lời. Mọi người bảo “tiếp tục, mình không thể thua được”. Thế là tôi hò lại: “Đêm thanh gà gáy cũng thanh. Bà con ngủ hết, xung quanh cũng ngủ rồi, chỉ chàng với thiếp mà thôi, lẽ nào chàng bỏ thiếp ngồi dưới trăng”.

Nói thế người ta không về được nữa đồng nghĩa với việc bên mình không thua cuộc. Cứ như thế, hầu như ngày nào chúng tôi cũng Hò với nhau, dù mọi người có đang Hò trước đó, nhưng cứ có mặt tôi, là nhóm sẽ nhường cho tôi Hò, và phía đằng trai đáp lại tôi cũng luôn là người ấy. Cho đến một hôm, người ấy chuẩn bị lên đường đi bộ đội. Tối hôm ấy chàng Hò, tôi đối:

 - Em về hỏi mẹ, hỏi cha. Hôm nào ngày tốt thì anh sang nhà.

- Mẹ cha em đã hỏi rồi, tháng này không tốt, để dành tháng sau.

- Em về hỏi mẹ hỏi cha, tháng này không cưới tháng sau anh lên đường.

- Anh đi cứ việc anh đi, vườn hoa em giữ vườn rau em gìn…

Sau đêm hôm ấy, người ta đi bộ đội và chúng tôi cũng không gặp nhau (qua điệu Hò) từ đó và mãi mãi không biết mặt nhau. Sau khi họ nhập ngũ, tôi vẫn theo chúng bạn đi Hò. Có một người cũng bắt nhịp Hò với tôi, nhưng qua hai, ba câu, câu biết người đó đã có gia đình nên tôi không Hò cùng nữa.

Bà Vân bật mí thêm: Những người tầm cỡ tuổi tôi năm đó đi Hò đông lắm, nhiều người Hò hay, ứng biến trong lúc hò cũng vô cùng tài. Nhưng cũng như tôi, nhiều người đã vài chục năm không còn môi trường để Hò nữa. Rất đáng tiếc!

Theo lời kể của ông Tước, bà Vân và kết quả sưu tầm của một số cá nhân trước đây, làn điệu Hát Ví và Hò không chỉ hình thành, phát triển và tồn tại ở Đông Cao mà có mặt ở nhiều xóm, làng, địa phương khác cùng dải đất ven sông Cầu.

Phó Chủ tịch UBND phường Tiên Phong - Dương Thị Bích Liên (thứ hai từ trái sang) cùng cán bộ văn hoá xã và đại diện các Câu Lạc bộ văn nghệ trên địa bàn xã cung cấp thêm thông tin về việc thực hành Hát Ví và Hò trên vùng đất Tiên Phong nhiều năm về trước
Phó Chủ tịch UBND phường Tiên Phong - Dương Thị Bích Liên (thứ hai từ trái sang) cùng cán bộ văn hoá xã và đại diện các Câu Lạc bộ văn nghệ trên địa bàn xã cung cấp thêm thông tin về việc thực hành Hát Ví và Hò trên vùng đất Tiên Phong nhiều năm về trước

Chúng tôi ngược lên Phường Tiên Phong, những câu chuyện về cặp vợ chồng đã nên duyên chồng vợ nhờ câu Hát Ví như ông Đào Xuân Tráng, bà Nguyễn Thị Tư ở Tổ dân phố Trung Quân hay ký ức còn nguyên vẹn khi theo các anh chị lớn và chúng bạn đi Hò ngay trong lúc thả trâu hoặc đi chơi buổi tối của Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND phường Tiên Phong Nguyễn Văn Giáp; Phó Chủ tịch UBND phường Dương Thị Bích Liên càng củng cố vững chắc hơn nhận định Hát Ví và Hò đã tồn tại trên vùng đất trung du ven sông Cầu. Chỉ là phạm vi của nó tới đâu, những gì vẫn đang còn ẩn sót trong nhân dân thì cần được nghiên cứu, sưu tầm và gìn giữ. Bởi, níu giữ được loại hình nghệ thuật dân gian này cũng là một cách chúng ta lưu giữ hồn quê.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy