Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
16:11 (GMT +7)

Dâu Đài

LTS: Tác giả Nguyễn Nhật Huy có thời gian dài học tập tại Đài Loan. Anh đã có nhiều bài viết, là những lát cắt của cuộc sống người Việt tại Đài Loan. Mới đây, phóng sự “Không khóc ở Đài Loan” của anh đã đoạt Giải Nhì (không có Giải Nhất) Cuộc thi Bút ký – Phóng sự trên Tạp chí VNTN năm 2021 – 2023. Vẫn là những góc nhìn đầy cảm thông, chia sẻ của người được mắt thấy tai nghe, bài viết này Nguyễn Nhật Huy sẽ kể cùng bạn đọc câu chuyện về những cô dâu Việt Nam lấy chồng Đài Loan.

VNTN xin trân trọng giới thiệu.

Dâu Đài là một từ chỉ những cô gái Việt Nam sang Đài Loan lấy chồng. Đây là một lực lượng khá đông đảo trong lượng người nhập cư ở hòn đảo này. Họ gồm nhiều lứa tuổi và đến từ mọi miền của Việt Nam nhưng chủ yếu là khu vực miền Tây đồng bằng Sông Cửu Long.

                                    1-1694397580.jpg
Một quán ăn Việt Nam ở Đài Loan, nơi những cô dâu Đài hay làm việc

Cộng đồng cô dâu Đài Loan còn có hẳn một diễn đàn trên https://codaudailoan.com/ để trao đổi kinh nghiệm về thủ tục kết hôn với người Đài Loan. Theo tuoitre.vn, tại Cần Thơ còn có cù lao Tân Lộc được gọi là “Đảo Đài Loan” vì có quá đông người đi lấy chồng Đài. Nó cho thấy sự tồn tại của một cộng đồng không nhỏ đáng được quan tâm.

Lí do cho sự đáng quan tâm là bởi: Phụ nữ luôn là đối tượng dễ bị tổn thương trong bất kì xã hội nào. Đặc biệt nhưng người phụ nữ cư trú ở nước ngoài lại càng trở thành những đối tượng yếu thế dễ bị lạm dụng hay bạo hành. Hành trình của họ cũng giống như hành trình của nhiều người nhập cư khác có may có rủi.

1. Tôi gặp L khi làm thêm ở một quán ăn tại Đài Loan. L vừa 18 tuổi đã được môi giới gả sang Đài Loan làm dâu. L là người Trà Vinh. Vì mới sang nên em rất nhút nhát và ít nói. Thường phải hỏi mấy câu em mới trả lời. Em lại không biết tiếng Trung nên gần như không thể giao tiếp với chồng và người nhà chồng. Vừa sang Đài được mấy hôm, mẹ chồng em đã đưa em tới xới cơm tại quán ăn để có thể học thêm tiếng. L bảo vì gia đình em thấy hàng xóm lấy chồng ngoại về xây nhà mua xe giàu quá nên định hướng cho em lấy chồng ngoại từ khi con bé. Cũng vì thế từ bé em được chăm bẵm chiều chuộng không phải làm gì. Vừa đủ tuổi kết hôn thì bị gả sang Đài. Em không ngờ sang đây vất vả thế. L tâm sự: tiếng thì không biết. Đêm nằm với một người đàn ông xa lạ cũng sợ nhưng dần cũng quen. Anh chồng cũng hiền lành và nghe lời. Nhưng khổ nhất là những ngày đầu nhớ nhà. Lần đầu tiên em đi xa mà chắc là đi lâu lắm. Nhiều khi nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ anh chị em mà khóc nấc lên.

                                    2-1694397580.jpg
Cô dâu Đài tất bật với quán ăn của mình

Tuy vậy, L vẫn là một trong những cô dâu Đài may mắn vì lấy được chồng còn trẻ, gia đình nhà chồng cũng không đến nỗi hà khắc. Mẹ chồng L cũng rất tâm lí, sẵn sàng dẫn con dâu đi các nơi để tìm món ăn phù hợp với em. Thậm chí bà mẹ chồng còn hỏi tôi địa chỉ các quán ăn Việt Nam để đưa L đi. Sau một thời gian quen tiếng, quen việc L đã hòa nhập được với cuộc sống ở Đài Loan. Nói vậy để thấy có khá nhiều cô dâu Đài đổi đời nơi “đảo ngọc”. Thậm chí có nhiều chị em còn thành công trở thành những người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng người Việt ở Đài Loan. Thế nhưng bên cạnh đấy cũng rất nhiều hoàn cảnh bi đát với phận làm dâu xứ người.

Đã từ lâu, việc lấy chồng Đài, Hàn, Nhật đã trở thành một việc hết sức bình thường với khá nhiều gia đình ở Việt Nam, thậm chí có nhà còn coi đó như một cơ hội đổi đời. Chỉ cần ngồi ở văn phòng kinh tế Đài Bắc tại Việt Nam sẽ dễ dàng thấy nhu cầu lấy vợ Việt của người Đài nhiều thế nào. Khá nhiều cặp đôi đến đây làm thủ tục đăng kí kết hôn. Thằng bạn người Đài Loan của tôi kể: Lấy vợ ở Đài giờ khó lắm. Trai Đài ế vợ nhiều nên thường học tiếng Việt hoặc nhờ môi giới kiếm vợ cho ở Việt Nam. Ở một số trường đại học đã có những lớp dạy tiếng Việt cho người Đài. Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều lớp học tiếng Trung miễn phí cho các cô dâu Việt.

                                    3-1694397580.jpg
Một quán xe đẩy bán đồ ăn Việt

2. Cô Bình một cô dâu Đài đã hơn 50 tuổi tâm sự với tôi rằng: những ngày cô mới sang khổ lắm. Cô có biết sang đây lấy ai đâu. Nghe môi giới bảo là chồng nhà có tiền thì cô nhắm mắt đưa chân sang đây mong kiếm được quốc tịch rồi làm trả nợ cho thằng con trai ở nhà. Thế nhưng khi sang đây rồi cô mới biết lấy phải ông già ốm đau. Phận làm dâu thành phận chăm người bệnh. Tự dưng sang đây ăn nằm với người lạ, rồi dọn phân, rồi tắm rửa cho người ta. Những ngày đầu không quen ngửi mùi còn muốn nôn ọe. Được mấy năm thì chồng cô chết, cô lại một thân một mình đi tìm việc. Có chút vốn thì mở cửa hàng đồ ăn Việt. Giờ cô kiếm cũng được, nhưng vất vả. Một mình cô cứ túi bụi từ nấu nướng đến bưng bê dọn dẹp nhằm tiết kiệm chi phí. Nhìn cái bếp ngổn ngang của cô Bình, tôi cũng không hiểu sao người đàn bà gày gò lại có thể làm khỏe như thế. Một mình cô nấu một lúc năm bảy món. Nào là phở Việt, nào là cơm rang, nào là gỏi cuốn. Mà món nào cũng hàng đống đồ gia vị mà cô cứ làm thoăn thoắt. Cô tâm sự, ở Đài Loan nếu chăm chỉ thì cũng kiếm được, nhưng kiếm bao nhiêu cũng không đủ bù cho thằng con trai cô ở Việt Nam bài bạc.

Đến Đài Loan, chúng ta có thể nhận ra có rất nhiều quán ăn Việt. Từ những cửa hàng nho nhỏ cho đến các quầy vỉa hè ở chợ đêm bán các món ăn nổi tiếng của Việt Nam. Đây có lẽ là công việc chính của đa phần những cô dâu Việt. Nó cũng là một trong những niềm tự hào của đa số người Việt khi nhắc đến sự nổi tiếng của đồ ăn Việt Nam.

Khác với cô Bình, chị T lại lấy phải chồng ở tận trên núi cao. Nhiều vùng núi cao điều kiện kinh tế cũng rất khó khăn. Công việc đồng áng cũng không nhẹ nhàng gì. Lấy chồng như đánh bạc, may mắn thì được canh bạc đỏ. Canh bạc mà chị T chơi không đỏ. Chồng chị không chăm chỉ chịu khó. Anh ta không chịu làm gì. Những việc nặng nhọc đều một tay chị cáng đáng.

3. Tưởng những hoàn cảnh éo le chỉ xảy ra với những người học vấn thấp nhưng nhiều cô dâu học cao vẫn gặp phải vấn đề. Chị P một giảng viên đại học tại Đài Loan cũng gặp phải khó khăn với gia đình nhà chồng. Tuy mang tiếng lấy được nhà chồng có điều kiện nhưng anh chồng không chịu làm ăn gì mà chỉ giỏi bài bạc. Chồng chị làm được bao nhiêu là đánh bạc hết. Mà đánh không phải đánh vặt vãnh cò con. Chồng chị vào sòng hai bên có gái, có xì gà, đánh thâu đêm cho đến khi phải kí giấy nợ thì lại đi làm. Có hôm chị P đang rửa bát thì đám xã hội đen ập đến đòi chặt tay anh chồng thế là chị phải móc ví trả nợ cho. Sau nhiều lần như vậy, chị P quyết ly hôn nhưng một phần thương con nhỏ, một phần nhà chồng gây sức ép không cho chị ly hôn nên chị cứ dùng dằng chưa dứt được.

N cũng là cô dâu Đài nhưng không phải do môi giới. Hai người yêu nhau khi học cùng một lớp thế nhưng hôn nhân của N lại trắc trở theo cách khác. Nó xuất phát từ thành kiến của khá nhiều người Đài đối với người Việt Nam. Bố mẹ chồng của N luôn nghĩ cô gái Việt Nam nào sang đây cũng là để kiếm tiền từ nhà chồng cho nên rất coi thường N. Cho dù chồng N rất yêu thương N, nhưng để đến được với nhau hai người đã phải vượt qua rất nhiều nhưng ngăn cấm của gia đình. N kể rằng: Ngay cả đến ngày cưới, bố mẹ chồng nhất quyết không cho N vào lễ gia tiên. Đến khi có hai mặt con rồi thì chồng lại đi du học Mỹ. Thế là hai người xa cách nhau hàng năm trời mới được gặp nhau một lần. N lại một thân một mình nuôi hai con nhỏ…

Hành trình đi làm dâu xứ người nhiều nỗi niềm nhưng khi trở về cũng chưa chắc đã nhẹ nhõm. Nhiều cô dâu Đài dù xứ người cực thế nào vẫn cắn răng ở lại vì đánh đổi nhiều mà về chẳng có gì cũng cay đắng. Thế nên nhiều người đùa là quần áo mặc lúc ở Đài Loan và lúc ra sân bay về Việt Nam nhìn khác nhau hoàn toàn. Lúc đi làm ở Đài Loan thì bẩn thỉu nhem nhuốc nhưng ra sân bay cũng phải đeo ít vàng cho người ta nể. Ai cũng cố gồng mình lên bởi nhiều khi trở về mà không có gì, họ lại phải chịu đựng những lời lẽ không hay từ hàng xóm hay thậm chí họ hàng.

Cô Bình tâm sự: nhiều người cũng ác miệng lắm. Thực ra cực chẳng đã mới cố gắng đi tìm cuộc sống tốt hơn. Người ta cứ nhìn mình đi về có của ăn của để rồi nói mình hám tiền. Ai biết đâu có những ngày nước mắt chan cơm. Nhất là đợt dịch bệnh. Hàng quán không có khách. Lại thêm giá thuê quầy cao, thành ra cô nợ đầm đìa. Cuối cùng không trụ được, cô đành thanh lý đồ rồi chờ về Việt Nam. Cô Bình thở dài bảo: Về Việt Nam lại chẳng biết làm nghề gì mà sống. Mà đi xa lâu ngày về thấy cái gì cũng lạ. Đi đường thì sợ xe tông. Người thân thì như người lạ. Nhà như không phải nhà của mình nữa. Thằng con trai cô thì bòn cô hết cái này đến cái khác. Cày cuốc mua được miếng đất rồi nó cũng bán mất. Nhiều khi về rồi hết tiền cộng với chán lại phải mò sang đây kiếm ăn tiếp.

                                    4-1694397580.jpg
Món gỏi cuốn được chế biến bởi các cô dâu Đài

 Nhìn dáng cô Bình nhỏ bé đi trong buổi chiều vàng vọt, tôi chợt không hiểu điều gì đã giúp cô đi qua hàng chục năm trời nơi đất khách quê người. Đi đến một đất nước khác không có ngôn ngữ, không có người quen, tất cả đều phải một mình gánh chịu. Lại thêm những không may xảy ra trong cuộc đời, điều gì giúp cô kiên cường vậy. Tất nhiên chẳng có con đường nào là hoàn hảo, cũng chẳng ai có thể phán xét lựa chọn của người khác. Cũng là mỗi người có quan sát và góc nhìn riêng. Nhớ cô Bình bảo tôi rằng: phụ nữ ở trong nước cũng chắc gì đã sướng. Ở đâu quen đấy. Ở lâu lâu thành ra nghĩ đây là quê mình, về Việt Nam có khi lại ngại. Mà mình khổ nhưng cũng được biết đây biết đó. Thấy cô vẫn lạc quan tôi cũng vui: Cứ bình tĩnh mà sống vậy.

4. Một vấn đề nữa mà các cô dâu Đài phải đối mặt khi lấy chồng Đài Loan là việc chăm sóc và giáo dục cho thế hệ thứ hai, con lai Việt Đài. Con lai Việt Đài có thể cảm thấy mình mắc kẹt giữa hai nền văn hóa khác nhau. Họ có thể gặp khó khăn trong việc xác định danh tính của mình hoặc cảm thấy bị áp đặt một danh tính cụ thể từ xã hội. Chị L lấy chồng Đài Loan và có hai người con trai nhưng chị luôn cảm thấy bối rối khi tìm cách giúp con không bị kỳ thị khi đi học ở trường mà vẫn giữ được sợi dây kết nối với nền văn hóa Việt Nam. Nếu những đứa trẻ Việt Đài không thành thạo tiếng Trung hoặc có giọng địa phương rõ rệt từ Việt Nam, chúng có thể gặp phải sự kỳ thị từ xã hội Đài Loan. Đôi khi, ngay cả những sự khác biệt về ngoại hình, khẩu âm cũng khiến đứa trẻ lai Việt Đài bị coi “không phải người Đài thuần túy”. Chị L cũng tâm sự rằng: Nhiều khi thấy con chị về khóc vì các bạn không chơi cùng chị lại cảm thấy không biết giải quyết như thế nào. Ngược lại, mỗi lần đưa con về thăm Việt Nam chị cũng cảm thấy vô cùng khó xử khi không thế gắn kết con với ông bà. Đó không đơn thuần là rào cản về ngôn ngữ mà còn là cái nhìn định kiến rằng: thằng bé không phải người Việt hoàn toàn.

Bên cạnh đó, ngay cả việc ăn uống đôi khi cũng là vấn đề vì các bà mẹ chồng người Đài thì cho cháu ăn xì dầu còn chị L lại muốn con ăn nước mắm cho quen. Đôi khi mâm cơm có hai bát nước chấm cũng có thể khiến không khí gia đình căng thẳng nếu chị hay mẹ chồng chị không chịu hạ cái tôi xuống. Đó chỉ là một vài câu chuyện về việc xung đột văn hóa hay thói quen. Vẫn biết là khác biệt là chuyện bình thường nhưng để chung sống cùng nhau thì chị L đã phải cố gắng rất nhiều.

Hòn đảo Đài Loan hiện là nơi cư trú của khá đông người Việt Nam. Trong xu thế toàn cầu hóa và sự bùng nổ của các làn sóng di dân, các chính quyền đều gặp phải những thách thức trong việc xây dựng cộng đồng cùng chung sống bởi các xung đột văn hóa, lợi ích. Chính quyền Đài Loan cũng như vậy. Họ đang nỗ lực cải thiện chính sách cho cộng đồng người nhập cư. Tuy nhiên đối với những quan hệ bên trong gia đình như cô dâu Việt thì rất khó để các chính sách có thể cập nhật và can thiệp vì phần nhiều đó là những câu chuyện chưa kể đằng sau cánh cửa mỗi ngôi nhà mà chúng ta chỉ ít nhiều nghe thấy.

Nguyễn Nhật Huy

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy