Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
07:11 (GMT +7)

Đào tạo ngành năng khiếu nghệ thuật: Thay đổi cơ chế để không “đứt mạch” truyền thống

VNTN - Tính đến thời điểm hiện tại, Luật Giáo dục nghề nghiệp được ban hành và có hiệu lực thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động dạy nghề; quy định toàn bộ nội dung, hình thức, các cấp độ đào tạo nghề, quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể liên quan nhằm tạo điều kiện để hoạt động đào tạo nghề phát triển đúng hướng. Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn được ban hành, đã và đang bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó lĩnh vực nghệ thuật, được khuyến cáo, nếu không có những thay đổi cụ thể sẽ làm “đứt mạch” nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống.

Vốn “khó” lại càng thêm “khó”

Tại buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, có sự tham gia của đại diện các trường đào tạo nghệ thuật, thể thao trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các chuyên gia giáo dục và đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), về việc xây dựng chính sách pháp luật giáo dục nghề nghiệp đối với lĩnh vực đặc thù, diễn ra vào những ngày cuối tháng Bảy vừa qua tại Hà Nội, đã mổ xẻ nhiều vấn đề liên quan đến Luật Giáo dục nghề nghiệp, trong đó nổi bật là công tác tuyển sinh và đào tạo.

 

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, trong chương trình nghệ thuật hát xẩm Hà Thành

Chỉ ra những bất cập này, đại diện các trường khối nghệ thuật, thể thao đã nêu lên những đặc thù trong công tác đào tạo của đơn vị mình quản lý. Bên cạnh đó là những bất cập khi có quá nhiều đơn vị cùng đứng ra chịu trách nhiệm quản lý đối với một trường đào tạo năng khiếu, nghệ thuật, thể thao như: khối thể thao, du lịch (3 bộ quản lý). Do đó công tác đào tạo bị hạn chế bởi nhiều văn bản, quy định dưới luật khiến cho nguy cơ mất nguồn nhân lực và không bảo tồn được nghệ thuật truyền thống dân tộc là điều khó tránh khỏi. Theo PGS.TS Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ chia sẻ, để phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp, công tác đào tạo của trường đã phải tiến hành những thao tác điều chỉnh cơ học giảm thời gian đào tạo từ 6 năm xuống 4 năm, và nay là 5 năm cho khóa diễn viên xiếc hệ trung cấp. Ngoài ra để tuân thủ quy định về số lượng giảng viên và giờ dạy, nhà trường cũng phải rất khó khăn để có thể vận dụng linh hoạt những điều khoản dưới luật để vận dụng vào lĩnh vực đào tạo đặc thù của trường. Tuy nhiên, khó khăn vẫn chưa dừng lại khi mới đây, văn bản của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) yêu cầu dừng tuyển sinh hệ trung cấp đã khiến trường đứng trước nguy cơ giải thể.

Chung số phận với trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ, hàng loạt các trường nghệ thuật, thể thao có hình thức đào tạo sơ cấp, trung cấp cũng rơi vào cảnh lao đao khi không thể bỏ qua hình thức đào tạo nguồn từ “gốc” hết sức quan trọng này. Theo Nghệ sĩ ưu tú Trần Văn Hải, quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam cho biết, hơn 60 năm qua, trường chủ yếu đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, với mũi nhọn là trung cấp diễn viên múa hệ 5 năm, hệ 6 năm, tuyển sinh người học từ khi 12 - 13 tuổi mới đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp. Nếu chỉ được đào tạo bậc đại học với chuyên ngành biên đạo múa, huấn luyện múa, thì sẽ thiếu hụt diễn viên cung cấp cho các đơn vị nghệ thuật. Chưa kể, lĩnh vực nghệ thuật nói chung, truyền thống nói riêng đang chịu sức ép rất lớn từ các loại hình nghe nhìn khác khiến cho công tác tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều năm, nhiều trường có các khoa đào tạo nghệ thuật truyền thống như: chèo, cải lương, ca trù... không có thí sinh theo học.

Công bằng mà nói, đào tạo tài năng nghệ thuật không giống như đào tạo một người thợ cơ khí, lại càng không thể giống với lao động chân tay để có thể truyền dạy qua hình thức kinh nghiệm (truyền miệng) mà phải có thời gian nhất định để người học và người dạy có thể truyền đạt và lĩnh hội được những kỹ năng, kỹ xảo được coi là tuyệt kỹ của nghề. Do vậy, việc định lượng thời gian và định tính kỹ thuật trong công tác đào tạo nghệ thuật truyền thống và công tác đào tạo nghề thông thường nói chung, sẽ đẩy các trường nghệ thuật đã và đang ở thế khó lại càng thêm khó.

Nên “buộc” hay “gỡ”?

Cho rằng có thể nâng cấp các trường trung cấp lên cao đẳng và thay đổi hình thức (tên gọi) đối với các loại hình đào tạo là có thể “xóa” được hình thức đào tạo trung cấp (phù hợp) với quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Nhưng dù là thay đổi tên gọi hay nâng cấp quy mô hoạt động của trường, của khoa... thì khung thời gian dành cho đào tạo nhiều ngành nghệ thuật cũng không thể tuân thủ theo hệ cao đẳng (ấn định 3 năm); chưa kể còn có yêu cầu về số lượng thí sinh theo học mỗi khóa lên đến 500 sinh viên/ năm theo yêu cầu của Bộ.

Lấy ví dụ về công tác tuyển sinh năm 2019 của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ với hơn 6.000 học sinh nộp hồ sơ xin sơ tuyển. Nhưng kết thúc thời gian tuyển sinh, nhà trường chỉ có thể tuyển được 35 chỉ tiêu, nâng tổng sinh viên (cũ và mới) của trường lên đến 150 học viên. Nếu so với yêu cầu chung, chưa bằng 1/3 quy định của Bộ. Do đó việc nâng cấp trường lên hệ cao đẳng là hoàn toàn không thể, do vướng quy định dưới luật.

Khó trong đào tạo đội ngũ kế cận tại hầu hết các loại hình nghệ thuật truyền thống là một thực tế dù không muốn thừa nhận, nhưng giải bài toán này thế nào lại hoàn toàn không phụ thuộc vào những cơ sở đào tạo, mà từ chính những đơn vị quản lý. Sự thống nhất về khung chương trình, về quy định từ cơ sở vật chất, nguồn lực con người và những cơ chế đặc thù sẽ được xem là khâu đột phá để các cơ sở đào tạo có thể giữ vững được “mạch nguồn” truyền thống. Theo NSND Hà Thế Dũng Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam chia sẻ, đào tạo tài năng buộc phải theo “thời vụ” từng mùa và yếu tố tiên quyết là phải đạt chuẩn nghệ thuật. Để có thể đào tạo thế hệ nghệ sĩ múa tài năng kế cận, nếu chỉ từ các nhà trường thôi thì đã đủ hay chưa? “Rất cần đào tạo tại các sân khấu múa chứ giảng đường không thì không đủ. Cần nhiều hoạt động giao lưu, đưa nghệ sĩ Việt ra nước ngoài và đưa nghệ sĩ từ nước ngoài về Việt Nam giao lưu. Nhưng các hoạt động của sân khấu múa chuyên nghiệp hiện tại còn quá hạn chế. Thật buồn là nghệ sĩ chưa sống được bằng nghệ thuật.

Không có may mắn được nâng chuẩn nghề nghiệp như nghệ thuật múa, xiếc chỉ có thể giao lưu với nghệ sĩ quốc tế để không bị tụt hậu, các loại hình ca trù, cải lương, thậm chí là chèo... chỉ có thể nâng chuẩn trong “ao làng” thông qua các hội diễn, qua sự truyền thụ tại các sơ sở đào tạo. Nên việc có học viên theo học tại các khoa đào tạo nghệ thuật truyền thống là một điều vô cùng đáng quý, chứ chưa nói đến việc tính đúng, tính đủ số lượng theo quy định. Theo nghệ sĩ Bạch Vân, để trở thành một đào nương ca trù đúng nghĩa phải có được nhiều tiêu chuẩn khắt khe như giọng hát, năng khiếu thẩm âm, gõ phách, tri thức âm nhạc và văn thơ, lòng đam mê và kiên trì. Không những thế, đào nương còn phải được các thầy giỏi, có kinh nghiệm và tâm huyết đào tạo bài bản, lâu dài bằng phương thức truyền khẩu. Vậy nên, không thể làm đào nương ca trù chỉ trong một thời gian ngắn, cũng không thể chỉ thuộc một vài điệu hát, một vài kỹ thuật cơ bản mà đã được gọi là đào nương. Nhằm tiếp sức cho ca trù, năm 2002, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã mở lớp đào tạo cấp tốc diễn viên trẻ ca trù trong hai tháng tại Hà Nội. Ngay tại thời điểm đó, nhiều người bày tỏ sự vui mừng cho ca trù khi đã được Cục xắn tay vào chuẩn bị đội ngũ kế cận. Nhưng cũng lại có không ít người lo lắng cho rằng, phương pháp đào tạo “mì ăn liền” có nguy cơ làm cho ca trù biến dạng, mặc dù cũng cầm phách gõ, cũng “ứ, hự...” nhưng nghe ra vẫn không phải là ca trù.

Nói như vậy, để thấy, bất kỳ một lĩnh vực ngành, nghề dù văn hóa nghệ thuật hay kinh doanh, cơ khí, muốn trở thành người thợ giỏi, lành nghề cần phải tuân thủ quá trình đào tạo nghiêm ngặt. Đi cùng với đó là sự đầu tư bài bản dựa trên khung chương trình và đội ngũ những người thầy có đủ tâm - tầm, vững về chuyên môn giảng dạy. Và cuối cùng, để có được sản phẩm tốt, không thể đốt cháy giai đoạn, lại càng không thể áp dụng những quy định bắt buộc mang tính định lượng cho đào tạo nói chung, lĩnh vực nghệ thuật nói riêng. Để gỡ khó cho khối trường nghệ thuật, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, Luật Giáo dục nghề nghiệp đang là cơ sở pháp lý rất quan trọng tạo cơ sở ổn định cho phát triển đào tạo nghề nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế đặc thù trong đào tạo ngành năng khiếu nghệ thuật thì khó có thể vực dậy được lĩnh vực này. Kéo theo đó là nguy cơ mất nguồn nhân lực và không bảo tồn được nghệ thuật truyền thống dân tộc. Bên cạnh sự thống nhất về cơ chế đào tạo, thì việc đào tạo công chúng thưởng thức nghệ thuật cũng được đặt ra. Đó là làm sao thay đổi thói quen thưởng thức nghệ thuật miễn phí đang hiện diện trong mỗi công chúng, để thay vào đó là thói quen thưởng thức nghệ thuật phải trả tiền. Có như vậy thì nghệ thuật nói chung, hay từng lĩnh vực truyền thống nói riêng mới có thể có thêm nguồn lực để tái thiết lại hoạt động, bước tiếp về phía trước. Song song với đó, là việc các cơ quan quản lý cần thay đổi, thống nhất cơ chế quản lý, về tư duy đào tạo đối với các chuyên ngành đặc thù để nghệ thuật có thể phát triển lành mạnh, giữ vững được “mạch nguồn” truyền thống.

Trúc Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy