Đào tạo chuyên sâu, đặc thù nghệ thuật: Gỡ khó để có nguồn nhân lực chất lượng cao
Cần sự vào cuộc của các Bộ: Giáo dục - Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tư pháp, cùng Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan… trong xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Đó là quan điểm hết sức cầu thị của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) trong những cuộc họp giữa các bên liên quan do Bộ tổ chức mới đây .
Trước đó, việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật đã được Bộ VHTT&DL thực hiện từ năm 2021. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, do nhiều yếu tố khách quan, Dự thảo vẫn chưa được hoàn thiện. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định trong đào tạo một số ngành, nghề của Bộ VHTT&DL, nhất là khối nghệ thuật truyền thống.
Những thách thức đặc biệt
Được biết đến là một đất nước giàu truyền thống văn hóa và nghệ thuật, nhưng Việt Nam chưa thể tận dụng và khái thác nghệ thuật truyền thống như một kênh gia tăng giá trị cho nền kinh tế của đất nước. Đối mặt với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và sự lấn lướt của các chương trình nghệ thuật, show truyền hình thực tế… nghệ thuật truyền thống đang dần bị lép vế, thậm chí nhiều lĩnh vực chuyên ngành dân gian còn đứng trước nguy cơ có thể bị xóa sổ bất cứ lúc nào vì không tìm được đội ngũ kế cận.
Để bảo tồn và phát huy những giá trị của nghệ thuật dân gian, truyền thống, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật biểu diễn truyền thống; Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn năm 2020, định hướng 2030; Đào tạo bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030… đây được xem là những đường hướng cụ thể giúp nghệ thuật dân gian, truyền thống vực dậy và phát triển. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, một con số cụ thể, mang tính thuyết phục thì lại chưa có, khiến dư luận không khỏi lo lắng về tương lai của nghệ thuật dân gian, truyền thống. Ghi nhận đầu vào từ các mùa tuyển sinh, tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật cho thấy, những con số về lượng thí sinh dự tuyển chỉ đếm trên đầu ngón tay, mặc dù tự thân nhà trường, thầy cô giáo đã tích cực tìm kiếm, huy động “đầu vào” từ sớm, từ xa.
Công bằng mà nói, không quá khó để hiểu lý do vì sao các trường đại học, cơ sở đào tạo lĩnh vực nghệ thuật khát thí sinh, nhưng dù nhìn ra nút thắt thì cũng không thể gỡ trong một sớm, một chiều. NSƯT Thu Huyền, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội chia sẻ tâm huyết rằng, việc học các bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo hay cải lương… không những khó về mặt chuyên môn mà còn khó cả về mặt cảm thụ. Đây là những bộ môn đòi hỏi người học phải có độ am hiểu tương đối về văn hóa, lịch sử, xã hội… và hơn hết là tình yêu với nghề. Chính vì vậy, các cơ sở đào tạo không những phải chật vật tuyển sinh mà còn phải chọn lọc rất kỹ càng trong số ít ỏi những hồ sơ đăng ký thi tuyển… Đổi lại sau khi trải qua quá trình học tập, khổ luyện, thì cơ hội biểu diễn, thu nhập lại không như mong muốn thậm chí ở mức thấp… khiến cho nghệ thuật truyền thống, dân gian đã khó càng thêm khó. “Khó về số lượng, khó cả về tiêu chí xét tuyển, khó về cơ hội biểu diễn, thu nhập… chính là nút thắt của khối ngành nghệ thuật truyền thống, dân gian… Nhưng, gỡ khó bằng cách nào, khi phần lớn các trường nghệ thuật trong cả nước đang phải đối mặt với hạ tầng kém và thiếu hụt trang thiết bị hiện đại. Điều này làm giảm khả năng cho sinh viên thực hành và trải nghiệm thực tế trong quá trình học, ảnh hưởng đến sự phát triển của kỹ năng nghệ thuật”.
Thực ra, không phải đến thời điểm hiện tại, những nút thắt này mới được thấu cảm, mà trước đó, sự trở đi, trở lại của các cuộc thi, hội diễn cấp khu vực, thậm chí toàn quốc chỉ với những khuôn mặt quen thuộc, những vở diễn không mới… đã khiến cho không ít người trong cuộc và cả ngoài cuộc trăn trở. Sự thiếu hụt nhân tố trẻ, kịch bản mới… là một thực tế không thể phủ nhận của đời sống sân khấu hiện nay.
Cần sự đầu tư mạnh mẽ
Theo Bí thư Thành ủy, TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên tại cuộc gặp mặt văn nghệ sỹ TP. Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 60 thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Thành phố cho rằng: cần quan tâm đến bồi dưỡng, giáo dục chính trị tư tưởng, giúp cho văn nghệ sĩ nói riêng và người làm văn hóa nghệ thuật nói chung luôn có những quan điểm đường lối chính sách đúng đắn; tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn cuộc sống, bồi đắp tư tưởng, tình cảm, tạo điều kiện để phát huy tư duy cảm xúc, đem tâm huyết, hết lòng cống hiến cho văn học nghệ thuật. Đây có thể hiểu là những cam kết của người đứng đầu Thành phố về một nguồn lực mới chăm lo cho văn nghệ sĩ, nhưng triển khai cụ thể thế nào vẫn còn là con đường phía trước.
Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố sáng tạo, chắc chắn sẽ có những chính sách phù hợp để nghệ thuật, trong đó có lĩnh vực dân gian, truyền thống được thăng hoa. Nhưng suy cho cùng, mấu chốt của những chính sách đột phá, sáng tạo chính là sự đãi ngộ xứng đáng cho những người hoạt động trong nghề. Trong đó, việc tìm kiếm và giữ chân giáo viên có chất lượng cao là một việc làm cần thiết. NSND Phạm Ngọc Tuấn (Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam) cho biết “Nhân lực không có làm sao mà giữ, mà bảo tồn được nghề. Cho nên muốn thay đổi phải thay đổi từ chính sách đào tạo, chính sách đãi ngộ đối với nghệ sĩ tuồng nói riêng và nghệ sĩ sân khấu truyền thống nói chung thì nó mới có thể thay đổi được, mới thu hút được tài năng, mới có được người làm nghệ thuật truyền thống”. Còn NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng chia sẻ: “Các nhà hát đều thiếu nguồn nhân lực trẻ. Nếu tình hình cứ như thế này thì trong những năm tới đây sẽ không còn nguồn nhân lực trẻ nữa... Bằng mọi cách phải cho người trẻ thấy đi theo con đường này vẫn sống được. Bằng mọi cách để làm cho nghề sân khấu trong khó khăn vẫn phải rực rỡ, và phải có cách nào đó để phục hưng nghệ thuật truyền thống…”.
Phục hưng nghệ thuật dân gian, truyền thống đã và đang trở thành nhiệm vụ cấp bách không chỉ của ngành văn hóa mà còn là của chung tòa xã hội. Trong đó, hệ thống giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam cần được xem là chìa khóa để giải quyết sự thiếu hụt nhân lực của từng lĩnh vực ngành. Bên cạnh đó là chế độ đãi ngộ, đầu tư thỏa đáng để người làm nghề có thể yêu nghề, say nghề và quyết tâm gắn bó với nghề. Bởi nói gì thì nói, nghệ thuật không chỉ là sự sáng tạo mà còn là một hành trình đầy thách thức và khó khăn.
Đối với những người muốn theo đuổi đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực nghệ thuật, họ phải đối mặt với nhiều khó khăn đặc biệt và đòi hỏi sự cam kết và kiên nhẫn lớn. Do đó, sự chung tay của xã hội là việc làm cần thiết để nghệ thuật dân gian, truyền thống không chỉ có thể thăng hoa trong đời sống hiện tại mà còn bước ra thế giới.
Quay trở lại với dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, hiện đang được kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, cải thiện thu nhập và hệ thống hỗ trợ cho nghệ sĩ trong việc xây dựng sự nghiệp, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết: Trong hệ thống đào tạo ở nước ta, số lượng các trường đào tạo thuộc Bộ VHTT&DL không nhiều, số sinh viên, học viên cũng không lớn nhưng lại giữ vai trò quan trọng trong việc đào tạo ra nguồn nhân lực tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao cho đất nước… Do đó, rất cần một sự thấu hiểu, chia sẻ và chung tay tháo gỡ từ các Bộ, ngành liên quan để cho ra đời Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, giúp cho công tác đào tạo nghệ thuật đạt hiệu quả tốt nhất”.
Được biết, để sớm hoàn thiện Nghị định, Bộ VHTT&DL đã rất kiên trì trong xây dựng dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Dựa trên căn cứ pháp lý của các luật: Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2018, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Ban soạn thảo đã rất cân nhắc để tìm ra nội dung liên quan và có thể áp dụng phù hợp đối với các cơ sở đào tạo nghệ thuật đó là áp dụng khoản 4 Điều 34 Luật Giáo dục 2019... Đồng thời đặt lịch làm việc với các Bộ, ngành liên quan để tiếp thu ý kiến và xây dựng Báo cáo đánh giá tác động chính sách nhằm hoàn thiện Dự thảo góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong công tác đào tạo nghệ thuật hiện nay.
Hy vọng rằng, với sự đồng bộ và ủng hộ của các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan, sự ra đời của Nghị định mới sẽ thực sự tạo ra những điểm sáng trong bức tranh đào tạo lĩnh vực chuyên sâu, đặc thù của nghệ thuật truyền thống.
Hà An
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...