Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
07:11 (GMT +7)
KỶ NIỆM 99 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925 - 21/6/2024)

Đạo đức người làm báo

Gần đến Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, trên mạng xã hội lại lan truyền, bình luận nhiều về bức ảnh "Kền kền chờ đợi" của phóng viên ảnh Kevin Carter người Nam Phi – “bức ảnh gây tranh cãi nhất trong lịch sử giới báo chí quốc tế” theo đánh giá của một bài viết đăng trên trang VTV.vn.

Theo bài viết trên, vào tháng 3/1993, phóng viên Kevin Carter đến Sudan với mong muốn ghi lại những hình ảnh chân thực nhất về cuộc nội chiến và nạn đói thảm khốc tại đây. Khi gần đến làng Ayod, Kevin bất ngờ gặp một bé gái với thân hình chỉ còn da bọc xương đang cố gắng lết tới trung tâm cứu trợ trên cánh đồng khô cằn cỏ cháy. Gần đó, một con kền kền đã đậu sẵn.

Cẩn thận di chuyển để con kền kền không bay mất, anh chờ khoảng 20 phút để có được bức hình đẹp nhất rồi ngay sau đó đuổi con kền kền đi. Tháng 4/1993, bức ảnh đã đem lại cho Kevin giải Pulitzer danh giá, trở thành biểu tượng cho sự tuyệt vọng của người dân Nam Sudan. Tuy nhiên, Kevin phải chịu sự chỉ trích nặng nề vì chỉ chụp ảnh mà không giúp đỡ em bé. Quá suy sụp, cộng với cái chết của người bạn thân cũng là phóng viên ảnh, hơn 3 tháng sau, anh đã tự sát trong xe ô tô cá nhân khi mới 33 tuổi.

Có lẽ, cũng từ câu chuyện có thực trên, trong xã hội đã xuất hiện thuật ngữ “nhà báo kền kền”. Đó là cách “tác nghiệp” của một số phóng viên, nhân lúc cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có dấu hiệu sai phạm thì đến “xin cung cấp thông tin để viết bài” nhưng cuối cùng là gợi ý đơn vị ký “hợp đồng tuyên truyền, quảng bá”. Trắng trợn hơn, họ tìm cách gợi ý, gây sức ép khiến các tổ chức, cá nhân có sai phạm phải đưa tiền cho họ để không đưa sai phạm lên mặt báo hoặc gỡ bài đã đăng.   

Luật Báo chí đã quy định rõ nghĩa vụ của nhà báo: “Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”. Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành, gồm 10 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

10 điều quy định đó rất sát với thực tiễn, thậm chí có những nội dung do tỉ mỉ, chi tiết nên không thể quy định trong Luật Báo chí. Một số điều gắn liền với hoạt động tác nghiệp của nhà báo, đồng thời cũng gắn liền với hoạt động của xã hội, như: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc (Điều 3); Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân (Điều 4); Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác (Điều 5)…

Thực tế, những người làm báo chân chính chiếm số lượng áp đảo trong đội ngũ những người làm báo. Họ đang ngày đêm miệt mài bám cơ sở, bám phong trào, tìm tòi, chấp nhận tác nghiệp trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để có những tin, bài, phóng sự mang tính phát hiện chân thực, có tác dụng lan tỏa mạnh mẽ.

Còn những nhà báo “kền kền”, họ chỉ chiếm số ít, thậm chí rất ít, song không phải hiếm gặp. Một số đã bị kỷ luật, thậm chí khởi tố. Họ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và môi trường tác nghiệp của đông đảo đội ngũ những nhà báo, phóng viên, cộng tác viên chân chính.

Tại Thái Nguyên, tháng 5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố 8 bị can về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên, các bị can đã đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở. Khi tìm ra sơ hở, thiếu sót của cơ sở, các đối tượng gây sức ép, gợi ý để các cơ sở đưa tiền, nếu không sẽ báo chính quyền địa phương và viết bài phản ánh trên báo chí. Do lo sợ việc bị đưa thông tin trên báo chí sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nên các cơ sở đã phải đưa tiền cho các đối tượng. Mặc dù không ai trong số 8 đối tượng bị khởi tố nêu trên là nhà báo, nhưng nguy cơ xuất hiện “nhà báo kền kền” trên địa bàn là hoàn toàn có thể.

Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thiết nghĩ các nhà báo chúng ta hãy nhắc nhau: hoạt động tuân thủ đúng quy định của pháp luật và luôn ghi nhớ, thực hiện 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Phấn đấu để tâm thật sáng, lòng thật trong, ngòi bút thật sắc bén, xứng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy