Dạo chơi đồi Montmartre
Khách du lịch Paris không lạ Đồi Montmartre, nhưng được dạo chơi tại chốn linh thiêng đầy huyền bí này vào ngày thu đẹp trời, thì chắc phải có duyên may!
Đồi Montmartre nằm ở khu bắc thành Paris, ở độ cao chừng 130 mét.
Từ Trung tâm Paris, để cho thuận lợi, chúng ta dùng tàu điện ngầm đến bến Abbesses. Đây là một bến nằm rất sâu dưới lòng đất nên sẽ có thang máy đưa chúng ta lên với ánh sáng mặt trời. Cạnh quảng trường Abbesses, sẽ tiếp tục có thang máy đưa khách tham quan lên tận đỉnh đồi Montmartre, nơi có nhà thờ Sacré Coeur lừng lững oai phong và chứa trong mình vô vàn những điều huyền bí, và từ đó chúng ta có thể nhìn khắp quang cảnh thành phố Paris. Tòa thị chính Paris còn đặt rải rác đây đó những ống nhòm, mà chỉ cần vào thả đồng 1 Euro, chúng ta có thể nhìn rõ chi tiết từng tòa nhà hay những công trình nghệ thuật nổi tiếng nhất Paris nằm cách xa nhiều kilomet như Tháp Ép-phen, điện Panthéon, điện Invalide hay Thánh đường Đức bà Paris....
Nhưng nếu khách không muốn dùng thang máy mà nhẩn nhơ dạo bộ trên các con phố để lên đỉnh đồi thì sẽ được chiêm ngưỡng nhiều phong cảnh kì thú của những ngày hè anh-điêng. Những cầu thang bộ mà đôi chỗ gần như dựng đứng, có tay vịn, cứ nối tiếp nhau. 222, đó là số bậc thang mà khách phải đi hết để tới đỉnh đồi! Từng cụm hoa cuối mùa lẫn vào những đám lá vàng rực mọc hai bên đường, đôi chỗ lòa xòa vào hàng tay vịn, chạm cả vào khách bộ hành, khung cảnh thật nên thơ, khó kiếm...
Quảng trường cạnh nhà thờ Sacré-Coeur luôn đông đúc các nghệ sỹ lang thang mà từ lâu, hình như khách du lịch đã quên đi cái tên thật mà chỉ còn gọi với cái tên Quảng trường Nghệ sỹ. Chỉ với tầm 20 euros, và nếu biết mặc cả thì giá có thể sẽ giảm xuống phân nửa và chừng mươi phút chúng ta đã có một bức chân dung rất đẹp theo ý nguyện. Đi thêm một đoạn qua con đường rợp bóng cây, thế là khách đứng trước một Thánh đường bề thế, oai nghiêm với kiến trúc hiện đại và lạ mắt. Nhà thờ Sacré-Coeur được xây dựng sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Pháp - Phổ, mà hoàng đế Napoléon III đã tuyên chiến một cách vội vã vào 1870, và kết cục là Pháp đã bại trận một cách thảm hại...
Thực ra chúng ta đã có thể nhìn thấy ngôi nhà thờ này từ rất xa, với màu trắng tinh khôi và kiến trúc tân kỳ. Hoành tráng, vững chãi và bề thế. Đây không những là một khu du lịch nổi tiếng mà còn là một chốn linh thiêng có một không hai tại Paris. Hàng năm, ngoài việc đón hàng triệu khách tham quan, nơi đây còn đón hàng ngàn khách hành hương từ ngàn dặm đổ về... Trong nhà thờ, khách tham quan không khỏi ngất ngây trước những bức tranh khổng lồ được vẽ ngay trên thành tường nhà thờ, những bức tượng và những câu trích dẫn trong kinh thánh được khắc trên các cột trụ, bày rải rác khắp nơi... Cho dù là giờ hành lễ hay không, đây đó luôn phảng phất mùi hương trầm và những giàn nến lung linh như nhắc khách giữ yên lặng.
Trong gian chính nhà thờ, kể từ ngày mùng 1 tháng 8 năm 1885, liên tục người người nối nhau đêm ngày không ngừng trong bài cầu nguyện Tôn thờ, dành cho Nhà thờ, cho Hòa bình, tưởng nhớ những người quá cố và gần đây là dành cho những nạn nhân trong các vụ khủng bố tại Paris, tại Pháp và khắp nơi trên toàn thế giới. Quả vậy, rất đông khách ngồi cầu nguyện và đi thăm những bức tượng, chăm chú đọc những dòng trích dẫn trong kinh thánh hay tên tuổi của các cha xứ đã từng cai quản xứ đạo này. Đây cũng là một trong những nhà thờ hiếm hoi tại Paris được các cha làm lễ theo nhiều ngôn ngữ khác nhau, và nhà thờ mở cửa gần như thông đêm đón khách thập phương... Điều này đã biến Sacré Coeur trở thành một địa điểm về đời sống và đức tin thường nhật.
Trong Nhà thờ, chúng ta còn thấy một tấm bảng với bài phát biểu của đức Giáo hoàng Jean Paul II nhân dịp lần đầu tiên Ngài công du đến Paris, sau một đêm thức cầu nguyện cùng giới trẻ vào ngày 1 tháng 6 năm 1980. Ngài thổ lộ trước khi rời khỏi nơi này: “Tôi thành thực thú thận rằng chuyến viếng thăm này là một thời khắc được ưu đãi đặc biệt đối với tôi và với cả cuộc đời tôi”. Thực ra ngay từ những năm 1944 và 1953, khi còn là Sứ thần tòa Thánh Vatican tại Paris, Cố Giáo Hoàng - Thánh Jean XXIII đã rất thích đến nơi này để đứng chủ buổi lễ Cầu nguyện vì Hòa bình diễn ra vào đêm 31 tháng 12 hàng năm... Và để leo lên tháp chuông của Thánh đường, chúng ta phải đi thêm gần ba trăm bậc nữa, và lần này thì không có thang máy. Có một giai thoại kể rằng có một cha xứ tại đây, hàng năm đã vác cây thánh giá và đi chân trần leo hết các bậc thang vào ngày lễ cuối năm...
Ra khỏi nhà thờ Sacré Coeur, ngay sát bên cạnh, chúng ta sẽ nhìn thấy một ngôi nhà thờ khác, khiêm nhường hơn nhưng lại có tuổi đời cổ xưa hơn rất nhiều - Nhà thờ Thánh Saint-Pierre de Monmartre, có niên đại cả ngàn năm (theo một số sách sử thì nhà thờ này xuất hiện từ thế kỷ VI (sau CN). Tường nhà thờ được xây bằng đá. Tên nhà thờ trứ danh trong Công giáo nhưng kiến trúc đơn giản, đồ vật thô sơ. Ngay khi vừa bước vào bên trong nhà thờ, ta cảm nhận ngay sự thanh vắng thâm nghiêm, không khí lành lạnh ngấm vào da thịt, dẫu bên ngoài rất nóng, khiến ta cảm giác như lạc vào một cõi khác. Dư âm cổ xưa như lẩn khuất đâu đây, lượn lờ, ngấm vào thành tường mái nhà... Khép hờ cặp mắt, ta hình dung hồn chuông như văng vẳng, mọi đồ vật đơn sơ kia thật sống động, cảnh trí thanh ưu an tịnh, khiến lòng ta phút chốc hoàn toàn nhẹ nhõm, thông thoáng... Những tia nắng từ ngoài rọi vào qua các khuôn kính màu tạo sắc lấp lánh hắt lên trần nhà thô mộc, tạo thành bức tranh kì vĩ biến ảo bất thường theo ánh mặt trời....
Các bức tranh tường nơi đây khác xa với ngôi thánh đường Sacré Coeur hiện đại bên cạnh. Nơi đây còn có một bức tượng cha xứ cụt đầu và chính hai tay ngài đang đỡ cái đầu của mình. Về chuyện này thì có nhiều giai thoại. Chuyện kể rằng đó chính là bức tượng của Thánh Denis. Khi sinh thời vào chừng thế kỷ III hoặc IV sau công nguyên, ông là một trong những Giám mục đầu tiên được Tòa thánh Vatican phái đến Paris để truyền đạo. Bị những người bài-Công giáo truy xét và kết tội chém đầu. Khi đầu đã lìa khỏi cổ, ông vẫn đứng dậy, nhặt đầu của mình và bước đi. Ông còn sống cho đến tận lúc về đến nơi mà hiện giờ là thánh đường Basilique de Saint Denis, vùng ngoại ô bắc Paris, nơi lưu giữ các hài cốt của rất nhiều đời vua Pháp từ xa xưa. Vả lại, hiện giờ vẫn còn một con đường dẫn tới đồi Monmartre mang tên Rue des Martyrs (Tử vì đạo). Nơi đây cũng có nhiều các thánh tích, di vật của các nhà truyền đạo...
Thánh đường Sacré Coeur
Ra khỏi nhà thờ, ta sẽ gặp ngay nghĩa trang gần như cổ nhất và bé nhất Paris, có tên Nghĩa trang Calvaire, là nơi an nghỉ của nhiều lãnh chúa khu này và một số gia đình quí tộc Pháp từ xưa, và gần đây là các nhân vật nổi tiếng mà tên tuổi đã đi vào lịch sử Pháp. Qua bao tao loạn, hiện giờ nhìn qua thì thấy những ngôi mộ có vẻ như còn mới, cổ nhất chỉ là từ thế kỷ 17 và đến năm 1831 thì nơi đây đã đóng cửa vĩnh viễn. Hiện nghĩa trang chỉ chứa hơn tám chục ngôi mộ. Cạnh đó còn có một nghĩa trang mới hơn có tên Saint-Vincent. Nhưng hầm mộ tại đây chỉ còn được dùng để an táng hậu thế của các gia đình đã có đặc quyền. Hiện nay, khách thăm chỉ có thể đến vãn cảnh vào Ngày Lễ Người Chết (Fête des Morts), ngày 1 tháng 11 hàng năm. Đồi Montmartre cũng chính là nơi khởi nguồn của Công xã Paris mà kết thúc bằng cuộc thảm sát đẫm máu, máu chảy thành dòng lênh láng các phố trong thời kỳ đen tối ấy. Và hiện nay, vào kỳ nghỉ cuối tuần của cuối tháng chín, người dân Paris và Pháp vẫn tổ chức lễ tưởng niệm các chiến sỹ Công xã. Họ diễu hành trên đường phố Paris và điểm tập kết cuối cùng là đồi Monmartre. Màu đỏ, màu tượng trưng cho Công xã Paris bay rợp đỏ cả một khu của thành phố Ánh Sáng.
Ra khỏi những chốn linh thiêng, nếu không muốn leo lên những con tàu trắng chở khách đi tham quan khắp đồi, thì ta sẽ có dịp lang thang trên các con phố nhỏ và phóng tầm mắt ra xa chiêm ngưỡng toàn cảnh và khắp các phía của Paris. Nền đường nơi đây không trải nhựa mà vẫn còn giữ những phiến gạch hoặc đá nhỏ, đôi chỗ gập ghềnh lô nhô. Mới đó thôi trước Thánh đường còn rợp bóng người, thì đây, trong những con phố nhỏ lát gạch lại vắng hoe heo hút. Những bờ tường rêu phong cổ kính cũ kỹ và mòn vẹt, có dây leo bám đầy. Đây đó trên các bức tường, ta thấy gắn những tấm biển đồng cho biết nơi này vào thế kỷ XIX, XX đã từng đón tiếp hoặc là nghỉ chân của các vĩ nhân như Pissaro, Picasso, Van Gogh… Vào thời kỳ belle époque của Pháp, tức cuối thế kỷ XIX đầu XX, nơi đây nổi tiếng với nhiều phòng trà và Cabaret, và nhiều nhà hát hiện giờ vẫn hoạt động. Chuyện kể rằng Con Sơn Ca của Paris, Edit Piaf đã khởi nghiệp tại khu này và đây cũng là nơi bà đã biểu diễn lần cuối cùng trước khi qua đời ở độ tuổi đang sung sức. Bà qua đời khi mới 47 tuổi. Có nhiều nhà bảo tàng như Nhà Bảo tàng Monmartre, Nhà bảo tàng Dalí, nơi dành trưng bày toàn bộ những tác phẩm của họa sỹ siêu thực này.
Sẽ thật là thiếu sót nếu ta không nhắc đến những thửa ruộng nho của Đồi Montmartre. Khách tham quan sẽ mãn nhãn với những thửa nho này. Không nhiều nhưng cũng đủ thỏa trí tò mò của khách du lịch về một xứ sở sản xuất rượu vang nổi tiếng. Sử sách cho thấy rằng những thửa nho đã xuất hiện tại đồi Montmartre từ thế kỉ X. Vào thế kỉ XII, nho được các quí bà của tu viện Monmartre trồng phủ khắp đồi. Tu viện này được hoàng hậu Pháp Adélaide de Savoie thành lập. Và do sự túng thiếu của tu viện nên hoàng hậu đã buộc phải bán đi một số thửa nho. Đến thế kỉ XVI, cư dân Đồi Monmartre khi ấy bị liệt vào hạng mục ngoại ô Paris, và chủ yếu là sống bằng nghề trồng nho, nên nho được trồng bạt ngàn, khắp đồi cho đến cả những khu bằng phẳng lân cận. Lúc đầu là nho trắng để sản xuất rượu vang trắng, sau đó là nho tím để làm rượu vang đỏ. Đến thế kỉ XVII thì rượu vang Monmartre không còn nổi tiếng cho lắm và chỉ tiêu thụ trong địa phương. Toàn bộ những thửa nho khiến cho phong cảnh nơi đây thêm kì thú. Trừ những sự kiện đặc biệt, ví như Lễ Hội Công Viên và Cây Xanh, thì những vườn nho này mới mở cửa đón công chúng, còn nếu không thì khách tham quan đành chỉ quan sát từ phía bên ngoài những hàng rào. Bắt đầu từ năm 1934, nơi đây tổ chức Lễ Hái nho Đồi Montmartre, và chính vì vậy mà ngày khai mạc mùa hái nho đã trở thành một sự kiện thực sự, cũng là dịp để các dân biểu của quận tiếp xúc với dân chúng. Thu hoạch nho nơi đây diễn ra khá muộn so với các nơi khác trên toàn nước Pháp, vào tầm tháng 10 với buổi lễ hết sức hoành tráng, có đội quân nhạc, ông Thị trưởng thành phố Paris và các dân biểu quan trọng. Ngoài ra còn có rất nhiều các đại biểu các Hội đoàn trồng nho và sản xuất rượu vang trên toàn nước Pháp được mời tới dự. Có năm, số người tham dự lên tới hơn nửa triệu. Rượu vang được sản xuất tại đây sẽ được bán đấu giá và tiền thu được sẽ dùng cho các sự kiện văn hóa diễn ra tại đây.
Nho ở Montmartre
Mùa thu, dưới ánh nắng vàng rượi và quang cảnh kì bí tân cổ kết hợp, Đồi Montmartre cũng là nơi được các cặp đôi đến chụp hình lễ cưới.
Nào bạn, hãy một lần đến đây, để tận hưởng không gian này!.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...