Danh họa Bùi Xuân Phái: Chân đất hẹn hò, mải vẽ quên con
VNTN - Hai ông bà Bùi Xuân Phái gặp và quen biết nhau từ thủa nhỏ. Ông hơn bà 7 tuổi, nhà ở phố Thuốc Bắc, bà ở Đinh Tiên Hoàng, trước mặt nhà là Hồ Hoàn Kiếm. Họ thường qua lại nhà nhau vì bà Phái có người anh rể có họ với bên dòng họ Bùi.
Đến khi tản cư vào Thanh Hóa họ gặp lại nhau. Thanh Hóa bấy giờ (sau 1945) là “An toàn khu”, có rất nhiều cơ quan đầu não của Liên Khu IV đóng rải rác ở núi Nưa, Sim, cầu Thiều. Ở cầu Thiều có một quán cà phê thường được anh em văn nghệ sĩ lui tới, đó là quán của gia đình bà Phái. Hồi ấy nhạc sĩ Phạm Duy thường đến quán cà phê này ôm đàn và hát, còn mấy nhà thơ khác thì thường đem thơ của mình ra ngâm nga, vậy mà không lọt được vào mắt xanh của bà Phái vì bà đã chấm anh chàng họa sĩ có cặp mắt nâu và chiếc mũi như Tây, hàng ngày đến quán thường ngồi trầm tư bên ly cà phê với điếu thuốc lá. Buổi hẹn hò đầu tiên, Bùi Xuân Phái đến đúng hẹn, nhưng lại đi chân đất. Bà Phái thấy chân ông trắng quá mà lại đi đất nên thấy tội và thương! Bà bèn hỏi: “Sao anh lại đi chân đất vậy chứ?” .Bùi Xuân Phái bối rối: tôi để dép đâu mất, tìm mãi không thấy, sợ trễ nên đành phải đi chân đất cho kịp giờ hẹn.
Một lần nọ, Bùi Xuân Phái dẫn con trai 5 tuổi (họa sĩ Bùi Thanh Phương) đi dạo chơi trên những khu phố cổ. Chợt ông bắt gặp một góc phố đẹp, cảm hứng nghệ thuật chợt kéo tới. Ông vội lấy cuốn sổ tay mà lúc nào cũng mang theo bên mình ra để ghi chép lại hình ảnh góc phố đó. Mải mê vẽ, ông quên bẵng cả đứa con nhỏ. Khi vẽ xong bức họa, ông lững thững đi về. Về đến nhà bà Phái hỏi: “Phương đâu rồi?”, lúc này ông mới nhớ ra là mình đã bỏ quên con. Ông vội vàng chạy lại chỗ cũ để tìm nhưng không thấy nữa. Ông bà đã đi trình báo và công an tra tìm trẻ lạc. Phải mất vài ngày sau mới tìm được con đang sống trong ngôi nhà ở ngõ Phất Lộc với một cặp vợ chồng tốt bụng, vì tình cờ thấy đứa bé đứng một mình, khóc thút thít bên góc phố nên họ đã đưa về nuôi. Sau lần đó không bao giờ bà Phái giao con nhỏ cho Bùi Xuân Phái dẫn đi đâu nữa.
L.Đ (sưu tầm từ Internet)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...