Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
07:56 (GMT +7)

Đáng lo ngại tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội

Hiện nay, tình trạng tội phạm đang có chiều hướng trẻ hóa. Nhiều đối tượng phạm tội là thanh, thiếu niên, học sinh, gây hoang mang, lo lắng cho gia đình và xã hội. Điều đó, đòi hỏi mỗi gia đình cần thường xuyên quan tâm, giáo dục giúp các em tránh xa những cạm bẫy trong cuộc sống.

taq
Ảnh mang tính minh họa, nguồn: Internet.

  Gần 11 giờ đêm, tôi có việc đi qua khu vực trung tâm thành phố thì bắt gặp một tốp thanh niên choai choai, khoảng 15, 16 tuổi tụ tập nói chuyện rôm rả. Một thanh niên rút trong túi quần ra bao thuốc. Dưới ánh điện đường lờ mờ, những thanh niên mới lớn lập lòe châm thuốc cho nhau hút, nói chuyện với nhau toàn những từ tục tĩu rồi cười hô hố. Một lúc sau có thêm đám thanh niên “đầu xanh, đầu đỏ” tiếp tục sà vào nhập bọn. Có lẽ đây chỉ là chỗ mấy thanh niên hẹn gặp rồi tổ chức đi chơi ở đâu đó. Trong nhóm có cả những bạn nữ còn rất trẻ ngồi sau xe máy. Hút hết điếu thuốc, mấy thanh niên lên xe, rồ ga phóng nhanh như bay trên đường, để lại sau lưng làn khói xe hòa vào dòng đường đêm.

  Chứng kiến đám thanh niên ngổ ngáo mà tôi không khỏi lo sợ. Không biết gia đình các em quản lý như thế nào mà để đêm hôm lấy xe máy tụ tập phóng nhanh vượt ẩu trên đường như thế này. Thực tế, rất nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra khi những “cậu ấm, cô chiêu” sa ngã vào tệ nạn, trộm cắp hay bị tai nạn gia thông, vướng vào vòng lao lý từ những khởi đầu tụ tập, chơi bời lêu lổng như thế.

Có muôn vàn lý do để trẻ vị thành niên phạm tội, mỗi vụ việc là một hoàn cảnh, nguyên nhân, mức độ khác nhau. Song, có thể thấy điểm chung đó là những đứa trẻ thiếu kỹ năng sống, dễ bị kích động, lôi kéo, bị ảnh hưởng xấu từ lối sống thực dụng, đua đòi, ăn chơi, lười lao động... Thời buổi kinh tế thị trường,  nhiều gia đình, bố mẹ quá bận rộn, mải mê kiếm tiền, thời gian trò chuyện, chia sẻ, thấu hiểu dành cho con cái ngày càng ít đi. Chính sự thờ ơ, thiếu chăm lo đời sống tinh thần đối với con cái đã vô tình đẩy chúng ra xa, dễ bị lôi kéo, xúi giục, dễ có những hành vi không kiểm soát.

Bên cạnh đó, các em đang phát triển về tâm sinh lý và nhân cách, còn non nớt về nhận thức nên dễ bị tác động từ môi trường sống. Do đó, khi không được gia đình, nhà trường quan tâm giáo dục, dạy dỗ sẽ dẫn tới dễ bị lôi kéo, lợi dụng để phạm tội. Vì vậy, để phòng ngừa tình trạng tội phạm vị thành niên, trước hết cần nâng cao trách nhiệm từ các phía: Gia đình, nhà trường, xã hội và cốt lõi vẫn là gia đình trong việc giáo dục con cái.  

Đặc biệt, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã khiến một bộ phận giới trẻ lâm vào tình trạng sống ảo, nhận thức lệch lạc về giá trị cuộc sống, bị lôi cuốn vào các trò chơi thiếu lành mạnh, bạo lực, nhận thức về hành vi pháp luật kém. Và hậu quả là một bộ phận giới trẻ có tư tưởng coi thường pháp luật, coi thường mạng sống của người khác và của chính mình. Chúng sẵn sàng làm mọi việc để có thể thỏa mãn các nhu cầu của bản thân, bất chấp nhu cầu đó có chính đáng hay không, việc làm của mình có phạm pháp hay không. Đây là một thực trạng đáng báo động đối với các gia đình, nhà trường và toàn xã hội khi chưa có những biện pháp giáo dục, định hướng cho giới trẻ một cách đầy đủ trong môi trường rộng mở như hiện nay.

Nhiều bậc phụ huynh chủ quan cho con sử dụng điện thoại học online nhưng các em lại sử dụng quá phạm vi cho phép. Nhiều thông tin xấu độc, hành vi bạo lực không được kiểm soát chặt chẽ khiến giới trẻ lệch lạc nhận thức, sai lầm trong hành động. Ngoài ra, mạng xã hội khiến mối quan hệ và sự tương tác qua lại của giới trẻ được mở rộng, dễ dàng hơn. Nhiều trường hợp vì mâu thuẫn trên mạng dẫn đến thách thức, tụ tập ẩu đả, gây rối trật tự công cộng.

Thực trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật gia tăng, trong đó số đông ở độ tuổi chưa thành niên tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh các gia đình, nhà trường, xã hội trong việc quản lý, giáo dục con em mình. Thiết nghĩ, để nhận biết và phòng ngừa những sát thủ ở độ tuổi này, thì vai trò của gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể xã hội là yếu tố quan trọng.

Chúng ta phải kịp thời nắm bắt được tâm lý của con em mình, giúp cho các em vượt qua những cú sốc về tâm lý và tình cảm, trong đó có tình yêu nam nữ. Không nên quá nuông chiều về vật chất cũng như tinh thần; đồng thời cần đẩy mạnh tuyên truyên giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật trong nhà trường, xã hội, đặc biệt đối với giới trẻ. Các cơ quan an ninh, bảo vệ pháp luật cần tiếp tục tăng cường hơn nữa các biện pháp nghiệp vụ trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, trấn áp tội phạm nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Cùng với đó, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở nhà trường, địa phương, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em, nhất là trong dịp nghỉ lễ, nghỉ hè...

Anh Anh (TP Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Ơi những ngày thu

Văn xuôi 1 giờ trước

Vị giác

Xem tin nổi bật 16 giờ trước

Tháng chín...

Văn xuôi 16 giờ trước

Dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Thơ dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 2 ngày trước