Dâng cha một chén trà thơm…
VNTN - Cha gọi con là “gái chè”. Con cãi: “Gái rượu chứ! Rượu mới quý”. Cha khà khà cười “rượu quý hay chè quý là tùy từng người”.
Cha ở xuôi, lên miền núi công tác. Duyên phận cùng cô gái Tràng Định. Mẹ kể, con sinh ở trạm xá Na Hoàn - Đại Từ, bốn bề bát ngát những chè và sắn. Cha gọi “gái chè của cha”, chẳng biết có phải vì thế?
Sơ tán về từ làng Hái Hoa, cha phát cỏ, cuốc đất, dựng nhà trên đồi Yên Ngựa. Ngôi nhà cheo leo, tựa kề đồi chè trung du, gốc cằn mà búp mươn mướt, tim tím. Chẳng biết cha ươm hạt trồng từ bao giờ. Chỉ biết, khi con biết hái và sao chè thì gốc chè đã sần mốc. Có lẽ, cũng chừng 15 - 16 năm tuổi. Một mình con một đồi chè. Chẳng chăm bón là bao, nhưng xuân hạ cứ 3 - 4 tuần được hái một lứa. Thu đông, lâu hơn.
Ngày cuối tuần, từ 4h30 con bắt đầu hái. Búp rờn, nhất là sau mưa xuân. Tay bứt, miệng hát. Nhớ nhất những sớm thu, sương vương trên búp non, hương vương trong sương thu… Khoảng 9h, con nghỉ để kiếm cái gì ăn được. Khi là quả ổi đào thơm, lúc lá dứa chua, dái mít, mầm kệnh cang, tu hú… Nắng đứng bóng, cũng là lúc hái xong. Tãi ra nong cho ráo sương, ngót nước. Cơm tối xong mới sao. Lúc đó, “gạo châu, củi quế”. Phải gom củi hàng tuần, hàng tháng. Rong tre, bờ rào, cọc sắn khô, cành xà cừ, cành mít…
Chảo gang trên bếp. Củi lửa to, chảo nóng già, đổ búp xanh vào từng mẻ, đều tay đảo. Búp xanh héo dần, đổ ra nia vò. Chẳng cần dùng nhiều lực. Chỉ cần cổ tay dẻo, vò đều. Chủ yếu dùng cườm tay và lòng bàn tay. Rồi lại cho vào chảo. Lại đảo, lại vò… Lửa chỉnh nhỏ dần theo độ khô của chè. Bắt đầu hình thành từng loại. Cám vụn rơi xuống trước. Sàng, sảy, chọn lá bánh tẻ vón lại, vò riêng, sao riêng. Riêng búp, sau khi đầu gạo nảy ra, sẽ còn lại búp móc câu. Phần nảy ra từ đầu búp là tinh túy nhất (con vẫn quen gọi là đầu tấm). Và chỉ có những người được cha quý mến, biết thưởng chè, mới được cha pha mời.
Cuối cùng, loại nào ra loại nấy, lấy hương riêng. Đúng ra, sau vài ngày mới lấy hương. Và lấy hương xong vài ba ngày, hương mới đượm. Nhưng con làm luôn, cho tiện. Chảo vẫn nóng già trên bếp than hồng, không còn lửa. Tay xoa đều, nống đều, nhẹ kẻo nát cánh chè. Có khi, đến quá nửa đêm mới xong. Nhiều tối, cha xuống vò chè cùng con gái. Phải những đêm hè nóng nực, cha ròng dây điện để cắm cái quạt 35 cho con gái đỡ phải liên tục thấm mồ hôi. Có tối mất điện, chốc chốc, cha lại chạy xuống bếp, tiếp dầu, khêu bấc, cho đèn thêm sáng. Muộn mấy, khuya mấy, hai cha con cũng đun lại ấm nước để thử chè. Chén trà sóng sánh màu vàng cánh gián giữa đêm khuya trăng sao. Chát, đậm, ngọt hậu và vẫn còn chút ngai ngái vị chè tươi.
Cha nghiện chè và chỉ uống chè trung du. Sau này, có thêm nhiều loại chè mới như chè cành, chè bát tiên, chè Kim Tuyên, chè lai LPD1… nhưng cha chỉ chọn tìm loại chè trung du. Sau này, mẹ đi chợ buôn chè, chè đủ vùng: Trại Cài, La Bằng, Tân Cương, Phú Lương… nhưng cha bảo, “chẳng chè nào ưng bằng chè trung du đồi Yên Ngựa, “gái chè” của cha sao”...
Đi nhiều, gặp nhiều nhưng cho đến bây giờ, con mới hiểu cha là người uống chè có đẳng cấp. Sớm nào cha cũng dậy đun nước pha chè. Cha cho chè vào lọ thủy tinh màu nâu sẫm, nắp vuông. Pha trong ấm sứ hình quả găng nhỏ xiu xíu. Cha chỉ tráng chén cho đủ nóng, chứ không tráng chè như những người sành điệu bây giờ. Vì cha muốn lưu đủ vị chát, đậm, thơm. Màu đẹp nhất của chè trung du, cũng là nước đầu. Sóng sánh, màu vàng cánh gián. Khi có khách, lượt đầu, bao giờ cha cũng rót dần đều từng chén, chút một, chút một để chè được hòa đều, để mọi người cùng thưởng đủ cả hương, vị. Thường thì cha chỉ xúc ấm, rửa bên ngoài, chứ không bao giờ rửa sạch, tuyệt đối không kì cọ trong lòng ấm. Mỗi khi pha chè tiếp khách của cha, con thường cằn nhằn vì sao để ấm kện vào thế chứ! Sau này mới biết, đó là nhựa của chè bám lại, vị chát và đượm còn lưu lại, sẽ thôi ra, mỗi khi pha chè. Với con, cha là người thưởng chè sành vào loại bậc nhất! Cha hay uống chè một mình. Từ sớm đến tối. Mỗi ấm, không quá 3 nước và thường không đổ thêm nước vào ấm cũ sau 3h đồng hồ. Sáng hay đêm lạnh, Người ủ ấm quả găng trong đôi bàn tay, khoanh chân, đọc sách. Bên cạnh là nhành bách hợp hoặc cúc chi trắng. Đôi khi, lim dim mắt, cha khẽ lẩy câu Kiều hoặc hát khúc Văn Cao…
Gần những năm sắp dời cõi tạm, cha ít uống chè hơn. Lặng lẽ bên chén rượu. Đồi chè trung du, cỏ mọc chen chân, hoang hoải. Lâu lâu con về, biếu cha ấm chè ngon mà con kỹ lưỡng chọn tìm. Cha lặng cười, khẽ bảo: “chẳng chè nào bằng chè trung du đồi Yên ngựa, con gái bố sao”…!
Phạm Phương Thái
(Kính tặng hương hồn Cha)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...