Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
00:47 (GMT +7)

Đẳng cấp trong nhiếp ảnh

VNTN - Một cô ca sĩ trả lời câu hỏi của phóng viên, hồn nhiên rằng: “Em chỉ thích mặc màu đỏ lên sân khấu vì nó thể hiện đẳng cấp của em”. Phải chăng cô ấy nghĩ sắc nóng, lạnh - tương đồng với tài năng…, hay vị trí của ai đó trong ánh nhìn ái mộ của khán giả, được định vị bằng một dải màu trong quang phổ (?).

Vậy đẳng cấp là gì? Và trong nhiếp ảnh có đẳng cấp không?

Theo định nghĩa chung, thì “đẳng cấp là một tập đoàn người có địa vị xã hội như nhau, được pháp luật thừa nhận”.

Đẳng cấp xét ở góc độ lý tính, thường dễ nhận ra khi nó có sự tương phản, ví như: Một chú đại bàng, cùng bay với chú chim chích. Hay một vụng ao nhỏ, so kè với cái hồ lớn…

Từ lâu chúng ta vẫn nói một tác phẩm nhiếp ảnh nào đó rằng hay, khi nó có những “lớp lang” dẫn mắt theo những tiết tấu chiều sâu và ảnh trường được chia mảng đậm nhạt khác nhau, nhờ thế đã khiến người ta thấy ra ý tưởng mà tác giả định hướng cho cảm nhận của người quan sát. Khi công nghệ số lấn sâu vào đời sống nhiếp ảnh, ở hậu trường công việc, người làm photoshop đặc biệt chú ý đến khâu tách lớp để thuận lợi cho vấn đề căn chỉnh tông độ và màu sắc. Chỉ có người làm ra bức ảnh, mới biết tác phẩm đang trưng bày đã được anh ta phân ra ba lớp, mười lớp…, thậm chí hàng trăm lớp chồng lên nhau. Và cũng chỉ có anh ta cùng các chuyên gia trong nghề mới biết: Lớp nào quan trọng, lớp nào thứ yếu trong các bước công việc. Vậy các “lớp” sẽ có vai trò khác nhau, nó cũng có thể thêm, bớt, hoặc không thể thay thế… Nên các “lớp” của một bức ảnh, trong thực tế đã không được coi là bình đẳng với nhau. Vậy “đẳng cấp” trong nhiếp ảnh (nếu cố tình phân hạng) thì hẳn rằng đã được kết liền với thuộc tính chuyên môn. Và bởi thế có thể nó sẽ cách biệt với nhau một trời, một vực.04

Ảnh nguồn Internet

Từ lâu, Hội NSNA Việt Nam đã thực hiện công việc “tách lớp”, khi đặt ra những tước hiệu cho các thành viên trong tổ chức của mình: AVAPA; EVAPA; EVAPA - G; ESVAPA… Nhiều người cho đây là những tước hiệu tự phong, khi họ so bì với các danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân”; “nghệ sĩ ưu tú” ở bên điện ảnh, hoặc sân khấu. Bởi ở đó các “danh xưng” người ta đã được nhà nước phong tặng. Các tước hiệu ở bên Hội NSNA Việt Nam dựa chủ yếu vào sự cống hiến của cá nhân cho phong trào nhiếp ảnh, hoặc thành tích của một ai đó ở những cuộc thi trong nước và ngoài nước do VAPA và FIAP bảo trợ. Có thông tin rằng Hội đã nỗ lực cốt làm sao để nhà nước công nhận cho những danh hiệu nghệ sĩ mà mình gắn tặng tới các thành viên xuất sắc trong các hoạt động nhiếp ảnh, nhưng kết quả đến nay vẫn bất thành. Vậy thế nên có người nói các danh hiệu của giới nhiếp ảnh thực tế chỉ là chuyện nội bộ, bởi nó vẫn chưa “được pháp luật công nhận” như định nghĩa trên đây đã chỉ ra.

Hiện mỗi năm Hội NSNA Việt Nam kết nạp thêm hàng chục hội viên, số lượng trong danh sách giờ lên tới cả ngàn người. Chất lượng hội viên mới dù đã vượt qua các vòng xét chọn khắt khe, nhưng thực tế là vẫn không đồng đều. Có người vừa mới vào Hội đã khẳng khái tuyên bố trong cuộc họp chi hội rằng: Giờ chúng ta đã “ngang phân”! Đó như một điều công khai khẳng định, rằng anh ta đã cùng đẳng cấp với mọi người. Thường người từng trải lặng im không có phản ứng với những biểu hiện ấy, bởi họ hiểu là “đường dài mới biết ngựa hay”. Chỉ khi một hội viên vừa mới bước chân vào Hội đã cầm lá phiếu để định đoạt những tác phẩm của lớp già cả hơn, hay khi một lão làng luôn cứ lấy thước đo giữa thời điểm mình sung sức ở cái thời xa lắc nào đó để áp đặt cho hậu thế, là bắt đầu sinh chuyện. Việc phủ định thành quả lao động của lớp trước - lớp sau đâu đó đã bộc lộ ra. Đặc biệt khi có người đem so bì chất lượng in phóng một bức ảnh đã 30 năm, được chụp bằng phim đen trắng 27 DIN, có độ hạt lổn nhổn như sỏi cuội trên lòng suối khô với một bức ảnh kỹ thuật số vừa mới ra lò, có dung lượng file RAW lên tới 40MB, trên một thiết bị ghi hình được nâng cấp về cải thiện độ hạt… Rồi khẳng định anh B (25 tuổi đời, 2 tuổi hội) giỏi hơn; đẳng cấp hơn anh A (70 tuổi đời, 40 năm tuổi hội), thì thành ra kệch cỡm. “Đẳng cấp” không thể cứ gán bừa cho một cá nhân chỉ biết dựa vào thành quả của sự tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đơn cử khi so sánh hai người cùng đến phòng triển lãm ảnh. Một người luôn chớp lấy mọi cơ hội, để được chụp ảnh cùng các quan chức đến cắt băng khai mạc, rồi đem về đưa lên trang “phây” cốt phô trương sự quảng bá rộng rãi của mình với thiên hạ. Người kia lần mò đến với từng tác phẩm, thầm thì trao đổi các vấn đề chuyên môn với tác giả, rồi ngày mai ngồi cà phê với bạn nghề, đàm đạo về những góc nhìn sáng tạo của hôm nay so với mười năm trước nó ra sao. Nếu đem so sánh “đẳng cấp” của hai người ấy với nhau, thì ta phải phân ra loại “đẳng cấp nhí nhố” và loại kia không là gì cả, bởi chưa ai gán “đẳng cấp” cho một khán giả chân chính.

Khi trần trụi cho rằng “đẳng cấp” là một lớp người trong thang giá trị của xã hội. Thì ngày xưa, các lão nông người Việt đã từng đề cập đến một cách dân dã và dễ hiểu hơn: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, nó thể hiện rằng các thành phần trong xã hội cứ tự đến với nhau, sàng lọc tự nhiên. Cũng chỉ có như thế, mỗi cá nhân mới có cảm nhận trong mối hòa đồng, dễ tìm ra được tiếng nói chung, sẽ thoát được sự gò bó và thấy được bồng bềnh trong nỗi niềm tri kỷ và hạnh phúc. Còn hôm nay, thang giá trị dường như đang đảo lộn. Một mớ ốc, một ang rươi ngày xưa là món ăn vốn chỉ dành cho dân quê nghèo khó, thì nay đã thành đặc sản. Các bà nội trợ còn phát hiện ra: Người bán sạp thịt vẫn ngồi ở góc chợ, thủa trước đã dùng hóa chất tẩy thịt trâu cho nhạt màu để nói là thịt bò; thì bây giờ đã nhuộm thịt bò cho sậm màu để bảo đó là thịt trâu. Chung quy cũng chỉ tại đồng tiền mà người mua sẵn sàng trả giá khác nhau… Trong chốn văn đàn, hàng mấy trăm năm, chúng ta mới có một Nguyễn Du. Đấu tranh đòi quyền bình đẳng, thì phụ nữ thời nay chắc phải ngả nón trước một nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Giới ảnh ở Việt Nam dù có lấn át nhau để nổi lên, bã cả miệng để hạ bệ đồng nghiệp, mong bản thân qua đó sẽ long lanh sáng trong cái nhìn của thiên hạ, rồi đến lúc cũng phải ỉu lòng mà trải tác phẩm của mình dưới sách ảnh của cụ Võ An Ninh.

Nhiều cái chợ quê nhếch nhác hôm xưa, nay có nơi đã thành siêu thị - ở đó khi người ta bước vào tự mua sắm, nếu người mua muốn lên hoặc xuống tầng thì đã có thang cuốn, khách chỉ cần đặt gót giày lên bậc cuối cùng và chỉ một thoáng nó đã đưa vị khách tới sàn của tầng nào đó. Ta chợt nhận ra thang cuốn không có số bậc cố định. Giống như khi người ta nhìn cái đèn kéo quân, thấy cô tiểu thư cầm quạt che miệng vừa mới đứng bên trái, giờ đã vòng sang bên phải… Thì ra: lớp - bậc, phải - trái, hay xa hơn nữa là “đẳng cấp” đôi khi không yên vị. Và những nhà nhiếp ảnh của “thời đại 4.0”, hẳn không ít người đã từng miệt mài cả một buổi để gia cố hết lớp này đến lớp khác cho một bức hình…, nhưng cuối ngày anh ta lại nhấc cái lớp gốc đè lên trên cùng, rồi gõ “flatten Image” trước khi nhấn “save” và tắt máy! Bởi lẽ anh ấy chợt nhận ra: Thứ nguyên thủy của tạo hóa còn hay hơn những gia giảm mà anh đã thêm thắt vào.

Thế kỷ mười sáu, khi mà vị vua trẻ Peter đệ nhất mới lên điều hành nước Nga; ông trao quyền nhiếp chính cho người khác, bản thân ông dẫn lớp thợ cùng trang lứa ra nước ngoài học đóng tàu. Chỉ vài chục năm sau đó nước Nga đã có những hạm đội hùng mạnh làm bá chủ biển Baltic… Tuy nhiên ông còn ra chỉ dụ, phân bổ cụ thể yêu cầu tất cả các gia đình quý tộc, phải gửi con em mình sang châu Âu du học và nghiên cứu văn học, nghệ thuật,… từ các nước văn minh. Đến tận cuối thế kỉ 20, trải dài suốt bốn trăm năm chịu ảnh hưởng văn hóa của những nước tiên tiến nhưng khi nhìn vào các đồn trú của quân đội Liên Xô đóng ở Cộng hòa Dân chủ Đức, thì trong con mắt người Đức khi đấy, họ coi đó là những tụ điểm sinh hoạt bừa bãi và mất vệ sinh nhất. Vậy ra để đưa cả nước Nga vươn tới một nền kinh tế vững chãi và quân sự hùng hậu có thể nhanh. Nhưng đạt đến một đẳng cấp văn hóa nào đó thì còn phải trầy trật qua nhiều thế kỷ mà vẫn chưa hoàn thành.

Trở lại câu chuyện đẳng cấp trong nhiếp ảnh, có lẽ chúng ta phải đọc bài: “Con đường của một nghệ sĩ” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, trong đó ông đã nói: “Nếu làm thơ hay sáng tạo nghệ thuật chỉ để tranh giành cao thấp thì chỉ có những kẻ liều lĩnh và không hiểu biết mới tiếp tục sáng tạo khi nhân loại đã có biết bao những vĩ nhân được sinh ra trước đó”. Nay hình ảnh cây gậy “tự sướng” như thứ vũ khí quất vào lòng tự trọng của giới nhiếp ảnh bấy lâu vẫn được coi là “chuyên nghiệp”. Những dịch vụ một thời mặc nhiên là đặc quyền của các nhà nhiếp ảnh, thì giờ đã nằm trong tầm tay của mọi công dân. Cây gậy “tự sướng” không những nối dài tầm hoạt động độc lập cho nhiều người, nó dường như còn là thứ phương tiện gạt không biết bao nhiêu “nhà nhiếp ảnh” sang bên lề và khiến họ phải tự thay đổi, nếu không muốn phải tìm một nghiệp khác để giải trí hoặc kiếm sống.

Sản phẩm của nhiếp ảnh là hình tượng cụ thể đã xảy ra ở vào một khoảnh khắc của một mốc thời gian cố định. Khi thời gian cứ lăn đều vào tương lai theo chu kỳ từ tuần này qua tuần khác, nên có thể sự kiện cũ bị pha loãng bởi cái cần kíp trước mắt trùm lên. Cũng bởi tính tương đối trong nhiếp ảnh lại rất cao và chuyện “ăn may” lại rất lớn. Nên nếu muốn phân thứ bậc, hoặc đẳng cấp trong lĩnh vực này nó dễ thành manh mún và vụn rã. “Đẳng cấp” chắc chắn không đỏ; cũng chẳng xanh. Do vốn dĩ không có hình hài, nên khó có thể dùng cân để mà đong trọng lượng; cái thước khi ấy cũng vô dụng - nếu người ta muốn xác định rằng là cao, hay là thấp… Tuy vậy, “đẳng cấp” vẫn cứ hiện hữu sâu thẳm ở đâu đó tựa mạch đá, vân gỗ. Hay “đẳng cấp” tựa ngàn hoa, luôn âm thầm và bền bỉ phả hương vào cõi ảo diệu của vô cùng…

VŨ KIM KHOA

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy