Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
04:22 (GMT +7)

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Sở dĩ có những màn nghệ thuật táo bạo như vậy là vì thủ đô Pháp lúc ấy đang bước vào một thời kỳ, có sự đan xen của khoa học kỹ thuật với nghệ thuật (hội họa, điêu khắc, sân khấu…), và người ta đề cao tới tính chất lạc quan, vui vẻ, gợi mở, có gì mới đều khoe ra hết. Khác với trước hay dị nghị, đàm tiếu thì giờ đây mọi người chấp nhận tất cả các trường phái và dẹp bỏ mọi rào cản xã hội để đón nhận chúng, cũng là đón nhận một cuộc sống mới đẹp đẽ hơn, đầy chất thơ và nó đã được thể hiện ngay ở Tháp Eiffel


Một vở nhạc kịch

Mỗi năm, Carnival chỉ diễn ra một lần ở một số các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhất là châu Mỹ, thế nhưng có một nơi mà ngày nào bạn cũng được gặp những vũ nữ chân dài, mặc những bộ trang phục sặc sỡ, hở lưng - hở ngực, đong đưa trong các điệu nhảy quyến rũ, đặc biệt là điệu nhảy Cancan, mà người nữ có thể đá cao tới đầu, rồi giậm gót liên tục như tiếng ngựa thúc, biến mỗi phút ở đây thành những khoảnh khắc vui nhộn, đáng nhớ. Chưa hết, trong khi họ thực hiện các bài ca múa, trình diễn thời trang áo váy dạ hội thì người xem, đa số là nam giới ngồi phía dưới ăn uống, tiệc tùng rầm rộ, trong đó không ít người là các minh tinh, chính khách, doanh nhân,… khiến đây thành một ngày hội gặp gỡ của các nhân vật nổi tiếng.

Áp phích

Đó chính là hộp đêm Moulin Rouge hay tên đầy đủ là Cabaret du Moulin Rouge, gồm Carabet là buổi biểu diễn cho khán giả xem và ngồi ăn tiệc, Moulin Rouge là Cối xay đỏ và là tên câu lạc bộ nằm trên đại lộ Clichy, thuộc quận 18, thành phố Paris - Pháp với sự nổi bật từ xa nhờ một cái cối xay gió màu đỏ tựa son, sáng đèn thâu đêm chói lóa ở trên lối vào.

Tọa lạc dưới chân đồi Montmartre, một quả núi cao 130 mét ở phía bắc thành phố, xưa kia là một làng nhỏ từng có 15 cái cối xay gió khổng lồ, được dùng để xay lúa, nghiền nho và tán nguyên liệu cho các nhà máy, nên Moulin Rouge mới có kiến trúc mặt tiền là một cái cối xay nhằm hồi tưởng một thời quá khứ xa xưa của thủ đô Paris, đồng thời lưu giữ truyền thống trò chuyện, giao lưu nghệ thuật đã có từ lâu ở Montmarte. Vì quả đồi này là nhà, xưởng vẽ của rất nhiều họa sĩ của Pháp và thế giới, nhất là những bậc gạo cội của phong trào Belle Epoque, như họa sĩ Pháp Pierre - Auguste Renoir, Edgar Degas, Claude Monet…, họa sĩ Italy Amedeo Modigliani, họa sĩ Hà Lan Vincent van Goh, họa sĩ Tây Ban Nha Pablo Picasso… Ngày nào, họ cũng tụ tập ở đó để uống cà phê, ngắm cảnh, sáng tác phong phú. Để có một nơi mọi người giải trí, vui chơi - tụ hội và tạo nên sự sầm uất, rực rỡ cho cả một vùng đô thị, vào năm 1885, hai thương nhân là Charles Zidler của Pháp và Joseph Oller của Tây Ban Nha đã cho dựng Moulin Rouge, rồi mở cửa vào ngày mồng 6 tháng 10 năm 1889, cùng thời gian ra đời với Tháp Eiffel và Hội chợ triển lãm quốc tế Paris. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân thủ đô Pháp mới thấy một cái cối xay gió to đùng, màu đỏ sáng rực trong những ánh đèn và là tòa nhà tiền phong trong thành phố dùng điện, cũng lần đầu thấy trình diễn điệu nhảy Cancan, thời trang lõa thể lộng lẫy cùng các tiết mục nhảy múa, nhào lộn hoành tráng, lấy cảm hứng từ xiếc. Thế là nhân hội chợ đông vui, ai nấy đều kéo tới Moulin Rouge, háo hức để được xem hiện tượng văn nghệ mới mẻ chưa từng có này, với những cô nàng chân dài “thênh thang”, hở hang đủ chỗ, song cũng đủ che, khiến cho bao chàng ngây ngất.

Vũ điệu Cancan

Để tăng thêm độ hấp dẫn, sau khi hội chợ tan, hai nhà sáng lập hộp đêm liền mua luôn tượng của một con voi gỗ, cũng to bằng cỡ thực, vốn để trang trí cho World Expo thì nay làm đẹp cho khán phòng bên trong câu lạc bộ nhờ các họa tiết hình Ả Rập, Ấn Độ độc đáo. Cả con voi cũng được dùng làm sân khấu từ trên xuống dưới, từ chân tới bụng, và là chốn các cô gái biểu diễn múa bụng. Hôm nay, chỗ này vẫn được dùng để kể lại các câu chuyện Ả Rập huyền bí, ví dụ như truyện Nghìn lẻ một đêm dưới khung cảnh vàng son gác tía. Sở dĩ có những màn nghệ thuật táo bạo như vậy là vì thủ đô Pháp lúc ấy đang bước vào một thời kỳ, có sự đan xen của khoa học kỹ thuật với nghệ thuật (hội họa, điêu khắc, sân khấu…), và người ta đề cao tới tính chất lạc quan, vui vẻ, gợi mở, có gì mới đều khoe ra hết. Khác với trước hay dị nghị, đàm tiếu thì giờ đây mọi người chấp nhận tất cả các trường phái và dẹp bỏ mọi rào cản xã hội để đón nhận chúng, cũng là đón nhận một cuộc sống mới đẹp đẽ hơn, đầy chất thơ và nó đã được thể hiện ngay ở Tháp Eiffel, một trong các công trình tiêu biểu của cuộc Cách mạng Công nghiệp vì thay cho một khối bê tông hay đá chềnh ềnh trên mặt đất, người ta đã làm nó bằng thép thanh mảnh, gắn họa tiết mắt cáo, tứ phía thông gió và cho thắp đèn lung linh. Moulin Rouge tương tự cũng được cách điệu như một cái cối xay kỳ diệu, mang tới màu mè, nhịp sống và sự bình an, thậm chí hoan lạc cho mọi người thuộc mọi tầng lớp, ai cũng có thể cười, há hốc kinh ngạc trước những gì đang diễn ra.

Phía ngoài hộp đêm với biểu tượng cối xay gió nổi bật

Ngay từ buổi đầu, với chỉ điệu múa Cancan và một số y phục “mát mẻ”, nó đã thu hút hàng vạn người xem, từ trí thức đến công nhân, lao động phổ thông, và cứ thế chen vai thích cánh để ngó cho bằng được những người đẹp. Không chỉ nam giới thích thú với sắc đẹp, nữ giới cũng ùn ùn kéo tới để xem ở đó các chị khác mình, quyến rũ hơn mình ở điểm gì. Cứ cuối tuần, các bà lại cưỡi lừa, cưỡi la ăn mặc thật diện đi trảy “hội”, nhân dịp đó “đong đưa” cùng các ông, và mỗi đêm Moulin Rouge như một bữa tiệc linh đình. Hôm nay, tại đây đã có rất nhiều màn diễn thuộc ca tạp kỹ, và riêng phần khoe trang phục thôi, mỗi đêm đã phải thay đến hơn 1.000 bộ dạ phục, cái nào cũng có lông chim, lông thú, hạt đá, kim sa, thủy tinh. Đa số thuộc kiểu áo của Carnival, tức áo ngắn giống bikini - áo tắm và gắn các loại lông chim, cho bung xòe hết cỡ như con công. Cũng có áo dạng váy dài và bằng đăng ten nhiều lớp, song mỗi khi di chuyển thì tung bay đẹp mắt. Cá biệt có trang phục tiên cá dành cho tiết mục dưới nước. Từ năm 1962, tại đây đã có một thủy cung lớn, cho các thiếu nữ ngực trần bơi lội tung tăng như cá và nhảy múa theo biên đạo ballet dưới nước.

Phục vụ suốt 132 năm qua, dù tiết mục cũ hay mới, người cũ hay người mới, chỉ cần rực rỡ và náo nức thôi, Moulin Rouge đã cuốn hút hơn 600 nghìn du khách, một nửa là người Pháp ghé thăm, giải trí và ăn uống tại đây. Mới đầu vào năm 1889, vé vào và bữa ăn nhẹ chỉ có một vài đồng bạc, song tới giờ là hơn 150 euro và với vị trí VIP là 430 euro (chưa kể ăn uống, mà “đồ nhậu” nhiều khi còn đắt gấp ba).

Mỗi đêm, Moulin Rouge có hai show diễn vào 9 giờ đêm và 11 giờ đêm, mà nếu đặt ăn thì bạn phải đặt trước hai, ba tiếng. Tại sao lại nói ăn ở đây vì tại hộp đêm này, mọi người có thói quen cabaret, tức là vừa ăn vừa xem nghệ thuật quanh những cái bàn, khác rất nhiều so với các nhà hát khác, dù rằng cũng có hát, múa, ca vũ kịch, xiếc, thậm chí ảo thuật... Hay nói tóm lại, đây là một nơi ăn chơi thực sự đắt đỏ, với mỗi đêm có tới 1.800 quan khách. Dù không tới xem, song cái tên của nó vẫn in đậm trong đầu nhiều người và luôn gắn liền với thành phố Paris, thủ đô ánh sáng của thế giới, vì nhắc tới Paris là nhắc tới Tháp Eiffel, Nhà thờ Linh Tâm và Cối xay đỏ. Không biết nó xoay thế nào, song ai nấy đều say sưa vì tiêu thụ rất nhiều sâm banh. Thế nhưng, có lẽ rượu không phải là cái để người ta say đắm, mà là các kiều nữ, xinh như hoa ở trên sân khấu. Mỗi nụ cười, cái chỉ tay hay xòe váy của họ đều làm các công tử phía dưới mê mẩn. Tất cả các vũ nữ ở đây đều từ 19 đến 23 tuổi và được tuyển dụng từ rất nhiều nơi trên thế giới để luôn đổi mới, và nhà tuyển dụng cũng phải đích thân tới từng nước để kén chọn, có thể là Anh, Đức, Áo, Úc hay Canada..., với ưu tiên cô gái càng cao càng tốt song phải duyên dáng, biết nhảy múa ca hát. Đa số vũ nữ còn cần trình độ đại học. Riêng tại Pháp, mỗi năm Moulin Rouge cũng tuyển người bốn lần. Do mỗi đêm trên sân khấu sẽ có ít nhất 60 đến 80 vũ nữ và vũ công biểu diễn.

Tuy các tiết mục khác nhau, gồm cả trích đoạn vũ kịch, song vẫn luôn thấy những màn nhấc và xoay, vảy váy dành cho vũ nữ để lộ ra những tầng đăng ten bay bổng màu xanh, trắng, đỏ như quốc kỳ Pháp và phần thân dưới cực kỳ gợi tình. Chưa hết, còn thấy những cú đá chân cao tới đỉnh đầu hoặc ít ra ngang ngực và những lần giậm gót, gõ mũi giầy theo những tiếng nhạc vui nhộn, lách ta lách tách mỗi lúc một nhanh dồn dập. Điệu nhảy này gọi là vũ khúc Cancan của Pháp, dựa trên vũ điệu Flamenco và Quadrille (đấu bò tót) của Tây Ban Nha, trong đó đặc tả động tác vảy váy, gõ gót xuống sàn liên tục được tin là mô phỏng một trận đấu nảy lửa, hồi hộp giữa các tráng sĩ và những con bò. Họ vảy váy và gõ gót như vậy là để tạo thêm âm thanh ròn rã, vui tai cho âm nhạc truyền thống và lôi cuốn người xem vào những cử chỉ, chi tiết nhỏ song gợi cảm ở phần thân dưới. Tuy nhiên, đây là một màn diễn nghệ thuật, ca ngợi hình thể trời cho, lõa thể chứ không lõa lồ và để vừa đẹp quyến rũ vừa giữ được sự trang trọng, lịch thiệp, vũ nữ luôn phải thực hiện những động tác xoay, nhấc, đá cao rất nhanh, mất nhiều sức lực và trong một thời gian ngắn chỉ khoảng vài phút phải thực hiện được tất thảy mọi động tác, tư thế, điệu bộ đã tập. Khả năng đá cao của các vũ nữ Moulin Rouge rất tuyệt vời, hay đến nỗi họ có thể đá phăng cái mũ trên đầu bạn mà không cần động tay. Theo như Sách Kỷ lục Guiness, họ có thể đá chân tới đầu tới 30 cái trong vòng nửa phút, và dĩ nhiên giậm chân, gõ gót thì như người ta gõ mõ vậy!

Bắt đầu từ năm 1999, ở Moulin Rouge đã có chương trình tạp kỹ Feerie kéo dài hai tiếng mỗi buổi và trình diễn rất nhiều thứ, với sự tham gia của khoảng 60 nghệ sĩ múa nữ và 20 vũ công, cùng vận trang phục diêm dúa, đến tới 1.000 bộ cầu kỳ. Cùng với họ đứng trên sân khấu còn có 80 nhạc sĩ và một dàn đồng ca 60 người. Đa số những y phục ở đây đều được gắn lông chim, trong đó lông đà điểu nhiều nhất, kế tới là lông gà, lông ngỗng, lông chim nhiệt đới. Những chiếc lông đà điểu chuyên được mua từ châu Phi về và của những con trống đã tám, chín tuổi thì mới to dài, bóng mượt. Những chiếc lông ngỗng lại có xuất xứ bản địa do Pháp dùng ngỗng khá nhiều làm thức ăn, và được nhuộm thành nhiều màu sặc sỡ. Ngoài mặc, còn có mũ, băng tay, băng chân gắn lông chim, với trung bình mỗi cái mũ cắm tới 450 cái lông, thoạt nhìn cứ tưởng mũ miện của người da đỏ. Ứng với áo, mũ cũng có 1.000 đôi giày từ gỗ, vải, da để dùng đa dạng.

Về nội dung biểu diễn, có cả thảy năm tiết mục và 20 hoạt cảnh sân khấu tráng lệ với rất nhiều câu chuyện cổ kim, Đông Tây, đưa người xem đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Thoạt đầu là chuyện kể về Moulin Rouge xưa nay, ôn lại các chặng đường, kỳ tích đã qua, ca ngợi các nhân vật - nghệ sĩ có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của hộp đêm, như Colette, Edith Piaf, Jane Avril, Le Petomane, Line Renaud, Yves Montand… Thứ hai là câu chuyện Cướp biển, kể về một chuyến phiêu lưu, tìm kho báu và bi kịch tình yêu. Thứ ba là Ở Rạp Xiếc cho thấy những màn nhào lộn, tung hứng, hề cười, rồi lại đưa ta tới những năm 1900 thời kỳ của cuộc Cách mạng Công nghiệp cũng như văn hóa với sự cải cách rất nhiều về lối sống, cách ăn diện, trong đó có các người đẹp của Pháp đã từng lừng danh thế nào và được đóng vai bởi các người mẫu, vũ nữ đẹp nhất hộp đêm. Phần cuối cùng là những màn trình diễn điêu luyện của nhiều nghệ sĩ trên thế giới. Tổng cộng, từ lúc ra mắt tới nay, chương trình tạp kỹ này đã thu hút hơn 10 triệu người xem.

Chu Mạnh Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 9 tháng trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 11 tháng trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Khám phá Havana

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Nốt nhạc sau song sắt

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Sống trong tâm dịch

Nhìn ra thế giới 2 năm trước