Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024
12:33 (GMT +7)

Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhìn từ quyết định Nam Bộ kháng chiến

Ngày 23/9/1945, tức chỉ sau 21 ngày khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), nhân dân Sài Gòn - Gia Định lại phải một lần nữa đứng lên chống xâm lăng lần thứ 2. Nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng dậy “súng lại cầm tay/ Đạn nói thay lời” (Hưởng Triều).

Phải ngay lập tức đánh trả!

Sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945, tại số nhà 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh) đã có một cuộc họp quan trọng và căng thẳng giữa Xứ uỷ Nam Bộ, Uỷ ban Kháng chiến Nam Bộ do ông Trần Văn Giàu, Bí thư kiêm Chủ tịch và đại diện Trung ương Đảng là ông Hoàng Quốc Việt.

Trần Văn Giàu, tù chính trị Côn Đảo năm 1935, số tù 568, sau trở thành nhà lãnh đạo giành chính quyền ở Nam Bộ. Ảnh tư liệu lịch sử
Trần Văn Giàu, tù chính trị Côn Đảo năm 1935, số tù 568, sau trở thành nhà lãnh đạo giành chính quyền ở Nam Bộ. Ảnh tư liệu lịch sử

Là nhà cách mạng lão luyện và thận trọng nên ông Hoàng Quốc Việt chủ trương “Tích cực chuẩn bị, chờ lệnh của Trung ương”. Phía những người kháng chiến Nam Bộ quyết định phải ngay lập tức đánh trả. Sau này, khi kể lại quyết định lịch sử đó, ông Trần Văn Giàu cho biết cuộc họp đã “cãi nhau” từ 6 giờ đến 7 giờ mới ra được Lời kêu gọi: "Đồng bào Nam Bộ! Nhân dân thành phố Sài Gòn!... Đêm qua thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn. Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa. Tất cả đồng bào, già trẻ, trai, gái hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược! Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu!".

Lịch sử Nam Bộ kháng chiến cho biết, qua thảo luận sôi nổi, hội nghị đi đến quyết định vừa đánh điện báo cáo và xin chỉ thị của Trung ương, vừa phát động kháng chiến ngay lập tức. Hội nghị đã thông qua “Lời kêu gọi của Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ” do ông Trần Văn Giàu vừa soạn trong đêm. Sau khi nhắc lại lời thề “Độc lập hay là chết!” trong Lễ độc lập tại Sài Gòn ngày 2/9/1945, Uỷ ban Kháng chiến Nam Bộ xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng” và kết thúc Lời kêu gọi bằng câu: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.

Dân quân cứu nước Nam Bộ trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến năm 1945. Ảnh tư liệu lịch sử
Dân quân cứu nước Nam Bộ trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến năm 1945. Ảnh tư liệu lịch sử

Sau khi nhận được điện báo cáo của Nam Bộ, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra ngay Huấn lệnh: “Hỡi đồng bào Nam Bộ! Lòng cương quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp… làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục. Đồng bào phải kiên quyết, phải giữ vững sự tin tưởng ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả quyết trong Ngày Độc lập”.

Ngày 26/9/1945, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi “lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ” và khẳng định: “Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”. Trong thư gửi đồng bào Nam Bộ, Người viết: “Nước ta vừa tranh quyền độc lập thì đã gặp nạn ngoại xâm… Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà…”.

Cùng với nhân dân Miền Nam, người dân cả nước bắt đầu dấy lên phong trào “Nam tiến” với chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Cả một thế hệ đã đứng lên đáp lại lời thề sông núi mà Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu đã thay mặt hàng triệu đồng bào Miền Nam tuyên bố vào ngày 2/9/1945: “Chúng ta thề cương quyết đứng bên cạnh Chánh phủ, chống mọi sự xâm lăng, dầu chết cũng cam lòng”... “Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu!... Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!”.

Nhân dân Nam Bộ nhất tề nổi dậy kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu lịch sử
Nhân dân Nam Bộ nhất tề nổi dậy kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu lịch sử

Sau này, khi hồi tưởng lại quyết định ban hành Lời kêu gọi kháng chiến, Giáo sư Trần Văn Giàu cho biết đó là một quyết định đầy khó khăn và ông cũng biết “đời chính trị của Trần Văn Giàu từ nay đã hết”. Song, ông cũng đã không quên nhắc lại lời dặn của người xưa: “Tướng ngoài mặt trận có thể không nghe lệnh vua". Ông Trần Văn Giàu tự nhận khi ấy ông là “tướng giữ biên cương”. “Khi kẻ địch xâm phạm vào biên cương thì tướng ở biên cương phải quyết định không chờ lệnh vua. Quyết định nhưng phải báo cáo với vua. Nếu vua đồng ý thì khen. Còn nếu làm trái với lệnh vua thì phải xử trảm” và kết luận ông “không phải là người buông giáo”.

Vẫn vẹn nguyên tinh thần “Nam Bộ kháng chiến”

Những năm sau thống nhất đất nước, trước những khó khăn do cơ chế quan liêu bao cấp, ngăn sông, cấm chợ gây ra, đã có nhiều quyết định “xé rào” của các nhà lãnh đạo như các ông Võ Văn Kiệt (TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Chính (Long An) v.v..

Nhóm Thứ Sáu và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh tư liệu
Nhóm Thứ Sáu và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh tư liệu

Người dân TP. Hồ Chí Minh, nhất là lớp cán bộ thời kỳ sau giải phóng vẫn luôn nhắc nhớ đến những quyết định lịch sử của người đứng đầu thành phố khi ấy là Võ Văn Kiệt. Ông Võ Văn Kiệt đã quyết định mời các trí thức của chế độ Sài Gòn ở lại cộng tác với chính quyền mới, trong đó có người từng giữ cương vị Thống đốc Ngân hàng, Phó Thủ tướng, quyền Thủ tướng của chế độ Sài Gòn như Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh. Sau đó, ông đã quyết định mời nhiều chuyên gia, trí thức lớn lập nhóm nghiên cứu tư vấn về kinh tế (nhóm Thứ Sáu, vì thường họp vào thứ Sáu). Khi người dân thành phố thiếu lương thực vì ngăn sông, cấm chợ, ông đã “bật đèn xanh” để bà Nguyễn Thị Ráo (bí danh Ba Thi), Phó Giám đốc Sở Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh đi “buôn lậu gạo” để cứu đói cho dân với tuyên bố nếu vì chạy gạo cho dân mà bà Ba Thi bị đi tù ông sẽ đem cơm thăm nuôi…

Người dân Nam Bộ, nhất là người dân Long An hẳn còn nhớ cái tên “Chín Cần” (Nguyễn Văn Chính, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Long An, nguyên Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch HĐBT...). Ông Nguyễn Văn Chính giữ cương vị Bí thư Tỉnh uỷ Long An nhiều thời kỳ khác nhau, trong đó có giai đoạn sau khi đất nước thống nhất. Trong bài viết Anh Chín Cần, người “đổi mới thầm lặng” của đất Long An”, ông Nguyễn Trọng Xuất, Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy (Phân khu 6) Sài Gòn - Gia Định trong Mậu Thân 1968, sau này là Chánh Văn phòng Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, người bạn thân thiết, gắn bó, người đồng chí của ông Nguyễn Văn Chính cho biết: ông Chín Cần “là người tiên phong trong cuộc tiến công đột phá vào thành trì của cơ chế “quan liêu bao cấp”, một hành động mà thời bấy giờ dễ bị chụp mũ là “chống lại CNXH”.

Tác giả Nguyễn Trọng Xuất cũng cho biết ông Nguyễn Văn Chính là người có sáng kiến “bù giá vào lương” và xem đây là một sáng tạo của “những con người không bao giờ chịu thúc thủ trước những bất hợp lý, dù với cách giải thích nào theo chủ nghĩa giáo điều” và kết luận cái đáng quý nhất ở ông Chín Cần là “công lao lớn với “Đổi Mới”, nhưng anh lại rất khiêm tốn”. Cũng theo tác giả cho biết, khi Trung ương gồm các ông Lê Duẩn, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Văn Trân, Lê Văn Lương, Lê Quang Đạo, Vũ Oanh và những người đứng đầu các bộ, ngành về Long An kiểm tra chủ trương “bù giá vào lương”, có vị hỏi ông Nguyễn Văn Chính “Tại sao việc hệ trọng như vậy, trước khi làm Long An không báo cáo xin ý kiến Trung ương?”, ông Chín Cần đã trả lời: “Nếu tôi xin ý kiến thì bằng lý luận các anh sẽ bác; chúng tôi làm thử cho có kết quả rồi sẽ báo cáo”…

Ông Nguyễn Văn Chính (thứ 3, trái qua) cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (thứ tư, trái qua) và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tỉnh Long An trong thời đầu khai mở Đồng Tháp Mười (năm 1984). Ảnh tư liệu
Ông Nguyễn Văn Chính (thứ 3, trái qua) cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (thứ tư, trái qua) và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tỉnh Long An trong thời đầu khai mở Đồng Tháp Mười (năm 1984). Ảnh tư liệu

Từ câu chuyện “cãi nhau” để ra được Lời kêu gọi kháng chiến ngày 23/9/1945 gợi lên thật nhiều suy nghĩ. Nếu chỉ vì an toàn của bản thân mình, chắc hẳn ông Trần Văn Giàu không “mạo hiểm” đến như vậy. Thế nhưng trong bối cảnh nước sôi, lửa bỏng ấy ông đã vượt lên bản thân mình, đi đến một quyết định lịch sử, vì dân, vì nước. Sau này, tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã từng có quyết định lịch sử khi quyết định “kéo pháo ra” ở mặt trận Điện Biên Phủ để rồi sau đó mới lại kéo vào.

Kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến năm nay đúng vào thời điểm sau bão Yagi vừa tàn phá nặng nề gây nhiều đau thương, mất mát cho đồng bào miền Bắc. Thế nhưng trong đau thương, mất mát ấy thỉnh thoảng lại có những câu chuyện không chỉ làm ta cay khoé mắt mà còn làm ta cảm phục.

Đó là câu chuyện về 2 trưởng thôn ở Lào Cai là ông Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) và anh Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà). Sau trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại Làng Nủ làm hàng chục ngôi nhà bị xoá sổ và gần 100 người chết, mất tích, ông Hoàng Văn Diệp đã phối hợp với các lực lượng chức năng soát lại từng người dân trong thôn xem ai còn, ai mất, lo hậu sự cho những người xấu số được tìm thấy... Còn ông Ma Seo Chứ đã vận động 115 người dân ở thôn di dời đến nơi an toàn trong bối cảnh bị cắt toàn bộ thông tin, liên lạc… Còn nhiều, rấtt nhiều những câu chuyện về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như vậy.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và gần đây là Kết luận số 14-KL của Bộ Chính trị đã đề ra nội dung khuyến khích, bảo vệ những những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Gần đây, chúng ta nghe nói rất nhiều câu “vì lợi ích quốc gia, dân tộc”. Thực ra vì lợi ích quốc gia dân tộc rất giản dị, đó là ai ở cương vị nào hãy làm tốt nhất nhiệm vụ của mình ở cương vị ấy với tinh thần bất vụ lợi, tâm huyết, sáng tạo thì đó chính là vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Các ông Trần Văn Giàu, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Chính ở các cương vị lãnh đạo cao cấp có các quyết định năng động, sáng tạo ở tầm cương vị của các ông. Những trưởng thôn ở Lào Cai nói trên – dù ở cương vị khiêm tốn song trong những tình huống khẩn cấp, họ đã có những việc làm, quyết định mang lại lợi ích rất lớn cho cộng đồng, xã hội…

Chân dung Anh hùng lao động Nguyễn Thị Ráo - Ba Thi trên bìa sách
Chân dung Anh hùng lao động Nguyễn Thị Ráo - Ba Thi trên bìa sách "Cô Ba Thi và hột gạo"

Nam Bộ, Sài Gòn - Gia Định là vùng đất mới trong tiến trình lịch sử lâu dài của đất nước, nhưng nơi đây cũng là vùng đất ra đời những phong trào sáng tạo của những con người anh hùng và cả bình dị nhưng có những hành động quả cảm, dấn thân. Tinh thần “Phải ngay lập tức đánh trả!” và lời hiệu triệu: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!” của ngày 23/9/1945 là sự tiếp nối tinh thần ấy, nó vang vọng mãi đến hôm nay.

Hồng Phúc                                                                           

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục