Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
20:39 (GMT +7)
Tác phẩm tham dự Cuộc thi “ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH THÁI NGUYÊN LẦN THỨ XX VÀO CUỘC SỐNG”

Đam mê sâm - cô gái nhỏ chuyển nhà lên núi

Tôi biết đến em trong đêm hội trại Trăng rằm của huyện Đồng Hỷ vào ngày mùng 10 tháng 8 âm lịch vừa qua khi tham quan trại của xã Minh Lập. Mô hình “Cây nông nghiệp” trong đó có mô phỏng núi sâm của cơ sở sản xuất sâm Thiên Phúc đã khiến tôi ngạc nhiên và ấn tượng.

Một cô gái nhỏ nhắn trong trang phục quần áo dân tộc Thái tươi cười ra mời chúng tôi vào tham quan. Em là Nguyễn Thị Bình, Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Thiên Phúc trên địa bàn xã.

1.

Sau hội trại, theo lời mời của Bình, chúng tôi tìm về Minh Lập. Đường vào xã hôm nay khác xưa nhiều lắm. Từ khi được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tất cả các con đường trong xã đã được trải nhựa và bê tông hóa. Hai bên đường là những đồi chè mướt xanh với những luống dài đẹp như một bức tranh đầy hương sắc. Thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp một biển ghi “Đường tự quản”. Dễ dàng nhận thấy những túi rác treo ngay ngắn ở nơi quy định, những hàng râm bụt đang mùa trổ hoa khoe sắc như vẫy chào.

Đam mê sâm - cô gái nhỏ chuyển nhà lên núi
Cánh đồng trồng sâm của Hợp tác xã Dược liệu Thiên Phúc

Bình đón chúng tôi bằng nụ cười dịu dàng, giản dị với đôi dép tổ ong, quần vấn gấu cao. Nói về cái duyên được gặp và song hành cùng sâm Bố Chính, cô kể:

- Con đường dẫn em đến với sâm Bố Chính đầu tiên không phải vì đam mê kinh tế mà là vì nó giải quyết được nỗi đau bệnh tật cho mẹ em. Mẹ em bị huyết áp cao lâu ngày gây ho kéo dài không cầm được. Khi đã "vái tứ phương" thì gặp sản phẩm cao Bố Chính do một người bạn mách bảo. Khi đó em chưa biết gì về cao Bố Chính, chỉ nghe nói đó là loại cao không đắt tiền nhưng chất lượng lại tốt nên em mua về tặng mẹ. Sau hơn 3 tuần sử dụng, giữa tiết trời tháng 5, ngày mùa nắng chang chang, một mình mẹ em đánh vật với hơn hai mẫu ruộng mà mẹ chỉ ra mồ hôi chứ không mệt, cơn ho biến mất lúc nào không hay. Khi thấy sử dụng sản phẩm từ cây sâm Bố Chính có kết quả tốt với mẹ rồi với cả gia đình, em đã mạnh dạn tìm tòi nghiên cứu và đưa giống sâm Bố Chính về trồng tại Minh Lập. Sau đó giới thiệu và lan tỏa sản phẩm sâm Bố Chính như một tấm lòng biết ơn của em dành cho sản phẩm này.

Khi hỏi tại sao em không đầu tư vào trồng các cây khác cùng loại với những cây trồng phổ biến ở địa phương mà lại chọn sâm Bố Chính, cô giám đốc trẻ vừa pha cốc trà sâm lẫn với cốm sâm mời chúng tôi vừa nhỏ nhẹ trả lời:

- Khi một số loại sâm khác đạt đỉnh hai triệu một cân, ông xã em cũng định chuyển sang trồng, nhưng em ngăn lại. Thứ nhất, mình không nên chạy theo đám đông khi mình không hiểu rõ về sản phẩm. Thứ hai các loại sâm khác thời gian sinh trưởng kéo dài, khoảng 3 đến 5 năm. Câu chuyện của 5 năm tới, khi mà có thể nhiều người cùng trồng sâm, sản phẩm sẽ bão hòa, tìm thị trường đầu ra rất khó. Cộng thêm các loại đó có thể hợp với thổ nhưỡng ở nơi khác nhưng chưa chắc đã hợp với chất đất của Minh Lập. Nên em chọn trung thành với sâm Bố Chính.

Hiện nay, khi nhu cầu của con người bắt đầu bỏ qua “lượng” và tiến gần đến “chất”, đi sâu chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp của mình thì sản phẩm sâm dễ dàng tiếp cận với thị trường. Hầu hết các loại hỗ trợ sức khỏe đều gắn liền với chữ sâm. Nhưng để một sản phẩm thực sự chất lượng tốt nhất đến với người tiêu dùng thì lại là một vấn đề khác.

Không những chăm chút từ giống cây, cách chế biến các sản phẩm thu được mà việc chăm sóc cho quá trình sinh trưởng của cây sâm cũng được đặc biệt lưu tâm. Tất cả các cây trồng trong vườn dược liệu Thiên Phúc đều được trồng và chăm sóc theo phương pháp hữu cơ. Những chiếc thùng xanh ở góc vườn là để đựng những con ốc bươu vàng phá hoại lúa, ủ thành phân hữu cơ bón cho vườn dược liệu. Đi theo hướng hữu cơ, vừa làm giảm chi phí, vừa an toàn cho người tiêu dùng, lại góp phần phát triển nông nghiệp “xanh”, bền vững.

Nói về quá trình xây dựng thương hiệu, Bình cho biết: đây là câu chuyện khá gian nan. Sau khi nghỉ làm việc tại Samsung, Bình chưa hề có một tí kiến thức nào về kinh doanh nên phải mày mò học hỏi. Ban đầu là học kinh doanh, học cách bán hàng online, học để xây dựng thương hiệu. Ngày đó, tuy đã trồng được sâm nhưng muốn bán được các sản phẩm sâm thì lại phải xuống TP. Thái Nguyên vì ở nông thôn thì không bán được sâm. Mà cô lại là người tận Nghệ An, lấy chồng về ở tại xóm Minh Tiến (xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ), chỉ biết TP. Thái Nguyên có khu đường tròn trung tâm, quảng trường và Chợ Thái... chứ các cơ quan đơn vị và địa bàn dân cư thì hầu như không biết gì.

Trong tiềm thức của đa phần người dân, họ chỉ biết đến sâm Hàn Quốc chứ rất ít biết đến sâm Việt Nam. Thói quen tiêu dùng, người dân phần nhiều thích dùng thực phẩm bổ dưỡng của ngoại, trong khi sâm Bố Chính lại chưa được phổ biến rộng rãi, nên rất ít người biết đến, mặc dù chất lượng tốt không kém sâm Hàn Quốc.

Bình tâm sự: Thời điểm đó em rất may mắn là gặp được CLB Hiệp hội doanh nghiệp (BNI) tại tỉnh Thái Nguyên (BNI là tổ chức kết nối thương mại thế giới). Sử dụng sản phẩm để phát triển kinh tế địa phương cũng là một trong những tiêu chí mà BNI tỉnh Thái Nguyên đặt ra. BNI hội tụ rất nhiều ngành nghề trong đó, và mỗi người lại có thế mạnh ở một ngành nghề nhất định. Có một điểm cực kỳ giá trị, đó là trong BNI có một cam kết đồng hành cùng nhau. Các thành viên phải có trách nhiệm quảng bá và giới thiệu sản phẩm cho các thành viên khác và các thành viên luôn sẵn sàng trải nghiệm sản phẩm của nhau.

Khi vào đó em được học hỏi về marketing, được mọi người hướng dẫn cho cách tiếp cận thị trường, cách xây dựng mối quan hệ trong kinh doanh. Cũng nhờ BNI mà sản phẩm của em được lan tỏa.

 Còn một điểm nữa, như người ta thường nói là “trong rủi có may”. Ấy là khi em bắt đầu khởi nghiệp thì đại dịch Covid nổ ra. Mà các sản phẩm cao sâm Bố Chính cực kỳ tốt cho hệ hô hấp. Vì thế mà sản phẩm của em được lan tỏa rất nhanh. Sang năm 2021 khi dịch Covid được ổn định thì sản phẩm sâm Bố Chính đã có được chỗ đứng tương đối, được mọi người biết đến. Mỗi lần các nhà hàng khách sạn có sự kiện, em lại mang sản phẩm sâm tới để mời mọi người trải nghiệm dùng thử và mua thử. Ban đầu mọi người vì nể mà mua. Sau đó họ thấy sản phẩm tốt họ đã ủng hộ và lan tỏa. Đến cuối 2021 đầu 2022 mọi người đã biết đến em với thương hiệu “Bình Sâm”. Đầu năm 2022, khi kinh tế thị trường toàn cầu ảm đạm, em không đơn thuần làm sản phẩm cao sâm nữa mà em đã nghiên cứu và kết hợp các sản phẩm sâm với ẩm thực. Dùng các sản phẩm sâm kết hợp với thực phẩm món ăn, làm trà uống nước, làm nước cốt lẩu, làm bánh, làm mứt, làm baracosta. Cuối năm 2022 thì em đã thành công món lẩu sâm, cốt phở sâm, gà hầm sâm. Đến đầu 2023 nhiều người đã quen với tiếng Hợp tác xã Dược liệu Thiên Phúc và mọi người đã quen với thương hiệu “Bình Sâm” đã biết đến sâm Bố Chính, yêu quý và trải nghiệm.

2.

Được biết gia đình Bình đã có một ngôi nhà rộng rãi khang trang ở giữa trung tâm thành phố Thái Nguyên. Tôi hỏi: "Tại sao em không ở thành phố mà lại chuyển cả gia đình về sinh sống tại một xã miền núi như vậy?". Bình nói: "Em không muốn gia đình mỗi người một nơi. Hơn nữa khi khách đến mua sản phẩm sâm, họ thường muốn được thăm trực tiếp vùng nguyên liệu. Dù có định cư ở thành phố em vẫn phải đưa khách lên trên này. Một điều nữa khiến em quyết tâm cao hơn đó là khi được chị Loan, nguyên Chủ tịch UBND xã Minh Lập tâm sự: "Em là người Minh Lập, thì cũng là cùng trên mảnh đất Thái Nguyên này, sao mình không về tại quê nhà mình mà xây dựng kinh tế?". Câu nói ấy đã giúp em thêm yêu quý và thực sự dành tất cả tâm huyết của mình để xây dựng và phát triển kinh tế trên vùng đất này.

Đam mê sâm - cô gái nhỏ chuyển nhà lên núi
Nữ giám đốc trẻ và cây sâm

Với tay lấy chiếc nón lá đưa cho tôi, Bình dẫn chúng tôi lên đồi thăm trang trại và đồi sâm của em. Sâm Bố Chính thường mọc vào mùa xuân, sinh trưởng kéo dài đến mùa đông thì tàn lụi. Mùa hoa nở rộ nhất vào tháng 6 đến tháng 8. Mùa này đồi sâm đã được thu hoạch. Đất đang được xới tơi để vào vụ sâm mới, Bình nói: “Khi hoa sâm nở, mời chị lên thăm lại nhé! Vào mùa sâm nở nơi đây nhộn nhịp và vui lắm chị à! Đồi sâm khi đó còn là điểm check in của khách du lịch nữa đó!”.

Rồi Bình dẫn chúng tôi tới thăm trang trại gà và nơi nuôi ốc nhồi của Hợp tác xã. Không chỉ phát triển vườn dược liệu, cô gái nhỏ này còn có một trang trại gà, hiện tại hơn 1.000 con gà thuộc giống gà Mông đen quý hiếm và hơn một héc ta ruộng nuôi ốc nhồi.

Bình đã kết hợp sản phẩm sâm Bố Chính với gà Mông đen (nuôi bằng cám và những sản phẩm được điều chế từ dược liệu) tạo thành món Gà Mông đen hầm sâm và đã được thị trường đón nhận. Cụ thể, món Gà Mông đen hầm sâm được phục vụ tại lễ hội trung thu thành phố Phổ Yên và nhận được rất nhiều lời khen ngợi của thực khách. Và vui hơn nữa khi món Gà Mông đen hầm sâm được Chương trình Bếp Việt giới thiệu công dụng, cách chế biến và phát trực tiếp trên VTV10.

Nói về các ruộng ốc của nhà Bình cũng khá đặc biệt. Không giống như những trang trại nuôi ốc khác là phải thu hoạch một lần, các ruộng ốc của Bình lại thu hoạch theo hình thức gối đầu. Vì thế luôn có sẵn sản phẩm để phục vụ cho khách hàng. Ngoài việc cung cấp sỉ, lẻ cho các nhà hàng tại thành phố Thái Nguyên, Bình còn phát triển mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm. Vào những ngày nghỉ, các gia đình có thể đến tận ruộng, cùng bắt ốc, chế biến, thưởng thức tại chỗ và mang về. Đây cũng là một mô hình phát triển du lịch xanh đáng để cho bà con Minh Lập học tập. Nếu tính theo giá thị trường gà Mông đen 250 nghìn/kg, ốc nhồi 80 nghìn/kg, doanh thu cũng không phải nhỏ, mô hình rất đáng để bà con lưu tâm trong thời điểm hiện tại.

Tôi đùa: “Không biết nên gọi em là Giám đốc sâm hay Giám đốc trang trại đây?”. Em tươi cười trả lời: Sở dĩ em phải trực tiếp xắn tay vào trồng sâm, nuôi gà, nuôi ốc là vì em muốn làm gương trước cho bà con nơi đây. Người dân có đất, có ruộng nhưng còn hạn chế trong việc tiếp xúc với khoa học kỹ thuật, chưa nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng và cũng chưa tự tin về đầu vào đầu ra của sản phẩm. Vì thế em làm trước rồi vận động bà con làm theo. Em trực tiếp cung cấp giống, cung cấp kỹ thuật, bao tiêu đầu ra… khi đó bà con sẽ yên tâm mà tiếp nhận, tham gia và gắn kết với Hợp tác xã Dược liệu Thiên Phúc của em.

Đam mê sâm - cô gái nhỏ chuyển nhà lên núi
Đàn gà Mông đen trong trang trại của Hợp tác xã

Giám đốc trẻ cho biết thêm: Tại thời điểm hiện nay Hợp tác xã có khoảng 18 héc ta trồng các loại cây dược liệu, trong đó có 2 héc ta trồng sâm Bố Chính. Một héc ta thu hoạch được khoảng 4 tấn củ sâm tươi. Với giá thị trường hiện nay là từ 100.000 đến 200.000 đ/1kg sâm tươi. Tôi nhẩm tính: lấy bình quân 150 nghìn nhân lên đã cho 1,2 tỉ đồng, chưa tính đến 16ha còn lại nuôi trồng các loại khác. Với quy mô Hợp tác xã nhỏ thì rõ ràng như vậy quá ổn!

3.

Khi được hỏi về mô hình hoạt động của Hợp tác xã, Bình tươi cười trả lời: Hợp tác xã Dược liệu Thiên Phúc của em mới trong giai đoạn định hình nên cũng chưa có gì đáng nói chị ạ. Xã viên làm việc toàn thời gian thì Hợp tác xã chỉ có 5 người, đó là những xã viên không có ruộng, đồi để canh tác và chăn nuôi. Thu nhập của họ cũng ổn định từ 6 đến 7 triệu đồng một tháng. Còn lại, có khoảng hơn 20 xã viên làm việc theo mô hình chuỗi. Hợp tác xã cung cấp giống, kỹ thuật, bao tiêu đầu ra. Ai có đồi thì trồng sâm Bố Chính và các loại dược liệu khác như Ba Kích, sâm Khôi Nhung.... Ai có trang trại thì nuôi gà Mông đen. Ai có ruộng thì nuôi ốc... Nhờ có đầu vào đảm bảo chất lượng và được chia sẻ, hướng dẫn về kỹ thuật nên năng suất và hiệu quả đạt cao. Xã viên rất yên tâm sản xuất và gắn bó với hợp tác xã.

Đam mê sâm - cô gái nhỏ chuyển nhà lên núi
Giám đốc Nguyễn Thị Bình (áo đen) giới thiệu sản phẩm từ cây sâm Bố Chính với tác giả

Ông Hà Văn Hải, 55 tuổi, dân tộc Nùng, ở xóm Minh Tiến (xã Minh Lập), là xã viên của Hợp tác xã. Trước đây gia đình ông trồng chè và cấy lúa nhưng diện tích đất, ruộng ít, lại cằn cỗi nên kinh tế gia đình thường xuyên gặp khó khăn. Những lúc nông nhàn, ông thường đi phụ xây để thêm thu nhập cho gia đình, nhưng sức khỏe yếu nên kinh tế chẳng cải thiện được là bao. Khi thành lập Hợp tác xã, ông đã tham gia và gắn bó từ ngày đầu tới giờ. Ông Hải tâm sự: Mình là chú nó. Ban đầu thấy nó thành lập hợp tác xã, thì chỉ lên giúp nó thôi. Nhưng càng lâu càng thấy công việc phù hợp với sức khỏe của mình, lương lại ổn định nên mình ở lại đó. Tiền công hằng tháng của mình hiện là 7 triệu đồng.

Điều đặc biệt, khi tham gia sản xuất ở Hợp tác xã Thiên Phúc, ông Hải đã học được cách cải tạo đất, cách trồng và chăm sóc sâm Bố Chính. Từ đó, ông mạnh dạn đem giống sâm Bố Chính về trồng tại chính vườn của nhà mình để cung cấp hoa, củ cho Hợp tác xã.

Qua lời giới thiệu của Giám đốc Bình, tôi trao đổi với chị Phan Thị Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Bình Minh ở TP. Thái Nguyên. Chị Huyền cho biết: Mình là tín đồ của sâm và các loại thực phẩm chức năng. Trước đây mình đã từng sử dụng sâm Hàn Quốc, nấm Linh Chi, nhung hươu và nhiều sản phẩm sâm khác. Với sâm Bố Chính, mình mới được biết hơn hai năm. Qua sử dụng, mình “mê” luôn. Bột sâm mình sử dụng chế biến món ăn, đồ uống, như trộn salad hay pha với sữa Ông Thọ dùng buổi sáng. Trà hoa sâm thì mình dùng thay nước uống hàng ngày. Ngoài ra, mình cũng mua cao sâm, vì nó đặc biệt tốt cho người già. Mới đây Hợp tác xã có sản phẩm mới là cốm sâm, chỉ cần pha với nước là dùng được ngay, mình thấy cũng tiện....

Cùng đi với chúng tôi có ông Triệu Văn Lũy, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện Đồng Hỷ. Tâm đắc, đồng tình và ủng hộ những việc làm của Hợp tác xã Dược liệu Thiên Phúc, ông chia sẻ: Cùng với việc đi tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước tới nhân dân, chúng tôi luôn gợi ý cho người nông dân về việc trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với mảnh đất của mình, mà việc đưa giống sâm Bố Chính về Minh Lập là một ví dụ cụ thể.

Còn gì vui hơn khi người dân phát triển được kinh tế và làm giàu được trên chính mảnh đất của mình. Chia tay với nữ giám đốc trẻ ra về mà lòng tôi không khỏi bồi hồi hi vọng. Tôi tin, một ngày không xa sẽ được nhìn thấy bạt ngàn những đồi sâm nở hoa trên đất Minh Lập.

Ký. Võ Thị Thu Hằng

6 đã tặng

0

3

3

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy