Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
08:50 (GMT +7)

Đại biểu Quốc hội đoàn Thái Nguyên chất vấn về tài nguyên – môi trường

VNTN- Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn (diễn ra trong 2,5 ngày). Sáng 4/6, người đầu tiên lên “ghế nóng” là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường

Chuyển vi phạm sang cơ quan điều tra

Ngay đầu phiên đã có hai đại biểu Quốc hội đoàn Thái Nguyên nêu chất vấn.

Đại biểu Lý Văn Huấn dẫn báo cáo số 124 của Bộ trưởng gửi tới các đại biểu Quốc hội trước thềm phiên chất vấn, có nêu: Công tác thanh tra, kiểm tra luôn được tăng cường, chỉ đạo, phát hiện các vi phạm để kiến nghị xử lý. Công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu, hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên trái phép cũng như gây ô nhiễm an ninh môi trường. Những vi phạm này đã được thể chế hóa trong Bộ luật Hình sự tại Điều 227 về tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên trái phép, Điều 235 về tội gây ô nhiễm môi trường.

Vậy, qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng đã kiến nghị xử lý những vụ việc vi phạm này như thế nào, đặc biệt liên quan đến kiến nghị xử lý đối với những vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự, và giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới nhằm tăng cường công tác thanh tra để xử lý đối với những hành vi vi phạm này?, ông Huấn chất vấn.

Hồi âm đại biểu Huấn, Bộ trưởng cho biết, vừa qua, theo Luật Khoáng sản 2010, các nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành, hoạt động khai thác khoáng sản được phân cấp quản lý cũng tương đối mạnh ở địa phương, đặc biệt là vật liệu xây dựng. Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung để tăng cường kiểm tra, giám sát.

Trong thời gian 5 năm, Bộ đã có 12 cuộc thanh tra và 40 cuộc kiểm tra chấp hành về khoáng sản với tổng số 933 lượt giấy phép và phát hiện 258 tổ chức, cá nhân vi phạm và đã ban hành 258 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 30 tỷ đồng.

Đại biểu Lý Văn Huấn chất vấn
Đại biểu Lý Văn Huấn chất vấn

“Hiện nay, qua kiểm tra, thanh tra cho thấy các chủ dự án về mỏ đã sai phạm về việc khai thác vượt quá công suất cho phép và khai thác ra ngoài ranh giới, khai thác nhưng không đảm bảo được các điều kiện, các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Quan điểm của Bộ là sẽ xử lý nghiêm các sai phạm này; những sai phạm có tính liên tục, sai phạm nối tiếp, sai phạm sau khi xử phạt hành chính theo luật mà tiếp tục sai phạm nữa thì sẽ chuyển sang các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra để xử lý nghiêm”, ông Khánh hồi âm đại biểu.

Vẫn theo Bộ trưởng, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản trình Kỳ họp này sẽ phân công, phân cấp mạnh nữa cho địa phương. “Trách nhiệm của Bộ sẽ tăng cường đội ngũ thanh tra, kiểm tra, đảm bảo đội ngũ này phải giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ để phối hợp thật chặt chẽ với các đơn vị, các bộ, ngành, địa phương”, ông Khánh “hứa”.

Trước Quốc hội, Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương làm nghiêm việc phát hiện và xử lý vi phạm, vì khai thác khoáng sản chắc chắn ở địa phương, ở cơ sở sẽ biết. “Ô tô chở vật liệu xây dựng, trang thiết bị khai thác hoạt động, chúng ta bảo không biết là không phải, tôi đề nghị các địa phương phải thực sự quan tâm, giao cho vai trò của người đứng đầu các cấp và toàn bộ hệ thống chính trị cùng thanh, kiểm tra gắn với giám sát để chúng ta phát hiện và xử lý sớm trong việc khai thác khoáng sản, đảm bảo không thất thoát nguồn tài nguyên và không để khai thác trái phép nguồn tài nguyên là tài sản của quốc gia”, Bộ trưởng đề nghị.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn

 

Nguy cơ mất an toàn hồ đập cao, đại biểu “đòi” giải pháp

Tiếp sau đại biểu Huấn, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) chất vấn: Hiện nay trên cả nước có khoảng 40.200 công trình khai thác, sử dụng nước, trong đó có 6.750 hồ thủy lợi với nhiều hồ đập nhỏ. Phần lớn trong số này được xây dựng từ những năm 1970 đến 1980 trong điều kiện kinh phí, trình độ kỹ thuật hạn chế, chất lượng thiết kế, thi công chưa phù hợp, không có hồ sơ, thiếu kinh phí bảo trì nên bị hư hỏng, xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao. Trong thời gian tới, Bộ trưởng và ngành sẽ có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?.

Đồng tình với vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Khánh nhấn mạnh, hiện có hơn 1.000 hồ đã được xây dựng từ lâu, có những hồ xây từ năm 1980 - 1990 trở về trước, chắc chắn nguy cơ an toàn hồ đập là rất lớn, nếu để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo phải có một nguồn nhân lực rất lớn.

Giải pháp xử lý được ông Khánh đề cập là trong Luật Tài nguyên nước Quốc hội vừa thông qua đã giao Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, các bộ, ngành tiếp tục phối hợp, với chức năng của mình điều hòa, phân phối nguồn nước và đưa ra các kịch bản nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rà soát lại các hồ đập, bởi vì mất an toàn hồ đập là rất nguy hiểm. Cần sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các hồ đập để giữ nước, tích trữ nước đảm bảo cho sản xuất bền vững, đảm bảo điều hòa và đảm bảo an ninh nguồn nước”, Bộ trưởng hứa.

“Chia lửa” với Bộ trưởng Khánh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, theo Luật Thủy lợi và phân cấp thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang quản lý 5 hồ lớn “tới giờ này hoàn toàn an toàn”. Bên cạnh đó 25 hồ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân cấp cho các địa phương quản lý cũng an toàn. Còn lại gần 900 hồ nhỏ và vừa đã phân loại, phân cấp để địa phương trực tiếp quản lý và nguồn lực đầu tư theo Luật Ngân sách là của địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu

“Tuy nhiên, chúng tôi biết có một số địa phương do nguồn lực bị hạn chế, chúng tôi sẽ trình Thủ tướng với tư cách là cơ quan quản lý về thủy lợi sẽ có một cái nhìn tổng thể hơn. Tôi cũng đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương tăng cường giám sát để cùng có một tiếng nói với các địa phương trong việc đề xuất duy tu, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho các hồ đập do địa phương quản lý”, ông Hoan nói.

Cần có tuyên ngôn về khan hiếm nước ở Việt Nam

Chúng ta chưa bao giờ xem nước là một tài nguyên, mặc dù chúng ta nói là tài nguyên nước. Chúng ta cứ nghĩ nước là vô hạn, nhưng thật sự bây giờ đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, cách thức chúng ta khai thác, cách thức chúng ta sử dụng thì nước là tài nguyên hữu hạn, khi đó chúng ta phải tiếp cận với một nền nông nghiệp khan hiếm nước. Vừa rồi, chúng tôi có tiếp cận với các chuyên gia Israel, Israel là quốc gia sa mạc, nhưng họ vẫn có một nền nông nghiệp vượt trội. Khởi đầu họ đưa ra một câu chuyện giáo dục từ trẻ nhỏ là văn hóa tiết kiệm nước, tiết kiệm trong tiêu dùng, trong sinh hoạt và kể cả tiết kiệm trong nền nông nghiệp. Có lẽ đến giờ này, chúng ta cũng phải có một tuyên ngôn với bà con nông dân Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước rằng, chúng ta không phải là một quốc gia dư thừa nước mà sẽ ngày càng khan hiếm hơn để chúng ta tiếp cận một cách vừa ngắn hạn, vừa dài hạn bằng chiến lược tổng thể để chuyển đổi trạng thái nông nghiệp, từ nền nông nghiệp chúng ta sử dụng nước không mất phí sẽ dần dần chúng ta cũng phải tính toán, bởi nước đã dần hữu hạn.

(Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan)

 

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tháng Bảy về…

Văn xuôi 2 giờ trước