Đặc sắc lễ hội tạ ơn thiên nhiên của người Khmer Nam Bộ
Là một trong ba lễ hội lớn nhất, được mong chờ nhất trong năm đối với người Khmer Nam Bộ, cùng với lễ Sen Đôn Ta (Vu lan), tết Chôi Chnăm Thmây (Nguyên đán), thì lễ hội Ok Om Bok (Oóc Om Bóc - Cúng trăng) với ý nghĩa tạ ơn thiên nhiên được coi là lễ hội mang đậm dấu ấn văn hoá tín ngưỡng tôn giáo, kết nối cộng đồng đông vui và sôi động nhất.
Theo quan niệm của người Khmer, mặt trăng là vị thần có quyền năng chi phối mùa màng trong canh tác nông nghiệp, nên sau khi thu hoạch những sản phẩm đầu tiên của mùa vụ, vào các ngày 14 và 15 tháng Mười âm lịch hằng năm, người ta sẽ tiến hành nghi thức cúng tế để tạ ơn thần mặt trăng đã cho một mùa bội thu, giúp phum sóc no đủ. Về mặt ngữ nghĩa, Ok Om Bok có nghĩa là “Đút cốm dẹp bằng cách bốc bằng tay” nên còn có tên gọi khác là lễ hội Đút cốm dẹp. Lễ hội này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015.
Linh thiêng nghi lễ cúng trăng
Theo mô tả của cố nhà văn Sơn Nam, thì từ trước những năm cuối thế kỉ 19, đồng bào Khmer Nam Bộ tập trung cư trú trong phum sóc trên giồng cao, lối canh tác theo hình thức thâm canh, chú trọng vào năng suất cao, không thích vượt biển, vượt sông, nhất là đốn cây, phá rừng... Điều đó chứng tỏ, người Khmer Nam Bộ rất tôn trọng thiên nhiên, coi thiên nhiên như một phần không thể tách rời trong cuộc sống, đặc biệt là các yếu tố như nước, mặt trăng,… bởi sự ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, đại đa số người Khmer Nam Bộ là phật tử Phật giáo thuộc hệ phái Nam tông - Phật giáo Nam tông Khmer, do đó các hoạt động văn hóa phi vật thể của người Khmer đều gắn liền với lễ hội. Ok Om Bok là một phong tục - lễ hội nông nghiệp, xuất phát từ một tín ngưỡng dân gian, cho rằng mặt trăng như là vị thần cai quản thời gian, thủy triều và thời tiết, bảo vệ mùa màng... Bởi vậy mà người Khmer tin rằng với việc thành tâm, chu đáo tôn thờ và biết ơn thần mặt trăng thì những điều tốt lành, may mắn và hạnh phúc sẽ đến với họ.
Đồng bào Khmer sinh sống ở Nam Bộ nói chung, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đại đa số gắn bó mật thiết với sản xuất nông nghiệp, nên Ok Om Bok là lễ hội rất quan trọng, được tiến hành ở mỗi gia đình (hoặc vài hộ gia đình sinh sống liền kề), phum sóc, trong từng ngôi chùa và tổ chức long trọng theo quy mô cấp tỉnh.
Để thực hiện nghi thức cúng trăng, người ta chọn địa điểm cúng tế là nơi tương đối cao ráo, sạch sẽ, quan trọng nhất là phải đủ thoáng rộng để nhìn rõ mặt trăng và đón nhận ánh sáng của trăng. Vật phẩm dâng cúng thường được người Khmer chuẩn bị là các loại nông sản đã được gieo trồng được trong vụ mùa gồm: cốm dẹp, ngô, khoai, sắn, mía, hoa tươi, các loại trái cây như dừa, chuối, cam, nhãn lồng… Đợi cho trăng lên và ánh sáng trải khắp mọi nơi, trẻ con, thanh niên, người lớn sẽ tập trung ngồi nghiêm ngắn dưới chiếu hướng về bàn lễ, bắt đầu nghi thức cúng tế.
Vị chủ tế (thường là các bô lão, trụ cột của gia đình hoặc người có uy tín trong xóm/phum sóc) sẽ bày các vật phẩm của gia đình, phum, sóc vừa thu hoạch rồi khấn nguyện tạ ơn thần mặt trăng, thần nước, thần đất đai đã cho con người mùa vụ bội thu, vừa xin lỗi vì trong quá trình lao động sản xuất, con người đã làm tổn hại, ô uế các vị thần. Sau đó, họ sẽ bốc và vo cốm dẹp thành từng viên, kèm theo khoai, chuối… đút cho trẻ con, vừa đút vừa xoa vào lưng và hỏi chúng mong ước gì. Những ước muốn đó là điều mà mỗi nhà, mỗi phum sóc gửi đến thần mặt trăng. Đây cũng được xem là tiền đề để các cha mẹ lưu tâm, tạo điều kiện giúp các con thực hiện được những mong ước đó.
Trước đây, sau khi xong phần cúng tế thì người ta sẽ thả những chiếc đèn gió to lớn làm bằng nan tre và vải, có bùi nhùi tạo lửa bên trong được đốt và thả lên trời cao. Theo quan niệm thì lửa là phương tiện duy nhất để con người có thể giao tiếp với thế giới thần linh, nên đèn gió bay lên sẽ mang theo ước nguyện của con người về mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu no đủ đến với thần mặt trăng. Nhưng ngày nay, vì để hạn chế nguy cơ mất an toàn với thiên nhiên và con người, nghi thức thả đèn gió không còn được tiến hành nữa. Cũng trong đêm cúng trăng ấy, bà con sẽ thả đèn hoa đăng xuống ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch tùy theo địa hình nơi cư trú nhằm tỏ lòng biết ơn đến thần nước (hay mẹ nước) là cội nguồn của sự sống.
Cốm dẹp - vật phẩm không thể thiếu để tạ ơn
Trong tiếng Khmer, cốm dẹp được gọi là “om bóc”. Món ăn này đã có truyền thống hàng trăm năm, được chế biến và dâng cúng lên các vị thần đồng (Neac ta srê), thần mặt trăng (Preas chanh) để tỏ lòng biết ơn cho một vụ mùa bội thu và nguyện cầu cho năm sau thời tiết thuận lợi, mùa màng tươi tốt. Theo đó cốm dẹp là thức cúng bắt buộc trong lễ cúng trăng. Đây cũng là vật phẩm gắn với hình tượng tín ngưỡng về nền văn minh lúa nước của người Khmer, nên cứ vào mỗi vụ mùa trước khi thu hoạch lúa chín, người dân sẽ ra đồng gặt nếp về làm om bóc.
Loại nếp dùng để làm cốm dẹp là nếp còn chưa chín (được gặt về trước lúc thu hoạch khoảng 10 ngày), sau khi tuốt lấy hạt thì đem ngâm nước nửa ngày (tuỳ độ già của nếp mà điều chỉnh thời gian) rồi vớt ra để ráo. Khâu ngâm nếp cũng cần tính toán kỹ nhằm đảm bảo khi làm cốm không bị nhão hoặc khô. Công đoạn rang nếp đòi hỏi sự nhanh nhẹn và kiên nhẫn, bởi phải rang bằng nồi đất và mỗi lần rang chỉ ít một (khoảng 1 bát), vừa đáy nồi mà thôi. Đảo rang cho tới khi nếp vừa giòn, hạt nếp nở chín dẻo đều thì đổ vào cối giã liền tay.
Trong văn hóa tín ngưỡng của người Khmer, người ta tin vào ý nghĩa, nhân quả của những chuyện xưa tích cũ. Do đó mà bộ chày, cối, nạy (vật dùng để đảo cốm lúc giã) của người Khmer thường được làm từ thân cây vú sữa già, với quan niệm thân cây vú sữa có chứa dòng sữa của sự sinh sôi nảy nở, tốt cho mùa màng về sau. Khi giã cốm, 2 người 2 chày đứng đối diện nhau, vừa giã vừa dùng cây nạy đảo nếp để hạt cốm không bị gãy nát. Cốm ngon là phải giã nhanh tay sao cho xong trước khi nếp rang nguội đi. Giã khéo thì hạt cốm dẹp phải tròn đều, nếu bị nát hay nhỏ vụn thì không đạt. Xong xuôi thì dùng nia sàng sẩy hết vỏ (trấu), cám, tấm… cho thật sạch sẽ. Để có được thành phẩm cốm dẹp thơm dẻo, béo bùi, các bà các mẹ sẽ trộn thêm đường, dừa nạo và rắc thêm nước dừa, nêm chút muối cho vị cốm đậm đà hơn rồi đem ủ cốm, ít thì mươi lăm, hai chục phút, nhiều thì vài, ba tiếng. Ủ càng lâu cốm càng thấm mềm, thơm ngọt.
Cách làm cốm dẹp không khó, song điều quan trọng nhất là khi chế biến để dâng cúng tạ ơn các vị thần, những người thực hiện nó đã vô cùng thành tâm cung kính và hân hoan với nhiều nguyện ước gửi tới thần linh.
Đua ghe ngo tiễn đưa thần nước
Sau phần lễ (nghi thức cúng trăng) kết thúc, thì bắt đầu phần hội. Một trong những hoạt động đặc sắc tạo nên sự sôi nổi, vui tươi trong những ngày diễn ra lễ hội Ok Om Bok là đua ghe ngo. Đây là nghi thức người Khmer thực hiện sau mỗi chu kỳ gieo cấy - thu hoạch để tiễn đưa thần nước về với biển cả ở thời điểm mùa mưa kết thúc, chuyển sang mùa khô trong chu kỳ một năm; cũng là nghi thức tôn giáo tưởng nhớ thần rắn Nagar xưa kia đã biến thành khúc gỗ để đưa Phật qua sông. Môn thể thao truyền thống này lúc đầu chỉ là một trò chơi dân gian diễn ra trong đêm cúng trăng, nhằm dâng lên các đấng thần tiên thưởng thức, chỉ được tổ chức vào ban đêm lúc trăng lên, sau khi các nghi lễ cúng trăng đã xong. Dần dần đã được nâng lên thành hoạt động chính của lễ hội, thu hút hàng vạn người đến tham gia và cổ vũ.
Ghe ngo nguyên thủy là một chiếc thuyền độc mộc, khoét ruột từ một thân cây. Theo thời gian ghe được cải tiến có phần đầu và đuôi cong, được người Khmer gọi là “tuk ngô”; “tuk” có nghĩa là ghe, “ngô” có nghĩa là cong, người dân bây giờ đọc trại thành “ngo”. Ngày nay, việc tìm cây sao vừa to, vừa dài rất khó khăn, nên người Khmer đã dùng những mảnh ván ghép lại với nhau để thay thế.
Theo quan niệm của đồng bào Khmer, ghe ngo là biểu tượng của sự no ấm, sung túc, tục đua ghe ngo đã trở thành một sản phẩm văn hóa hết sức độc đáo và hấp dẫn với chính họ. Mỗi chiếc ghe ngo tham gia cuộc đua là hình ảnh đại diện cho mỗi ngôi chùa, xã, huyện, phum sóc người Khmer tạo ra, nên thường diễn ra rất quyết liệt. Song sự quyết liệt hơn thua ấy lại hoàn toàn không phải vì giá trị giải thưởng mà vì danh dự và vinh quang của phum sóc mình. Ghe ngo được làm gần giống hình con rắn dài khoảng từ 25m đến 30m. Ở giữa chỗ rộng nhất là 1,2m. Đầu được uốn cong lên như hình đầu rắn. Đuôi ghe (hay gọi là sau lái) cũng được uốn cong lên nhưng cao hơn phía đầu một chút. Người ta đóng từ 24 đến 27 cây thanh ngang trên chiếc ghe, để vừa cho hai người ngồi. Mỗi ghe phải đảm bảo từ 40 đến 60 người ngồi bơi và chỉ huy.
Đua ghe ngo bắt đầu khi nước thủy triều lên cao và thường kéo dài 3 – 4 tiếng. Trong nền nhạc ngũ âm truyền thống và tiếng hò reo cổ vũ sôi nổi của hàng chục ngàn người vây kín hai bên bờ sông, những chiếc ghe ngo được chia thành từng cặp tranh vòng loại, vào bán kết và hai chiếc xuất sắc nhất tranh chung kết. Đội ghe ngo giành giải nhất vừa được nhận thưởng của ban tổ chức vừa được bà con phum sóc vinh danh, chiêu đãi rất trọng thị. Trong cuộc đua, mỗi chiếc ghe ngo sẽ có 3 người điều khiển. Một người ngồi mũi chuyên về chỉ đạo tâm linh, tổ chức lễ cúng xuống ghe, chỉ đạo toàn ghe, điều khiển kỹ thuật bơi của ghe đua; một người ngồi giữa và một người ngồi phía sau giữ nhiệm vụ thổi còi để thúc giục và điều chỉnh kỹ thuật bơi của các vận động viên.
Người Khmer tin rằng ghe ngo là vật thiêng, nên làm việc gì liên quan tới ghe đều phải làm lễ cầu xin. Văn hóa tâm linh của người Khmer Nam Bộ thể hiện trong việc chọn biểu tượng cho ghe ngo. Mỗi chiếc ghe có một biểu tượng riêng, thường sẽ liên quan đến địa danh, hay quan niệm truyền thống của từng chùa, xóm làng, phum sóc…. Thông thường, biểu tượng của ghe ngo là các con vật có sức mạnh, hoặc có khả năng chạy nhanh như là loài chim, thú, hay cá có sức sống mãnh liệt và bơi, bay, chạy nhanh.
Từ một lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer, đến nay Ok Om Bok đã trở thành hoạt động văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh/vùng. Ở một số nơi miền Tây Nam Bộ có nhiều đồng bào Khmer sinh sống như Trà Vinh, Sóc Trăng…, đua ghe ngo đã được nâng lên thành hoạt động chính của lễ hội mang tầm cỡ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân, kể cả đồng bào người Kinh, Hoa, Chăm cùng tham gia.
Có thể nói, lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer Nam Bộ là sự kết hợp hài hòa giữa tín ngưỡng tôn giáo, các giá trị truyền thống và tinh thần cộng đồng vô cùng đặc sắc. Một lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá Khmer, thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa con người, thiên nhiên và xã hội, tạo nên nét đẹp riêng biệt trong bức tranh văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Nam Long
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...