Cựu binh Pháp tham chiến tại Điện Biên Phủ nghĩ gì sau 65 năm?
VNTN - Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi ôm máy xách túi đi đến các vùng của xứ sở Gaulois để tìm gặp những cựu binh Pháp đã từng tham chiến tại Đông Dương và Điện Biên Phủ, đã chứng kiến giờ phút cuối cùng của trận chiến khi nhận lệnh ngừng bắn và buông súng.
Kỳ 1 : Cựu binh Jacques Allaire: « Chúng tôi đã chẳng thể làm gì được »
Trong khuôn khổ bài viết này tôi chưa dám và không phán xét ai đúng ai sai, bởi họ là những người lính, quân lệnh luôn được đặt lên hàng đầu, tôi cũng không bình về các chiến thuật chiến lược dẫn đến sự bại trận của quân đội Pháp. Với tôi, cho dù là các sỹ quan binh lính Pháp hay bộ đội Việt Minh đã tham gia trận chiến Điện Biên Phủ thì đều đã trở thành những con người của lịch sử, bởi họ đã tham dự vào một trang sử trọng đại của không riêng Việt Nam mà là của toàn thế giới, chấn động năm châu, khắc sâu dấu ấn của thế kỷ 20. |
Tôi đã chuẩn bị cho đợt gặp gỡ các cựu chiến binh Pháp tham chiến tại Điện Biên Phủ từ nhiều tháng trước. Thật không dễ dàng, nhưng tôi tin tưởng câu « thành tâm thì thành toại ». Nhờ sự giúp đỡ và qua các mối quan hệ cá nhân, tôi đã tìm được địa chỉ của họ. Các chiến binh trẻ xưa kia nay đã thành các cụ già trên dưới 90 tuổi, ở khắp các vùng nước Pháp. Có người vui vẻ chấp nhận tiếp tôi, một số người khác thì không muốn, một số khác thì đồng ý nói chuyện với tôi với điều kiện tôi sẽ chỉ viết về họ khi họ đã qua đời. Đương nhiên là tôi tôn trọng họ. Cũng do các cựu chiến binh tuổi đã cao nên chúng tôi đã phải sắp xếp thời gian cho phù hợp với sức khỏe của các vị ấy. Khá gian nan !
Tôi đến thành phố Tours để gặp ông Jacques Allaire. Hồi đó ông là Trung úy, chỉ huy một phân đội ở tiểu đoàn 6 lính dù của Quân đội Thuộc địa, hồi dưới sự chỉ huy trực tiếp của đại tá Bigeard. Ông hồi hưu với quân hàm Đại tá, hiện sống cùng phu nhân tại một khu sang trọng quay ra sông Loire. Tours cách Paris gần 300Km. Đây là một thành phố đẹp, yên tĩnh với nhiều biệt thự duyên dáng cổ kính, mái lợp đá xanh đã trở nên thâm trầm theo thời gian, dòng sông Loire êm đềm chảy chia thành phố thành đôi nửa. Mùa này thành phố bạt ngạt hoa và các thảm cỏ xanh mướt. Đại tá Allaire cùng phu nhân đã tiếp tôi rất nồng hậu, chính vợ chồng ông đã khiến tôi bước đầu thoải mái trong cuộc trò chuyện mà theo tôi không mấy dễ dàng này.
«Tôi đến Việt Nam ba lần trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương, đã nhảy dù hai lần xuống điện biên phủ, lần đầu tiên vào tháng Giêng năm 1953 và quay lại vào tháng 11/53… » Ông bắt đầu kể cho tôi nghe. Là lính dù, ông đã đi khắp nơi trên bán đảo Đông dương và sau khi Việt Minh tấn công vào tháng 3 năm 54, ông cùng đơn vị đến Điện Biên Phủ lần thứ 2 để chuẩn bị cho chiến dịch. « Chúng tôi đã nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 13 tháng 3, chiến trường đã thất trận vào tháng 5 năm 1954… » « Nếu phải tìm những thời khắc khó khăn và đau đớn nhất hồi đó thì sẽ có rất nhiều. Chúng tôi đã chiến đấu dữ dội từ ngày 13 tháng 3 đến 7/5. Chúng tôi đã phải chịu đựng sức ép của các binh đoàn Việt Minh, chúng tôi đã luôn tự hỏi liệu có ngày trở về không?»
Cứ như thế, tôi đã kiên nhẫn và ông đã kể cho tôi nghe suốt chuỗi ngày diễn ra trận chiến, diễn biến trận đấu và về đám quân của ông…
Khi nghe ông kể về những khó khăn thiếu thốn của binh lính Pháp, tôi luôn đặt câu hỏi «Phía Pháp đã vậy, phía bộ đội Việt Minh chắc còn khủng khiếp hơn nhiều…».
«Tôi đã chiến đấu bảo vệ một cụm cứ điểm, thậm chí là nhiều, như Eliane, Béatrice, Anne-Marie trên nhiều quả đồi », nhưng ông chốt ở vị trí hơi đặc biệt, tức chỉ huy các súng cối của tiểu đoàn, họ có sáu cỗ thế nên, luôn rất gần đối phương, «…khi tình hình trở nên khẩn trương, người ta gọi tôi điện qua điện đàm đề nghị giúp đỡ các đồng đội khác, bởi nhiệm vụ của tôi là nã súng cối trong khi các đồng đội chiến đấu dưới các giao thông hào, đánh giáp lá cà với địch.»
Ông cho biết bộ đội Việt Minh thường tấn công vào buổi tối, vì « khi tối đến, tấn công mà không bị phát hiện. Thế nên chúng tôi chiến đấu ban ngày, nhưng tối cũng chiến đấu, và thi thoảng cả buổi đêm. » Theo ông, bất kỳ giây phút nào cũng khó khăn và ác liệt. Dẫu binh lính Pháp chiến đấu trong các trong giao thông hào nhưng không có mái che. Giao thông hào sâu chừng 1,5m, nhưng họ không tránh được pháo của Việt Minh mà chỉ được bảo vệ nhờ súng liên thanh hoặc súng trường, « ở trong giao thông hào nhưng thi thoảng chúng tôi phải nhoài ra ngoài để bắn địch. Vị chỉ huy của tôi, trung úy Bourgeois đã bị hy sinh vì nhận một viên đạn vào giữa trán khi ông ấy thò đầu ra để quan sát tình hình đối phương. Trong trận chiến phòng thủ, ta tin rằng được bảo vệ, nhưng ta hoàn toàn không tránh được địch, bởi khi ấy địch ở ngay trước mặt và cố gắng tìm cách để tiêu diệt chúng tôi.»
Ông nói, trong binh lính Pháp cũng có rất nhiều người dũng cảm. Trong suốt cuộc nói chuyện ông thi thoảng nhắc tôi rằng ông là người sống sót qua cuộc chiến nhưng không có nghĩa ông là chiến binh giỏi nhất, rằng có nhiều người dũng cảm hơn ông nhưng họ đã chẳng bao giờ trở về. Những phút như vậy, ông ngồi lặng đi rất lâu, như đang chìm vào cõi mông lung xa xưa, điểm lại những khuôn mặt đồng đội. Tôi thoáng thấy đôi giọt nước mắt rịn ra trong khóe mắt già nua của ông… « tôi chẳng có gì xứng đáng hơn họ ngoài việc tôi còn đang sống.» - ông thốt ra với tôi sau mỗi lúc như vậy.
Khi tôi hỏi ông đánh giá thế nào về bộ đội Việt Minh, ông cho biết : « Họ rất rất dũng cảm, năng động và được chỉ huy rất tốt. Họ chiến đấu vì một mục đích cụ thể, và đó là nền độc lập, tự do. Họ không muốn có thực dân hoặc quân đội thực dân nữa. Khi ta có một mục đích cụ thể như thế, thì chắc chắn ta có một động cơ lớn hơn những người chỉ có mặt ở đây vì phải tham trận. Chúng tôi không tham chiến để giữ nền độc lập của nước Pháp mà chỉ để giữ lại Đông Dương, đã trở thành thuộc địa Pháp từ thế kỷ 19… »
Theo ông, trong chiến dịch ấy của Pháp, quân đội được gửi đến Đông Dương đã không được huấn luyện một cách đặc biệt để đối diện với một đối phương đặc biệt. Tướng Leclerc đã chiến đấu chống quân Đức ở khắp nơi, nhưng khi đến Đông Dương vị tướng tài ba này đã hiểu rằng sẽ rất khó khăn khi gặp phải một kẻ địch mà họ chiến đấu vì nền độc lập của chính họ. « Tôi phải thừa nhận rằng ý chí của những địch thủ trước mặt chúng tôi trong trận đấu đúng là không thể định lượng được… »
Tôi hỏi ông Allaire theo ông đâu là nguyên nhân chính dẫn đến Điện Biên Phủ thất thủ, ông cho rằng nguyên nhân thì nhiều rất nhiều, nước Pháp vừa phải chịu thống khổ dưới sự cai trị của Đức Quốc xã trong suốt bốn năm của cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ II, đã phải chịu nhục nên họ không quan tâm đến Đông Dương nữa, nhiều người cho rằng cuộc chiến tranh Đông Dương là một chiến tranh thừa. Thậm chí vị tướng tài Mỹ MacArthur khi đó đang đóng quân tại Nhật bản đã cảnh báo tướng Leclerc cho dừng cuộc chiến «Các ông sẽ thất bại thôi, trừ phi các ông phái đến hàng triệu binh lính… »
Hơn nữa, theo ông Allaire các chiến binh chiến đấu giỏi khi họ có những vị chỉ huy giỏi, giá trị của đơn vị chiến đấu chính là giá trị của các vị chỉ huy : « Trong vòng chín năm, tôi có ba kỳ công tác tại Đông Dương, tôi đã chứng kiến những đổi thay của Việt Minh. Năm 1945, họ chỉ là một lượng quân du kích ít ỏi, chừng vài đơn vị, và dần dần họ đã lập thành một Quân đội của Tướng Giáp, và Tướng Giáp là một vị chỉ huy tài ba và sáng suốt, ông ấy đã tạo dựng một lực lượng vô địch khiến chúng tôi đã chẳng thể làm gì được ». Rồi ông nói thêm : «Nói như thế không có nghĩa là phía chúng tôi không có những binh lính và sỹ quan dũng cảm, chỉ có điều chúng tôi không có ý chí chính trị và chiến lược cho phép chúng tôi thắng trận. Một cuộc chiến chống lại ý chí muốn rũ bỏ sự thuộc địa mà thắng được ư ? Không nên mơ như thế !» - ông kết luận.
Tôi hỏi ông về thời khắc xúc động nhất trong trận chiến : « Đó là lúc tôi thấy tất cả đã sắp kết thúc. Tôi đã tự hỏi có nên chiến đấu đến cùng ? Khi ấy tôi nhìn đám quân của tôi, đều rất trẻ, chỉ mười tám đến hai hai tuổi. Tôi phải tìm ra giải pháp để họ được sống. Tôi phái một chiến sỹ đi tìm Đại tá Bigeard và hắn đã đem về cho tôi một quân lệnh bằng văn bản vào lúc 17h thì 17h30, Điện Biên Phủ thất thủ ». Ông đưa cho tôi xem một lá thư được ông ép giấy bóng kính cẩn thận, trên đó chỉ vẻn vẹn mấy chữ : «Allaire thân mến, lệnh ngừng chiến sẽ phát ra vào lúc 17h30. Đừng nã súng nữa. Nhưng không có cờ trắng. Hẹn lát nữa gặp » ! Bruno (đã ký). «Khi ấy im lặng bao trùm lên tất cả, đó là sự im lặng của nhà táng », ông nói thêm.
« Tôi đã giữ tờ giấy này trong người, dù đi bộ suốt hai tháng rưỡi, dưới trời mưa. Khi bị bắt, quân Việt Minh đã lục soát và lấy đi của tôi tất cả, nhưng họ đã không tìm thấy nó, bởi tôi đã vê lại rất nhỏ và nhét vào một cái ống ni lông bé xíu và giấu sâu dưới đáy túi. »
« Trong vòng chín năm, tôi có ba kỳ công tác tại Đông Dương, tôi đã chứng kiến những đổi thay của Việt Minh. Năm 1945, họ chỉ là một lượng quân du kích ít ỏi, chừng vài đơn vị, và dần dần họ đã lập thành một Quân đội của Tướng Giáp, và Tướng Giáp là một vị chỉ huy tài ba và sáng suốt, ông ấy đã tạo dựng một lực lượng vô địch khiến chúng tôi đã chẳng thể làm gì được ». (Cựu binh Jacques Allaire) |
Ông Allaire là một trong số những cựu binh đã tháp tùng Thủ tướng Pháp Philippe Edouard trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11 năm 2018. Ông đã rất xúc động thăm lại chiến trường xưa, «dẫu hiện giờ chẳng còn mấy bóng dáng của ngày ấy nữa ». Ông hạnh phúc được gặp lại một đất nước Việt Nam mà ông đã vô cùng yêu mến. « Tôi thấy đây là một đất nước đang tiếp tục phát triển và nhân dân vẫn hết sức tinh thông giỏi giang và dũng cảm. Với tôi, Việt Nam là một quốc gia còn có một giá trị khác, tôi không dám phán xét. Tôi không phải là nhà hợp tác làm việc với họ, tôi là người tự do, tôi đã từng tham chiến, nhưng tôi tự nhủ Việt Nam cứ ngày một tiến lên, tôi mong muốn nước Pháp cũng làm được như họ.»
Theo ông, Đông Dương đã từng là một xứ sở tuyệt vời, và Việt Nam ngày nay vẫn tiếp tục như thế. « Nói như vậy có nghĩa là Đông Dương đã là một đất nước đã có sự bình đẳng nào đó với chúng tôi về mặt Văn hóa. Xứ sở này chưa từng là hoang dã, mà đã rất văn minh và họ vẫn cứ như thế, với một nền cổ học tinh hoa tương ứng với nền cổ học của Hy Lạp hoặc La Mã mà chúng tôi đã được biết. » Rồi sau một hồi trầm ngâm, ông nói thêm «Với tôi, cô biết không, tôi có thể sống ở Việt Nam vì tôi đã rất thấu hiểu dân tộc này, họ dũng cảm, thông minh, tươi cười, giàu có trong văn hóa, giàu có trong triết lý sống. »
Tất cả các cựu binh Pháp đã từng tham chiến tại Đông Dương và Điện Biên Phủ mà tôi may mắn được gặp đều mang trong mình một tình yêu bất biến đối với Việt Nam. Tôi được biết tại Pháp có một Hội Cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Hội này sở hữu một lọ đất được lấy từ đồi Eliane2, nơi đã diễn ra trận đấu ác liệt nhất. Lọ đất này chỉ được mở ra khi một trong những thành viên của Hội đi xa, họ sẽ rắc một chút lên nấm mộ của người quá cố. Như vậy Đông Dương - Việt Nam sẽ đi theo các chiến binh vào giác ngủ ngàn thu. Nhưng đây sẽ là chủ đề cho một bài viết khác.
Trong khi đang ngồi viết những dòng này, tôi nhận được cú điện thoại của ông Allaire. Ông hỏi tôi những ngày này ở Việt Nam thế nào, còn ông dù sao cũng có đôi chút bâng khuâng. Ông luôn mong tôi có dịp ghé qua thành Tours và « Nhà tôi sẽ luôn mở rộng cửa đón cô !» Tôi cũng mong có dịp gặp lại ông.
Paris 03/05/2019
Hiệu Constant (bài và ảnh)
Kỳ 2: Cựu chiến binh William Schilaroi: « Trận chiến Điện Biên Phủ đã tái sinh tôi »
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...