Thứ ba, ngày 28 tháng 01 năm 2025
09:50 (GMT +7)

Cuốn tuyển truyện ngắn đầu tiên của Hội

Khoảng vài tháng trước khi Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Thái tổ chức đại hội lần thứ nhất, để quảng bá rộng rãi thanh thế của Hội, Ban Thường vụ lâm thời có ý nguyện giới thiệu một số cây bút văn xuôi của tỉnh với cả nước. Nghị quyết của Ban Thường vụ là sẽ làm một cuốn tuyển truyện ngắn Bắc Thái, chọn lọc từ các cây bút tiêu biểu - những hội viên sáng lập của Hội. Mục đích hướng tới là cuốn sách phải được phát hành rộng rãi trên toàn quốc. Là nói vậy, nhưng cũng chưa ai có thể hình dung được sẽ làm cách nào để đạt được mục đích ấy. Tôi được giao tổ chức tuyển chọn và biên tập chính cuốn sách. Đây là một công việc rất khó khăn. Vào những năm đầu của thập kỷ 80, thế kỷ trước, nhiều nhà văn tiếng tăm như Lê Minh, Xuân Cang, Trịnh Thanh Sơn, Chu Hồng Hải đã lần lượt rời khỏi Bắc Thái về công tác ở trung ương hoặc các tỉnh khác nên số cây bút hiện tại trong tỉnh có phần hơi mỏng, chưa có nhiều tiếng nói trên văn đàn cả nước. Các nhà văn như Nông Minh Châu, Vi Hồng, Nông Viết Toại là các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã có không ít tác phẩm được in ấn, xuất bản, đoạt giải ở các tờ báo lớn thì không mấy khó khăn, còn lại hầu hết là những cây bút mới, có người “mới toanh”, chỉ có một, hai truyện ngắn đăng trên các báo, tạp chí. Mà yêu cầu của cuốn sách lại cần có chất lượng thực sự. Vì vậy, phải đãi cát tìm vàng.

Sau hơn một tháng, tôi đã tập hợp được khá nhiều truyện ngắn của 9 tác giả (muốn đủ 10 cho tròn trịa nhưng không thể kiếm thêm) gồm các tác giả gạo cội bên cạnh những tác giả trẻ. Trẻ nhất lúc ấy là Đào Nguyên Hải, 28 tuổi. Anh mới có 2 truyện ngắn được đăng nhưng cả hai đều đoạt giải trong các cuộc thi. Truyện ngắn “Vật kỷ niệm bình thường” được tuyển trong sách từng đoạt Giải Ba trong một cuộc thi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hoặc Nguyễn Minh Sơn cũng là một tác giả đang nổi trong những năm tháng ấy. Có ba tác giả trong cuốn sách không thể không nhắc tới, đó là Hoàng Minh Tường với truyện ngắn “Chúng tôi có ba người”, Nguyễn Đức Thiện với truyện ngắn “Một sự hoàn chỉnh” và Võ Nhu với truyện ngắn “Anh ấy tôi có biết”.

Nói cần nhắc tới là bởi sau này các anh đều trở thành những nhà văn và những nhà phê bình nổi tiếng trên toàn quốc. Hoàng Minh Tường từng đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn với tiểu thuyết “Thủy hỏa đạo tặc” năm 2007, Tặng thưởng văn học Thời kỳ đổi mới 1985 - 2010 cho cho bộ tiểu thuyết “Gia phả của đất” năm 2011; Nguyễn Đức Thiện Giải Nhất, Nhì ở nhiều cuộc thi của Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội; còn Võ Nhu (sau lấy lại tên thật là Vũ Nho) trở thành PGS - TS, là một nhà phê bình có uy tín.

Khoảng 2 tháng sau thì cuốn sách ra đời, số lượng in 5000 bản. So với bây giờ là một số lượng in “khủng”. Với ngày ấy, có thể coi đó là cuốn sách đẹp, hiện đại. Chịu trách nhiệm xuất bản: Ma Trường Nguyên, Chủ tịch Hội VHNT Bắc Thái lâm thời, biên tập Hồ Thủy Giang. Bìa sách phải cầu kỳ nhờ tới họa sĩ Đỗ Đức ở Hà Nội thiết kế. Khắc gỗ là tay dao đầy kinh nghiệm và tài hoa Khắc Thiện, sửa morat là Nguyễn Minh Hằng, phu nhân của Khắc Thiện. Cuốn sách ra đời như một “chiến công” của Hội. Nhưng đấy là nói về xuất bản. Khi bàn đến chuyện phát hành thì vẻ mặt ai cũng phảng phất lo âu, cau có. Nhiều cuộc họp của Ban Thường vụ, nhiều ý kiến hiến kế nhưng vẫn hoàn toàn vô vọng. Phát hành trong tỉnh chỉ được vài trăm cuốn. Gần 5000 bản sách vẫn đắp chiếu trong kho. Thực ra, không phải lo lắng về chuyện tài chính, vì cuốn sách đã được nguồn kinh phí bao cấp của nhà nước. Cái lo là làm sao sách đến được với bạn đọc (ngày ấy ít có chuyện tặng sách tràn lan như bây giờ), nhất đây lại là tác phẩm có tính quảng bá cho Hội VHNT Bắc Thái non trẻ.

Tôi là Ủy viên Thường vụ thường trực, lại là người tổ chức tuyển chọn, biên tập chính cuốn sách nên nỗi lo còn lớn hơn nhiều người khác. Nhiều ngày cầm cuốn sách chỉ hơn trăm trang mà cảm thấy nặng trĩu. Tôi đã đọc đi đọc lại tất cả các truyện ngắn trong cuốn sách và so sánh với các tác phẩm đang được lưu hành trên toàn quốc lúc bấy giờ xem nặng nhẹ, thấp cao ra sao. Cuối cùng tôi quyết định cử cán bộ đến làm việc thẳng với bộ phận phát hành của Tổng công ty Phát hành sách Việt Nam. Hồi ấy, đây là một việc làm “động trời”. Sách từ Tổng công ty Phát hành sách những năm tháng ấy toàn là của các nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam và nước ngoài. Một cuốn sách mỏng với các tác giả chưa chút tiếng tăm ở một tỉnh lẻ như Bắc Thái làm sao có hy vọng lọt vào tầm mắt của họ. Quả y như rằng. Cô cán bộ Hội trở về với vẻ mặt buồn thiu, báo cáo: Ông phụ trách phát hành của công ty nhìn sơ qua cuốn sách rồi khủng khỉnh: “Sách này, tác giả này, có trừ phí tới 40% chúng tôi cũng chịu”. Thế là hết cách. Chẳng lẽ “đầu ra” của cuốn tuyển chỉ là Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ hay sao? Lúc ấy, run rủi thế nào tôi lại máy mồm hỏi: “Ông cán bộ phát hành tên là gì?”. “Là Nguyễn Tiến Lộc. Người cao lớn, nghiêm nghị, khụng khiệng lắm anh ạ”.

Trong tôi bỗng lóe sáng. Trời! Nguyễn Tiến Lộc thì tôi có quen. Trước là cán bộ của Nhà Xuất bản Việt Bắc, đóng ở Thái Nguyên. Tôi đã nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện, cũng có cảm tình với nhau đôi chút. Tôi vội đề nghị cô cán bộ Hội một lần nữa trở lại Tổng công ty Phát hành sách Việt Nam cùng với lá thư tay của tôi. Trong thư, tôi đã gợi lại tất cả những kỷ niệm xưa cũ và đặc biệt là nhấn mạnh vào tình cảm của anh Nguyễn Tiến Lộc với các bạn hữu ở Bắc Thái, nơi anh đã từng có nhiều năm công tác… Hôm sau, cô cán bộ Hội quay về với một kết quả… kinh hoàng: Công ty đã nhận mua 4500 bản và phát hành phí chỉ đúng 26% theo quy định lúc bấy giờ. Chủ tịch Ma Trường Nguyên sướng mê tơi, lên UBND tỉnh mượn chiếc xe u - oát chở tất cả số sách trong kho về Hà Nội. Mấy năm sau, tôi có gặp lại anh Nguyễn Tiến Lộc và trở thành trợ thủ đắc lực cho anh trong công việc phát hành sách toàn quốc, trong đó có nhiều tác giả Bắc Thái. Các nhà văn Vi Hồng, Ma Trường Nguyên, Ngọc Thị Kẹo, Nguyễn Cao Thâm… người ít, người nhiều, cũng nhờ anh Nguyễn Tiến Lộc mà tác phẩm được đến tay bạn đọc xa gần trên toàn quốc.

Cho đến ngày hôm nay, các tác giả ở Bắc Thái, rồi Thái Nguyên, có nhiều người đã xuất bản đến hàng chục cuốn sách, nhưng nhớ về cuốn tuyển truyện ngắn đầu tiên mỏng mảnh, đơn sơ vẫn cảm thấy bồi hồi cảm động. Có thể nói nó giống như một cánh thuyền nan đầu tiên chở tác phẩm của các nhà văn xứ Thái ra sông, ra biển trong thuở ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ. Đúng là ở đời, có những chuyện, tuy rất nhỏ nhoi, nhưng ta không được phép quên.

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chiếc nón Tày của Nông Phúc Tước

Giai thoại văn nghệ 4 tuần trước

Ký ức về một truyện ngắn

Giai thoại văn nghệ 2 tháng trước

"Đội bóng" đặc biệt

Giai thoại văn nghệ 9 tháng trước

Thơ nhại Văn nghệ sĩ Thái Nguyên

Xem tin nổi bật 1 năm trước

Một trận bóng đáng nhớ

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước