Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
00:19 (GMT +7)

Cuốn sách của những tấm lòng đồng đội

Cách đây hơn một năm, cơ quan Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thái Nguyên bất ngờ được đón tiếp hai vị khách “lạ” ghé thăm. Đó là ông Nguyễn Xuân Khoát - Chủ tịch và ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn -  Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên. Hai ông bày tỏ mong muốn mời Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên phối hợp làm một cuốn sách về Trường Sơn để hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024). 

Cuốn sách của những tấm lòng đồng đội

Các cán bộ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh hiểu đây là việc làm nhiều ý nghĩa, nhằm góp phần ghi lại khí phách anh hùng, tinh thần chiến đấu dũng cảm, chiến công tuyệt vời, nghĩa tình đồng đội cao đẹp, tình quân dân, tình đoàn kết quốc tế của những người lính Trường Sơn, trong đó có những người con quê hương Thái Nguyên. Việc xuất bản cuốn sách còn là tâm nguyện của các đồng chí lãnh đạo Hội Truyền thống Trường Sơn -  Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên, rằng những cống hiến và hy sinh của đồng đội mình sẽ được lưu giữ lại để cho các thế hệ con cháu mai sau không lãng quên sự cống hiến và hy sinh của ông cha.

Nhà thơ Hữu Thỉnh từng viết: Không có sách chúng tôi làm ra sách/chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình. Sau một năm nỗ lực về mọi mặt, cuốn sách “Lính Trường Sơn là thế” đã làm được điều đó: ghi lại một phần cuộc đời những người lính Trường Sơn Thái Nguyên.

Cuốn sách là tập hợp của những bài viết, sáng tác văn chương, bài tổng hợp tư liệu... của nhiều tác giả đang sinh sống tại Thái Nguyên. Đặc biệt đáng quý là các bài viết do chính hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn -  Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên thực hiện, số này chiếm phần lớn cuốn sách. Những chiến sĩ năm xưa đã từng sống, chiến đấu, gắn bó máu thịt với Trường Sơn góp vào cuốn sách những ký ức, những dòng tâm sự, sẻ chia kỷ niệm chiến trường, tình đồng chí đồng đội, kỷ niệm của người còn sống với những đồng đội đã nằm lại trên những nẻo đường Trường Sơn. Người viết nhiều nhất là ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hội. Ông là người tận tụy, đồng hành với chúng tôi trên từng trang viết, với nỗ lực “viết thật nhiều để không bỏ sót những cống hiến, hi sinh của đồng đội mình”.

Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cử các nhà báo, nhà văn của mình thực hiện nhiều chuyến gặp gỡ nhân chứng, thu thập tư liệu, viết bài. Nhà báo Kim Ngân, nhà văn Minh Hằng là hai cây bút nhiệt tình nhất. Ở “hậu trường”, nhà báo Nguyễn Thị Thu Huyền là người trực tiếp tổ chức bản thảo cuốn sách. Các bài có chất lượng tốt được Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên đăng tải.

Từ những câu chuyện, kỷ niệm mỗi cá nhân, chúng ta gặp ở đó một đội ngũ trùng điệp các thế hệ, suốt từ khi lực lượng được thành lập (năm 1959) cho đến ngày hôm nay. Có trong tập sách này những bước chân đầu tiên trên dải Trường Sơn, những trận đánh đầu tiên, những tuyến đường đặc biệt khai thông mặt trận, khai thông tuyến tiếp viện, các lực lượng cấu thành như công binh, xăng dầu,  vận tải, pháo binh, thông tin, giao liên…, những vị chỉ huy sư đoàn, trung đoàn nổi tiếng bên cạnh những người lính binh nhất binh nhì, hạ sĩ quan rất đỗi giản dị và thầm lặng; từ những kỷ niệm riêng tư đến những tư liệu tổng hợp và đồ sộ về Trường Sơn, những cái Nhất đáng nhớ của Trường Sơn.

Các cựu binh Trường Sơn không quên dành tình cảm yêu kính và thương nhớ với một người chỉ huy, đồng thời là nhân vật lịch sử đặc biệt: Đại tá Nguyễn Đức Phương - nguyên Trưởng ban Liên lạc Cựu chiến binh Trường Sơn, tiền thân của Hội Truyền thống Trường Sơn -  Đường Hồ Chí Minh. Ông được cấp trên giao đảm trách sứ mệnh một nhà buôn lớn trên đất Campuchia, móc nối với các nhà tư sản Hoa kiều, Campuchia và chính quyền Lon Non, rồi bí mật thiết lập những đường dây đặc biệt để cung cấp gạo, xăng dầu, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cùng nhiều hàng hóa thiết yếu khác phục vụ quân đội ta. Được biết, Hội Truyền thống Trường Sơn -  Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đang đề nghị Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho ông (Đại tá Nguyễn Đức Phương mất năm 2002).

Từ 36 bài viết, bài thơ được chọn, cuốn sách hội tụ những tình cảm đẹp đẽ và đáng trân trọng về đất nước, niềm tin sắt son với Đảng, Bác Hồ, sự trung thành với chế độ, niềm tự hào về các đơn vị, lực lượng trong đội ngũ Trường Sơn, về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, những thông điệp ấm áp về tấm lòng đồng chí, đồng đội dành cho nhau, về tình yêu con người, tình yêu cuộc sống. 

Cuốn sách cũng phản ánh những hình ảnh của Hội Truyền thống Trường Sơn -  đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên hôm nay với 1.500 hội viên - tương đương một trung đoàn, bên cạnh việc gắng gỏi xây dựng đội hình đội ngũ để tồn tại trong hoàn cảnh mới, tự chủ tự lập và ngày càng phát triển thì cũng hết sức chú trọng và tâm huyết với việc tri ân đồng đội, giúp nhau vượt lên gian khó để sống vui, sống khoẻ, sống hữu ích trong đời thường.

Hơi tiếc là trong quá trình xuất bản có những tên người, địa danh, mốc thời gian chưa được chuẩn xác. Các tác giả, các nhân chứng ở tuổi “xưa nay hiếm”, ký ức không còn vẹn nguyên nên có lúc không tránh khỏi nhầm lẫn. Những sai sót này sẽ được sửa chữa trong bản sách điện tử, đăng tải và lưu trữ tại Thư viện của Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử trong thời gian gần nhất.

Chúng tôi cũng thấy, dù những người tham gia làm sách đã rất cố gắng nhưng cuốn sách mới chỉ phản ánh được một phần rất nhỏ cuộc sống chiến đấu và cống hiến vô cùng vẻ vang của bộ đội Trường Sơn Thái Nguyên. Còn rất nhiều câu chuyện cần được kể hôm nay, cho mai sau. Bởi Trường Sơn là một pho sử vĩ đại của dân tộc không bao giờ kết thúc, và cuộc đời mỗi người lính Trường Sơn là một câu chuyện bằng xương máu và thanh xuân làm nên pho sử đó. 

Nếu Trường Sơn là một bản hùng ca bất diệt thì mỗi người lính Trường Sơn trên quê hương chè, an vui dưới mỗi nếp nhà hay vẫn còn nằm lại ở đại ngàn trập trùng xa xôi là một nốt nhạc mãi còn ngân lên trong sáng và đẹp đẽ giữa cuộc đời này. 

Và vì thế, cuốn sách “Lính Trường Sơn là thế” được coi là tập mở đầu. Hội Truyền thống Trường Sơn -  Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên sẽ cùng với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tiếp tục có những cuốn sách về Trường Sơn, như tinh thần cuộc vận động sáng tác “Chiến sĩ Trường Sơn anh hùng năm xưa và trong cuộc sống hôm nay" của Hội Truyền thống Trường Sơn -  đường Hồ Chí Minh Việt Nam.

Xin được trích một đoạn trong một bài ghi chép “Trường Sơn thuở ấy ...” của tác giả Lê Đình thay cho lời kết:

“Rời trận tuyến, người về với ruộng đồng, người tiếp tục chặng đường binh nghiệp, người chuyển ngành, cuộc sống của họ bình dị và thanh sạch. Họ vẫn giữ tác phong nhanh nhẹn, sự hào hoa, hồn hậu. Trường Sơn đã như “lửa thử vàng”, hun đúc nên cốt cách để những người lính dù ở mặt trận nào cũng sống đẹp, sống vẹn tròn mọi lẽ với cuộc đời mình. Tuổi trẻ của họ là hành trình của tình yêu đất nước, của niềm tin chiến thắng. 

Trường Sơn vẫn luôn ở đây, rất gần trong nhịp đập trái tim mỗi người!”.

Xin kính chúc những nhịp đập trong mỗi trái tim các chiến sĩ Trường Sơn năm xưa luôn khỏe khoắn, hào hùng, ấm áp, và tiếp tục tỏa sáng những ngọn lửa nhiệt thành, thiện lành cho cuộc sống hôm nay mỗi ngày thêm tươi đẹp hơn.

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

VĂN NGHỆ TUỔI HOA SỐ 21

Văn nghệ Tuổi hoa 18 giờ trước

Đặc sắc múa dân gian của người Cao Lan

Cuộc sống quanh ta 1 ngày trước

Từ triền núi cao hai mùa na kết trái

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Loay hoay xế chiều

Câu chuyện văn hóa 2 ngày trước

Đêm huyền minh

Văn xuôi 2 ngày trước