Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
06:45 (GMT +7)

Cuối đường gặp một dòng sông

Đêm. Những bước chân của Thảo từ tầng hai vọng xuống làm Trọng tỉnh giấc trằn trọc trên chiếc giường rộng thênh thang.

Cách đây hơn sáu năm, Thảo chia tay bố con anh sang Đài Loan làm ăn. Bốn tháng trước, Thảo gọi điện cho anh: em về Việt Nam rồi, đang ở sân bay Đà Nẵng, em chưa biết về đâu nên sẽ về nhà ở tạm một thời gian rồi sẽ tính tiếp. Anh không phiền chứ? Sau những năm tháng một mình trong căn nhà vắng lặng, sau tất cả những gì mà Trọng đã phải trải qua, cuộc điện thoại của Thảo không còn làm Trọng bất ngờ nữa. Giờ, anh muốn giữ cho lòng mình phẳng lặng, dù chỉ là sự phẳng lặng của mặt sông ẩn sóng ngầm dưới đáy…

Cuối đường gặp một dòng sông
Minh họa: Lê Quang Thái

Tiếng động trên phòng Thảo lắng xuống, đêm im lặng mông lung. Trọng xoay người nhắm mắt rũ bỏ những suy nghĩ tràn đến lúc nửa đêm. Chợt điện thoại để đầu giường rung lên nhấp nháy, anh mở tin nhắn: “Em ốm. Anh có vào viện với em được không?". Là tin nhắn của Hạnh, cô gái anh vừa làm quen khoảng mươi lăm ngày trước trong một Group trên mạng. Qua những lần chuyện trò trên điện thoại, anh biết Hạnh đang làm ở một công ty lắp ráp linh kiện điện tử Hàn Quốc, giờ giấc hết sức nghiêm ngặt, gò bó, hai người chưa gặp mặt nhau bao giờ, tình cảm cũng chưa có gì sâu nặng. Thế nhưng vào lúc nửa đêm này, dòng tin ngắn gọn, gấp gáp của Hạnh khiến Trọng có cảm giác như một lời cầu cứu. Nó khơi dậy trong đầu anh những lo lắng, hồi hộp và cả chút tò mò…

***

Bệnh viện Đa khoa quốc tế của tỉnh.

Tám giờ sáng, Trọng có mặt tại phòng bệnh của Hạnh. Anh đưa mắt nhìn xung quanh tìm kiếm. Những khuôn mặt với biểu cảm tùy thuộc diễn biến nặng, nhẹ của bệnh nhân, tiếng nói chuyện to nhỏ, thầm thì phát ra từ các giường bệnh. Góc cuối phòng có ánh mắt đang nhìn anh. Trọng bước tới, theo linh tính mách bảo đó là Hạnh. Một chút sốt ruột lo lắng không át được cái cảm giác tò mò, hồi hộp của lần đầu gặp mặt người trên mạng. Anh nhìn cô: Khuôn mặt nhỏ nhắn xinh xắn, nước da trắng xanh lộ ra ở cổ tay gầy gò đang cắm kim truyền nước. Bộ quần áo bệnh nhân rộng thùng thình vẫn căng lên tròn trĩnh ở phần ngực. Hạnh cũng nhìn Trọng bằng đôi mắt mệt mỏi. Một thoáng cùng ghi nhận hình ảnh của nhau qua nhanh, Hạnh chào anh bằng ánh mắt rồi nhắm hờ lại...

Đang chăm chú nhìn Hạnh, Trọng giật mình ngẩng lên, một cô gái dáng người hơi thô bước tới. Cô cúi nhặt điện thoại và mấy thứ đồ bỏ vào túi xách rồi áp tay vào má Hạnh âu yếm: "Huyền đi làm nhé, tối Huyền lại vào". Không chào Trọng, cô gái bước nhanh về phía cửa, Trọng chỉ kịp nhận thấy ánh mắt sắc dưới đôi lông mày hơi rậm của cô liếc nhanh qua anh. 

- Bạn làm cùng chuyền với em ở công ty - Hạnh nói.

Trọng gật đầu, anh kéo chiếc ghế nhựa sát vào giường bệnh rồi ngồi xuống.

- Ca đêm hôm qua, em chóng mặt buồn nôn, xây xẩm mặt mũi, mấy đứa cùng chuyền gọi xe cấp cứu đưa vào đây. - Hạnh nói.

- Bác sĩ bảo em bị sao?

- Bác sĩ bảo em bị tụt huyết áp, suy nhược cơ thể, có lẽ do áp lực về công việc và thời gian. Tuần này công ty đang chạy sản lượng nên bọn em làm tăng ca, thêm giờ nhiều quá. Em thấy rất mệt, người em cứ như đang chìm xuống vậy. - Cô nói ngắt quãng, mắt lại nhắm nghiền rồi thiếp đi.

Trọng vốn chỉ định đến thăm cô một lúc rồi về. Trước lúc vào đây, anh hình dung bên cạnh cô đang có người nhà ở đó chăm sóc. Nhưng bây giờ ngoài anh, chỉ mình cô nằm thiêm thiếp với chai nước truyền thì anh bắt đầu cảm thấy khó nghĩ. Ai trong đời mà chẳng có một vài lần rơi vào cái "thế chẳng đừng”. Giường bệnh bên cạnh, bà cô tầm tuổi năm mươi nhìn sang bâng quơ: “Ốm đau có vợ có chồng chăm sóc là sướng nhất!”…

Cả buổi sáng, Hạnh nằm mê mệt, thỉnh thoảng cô mở mắt nhìn anh như định nói điều gì rồi lại thôi. Đến trưa, vẫn không thấy có ai đến, anh xuống căng tin mua cháo về đỡ cô ngồi dậy. Nghiễm nhiên Trọng trở thành người chăm sóc duy nhất bất đắc dĩ, lạ một điều là anh không hề cảm thấy sốt ruột khi ở bên cô!

Sáu giờ chiều, anh đỡ Hạnh dậy ăn một chút cơm. Cô có vẻ tỉnh táo hơn, khẽ nói với anh:

- Anh về nhà đi, em cũng đỡ hơn rồi - Cô ngập ngừng - Cảm ơn anh đã ở bên em...

Anh nhìn cô với vẻ băn khoăn:

- Em ở một mình được chứ?

- Vâng, chắc khoảng tám giờ Huyền sẽ đến.

- Ngày mai thì sao?. Trọng hỏi.

Hạnh cúi mặt xuống như muốn khóc. Mối quan hệ hiện tại của hai người chưa đến mức để cô có thể hỏi ngày mai anh có đến được với em không? Nợ ân tình khó trả! Cô nhìn anh với ánh mắt ướt bất lực:

- Em không biết... Chắc mai em đỡ hơn rồi.

Trọng nhìn cô xanh xao yếu ớt:

- Sáng mai, anh sẽ vào với em.

Mặt Hạnh thoáng nét rạng rỡ, cô nhìn lên chai nước truyền treo đầu giường: - Em muốn… đi vệ sinh.

Trọng gỡ chai nước ra khỏi móc treo đầu giường, thận trọng dìu cô từng bước. Anh đứng quay mặt ra hướng khác để cô tự nhiên. Khoảng cách xa lạ giữa hai người vừa mới lần đầu gặp mặt được rút ngắn, ngắn bằng đoạn dây truyền từ tay anh đến mũi kim nơi cổ tay cô.

***

Ngày thứ ba, Trọng trở lại bệnh viện. Bước vào phòng, anh thấy Hạnh ngồi dựa lưng vào thành giường, Huyền đang cài nốt cái khuy áo trên ngực cô. Ánh mắt, cử chỉ của Huyền toát lên sự âu yếm. Vén mấy sợi tóc đang rủ xuống bên má Hạnh, Huyền bẹo nhẹ vào má Hạnh: “Huyền về nhé, tối Huyền lại đến!”. Quay người bước ra, Huyền chạm phải Trọng, ánh mắt sầm xuống, không chào Trọng, cô né qua anh đi thẳng ra ngoài.

Buổi chiều, Hạnh đã có thể cùng anh đi dạo chầm chậm ngoài khuôn viên bệnh viện. Cô kéo anh ngồi xuống chiếc ghế đá dưới gốc cây:

- Từ mai… Em có thể lo cho mình được rồi. Anh không phải đến chăm em nữa… Lời cảm ơn của em sẽ là khách sáo so với những gì anh đã làm cho em - Cô nắm chặt bàn tay anh - Nhưng hãy nhận lời cảm ơn của em nhé, bởi vì em chỉ có thể làm được như vậy.

Trọng nhìn cô, anh hiểu, lời cảm ơn sớm nhiều khi đồng nghĩa với sự khước từ.  giọng anh trầm xuống:

- Em sẽ ổn chứ?

Ánh mắt Hạnh chợt lộ vẻ dằn vặt. Cô quay mặt đi chỗ khác, giọng nghèn nghẹn:

- Em có một bí mật… Hẹn gặp lại anh khi ra viện, nếu có thể, em sẽ nói cho anh nghe.

Cô đứng dậy, ánh mắt thăm thẳm:

- Đưa em về phòng nhé, em thấy mệt.

Trọng miễn cưỡng đứng dậy, trong đầu anh bỗng xuất hiện những dấu hỏi. Khoảng thời gian qua, trong những câu chuyện của anh với Hạnh, lúc xa, lúc gần, thậm chí gần đến mức như cảm thấy được hơi thở của nhau, nhưng lại có những lúc cả hai đột ngột dừng lại, buông những dấu chấm lửng để lấp đầy câu chuyện cuộc đời mình. Trọng khẽ thở dài cùng những suy nghĩ mông lung. Thì chẳng phải cuộc đời mình cũng đầy những dấu chấm lửng đó sao!

***                                                            

Ngày Thảo, vợ Trọng từ sân bay Đà Nẵng trở về nhà, cô gật đầu lặng lẽ chào anh rồi kéo chiếc va li qua trước mặt Trọng để lên căn phòng cũ của cô trên tầng hai, đầu cô hơi cúi xuống, đôi vai mỏng manh so lại, dáng đi của thất bại. Trọng ngồi im lặng trong phòng khách ngập ngụa khói thuốc lá…

Qua vài tuần buồn chán, hết quay ra lại quay vào trong căn nhà ngột ngạt, Thảo xin vào làm trong một công ty nước ngoài. Thất bại của những năm tháng đi làm ăn nơi xứ người ám ảnh, đè nặng lên tâm trí cô. Thảo đi về như một cái bóng, như muốn tránh mặt Trọng. Áo chống nắng thùng thình, khẩu trang gần kín mặt chỉ còn hở đôi mắt vô hồn, những bước chân mệt mỏi, lầm lũi lên cầu thang như những dấu chấm lửng xói vào ngực Trọng. Tầng hai ngôi nhà là nơi Thảo chìm mình mê mệt trong những giấc ngủ sau giờ làm việc. Cô ít khi về nhà, ngoài giờ làm việc chính, cô điên cuồng nhận việc tăng ca, thêm giờ, làm thêm cả thứ bảy, chủ nhật, làm để không phải quay về gian phòng trống trải, làm như để chạy đua vô vọng với số thời gian, tiền bạc bị đời lừa lọc sau sáu năm tha phương ở nước người…

Cuối đường gặp một dòng sông
Minh họa: Lê Quang Thái

Cuộc sống trong ngôi nhà này từ ngày Thảo trở về chất chứa sự im lặng ngột ngạt như gió tạm ngưng trước bão. Cả hai người đều chưa biết sẽ phải làm gì để cuộc sống quay trở về quỹ đạo cũ. Có nhiều khi thấy mình bất lực, Trọng trông chờ một cú huých từ bên ngoài để phá vỡ cái không khí căng thẳng đặc sệt trong ngôi nhà, để anh hoặc Thảo bật ra những câu kết thúc, dù là kết thúc theo hướng nào đi chăng nữa.

***

Mấy ngày sau Hạnh ra viện. Cô nhắn anh lên đón cô về nhà. Ngôi nhà nhỏ của Hạnh ở một làng quê xa thành phố, nơi con đường vào làng Kè hun hút chạy qua những ruộng lúa, bãi ngô, đi hết con đường sẽ gặp một dòng sông, nhà cô ở cuối làng bên bờ sông ấy. Trong ngôi nhà nhỏ có một bà mẹ ít nói, ngoài câu cảm ơn chân chất thật lòng thì chỉ kín đáo nhìn Trọng… Bữa cơm tối như để cảm ơn Trọng đã xong. Cô nói với anh:

- Mình ra bờ sông nhé.

Họ ngồi sát vào nhau nhìn xuống mặt sông tối sẫm. Phía sau lưng là ruộng lúa, bãi ngô trải dài mướt mát, hương đêm đồng bãi thấm sâu trong lồng ngực hai người.

- Bí mật của em là gì? - Trọng hỏi.

Hạnh chưa trả lời ngay, cô nhìn theo ánh đèn thuyền câu le lói đang tròng trành dưới sông:

- Trả lời em thật lòng câu này đã. Tình cảm anh dành cho em có phải là tình yêu không?

Trọng thấy hơi bất ngờ trước câu hỏi thẳng thắn của Hạnh nhưng anh cũng bộc bạch:

- Anh cũng đang tự hỏi mình câu hỏi đó.

- Vì sao vậy?

- Vì anh cũng có một bí mật.

Hạnh bật cười thoải mái:

- Vậy là hòa nhé.  Nhưng vì em còn nợ anh những ngày ở viện nên em sẽ hé một nửa bí mật cho anh biết.

Trọng nhìn cô chờ đợi. Chợt Hạnh nhấn từng chữ:

- Em - có - hai - trái tim!”.

- Ồ! - Trọng vờ tròn mắt hùa theo - Nó đập cùng một lúc chứ?

- Không, nó thay nhau đập.

- Em phát hiện ra từ bao giờ vậy?

- Từ lúc em bắt đầu lớn. Nhưng chỉ có một trái đập thôi, còn trái tim kia ngủ nhiều nên nó rất yếu ớt - Cô chợt hạ giọng xuống - Thế rồi từ lúc gặp anh, em thấy trái tim kia thức giấc….

Trọng kéo cô sát vào phía mình:

- Em kể chuyện giỏi thật! Anh đang tin dần vào câu chuyện của em đấy.

Hạnh ghé sát tai anh thầm thì nhưng không phải là giọng đùa cợt:

- Em đang nói thật đấy - Hơi thở cô nóng rực vành tai Trọng - Vấn đề là trái tim thứ hai của em đang ngái ngủ… em muốn thử đánh thức nó….

Gió sông ẩm ướt, hương lúa ôm đòng, ngô non tháng tám ngậm sữa, nồng ngái mùi đất bãi ven sông. Môi cô chạm vào môi anh mềm ấm. Thu đẫm trong hơi thở hai người… Chợt cô rùng mình vuột khỏi trong vòng tay anh: "Không được… Sao em không làm được!". Mắt cô loáng ướt. Sợ hãi. Bất lực. Anh nhìn cô sững sờ… Dưới sông, thuyền câu le lói ánh đèn vỗ mái chèo bì bõm, mặt sông vỡ ra loang loáng ánh trăng.

***

Sau ngày trải qua “biến động” với Hạnh bên bờ sông, Trọng lại trở về với ngôi nhà của mình, quay về với “bí mật” mà anh không còn dịp để kể với Hạnh.

Cả ngày hôm nay, Trọng thấy xe máy của Thảo để ngoài sân. Cô không đi làm? Đến trưa, Trọng thấy nóng ruột, cảm giác trong lòng bất an. Anh bước vội lên phòng của Thảo. Căn phòng trống không? Có tiếng nước chảy phía phòng vệ sinh, Trọng bước nhanh tới đó nhìn vào, Thảo đang trong nhà tắm dùng chiếc khăn lau cơ thể gầy gò của mình. Mắt Trọng dừng lại trên tấm lưng gầy guộc xanh xao của cô, hai chiếc xương bả vai lồi lên trên cái lưng mỏng dính… Ngực anh hẫng hụt! Đã bao lâu rồi hai người không trò chuyện với nhau? Đã bao ngày rồi anh chỉ nhìn thấy cô thoáng qua trong lớp áo chống nắng thùng thình và khẩu trang che kín mặt? Anh vẫn cứ nghĩ sau lớp áo quần ấy là cơ thể hồng hào khỏe mạnh đầy sức quyến rũ của cô như sáu năm về trước. Vẫn cứ nghĩ cô đang có rất nhiều tiền sau chuyến đi làm ăn xa, vẫn nghĩ rằng cô sẵn sàng rời bỏ bố con anh, rời bỏ ngôi nhà này bất cứ lúc nào. Anh đã luôn trong tâm thế ấy. Và anh đã chấp nhận điều ấy cách đây sáu năm rồi.

Nhưng vào giờ phút này, không cần biết sáu năm trôi qua ai đã sống với ai như thế nào. Mọi việc xảy ra đều có căn nguyên của nó. Trong lòng anh trào lên cảm giác xót xa. Anh bước vội vào, lấy chiếc khăn tắm trùm lên cái cơ thể yếu ớt không còn sức sống của cô:

- Em làm sao thế này?

- Em... Em thấy… mệt quá - giọng Thảo hụt hơi đứt quãng - Em đang lau qua người để sang viện khám.

Trọng đỡ vội lấy người Thảo, ôm chặt tấm thân nhẹ bẫng gầy guộc:

- Để anh đưa em đi.

Khoa Cấp cứu 7 giờ tối đông kín bệnh nhân. Mùi thuốc, mùi cồn, mùi tổng hợp nồng nặc. Tiếng tút tút, ánh đèn báo đỏ lập lòe phát ra từ những máy móc thiết bị y tế. Tiếng rên của bệnh nhân, tiếng người nói to nhỏ xầm xì... Thảo được đưa vào đây với mô tả trong bệnh án: Suy tim, loạn mạch, nhịp tim dao động 140 – 160, cường tuyến giáp kéo theo một loạt những thay đổi bất thường trong cơ thể. Hậu quả của những ca đêm, thêm giờ triền miên dẫn đến thay đổi giờ giấc sinh học. Thuê một chiếc ghế gấp, Trọng kê sát vào giường Thảo. Phải trông chừng Thảo đêm nay thật nghiêm ngặt, với nhịp tim nhanh và loạn như vậy thì không ai biết trước được điều gì.

Hai giờ sáng. Những bước chân gấp gáp đưa một bệnh nhân mới vào cấp cứu sát ngay ghế gấp của Trọng. Anh mệt mỏi mở mắt nhìn sang, mấy nhân viên y tế xúm vào lắp máy thở, thay nhau hô hấp, kích điện tim. Đèn báo trên thiết bị vẫn tút tút, nhấp nháy đỏ loè... Thất bại! Những tiếng nức nở của người nhà bật ra… Nhân viên y tế lặng lẽ gỡ máy móc, dây rợ ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Bốn góc tấm ga màu trắng kéo lại gói gọn một kiếp người!

Trọng quay sang Thảo:

- Em nhắm mắt vào, thở đều đi, đời người vô thường quá.

Mắt Thảo giàn giụa nước, cô hỏi Trọng bằng cái giọng cố làm ra vẻ rắn rỏi:

- Bác sĩ nói tình trạng bệnh của em cho anh nghe rồi chứ?

Trọng khẽ gật đầu.

- Anh biết em bị lừa mất hết tiền của rồi chứ?

Trọng khẽ gật.

- Em… em… Cô òa lên trong tủi thân cay đắng chất ngất - Em mất tất cả rồi sao anh còn chưa đi? - nước mắt cô chảy tràn mặt gối.

Trọng không trả lời, anh nắm bàn tay xanh xao yếu ớt và nhìn sâu vào mắt cô. Một lát sau, Thảo như thiếp đi trong sự mệt mỏi rã rời.

Nắng sớm tràn vào phòng cấp cứu làm Trọng mở mắt. Anh nhìn sang phía Thảo đang nhắm mắt thở đều. Với tay lấy chiếc điện thoại, Trọng bật nguồn, một dãy những cuộc gọi nhỡ của Hạnh. Trọng bấm gọi, những tiếng tút ngắn vang lên, màn hình hiện lên dòng chữ "cuộc gọi bị chặn". Anh mở phần tin nhắn của Hạnh: “Hôm qua Huyền đưa em đi khám lại ở bệnh viện, em đã nhìn thấy anh ở phòng cấp cứu. Đó là “bí mật” của anh phải không? Vậy là mình hòa nhé…”.

***

 “Vậy là mình hòa nhé!”. Câu này Hạnh rất hay phải dùng từ khi cô bắt đầu lớn. Dùng để dung hòa với các chàng trai khi họ bắt đầu thích cô. Mà Hạnh thì luôn gặp phải những trường hợp ấy, bởi cô sở hữu một khuôn mặt xinh đẹp đầy nữ tính với mái tóc mẹ bắt để dài từ hồi bé. Những khi ấy, cô luôn tìm ra một lỗi, một sơ hở nào đó của họ và nói “mình hòa nhé” để có lí do rời xa thứ tình cảm mà họ đang hy vọng. Cô không muốn mắc nợ ai.

Chỉ có một người để Hạnh không phải dùng đến câu nói ấy. Đó là Huyền.

Một buổi chiều Huyền đèo Hạnh về nhà cô. Trên con đường hun hút xuyên qua những ruộng lúa bãi ngô vào làng Kè, Huyền hỏi: “Cuối con đường này sẽ đi về đâu?”. Hạnh chợt bật cười vì nghĩ đến Trọng. Vậy mà cô đã xa cách anh một năm rồi. Khi đưa cô về đến đoạn đường này, Trọng cũng ngơ ngác hỏi đúng cái câu mà Huyền hỏi cô. Lúc đó cô đã trả lời Trọng, cuối con đường này sẽ gặp một dòng sông. Nhưng giờ cô nghĩ khác, làm gì có cuối con đường, sao mọi người cứ muốn đi đến cuối con đường nhỉ? Sao cứ muốn kết thúc, cứ muốn đến đích? Nghĩ vậy, cô trả lời Huyền: “Hết con đường này sẽ gặp một con đường khác chạy dọc theo bờ sông. Huyền có muốn ra bờ sông bây giờ không?”.

 Sông mở ra trước mặt họ mênh mông khi con đường kết thúc. Mặt sông phẳng lặng giấu kín cuộc sống của vạn vật dưới lòng sông đầy sóng ngầm đá sỏi. Tự nhiên Hạnh ao ước cuộc sống dưới mặt sông kia, nơi nước sẽ che kín tất cả những điều bí mật… Cô kéo Huyền tới sát bờ sông soi mình xuống đó:

- Nhìn này, anh cắt tóc cua rất hợp với khuôn mặt. Rất là đẹp trai đấy, anh biết không?

Truyện ngắn. Trần Giáp

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy