Thứ sáu, ngày 03 tháng 01 năm 2025
06:46 (GMT +7)

Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều 2018 – “quá tam ba bận”

VNTN - Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã bước qua đường phân định ranh giới hai miền để tham dự cuộc gặp với người đồng cấp là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3, song là lần đầu tiên, kể từ năm 1953, một nhà lãnh đạo Triều Tiên sang Hàn Quốc. Sự kiện này được coi là "sự đột phá", một dấu ấn mang tính lịch sử trong quan hệ hai miền Nam - Bắc Triều Tiên; thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua, song nhiều người hy vọng sẽ có những chuyển biến tích cực về tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới.


Vào lúc 7h30 (giờ Hà Nội), ngày 27/4/2018 tại Tòa nhà Hòa bình bên bờ nam Khu vực An ninh chung (JSA) thuộc Khu phi quân sự (DMZ) Bàn Môn Điếm đã diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Đây là lần thứ 3 hai bên có các cuộc gặp lẫn nhau. Hai cuộc gặp lần trước đều diễn ra tại Bình Nhưỡng: Lần thứ 1 giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung năm 2000; lần thứ 2 giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il và Tổng thống Hàn Quốc Roh Mu-hyun năm 2007.

Kết quả cuộc gặp

Ngoài một số nội dung mang tính biểu tượng như Triều Tiên đồng ý hợp nhất múi giờ với Hàn Quốc; thực hiện nghi thức trồng cây gần đường ranh giới chia cắt hai miền Triều Tiên tại khu phi quân sự..., cuộc gặp giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã diễn ra trong gần 2 giờ đồng hồ. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận 3 nội dung: Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; cải thiện quan hệ song phương và tìm kiếm giải pháp tiến tới hòa bình chính thức. Kết thúc cuộc gặp, hai bên đã ra tuyên bố chung mang tên “Tuyên bố Bàn Môn Điếm về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên”, khẳng định các cam kết của hai bên hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tạo dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy hợp tác giữa hai miền.

Hai bên đồng ý cùng: 1) Thành lập văn phòng liên lạc chung tại Khai Thành để bảo đảm giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực dân sự; 2) Tổ chức họp mặt các gia đình ly tán vào Ngày Giải phóng (15/8/2018); 3) Tận dụng, kết nối và hiện đại hóa tuyến đường sắt Donghae, Gyeongui cùng các tuyến đường sắt khác; 4) Chấm dứt hoàn toàn tất cả các hành vi thù địch trên đất liền, trên biển và trên không. Cùng nhau hợp tác để cải tạo Khu phi quân sự (DMZ) thành khu vực hòa bình đúng nghĩa; 5) Đưa vùng biển Đường giới hạn phía Bắc (NLL) trở thành vùng biển hòa bình, hạn chế tai nạn do đụng độ quân sự và bảo đảm an toàn cho hoạt động đánh bắt thủy hải sản; 6) Thường xuyên tổ chức đối thoại quân sự, bao gồm đối thoại giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng và đối thoại cấp tướng vào tháng 5 tới; 7) Tái khẳng định cam kết không xâm lược và cùng nhau giám sát quy định này; 8) Hợp tác để giảm trừ vũ trang, giảm thang căng thẳng và xây dựng lòng tin lẫn nhau; 9) Chủ động thúc đẩy đối thoại ba bên, trong đó có hai miền Triều Tiên và Mỹ, hoặc đối thoại bốn bên, bao gồm hai miền Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc, để chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên, thay thế hiệp định đình chiến bằng hiệp ước hòa bình và mở ra một chế độ hòa bình, bền vững và ổn định; 10) Tái khẳng định mục tiêu chung trong việc giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Hàn Quốc nắm tay nhau vượt qua đường biên giới hai nước.            Nguồn: Reuters

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý: 1) Thường xuyên đối thoại chân thành về các vấn đề quan trọng liên quan đến người dân bán đảo Triều Tiên, củng cố niềm tin thông qua các cuộc gặp thượng đỉnh và điện đàm trực tiếp; 2) Nỗ lực chung để phát triển mối quan hệ liên Triều, hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo.

Phản ứng của dư luận Hàn Quốc và thế giới

Tại Hàn Quốc, trước sự kiện cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều diễn ra, có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Những người lạc quan hy vọng kết quả cuộc gặp và những tiến bộ ngoại giao gần đây sẽ mở ra triển vọng tốt đẹp về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Những người này phản đối ý kiến cho rằng "hội nghị liên Triều là một động thái gian dối và là ý đồ riêng của Triều Tiên" và ủng hộ thống nhất hai miền để tạo ra một nền kinh tế hùng mạnh với gần 100 triệu dân. Theo họ, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều là kết quả của nỗ lực ngoại giao liên tục của hai miền trên bán đảo Triều Tiên và là tiền đề cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 năm nay.

Các đảng phái chính trị tại Hàn Quốc cũng tỏ thái độ hoan nghênh cuộc gặp, đồng thời hy vọng hai bên sẽ có các bước đi cụ thể tiếp theo hướng tới hòa bình và phi hạt nhân hóa. Người phát ngôn của Đảng Dân chủ cầm quyền hy vọng hai bên có thể đạt được kết quả quan trọng tại cuộc gặp, giúp đem lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Các đảng đối lập tại Hàn Quốc cũng bày tỏ lạc quan và kêu gọi Tổng thống Moon Jae-in nỗ lực để đạt được những thỏa thuận cụ thể với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Trong khi đó, những người bi quan tỏ thái độ không tin tưởng vào kết quả cuộc gặp và cho rằng "Tổng thống Hàn Quốc đã bị xỏ mũi". Thậm chí, họ còn khẳng định Triều Tiên "kẻ nói dối trắng trợn nhất thế giới". Một số người, nhất là tầng lớp thanh niên tỏ thái độ thờ ơ với kết quả cuộc gặp. Họ tỏ ra không quan tâm, thậm chí còn bày tỏ lo ngại về gánh nặng kinh tế mà Hàn Quốc sẽ phải gánh chịu và sự cạnh tranh lao động giá rẻ của Triều Tiên sau khi thống nhất hai miền. Kết quả khảo sát do Viện Thống nhất Hàn Quốc (KINU) thực hiện gần đây cho thấy, hơn 70% thanh niên trong độ tuổi 20 được hỏi phản đối thống nhất hai miền.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và cho rằng, đây là cơ sở quan trọng để thực hiện phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Báo chí Trung Quốc những ngày qua đã đưa đậm thông tin về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và cho rằng, tình hình bán đảo Triều Tiên gần đây có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, với vấn đề phi hạt nhân hóa thì cần phải kiên trì và bình tĩnh. Các bên cần có thái độ đúng đắn phù hợp với tình hình thực tế, không nên đặt quá nhiều hy vọng giải quyết vấn đề ngay lập tức mà cần có các biện pháp thiết thực để dần dần từng bước giải quyết vấn đề.

Ngay sau khi hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc bắt đầu cuộc gặp lịch sử vào sáng 27/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ hy vọng hai bên sẽ đối thoại nghiêm túc, thẳng thắn, mang lại hòa bình và thịnh vượng cho bán đảo Triều Tiên. Mỹ sẽ tiếp tục thảo luận với Hàn Quốc nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tổng thống Donald Trump hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, nhưng nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt với Triều Tiên "cho đến khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa". Mỹ hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thông báo Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hoan nghênh kết quả của hội nghị thượng đỉnh liên Triều cũng như cam kết của hai nhà lãnh đạo nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho rằng, Nhật Bản hy vọng hội nghị thượng đỉnh liên Triều sẽ dẫn đến những tiến bộ rõ ràng về vấn đề tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên và cách giải quyết vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản thời kỳ chiến tranh lạnh.

Nga bày tỏ sự ủng hộ và ca ngợi kết quả hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là rất tích cực. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga hoan nghênh cuộc gặp lịch sử giữa các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên và đánh giá cao kết quả cuộc gặp. Tổng thống Nga V. Putin từ lâu đã ủng hộ các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai miền Triều Tiên và nhấn mạnh, việc giải quyết ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên chỉ có thể dựa trên việc đối thoại trực tiếp giữa các bên.

Thay cho việc chỉ trích các vụ thử hạt nhân và chương trình tên lửa đường đạn của Triều Tiên như đã làm trong những năm trước, tại Hội nghị cấp cao ASEAN tổ chức tại Xingapo ngày 28/4/2018, các nhà lãnh đạo ASEAN đã bày tỏ hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Một số dự báo

Trong thời gian tới, Triều Tiên sẽ tập trung mọi nỗ lực cho một cuộc cải cách toàn diện, nhất là tập trung cho phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo mô hình Trung Quốc. Công nghiệp, nông nghiệp, khoa học, công nghệ… là những lĩnh vực Triều Tiên sẽ tập trung phát triển mạnh. Đây là một xu hướng không thể đảo ngược đối với công cuộc cải cách của Triều Tiên, nhất là sau chuyến thăm Trung Quốc, từ ngày 25-28/3/2018, của ông Kim Jong-un, với những ấn tượng phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và bài học rút ra về việc cần đẩy mạnh phát triển giáo dục, khoa học, công nghệ để xây dựng nền kinh tế hiện đại. Vấn đề đặt ra là xu hướng này diễn ra nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều trong thời gian tới. Đây cũng là một trong những lý do Triều Tiên bãi bỏ những "điều kiện tiên quyết" đối với đàm phán Mỹ - Triều mà Triều Tiên nêu ra trước đây.

Về khả năng hợp tác giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc kỳ vọng sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3, hoạt động sản xuất của các nhà máy liên doanh giữa hai miền ở Khai Thành sẽ được khôi phục. Các nhà máy này được xây dựng từ năm 2004, được coi là biểu tượng quan trọng trong hợp tác kinh tế của hai miền Triều Tiên với nguồn vốn và công nghệ từ Hàn Quốc và nguồn lao động giá rẻ của Triều Tiên. Tuy nhiên, từ tháng 2.2016, Hàn Quốc đã đình chỉ các hoạt động sản xuất tại đây sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa lần thứ 4. Một số nhà phân tích dự báo, hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên trong thời gian tới có thể có những phát triển mới, song không thể vượt qua những quy định trong nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Liên hợp quốc.

Về quan hệ với Mỹ, trong cuộc gặp ông Kim Jong-un có hứa với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng, "Triều Tiên sẽ hủy bỏ chương trình hạt nhân nếu Mỹ đồng ý kết thúc chiến tranh Triều Tiên và cam kết không xâm lược Triều Tiên", tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về lời hứa này. Về tính khả thi của cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ, một số nhà phân tích cho rằng, vì hai bên vẫn còn nhiều khác biệt, nên nếu cuộc gặp diễn ra thì kết quả cũng không khác gì nhiều so với kết quả cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4/2018. Ông Kim Jong-un có thể sẽ không cam kết gì nhiều hơn những gì ông đã tuyên bố ngày 21/4 về ngừng thử hạt nhân và tên lửa. Nếu cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên không thành công thì kết quả đạt được của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều có thể trở nên vô nghĩa.

Đối với quan hệ Nhật - Triều, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề xuất làm trung gian cho một cuộc đối thoại giữa Nhật Bản và Triều Tiên, sau khi Nhật Bản và Triều Tiên bày tỏ thiện chí cải thiện quan hệ song phương. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Moon Jae-in cho biết đã truyền đạt mong muốn của Nhật Bản bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã bày tỏ sẵn sàng đối thoại với nhà lãnh đạo Nhật Bản...

Vũ Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Cột đá Trajan - kiệt tác điêu khắc La Mã

Nhìn ra thế giới 2 tháng trước

Tiếng trống trong văn hóa bản địa Mỹ

Nhìn ra thế giới 6 tháng trước

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước