Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
17:27 (GMT +7)

Cuộc chiến chống tội phạm ma túy ở Philippines – nhiều câu hỏi chưa có lời giải

VNTN - Sau khi nhậm chức ngày 30/6/2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã phát động một chiến dịch trấn áp tội phạm quyết liệt nhất từ trước tới nay ở Philippines, nơi được coi là "một trong những thiên đường của ma túy". Theo đó, Tổng thống Philippines cho phép cảnh sát, quân đội, thậm chí là dân quân, nổ súng bắn chết các đối tượng tình nghi sử dụng hoặc buôn bán ma túy. Theo số liệu từ cơ quan cảnh sát quốc gia Philippines, từ ngày 1/7-5/9, đã có 1.027 người tình nghi buôn bán, sử dụng ma túy đã bị giết trong các chiến dịch truy quét. Hơn 15.000 người bị bắt và khoảng 686.000 người đã "tình nguyện đầu thú"...

Chiều 25/7/2016, Tổng thống Duterte đã trình bày thông điệp nhà nước đầu tiên trước Quốc hội. Trước bài phát biểu, Văn phòng Tổng thống đã dẫn số liệu từ Cảnh sát quốc gia Philippines cho thấy, tỉ lệ tội phạm đã giảm 13% kể từ khi ông Duterte đắc cử tổng thống. Trong bài phát biểu, Tổng thống Duterte một lần nữa tuyên bố sẽ không ngừng cuộc chiến chống tội phạm ma túy và tội phạm tham nhũng, đồng thời cũng cảnh báo sẽ trừng trị các quan chức, nhân viên nhà nước nếu lợi dụng cuộc chiến chống ma túy để trục lợi cá nhân, bao che cho tội phạm.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte  (Nguồn: Internet)

 Vậy, vì sao Tổng thống Duterte tiến hành chiến dịch truy quyét tội phạm ma túy?

Tình hình tội phạm ma túy ở Philippines hiện nay rất nghiêm trọng.

Cộng hòa Philippines là một quốc gia quần đảo với khoảng 7.107 đảo, phía Bắc giáp biển Đài Loan, phía Nam ngăn cách với Malaixia bởi biển Sulu và Celebes, phía Đông là Thái Bình Dương, phía Tây ngăn cách với Việt Nam bởi Biển Đông (cách Việt Nam khoảng 1.500 km). Diện tích: 300.000 km2; dân số khoảng 100 triệu người (2015); có 3 nhóm dân tộc chính: Cơ đốc giáo chiếm 3/4 dân số, các dân tộc miền núi khoảng 5%, người Moro theo Hồi giáo khoảng 5% và ngoại kiều khoảng 2%. Đặc điểm tự nhiên và xã hội của Philippines có ảnh hưởng lớn đến tình hình tội phạm ma túy cũng như cuộc chiến chống ma túy ở quốc đảo này. Theo thống kê, khoảng 3% dân số Philippines, tương đương khoảng 3,3 triệu dân đang nghiện ma túy; 1/5 trong số các ngôi làng ở Philippines có các vụ án liên quan ma túy. Tại thủ đô Manila, 92% xã, phường có các vụ án liên quan tới ma túy.

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm buôn bán, sử dụng ma túy ở Philippines diễn biến rất phức tạp. Ba loại ma tuý chính đang chiếm lĩnh thị trường ma tuý bất hợp pháp ở Philippines là methamphetamine, cần sa và thuốc lắc MDMA (hợp chất 3,4-methylendioxymethamphetamine). Mặc dù Philippines đã có nhiều nỗ lực giải quyết tình trạng phức tạp về ma tuý với sự tham gia quyết liệt của các cơ quan thực thi pháp luật trong nước, phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài, song tình hình buôn bán và sử dụng trái phép chất ma túy ở Philippines vẫn không giảm, thậm chí có xu hướng tăng, đe dọa nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội và cuộc sống của người dân. Vấn đề nghiêm trọng nhất mà Philippines đang phải đối mặt là nạn buôn bán, sử dụng methamphetamine (một loại ma tuý đá) sản xuất trong nước, còn có tên gọi khác là “shabu”. Trên khắp cả nước, từ những người nghèo khổ đến tầng lớp trung lưu, ai cũng lo lắng về tệ nạn ma túy. Cùng với buôn bán, sử dụng ma túy là các tệ nạn xã hội như lừa đảo, trộm cắp, giết người, mại dâm, băng nhóm tội phạm... gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc...

Đây chính là lí do khiến Tổng thống Duterte quyết tâm truy quét tội phạm ma túy đến cùng. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Duterte đã phát động chiến dịch chống tội phạm với mục tiêu là quét sạch tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma tuý, trong vòng 3-6 tháng. Tổng thống Duterte cũng không ngại đụng chạm đến cả các quan chức Philippines. Trong danh sách các nghi phạm liên quan đến tội phạm ma túy có 160 người thuộc cơ quan chính quyền các cấp, trong đó có 7 thẩm phán, 3 nghị sỹ và 5 sĩ quan cảnh sát cấp tướng, 95 sĩ quan quân đội và cảnh sát đương chức hoặc đã nghỉ hưu bị nghi liên quan đến buôn ma túy...

Thực hiện lời hứa khi tranh cử Tổng thống.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Duterte đã đưa ra chương trình hoạt động trong nhiệm kỳ Tổng thống, trong đó nhấn mạnh sự kiên quyết, không khoan nhượng trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy. Phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia, ông cũng không ngần ngại tuyên bố sẽ ủng hộ lực lượng cảnh sát và người dân loại bỏ những kẻ tội phạm ra khỏi đời sống xã hội.

Khi còn là Thị trưởng thành phố Davao, ông Duterte đã nổi tiếng với chính sách “bàn tay sắt", sẵn sàng dùng mọi biện pháp cần thiết để trấn áp tội phạm, kể cả cho phép cảnh sát và những nhóm “hiệp sĩ đường phố” (Biệt đội tử thần) (Davo Death Squad), bắn chết các nghi phạm nếu bị chống cự. Sự kiên quyết của ông đã giúp giảm mạnh tỉ lệ tội phạm tại Davao, biến thành phố này từ một "Thành phố chết chóc" thành một trong những thành phố thanh bình nhất Đông Nam Á. Quyết tâm tiêu diệt tội phạm của Duterte được một bộ phận lớn nhân dân ủng hộ, song cũng gây nhiều tranh cãi về nhân quyền và pháp quyền. Khi được bầu làm Tổng thống, cuộc chiến chống tội phạm của ông được mở rộng trên quy mô toàn quốc và mức độ khốc liệt cũng gia tăng nhiều lần so với thời kỳ ông là Thị trưởng Davao. Để đẩy mạnh cuộc chiến chống tội phạm, Tổng thống đã đề nghị Quốc hội tăng thêm ngân sách. Theo đó, ngân sách chính phủ Philippines năm 2017 sẽ là 3.350 tỉ peso (72,3 tỉ USD), tăng 11,6% so với năm 2016. Ngân sách dành cho lực lượng cảnh sát sẽ tăng 24,6% lên mức 110,4 tỉ peso, để tuyển dụng thêm nhân viên, tăng lương và mua sắm thêm phương tiện, trang bị. Ngân sách dành cho cho bộ máy tư pháp sẽ tăng 21,5%; ngân sách quốc phòng dự kiến tăng 15% lên 130,6 tỉ peso...

Những câu hỏi chưa có lời giải

Mặc dù cuộc chiến chống tội phạm của Philippines đã phát huy tác dụng khi hàng chục nghìn người buôn bán và sử dụng ma túy đã ra đầu thú, nhưng mặt trái của cuộc chiến này cũng dần dần bộc lộ.

Tổng thống bị cáo buộc vi phạm luật pháp

Hiện nay, phe phản đối Tổng thống đang tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ, nhất là tiến hành điều tra, thu thập thông tin liên quan đến những người bị bắn chết trong các chiến dịch truy quét tội phạm để làm bằng chứng tố cáo Tổng thống "vi phạm pháp luật" khi ra lệnh bắn chết người mà không qua xét xử. Thậm chí, Bà Leila De Lima, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp và nhân quyền Thượng viện Philippines còn cáo buộc chiến dịch chống tội phạm ma túy hiện nay “đang bị lạm dụng để hợp pháp hóa hành động giết người”. Bà còn khẳng định có dấu hiệu cho thấy nhiều nhân viên thực thi pháp luật giết người vì những lý do khác, song lại gán cho nạn nhân có liên quan đến ma túy.

Bà Cookie Diokno, Tổng Thư ký tổ chức phi chính phủ "Free Legal Assistance" đã mô tả cuộc truy quét tội phạm ma túy của Tổng thống Duterte là “khủng khiếp và vô cùng ám ảnh”. Theo bà, chưa bao giờ ở Philippines lại có số lượng người chết nhiều đến như vậy và có nhiều dấu hiệu cho thấy người dân đang trở nên sợ hãi và phẫn nộ. Đặc biệt, do thường xuyên phải tiếp xúc với cảnh rượt đuổi, bắn giết hàng ngày, một số nhân viên thực thi pháp luật tỏ ra chán nản, không tin vào hệ thống pháp luật. Họ đã chứng kiến những nạn nhân bị giết chủ yếu là dân nghèo, thậm chí nhiều người bị giết nhưng không có bất kỳ mối liên hệ nào với hoạt động buôn bán ma túy!

Các băng đảng ma túy lợi dụng cuộc chiến chống tội phạm của chính phủ để thanh toán lẫn nhau, gây rối loạn xã hội

Hiện nay, trong xã hội Philippines có hàng trăm băng đảng tội phạm, chủ yếu liên quan đến ma túy; thậm chí có một số băng đảng liên quan đến các tổ chức khủng bố. Trong những năm qua, việc thanh trừng của các băng nhóm ở Philippines diễn ra như cơm bữa nhằm dằn mặt lẫn nhau hoặc khẳng định vị thế của các băng đảng. Theo thống kê, mỗi ngày ở Philippines có hàng chục người chết do thanh toán lẫn nhau nhân cơ hội chính phủ tiến hành chiến dịch truy quét tội phạm. Song dư luận và người dân lại hiểu rằng những người này do cảnh sát tiêu diệt. Một bộ phận nhân dân có thể ủng hộ việc làm này, song một bộ phận nhân dân khác lại cho rằng, cảnh sát đã giết người vô tội. Chính vì thế, trong những ngày vừa qua, tại Thủ đô Manila và một số thành phố đã xuất hiện các cuộc biểu tình tuần hành với biểu ngữ bày tỏ sự lo ngại khả năng cảnh sát bắn nhầm người vô tội trong các đợt truy quét tội phạm ma túy. Không khí bao trùm trong xã hội Philippines trong những ngày vừa qua rất căng thẳng; nhiều người dân không dám đi ra ngoài vào buổi tối do lo ngại không an toàn.

Sự phản ứng của các tổ chức quốc tế

Ngoài dư luận và phản ứng trong nước, chiến dịch truy quét tội phạm ma tuý của Tổng thống Duterte còn chịu sự chỉ trích của các nhóm nhân quyền, Mỹ và Liên hợp quốc. Đã xuất hiện những lời kêu gọi Liên hợp quốc điều tra chiến dịch truy quét tội phạm ma tuý của ông Duterte. Tuy nhiên, ông Duterte vẫn bỏ ngoài tai những chỉ trích này, bác bỏ cáo buộc giết người không qua xét xử. Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) cũng kêu gọi Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế (INBC) và Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) lên án tình trạng đáng báo động về số lượng người buôn bán và sử dụng ma túy bị tiêu diệt tại Philippines.

Nhiều quan chức Liên hợp quốc, bao gồm cả Tổng thư ký Ban Ki-moon, cũng lên án việc ông Duterte ủng hộ hành vi giết người không qua xét xử trong chiến dịch truy quét tội phạm ma túy. Theo ông Phelim Kine, phó Giám đốc Tổ chức HRW khu vực châu Á, đây là một thất bại của chính phủ Philippines trong việc bảo đảm quyền cơ bản nhất của con người. Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên hợp quốc Agnes Callamard chỉ trích việc Tổng thống Duterte hứa miễn truy tố và khen thưởng cho cảnh sát giết chết nghi phạm ma túy là “vô trách nhiệm” và vi phạm luật pháp quốc tế. Hiệp hội chính sách dược quốc tế, một tổ chức phi chính phủ đã gửi đơn yêu cầu các cơ quan kiểm soát ma túy của Liên hợp quốc "yêu cầu Philippines chấm dứt tình trạng tàn bạo đang diễn ra", đồng thời nhấn mạnh rằng hành động giết hại những người ngoài vòng pháp luật "không cấu thành biện pháp kiểm soát ma túy được chấp thuận".

Một số nhóm nhân quyền tố cáo ông Duterte đã ra lệnh thành lập "Biệt đội tử thần Davao" tập hợp những tên côn đồ, cựu binh sĩ và cảnh sát, thực hiện nhiệm vụ truy quét tội phạm. Từ năm 1998 đến 2015, biệt đội trên bị cáo buộc giết hại hơn 1.400 người ở Davao, trong đó có cả trẻ em.

Dù gián tiếp thừa nhận những lời chỉ trích cho rằng chính sách của ông vi phạm quy trình tố tụng tiêu chuẩn, Tổng thống Duterte vẫn khẳng định sẽ tiếp tục cuộc chiến chống tội phạm ma túy và các nhóm nhân quyền không thể trở thành "tấm lá chắn" che chở cho tội phạm. Sau khi bị Liên hợp quốc và các tổ chức nhân quyền chỉ trích về cuộc chiến chống ma túy, ngày 21/8/2016, Tổng thống Duterte thậm chí còn dọa rút khỏi Liên hợp quốc và có thể sẽ mời Trung Quốc cùng các quốc gia châu Phi thành lập một tổ chức toàn cầu khác!

Rắn với tội phạm ma túy, mềm về vấn đề Biển Đông

Các nhà phân tích cho rằng, an ninh và ổn định xã hội ở Philippines có được bảo đảm hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của cuộc chiến chống tội phạm và ma túy. Tổng thống Duterte đã thể hiện quyết tâm, nhưng cách thức tiến hành cuộc chiến chống ma túy lại như con dao hai lưỡi. Chừng nào pháp luật hiện hành còn kiểm soát được thì chừng ấy ông Duterte có thể giải quyết được vấn nạn này. Nhưng nếu cuộc chiến vượt ra ngoài tầm kiểm soát của cảnh sát và quân đội thì nó sẽ phản tác dụng đối với ông Duterte. Một điều có thể chắc chắn là cuộc chiến chống ma túy ở Philippines không thể giải quyết được vấn đề tội phạm và buôn bán ma túy trong thời gian 6 tháng như cam kết khi tranh cử của ông Duterte.

Đàm phán hòa bình và hòa giải với các tổ chức, lực lượng chống đối cũng là một cam kết khi tranh cử của ông Duterte. Cho tới thời điểm hiện tại, tiến trình này được Tổng thống Duterte thực hiện khá suôn sẻ và thành công. Nếu cứ theo nhịp độ này, với thành công trong cuộc chiến chống tội phạm và ma túy cùng với duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, ông Duterte sẽ có tiền đề thuận lợi và cần thiết để giải quyết thách thức an ninh biển. Tình hình trong nước có yên ổn thì Philippines mới có đủ thế và lực để giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc.

Trái ngược với sự cực đoan trong cuộc chiến chống tội phạm và ma túy, thái độ của Tổng thống Duterte với vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc lại mềm mỏng một cách đáng ngạc nhiên so với Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino. Sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ kiện Philippines - Trung Quốc, một mặt, chính phủ Philippines khẳng định lập trường với phán quyết, mặt khác lại mở ra khả năng thương thuyết với Trung Quốc để bảo đảm lợi ích của Philippines.

Nếu ngày đầu tuần cuối tháng 8/2016, Tổng thống Duterte đã tuyên bố nếu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Philippines thì “sẽ có một cuộc chiến đẫm máu”, nhưng chỉ vài ngày sau, người ta lại thấy ông hạ giọng nói rằng Trung Quốc “nên đối xử với Philippines như anh em chứ không phải kẻ thù”. Thông điệp này cho thấy, ông Duterte đang muốn gây sức ép để có đối thoại đa phương với Trung Quốc, bao gồm cả Mỹ, để bảo đảm lợi ích của mình tại Biển Đông. Nếu có được tiếng nói trước Trung Quốc, Philippines sẽ không quan tâm đến toàn bộ vấn đề Biển Đông, hay nói cách khác là vấn đề chung của ASEAN.

Cho đến nay, hãy còn quá sớm để nhận định hoàn toàn về con người và cương lĩnh của Tổng thống Duterte. Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác trong khu vực vẫn đang theo dõi từng động thái của vị tổng thống này, nhất là khi Philippines trở thành Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2017. Người ta đang chờ xem Philippines sẽ xử lý như thế nào đối với vấn đề an ninh trong nước và an ninh khu vực.

Vũ Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Cột đá Trajan - kiệt tác điêu khắc La Mã

Nhìn ra thế giới 1 tháng trước

Tiếng trống trong văn hóa bản địa Mỹ

Nhìn ra thế giới 5 tháng trước

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước