Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
16:36 (GMT +7)

Cùng cả nước đi lên

VNTN - Năm 2018 khép lại bằng một loạt những công trình trọng điểm của tỉnh được thi công hoàn thiện - công bố đưa vào sử dụng, như: công trình Nhà Tưởng niệm các TNXP Đại đội 915 - Đội 91 Bắc Thái, thông xe kỹ thuật cầu Bến Tượng (T.P Thái Nguyên); Công trình Cổng Tam quan, 4km đường Bắc Sơn kéo dài (đường Hồ Núi Cốc);… Rồi đường Hồ Chí Minh qua Thái Nguyên và nhiều dự án, công trình, các khu đô thị đang tiếp tục được thi công. Bộn bề, ngổn ngang còn nhiều, nhưng đồng thời mở ra trên quê hương Thái Nguyên một diện mạo đô thị mới, khang trang, văn minh, cùng cả nước đi lên trên con đường hội nhập quốc tế.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và T.P Thái Nguyên chỉ đạo, đôn đốc thi công các công trình trọng điểm năm 2018.

Theo ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Thái Nguyên có vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp với thủ đô Hà Nội và các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn. Từ Thái Nguyên, có thể đến các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc hoặc về thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền xuôi. Đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội, giữa các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh và thủ đô Hà Nội có thể tạo thành thế chân kiềng. Nhờ các yếu tố về vị trí địa lý và tỉnh có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phù hợp, nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước đã đến Thái Nguyên cùng hợp tác phát triển, như Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining); Tổ hợp Samsung… Theo đó là những đô thị mới đang dần hình thành ngay trên mảnh đất trước đây vốn “sớm lúa, chiều khoai”.

Để những khu đô thị mới được xây dựng bài bản, có quy hoạch, phù hợp lâu dài, tỉnh đã có Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2035. Theo ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng: Chương trình được xây dựng với mục đích tăng cường sức cạnh tranh giữa các đô thị của tỉnh với các đô thị trong vùng Trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội. Mục tiêu của Chương trình là từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; hạ tầng xã hội; kiến trúc cảnh quan phù hợp, đồng bộ, hiện đại để cùng cả nước đi lên và hội nhập quốc tế, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời Bác Hồ căn dặn.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 12 đô thị, trong đó thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công và thị xã Phổ Yên đạt đô thị cấp tỉnh; 9 thị trấn gồm Hương Sơn (Phú Bình), Đu, Giang Tiên (Phú Lương), Trại Cau, Sông Cầu (Đồng Hỷ), Hùng Sơn, Quân Chu (Đại từ), Chợ Chu (Định Hóa) và Đình Cả (Võ Nhai) đạt đô thị cấp huyện. Tuy nhiên hầu hết các đô thị đều chưa đạt các tiêu chuẩn theo quy định về diện tích cây xanh công cộng; không gian công cộng; quy mô dân số, mật độ dân số khu vực nội thị; các công trình văn hóa, thể thao, giáo dục, giao thông, hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống thu gom, xử lý chất thải và nhiều tiêu chí khác còn cần phải đầu tư triển khai thực hiện.

Cầu Bến Tượng vừa được thông xe ngày 21/12/2018.

Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Để triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị thành công, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, như: Xây dựng kết cấu hạ tầng diện rộng; xây dựng mạng lưới đô thị; triển khai Chương trình, dự án đầu tư xây dựng đô thị theo các giai đoạn. Trước mắt là từ nay đến năm 2020, tỉnh tập trung cho xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vào xây dựng hạ tầng các khu kinh tế trọng điểm là Tổ hợp Khu công nghiệp - đô thị Điềm Thụy (Phú Bình); Tổ hợp Khu công nghiệp - đô thị và dịch vụ Yên Bình (Phổ Yên); hạ tầng các khu công nghiệp Sông Công I, Sông Công II; Nam Phổ Yên và Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên). Cùng với hạ tầng kinh tế - xã hội là hạ tầng giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học công nghệ; hạ tầng văn hóa, thể dục thể thao; hạ tầng thương mại, du lịch đồng loạt được triển khai thực hiện. Từng bước phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thái Nguyên bền vững; đồng thời phối hợp chia sẻ với phát triển chung của vùng Trung du, miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thái Nguyên luôn coi việc thu hút đầu tư là một trong các ưu tiên hàng đầu, cụ thể là các chính sách ưu đãi về mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp; thuế xuất nhập khẩu; miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất; hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nghề và ưu đãi hỗ trợ các thủ tục hành chính cần thiết trong suốt quá trình tiến hành đầu tư… Đây là điểm quan trọng để tạo bước nhảy vọt trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa Thái Nguyên từ một tỉnh khó khăn, trở thành tỉnh có nền kinh tế ngày càng năng động, hấp dẫn các nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Có thể gọi thành phố Thái Nguyên là khu đô thị trung tâm của tỉnh. Vì toàn bộ các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh được xây dựng trên địa bàn. Ông Quản Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên cho biết: Từ 3 năm trở lại đây, nhiều dự án đồng loạt được triển khai thực hiện đã làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt thành phố, như: Dự án đầu tư xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bờ sông Cầu. Dự án gồm các hạng mục chủ yếu là xây dựng hệ thống đê, kè, hệ thống giao thông dọc hai bên bờ sông Cầu; xây dựng 6 cầu mới bắc qua sông Cầu. Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị với một số hạng mục chủ yếu: ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị một số tuyến đường; nâng cấp đường Việt Bắc; xây dựng mới cầu Bến Tượng; nâng cấp cầu Tân Long. Xây dựng đường Bắc Nam kéo dài; cầu Huống, đường Huống Thượng - chùa Hang. Đầu tư xây dựng khu du lịch Hồ Núi Cốc; đường Bắc Sơn kéo dài nối trung tâm thành phố với Khu du lịch Hồ Núi Cốc. Dự án Nghĩa trang An Lạc Viên... Các dự án thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia như: Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc - CIENCO 8; Doanh nghiệp Xuân Trường; Tập đoàn INDEVCO; Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên.

Liên quan đến Chương trình phát triển đô thị, ông Bùi Văn Lương, Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên cho biết: Phổ Yên đã vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của Trung ương, của tỉnh vào điều kiện cụ thể của địa phương. Phổ Yên tập trung mạnh vào công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai các dự án trên địa bàn; về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn triển khai dự án trên địa bàn.

Khu trung tâm thành phố Thái Nguyên

Để mở ra cho đô thị Thái Nguyên nhiều hơn những cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh có kế hoạch đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt kết nối từ Thái Nguyên - Núi Hồng, qua Đèo Khế sang tỉnh Tuyên Quang. Nạo vét, đầu tư mở rộng Cụm cảng Đa Phúc, cảng sông Mom Kiệu (Phổ Yên). Xây dựng các bến tàu thủy phục vụ nhân dân, du khách tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc. Tiếp tục hoàn chỉnh Dự án đường bộ cao tốc Thái Nguyên - Bắc Cạn - Cao Bằng; đường vành đai 5. Cải tạo nâng cấp các tuyến đường: Quốc lộ 3 cũ, Quốc lộ 37, Quốc lộ 17. Triển khai xây dựng hạ tầng kết nối 3 đô thị lớn là thành phố Thái Nguyên, Sông Công và Phổ Yên với các trung tâm huyện lỵ. Các tuyến giao thông kết nối những khu vực tập trung đô thị và khu công nghiệp được quan tâm, như tuyến đường vành đai vùng tỉnh Thái Nguyên, đường tỉnh ĐT.266, ĐT.261. Giao thông cấp vùng hoàn thiện, sẽ tạo sự kết nối bền vững giữa Thái Nguyên với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội và giữa các đô thị trong tỉnh. Theo dự kiến đến năm 2020, hệ thống đô thị toàn tỉnh phấn đấu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời có cấp quản lý hành chính đô thị đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển. Theo đó số đô thị toàn tỉnh vào năm này sẽ có 17 đô thị, tăng hơn 5 đô thị so với năm 2018. Gồm 1 đô thị loại I, 1 đô thị đạt loại II, 1 đô thị đạt loại III, 4 đô thị đạt loại IV và 10 đô thị đạt loại V. Các đô thị được bổ sung thêm vào danh sách đô thị của tỉnh là: Hóa Thượng (Đồng Hỷ); Cù Vân (Đại Từ); Trung Hội (Định Hóa); La Hiên - Quang Sơn (Đồng Hỷ) và Điềm Thụy (Phú Bình).

Cánh cửa cho cơ hội đầu tư phát triển được mở ra, nhưng cũng có nhiều thách thức, đòi hỏi từ tỉnh đến các huyện, thành phố, thị xã và các xã, thị trấn nỗ lực vào cuộc để hoàn thiện những chỉ tiêu đô thị về hạ tầng cơ sở. Trước yêu cầu này, tỉnh đã đề ra được nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ, đồng thời đón nhận các dự án trọng điểm, trong đó có giải pháp về thu hút đầu tư, các hình thức huy động vốn, cơ chế tạo vốn cho nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước.

“Bức tranh” đô thị tỉnh Thái Nguyên được thiết lập, và định hướng đến năm 2035. Trước mắt là giai đoạn 2018-2020, dự kiến tổng vốn đạt khoảng 27.528,16 tỉ đồng, trong đó hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung 3.885,48 tỉ đồng; hệ thống đô thị 23.642,68 tỉ đồng. Nguồn vốn Nhà nước chiếm 16,54%, nguồn vốn theo hình thức BOT, BT, vốn của doanh nghiệp, vốn xã hội hóa, và vốn vay chiếm 71,61%; nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác 11,84%... Với Thái Nguyên, đây có thể coi như bước đệm, làm nền tảng chắc chắn đưa Thái Nguyên phát triển vươn lên một tầm cao mới, góp sức cùng cả nước tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường hội nhập quốc tế.

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy