Cú vẫn còn kêu – Truyện ngắn. Trần Quang Khanh
VNTN - “Cú kêu cho ma ăn”
1.
Khuya mùa hè. Nóng âm âm. Chiếc quạt máy treo trên tường chạy vít số vẫn không làm dịu được bầu không khí ngột ngạt trong phòng ngủ. Trăn trở, trằn trọc mãi đến canh ba, tôi mới chợp mắt được. Trong giấc ngủ mê mệt vì khí trời nóng bức ấy, tôi chợt tỉnh giấc vì cảm giác nhói đau bên một bờ vai rồi cả người bị rung lay. Tôi cố định thần nghe tiếng lào thào của vợ: “Anh, hình như có tiếng cú”. Tôi gạt phăng: “Làm gì có. Nhà ở phố, đèn điện sáng trưng…”. Song chưa kịp dứt câu, một tiếng kêu lạ đã chặn ngang miệng. Tiếng kêu đùng đục, loang ngân trong đêm tĩnh mịch. Tiếng kêu như phát ra từ cái cổ họng nén hơi làm người nghe nổi gai ốc. Vợ tôi quay sang ôm chặt lấy tôi. Cái âm thanh kia vẫn vọng đi từng tiếng một, ngắt quãng, không đều…
Từ nhỏ, tôi chưa nghe tiếng cú, song cái âm vọng của tiếng kêu cho tôi hiểu vợ mình đã nói đúng. Chắc chắn có con cú đậu đâu đó quanh nhà tôi. Bởi đã có tên biết bao loài chim mà người đời dùng từ tượng thanh qua tiếng kêu để đặt, chẳng hạn như: quạ, cuốc, quách te te, bắt cô trói cột,…
Vợ tôi lại lào thào: “Em sợ quá, anh. Cú kêu trước nhà là điềm xui lắm đó”. Tôi dỏng tai lắng nghe và định vị tiếng kêu. Quả đúng, tiếng cú vọng đi từ phía đằng đông, bên hông trước khu vườn nhà, ngay trên đọt cây lộc vừng cổ thụ. Cú kêu một giọng, ngắt quãng ba, đơn độc và hoang hoải…
Tôi, và hình như cả vợ tôi nữa, yên lặng đuổi theo những ý nghĩ đầy bất an về tiếng cú kêu. Tôi từng nghe đâu đó rằng, hễ cú đến đậu nhà ai, kêu lên ba tiếng là điềm báo ở đó nếu không có người chết thì cũng có người đau ốm nặng sắp ra đi. Bất giác tôi nghĩ đến mẹ tôi, nghĩ đến cha vợ tôi, hai người thân của gia đình đều đã bước qua tuổi bát thập và có nhiều bệnh tật…
Chợt vợ tôi thở dài, nói bâng quơ: “Mai em về quê thăm ba…”. Tôi rùng mình không hiểu sao lúc này vợ chồng tôi lại “tâm đầu” đến thế, song lại sợ lộ cử chỉ càng làm vợ lo lắng nên vội trấn an: “Em ngủ đi, không sao đâu. “Cú sào cú sậu cú đậu nhà quan, giàu sang phú quý”, biết đâu cú đến nhà mình là điềm báo điều tốt lành”. Nhưng cái câu nói cố làm ra vẻ tỉnh bơ của tôi đã không thuyết phục được vợ. “Thôi đi, nghe tiếng cú kêu em sợ muốn chết. Anh xem này, tay chân em nổi da gà lên cả rồi”. Vừa nói vợ tôi vừa cầm bàn tay tôi miết trên cánh tay lạnh ngắt, đã sần lên các lỗ chân lông của mình. Tôi ngồi dậy tắt chiếc quạt máy. Trời ngả về sáng, không khí đã dịu mát hơn...
Trong thâm tâm, tôi không tin lắm về điềm lành dữ quanh chuyện cú kêu trong vườn nhà nhưng cả đêm còn lại, vợ tôi cứ thủ thỉ kể về những điều xui xẻo do tiếng cú mang lại mà cô ấy đã góp nhặt được từ những hóng hớt đàn bà trong gần nửa đời người, khiến tôi cũng đâm hãi…
2.
Sáng ra, tôi mới hay tiếng kêu lạ đêm qua không chỉ gieo nỗi hãi hùng cho riêng nhà mình. Cả xóm tôi nháo nhào lên vì tiếng cú. Họ tụ tập, bàn tán, suy luận đủ điều.
Sang, nhà cạnh bên, lao ngay vào nhà tôi khi tôi vừa mở khóa cổng. “Nghe tiếng cú kêu, em cũng không ngủ được. Bực quá, em vác súng săn và đèn pin đi tìm. Biết nó đậu trên cây lộc vừng nhà anh nhưng khuya quá sợ phiền, không dám gọi anh mở cửa…”, giọng Sang hớt hải. Còn Thanh ở nhà đối diện, thổ lộ: “Vợ em té đái trong quần”…
Đêm hôm sau, rồi hôm sau nữa, tiếng cú vẫn âm vọng trong vườn nhà tôi. Sớm hơn và nhặt hơn. Tôi đã cố tình giả lơ nhưng vợ tôi lại luôn bồn chồn. Cô thúc giục tôi mang đèn pin đi đuổi cú. Dò theo tiếng kêu, tôi soi đèn khắp các ngóc ngách trên cây lộc vừng cổ thụ. Và tôi đã phát hiện con cú mèo nép mình nơi một chạc cây.
Lần đầu tiên trực diện với cú, tôi khiếp hãi như có một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng mình. Khác với bao loài chim, đôi mắt cú tròn xoe lại nằm ngay phía trước mặt giống như con người. Quanh đôi mắt là hai vòng tròn rộng trông như gương mặt các cụ già đeo kính. Đôi mắt ấy phản chiếu ánh sáng của đèn pin đỏ rực nhìn chòng chọc vào tôi. Tôi cố định thần rồi cúi nhặt viên đá ném mạnh nơi cú đứng. Viên đá bay sát sạt nơi chạc cây nhưng con cú thì vẫn lì lợm, chỉ chịu nhích chân đi chút đỉnh. Bây giờ trông nó dữ dằn hơn. Bộ lông cú xù lên, đầu cúi xuống và mắt nhìn trừng trừng vào tôi như thách thức. Tôi phải ném viên đá thứ hai, thứ ba con cú mới chịu nhận ra điều bất ổn và nhấc mình bay một cách nhẹ nhàng qua khu vườn nhà phía sau.
Đêm đó tiếng cú vọng vào giấc ngủ của vợ chồng tôi nghe xa xăm hơn…
3.
Và rồi sự ồn ã của tiếng cú lại lây lan sang những ngôi nhà ở phía sau nhà tôi.
Sáng sớm, khi vừa thức giấc, tôi đã nghe từ khu vườn cú đậu đêm qua tiếng rựa nã vào cây xoài nghe chan chát. Thì ra anh hàng xóm phía sau nhà tôi không chịu nổi sự chứa chấp điều bất ổn đã trút giận dữ xuống cây xoài từng gắn bó với ngôi nhà hằng mấy chục năm.
Dưới bóng cây xoài này là chiếc bàn đá, nơi thường tụ tập nhậu nhẹt của cánh đàn ông cả xóm. Nhìn những cành xoài răng rắc đổ dần xuống đất, tôi lại nhớ đến những chùm xoài lúc lỉu từng làm mồi uống rượu cho chúng tôi không biết bao nhiêu lần… Tôi tiếc cây xoài đứt ruột, rồi lại tự trách mình. Giá mà không có cuộc ném đuổi cú của tôi vào tối hôm qua.
“Để cây xoài làm gì anh, rồi cú lại về đậu, lại kêu… nghe mà phát ớn”, anh hàng xóm phía sau nhà tôi chỉ giải thích thế khi thấy tôi đứng đực mặt nhìn cây xoài bị tàn phá. Nhưng tôi hiểu nỗi lòng anh, nỗi lòng của cả vợ anh không phải chỉ vì “tiếng kêu nghe mà phát ớn” của loài cú…
Đêm ấy, nhà anh hàng xóm phía sau lại vọng lên tiếng gõ mõ tụng kinh đều đều. Tôi dỏng tai lắng nghe, hình như là kinh “Địa tạng Bồ tát bổn nguyện”, thỉnh thoảng lại lồng theo lời khấn nguyện: “nay ngay phần đất con ở và vùng xung quanh thường có chim cú mèo bay về kêu thê thiết, con phát nguyện trì tụng kinh Địa tạng Bồ tát bổn nguyện công đức này để nhờ chuyển nguy thành an, chuyển họa thành phước… Nam mô a di đà phật!”.
4.
Nhưng rồi ngay chập choạng tối hôm đó, cú lại bay về vườn nhà tôi. Không phải một mà đến hai con. Đứng ở vườn nhà cả buổi chiều tà, tôi đã nhìn thấy rất rõ đôi cú đảo cánh xuống cây lộc vừng, không một tiếng đập gió, nhẹ như ru. Và trong muôn ngàn cành lá rậm rạp của cây lộc vừng cổ thụ, đôi cú vẫn chọn được cho mình chỗ đứng vững vàng và tình tứ. Rồi chúng lại cất giọng…
Tôi lắc đầu ngao ngán đi vào nhà, lòng lẫn lộn bao tâm trạng.
Vợ tôi bảo: “Anh ra đuổi cú đi…”. Tôi lắc đầu: “Kệ nó, em”. Vợ tôi gắt: “Anh sao vậy?”. Tôi dịu giọng: “Giờ có đến hai con cú ngoài cây lộc vừng, anh không muốn đuổi nó nữa.”. Vợ tôi căng giọng: “Được rồi, anh không đuổi thì em đuổi!”.
Rồi cô mang cây sào dài đi ra. Quyết liệt và hằn học. Vậy mà khi đối mặt với cú, cô lại trở nên hoảng loạn. Cô cứ nhắm mắt đập bừa cây sào lên cành lộc vừng mà chẳng cần biết có đúng vào nơi cú đậu hay không. Con cú vẫn lì lợm đứng xù lông, trợn tròn đôi mắt, đu đưa người một lúc rồi lại co mình, híp tịt đôi mắt lại trông thật dữ dằn. Cuối cùng nó lao thẳng xuống đầu vợ tôi như quyết ăn thua đủ. Hoảng hốt, vợ tôi vãi cây sào ngồi thụp xuống đất ôm đầu kêu cứu. Tôi bước ra dìu vợ đứng dậy. Bây giờ, vợ tôi trông thật thảm hại, mặt cắt không ra một giọt máu…
5.
Buổi tối, tôi lên mạng tìm hiểu về chim cú mèo và những chuyện kỳ bí quanh tiếng kêu của cú. Kho tàng của mạng quả có quá nhiều chuyện về chim cú. Có người xem chim cú như biểu tượng của nhà tiên tri hay trí tuệ, lại có người coi nó như tội đồ gần gũi với chết chóc và bẩn thỉu. Tôi đặc biệt chú ý đến mẩu hỏi đáp lý số về tiếng kêu của chim cú trong vườn nhà.
Hỏi: “Đêm qua, có con cú đến đậu ở đầu hồi nhà tôi, kêu lên ba tiếng rồi bay đi, chẳng biết như vậy là điềm gì?”. Nhà lý số trả lời: “Bạn thử kiểm tra xem có phải: 1. Phía đông bắc nhà bạn có đường đi hoặc nhà bạn hướng đông bắc; 2. Nếu bạn đã lập gia đình thì đứa con đầu bướng bỉnh khó dạy; 3. Bên nội của bạn có một ngôi mộ bị xung phá. 4. Hàng xóm bên trái và phía sau hợp với gia đình bạn, bên phải và phía trước không hợp… Nếu không phải như vậy thì đừng lo lắng làm gì”.
Lòng tôi lại rối bời khi soi mình vào những điều đặt ra của nhà lý số. Trong 4 điều ấy đối với tôi có cái đúng thật rõ ràng, cũng có cái không đúng và có cái cũng chẳng biết là đúng hay không đúng…
Như một cuộc kiểm điểm về lối sống của mình, tôi miên man nghĩ về chuyện xung hợp láng giềng. Và nghiệm rằng, điều này có vẻ đúng với nhà tôi. Tôi hay bù khú với anh hàng xóm nhà phía sau; thảo thuận với anh hàng xóm phía bên trái còn nhà phía trước và bên phải hình như tôi chỉ quan hệ chiếu lệ, không gần gũi nhưng cũng chẳng để mất lòng.
Nhìn chung, quan hệ xóm giềng với tôi chẳng đến nỗi quá tệ. Nhớ có lần tôi đứng cửa giữa chứng kiến sự bất hòa ghê gớm, may mà chưa dẫn đến đánh nhau giữa hai vị hàng xóm ở hai bên nhà tôi. Giữa khuya, anh hàng xóm nhà bên phải cứ lảng vảng trước nhà anh hàng xóm bên trái. Anh hàng xóm bên trái chợt mở cửa bước ra hoạnh họe: “Mày làm gì ở đây, định ăn trộm à?”. Anh hàng xóm bên phải ú ớ: “Tôi đứng chơi…”. Anh hàng xóm bên trái dồn đẩy: “Chơi gì, giờ này chỉ có rình mò, chực ăn trộm thôi”. Anh hàng xóm bên phải nổi sùng quát: “Nhà tôi bên này, tôi đứng đây chơi không được sao!”. Anh hàng xóm bên trái: “Tao ở đây hơn chục năm sao không biết hàng xóm, mày nói láo”. Anh hàng xóm bên phải: “Tôi cũng ở đây hơn chục năm, ông cứ hỏi mọi người xem có ai mà không biết tôi”. Thái độ cả quyết của anh hàng xóm bên phải khiến anh hàng xóm nhà bên trái ngờ ngợ, rồi lẩn nhanh vào nhà đóng cửa… Đứng trên lầu nhìn xuống, tôi hiểu ra tất cả nhưng lại không thể ra miệng. Anh hàng xóm nhà bên phải làm công nhân, tăng ca nên thường về rất khuya. Về nhà anh thường làm gói mì cho ấm bụng trước lúc đi ngủ. Mà trước vỉa hè nhà anh hàng xóm bên trái lại trồng mấy chậu rau mùi. Vậy nên chuyện anh hàng xóm bên phải qua trước nhà anh hàng xóm bên trái ngắt mấy cọng rau mùi làm gia vị cho tô mì tôi vẫn thường nhìn thấy. Anh hàng xóm nhà bên trái là VIP của một sở ở tỉnh, quanh năm suốt tháng đi sớm về muộn nên cũng chẳng thể biết người hàng xóm ở cách mình hơn một ngôi nhà…
Chuyện láng giềng ở phố thời nay là vậy. Mấy hôm nay nhờ con cú kêu mới có cuộc tụ tập sáng sớm, hàng xóm mới có dịp xuýt xoa, chào hỏi nhau.
Nhưng rồi tôi đã gạt đi cái ý nghĩ về chuyện lý số với lý lẽ thân phận của anh hàng xóm có cây xoài ở phía sau nhà tôi hay như anh công nhân đầu tắt mặt tôi kia chẳng thể giống thân phận của tôi… khi cùng phải nghe chung một tiếng cú kêu.
6.
Năm ngày, rồi nửa tháng trôi qua, nhà tôi, rồi cả xóm cũng dần quen với tiếng cú kêu đêm đêm. Thậm chí tôi còn tụ tập bạn bè về nhà tổ chức ăn nhậu dưới cây lộc vừng để vừa xem cú vừa nghe tiếng cú. Vợ tôi cũng chẳng còn kinh hãi khi nghe tiếng cú kêu như thuở ban đầu.
Cho đến một buổi sáng chủ nhật nọ, tôi nghỉ làm việc và quyết định cắt sửa cây lộc vừng cho ra dáng thế một cây cổ thụ bon sai. Lúc trèo lên cành cao, tôi thất kinh khi phát hiện trong một cái hốc to của cây có một tổ chim với bốn cái trứng to bằng đầu ngón chân cái người lớn. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó chính là chiếc tổ của đôi chim cú mà nửa tháng nay đã gây kinh động cả xóm tôi.
Sau sự hoảng hốt vì quá bất ngờ, tôi chợt thấy thương đôi chim cú…
Bữa cơm, tôi đem chuyện cú làm tổ trên cây lộc vừng kể cho cả nhà nghe. Các con tôi tỏ ra rất vui. Chúng tưởng tượng những cú con mới nở dễ thương đến chừng nào. Chúng chuẩn bị một kế hoạch chu đáo cho việc chăm sóc, nuôi nấng những chú cú con. Nhưng vợ tôi lại rất kinh hãi khi nghe chuyện cú làm tổ trong vườn nhà và tỏ ra quyết liệt trong việc phải nghĩ cách làm gì để phá bỏ tổ cú kia đi.
7.
Tôi đi công tác xa.
Và trở về kịp lúc để chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng.
Buổi tối, giọng của đôi chim cú nghe rền rĩ và thê thiết…
Sáng sớm, tôi bước ra vườn và trông thấy một cú con có màu lông trắng xám, ướt rượt, lẩy bẩy đi xiêu vẹo bên gốc cây lộc vừng. Cú cha, cú mẹ bay lượn vòng quanh, cất tiếng kêu thảng thốt. Tôi bắt con cú con để đứng trên bàn tay. Trông nó thật hiền lành. Và dễ thương. Nhưng kìa, đôi mắt vốn to và tròn xoe của nó chỉ toàn một màu trắng. Cả người nó dậy lên mùi thuốc sâu.
Tôi lờ mờ đoán định điều gì đã xảy ra và tót lên cành cao tìm tổ cú.
Cả cái tổ cú cũng dậy lên mùi thuốc sâu. Bên trong tổ, ba cú non đã chết…
Rời tổ cú, tôi đứng bần thần, không biết phải làm gì để cứu giúp con cú non mù lòa…
Cú cha, cú mẹ cứ lòng vòng, réo gọi như muốn dìu nó bay theo nhưng mắt cú non như thế làm sao có thể nhìn được cha mẹ nó…
8.
Vợ tôi kể lại rằng, trong những ngày tôi đi công tác, chính chú hàng xóm phía bên phải đã lân la đến gặp cô hiến kế và nhận lãnh sứ mệnh thực hiện một cách hoàn hảo kế hoạch tiêu diệt tổ cú.
Anh ta trèo lên cây lộc vừng, rụt rè tiếp cận nơi yên ấm đêm đêm của họ nhà cú. Và khi phát hiện ra cái hốc cây, anh đã run bắn rồi ném bừa cả chai thuốc sâu vào tổ cú mà không cần nghĩ bên trong có gì.
Sau sự tan hoang của tổ cú, vợ tôi như cũng nhận ra mình đã đồng lõa để làm một điều ác. Cô đã nguyện ăn chay nằm đất ba tháng mười ngày và chịu để cho các con tôi nuôi nấng con cú non mù.
Tôi đóng một chiếc lồng sơn son thếp vàng thật đẹp cho cú con dù biết nó chẳng còn nhìn thấy gì. Còn mấy đứa nhỏ nhà tôi ngày ngày đi bắt thằn lằn, bắt dán về dứ cho cú ăn. Hễ rảnh rỗi là chúng nó lại kéo bạn bè về quanh quẩn bên lồng cú.
Khi tôi viết câu chuyện này, cú con nhà tôi đã bắt đầu sổ giọng trưởng thành.
Song tiếng kêu của nó (dẫu chẳng khác cha mẹ là mấy) lại trở nên thân thiết với cả nhà tôi, cả xóm tôi.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...