Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
14:55 (GMT +7)

Cụ Huỳnh Thúc Kháng: Một nhà báo can trường và nhân ái

VNTN - Ngày 4/4/2019, báo giới sẽ long trọng kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời. Qua nhiều năm tìm hiểu, chúng ta đã có đầy đủ các tài liệu, nhân chứng khẳng định những đóng góp cho nền báo chí cách mạng, cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi của Trường. Rồi đây, một nhà bia ghi danh với đầy đủ thông tin, kể cả những lời dạy của Bác Hồ với nhà trường năm ấy sẽ được tái hiện tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, thì tên tuổi cụ Huỳnh cũng cần được nhắc lại...


Như chúng ta đã biết, vào những ngày cuối của năm 1946, sau khi công bố Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường về Chiến khu Việt Bắc. Đến ngày 20/5/1947, Người về đến đồi Khau Tý (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) và dừng chân tại vùng này. Cuối năm 1948, Bác chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh (lúc này cũng đóng ở Điềm Mặc) mở trường dạy làm báo - một trong những việc cấp bách phải làm. Chấp hành chỉ thị, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Tổng bộ Việt Minh cho triệu tập vào trường 43 người (trong đó có 1 người làm quản lý trực tiếp). Về tên trường, đồng chí Hoàng Quốc Việt cho bàn bạc kỹ trong ban chỉ đạo, cuối cùng: “Mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng là để nhớ ơn và noi gương cụ lão thành ái quốc và đồng thời cũng là một nhà viết báo lâu năm, có danh tiếng, nêu một tấm gương cho các học viên một đức tính học hỏi cần mẫn, một óc tổ chức tiến bộ, một chí khảng khái, bất khuất, là những đức tính căn bản cho một ký giả”, (trích diễn văn ngày khai giảng 4/4/1949 - Xã luận Báo Cứu Quốc số đặc biệt ra ngày 12/9/1949 tại Việt Bắc)...

Cụ Huỳnh Thúc Kháng giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quyền Chủ tịch nước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dự Hội nghị Phông - ten - nơ - blô tại Pháp. Cụ Huỳnh Thúc Kháng tên thật là Huỳnh Văn Thước, sinh ngày 1 tháng 10 năm 1876 tại làng Thạch Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Cụ Huỳnh học giỏi, sớm nổi tiếng. Năm 24 tuổi đã đỗ đầu Giải Nguyên (cử nhân); 28 tuổi đỗ đầu Hoàng Giáp (tiến sỹ). Cụ yêu nước, chống lại Pháp, bị giặc bắt đày ra Côn Đảo 13 năm.

Ngày 10/8/1927 báo Tiếng Dân ra số đầu, cụ Huỳnh bắt đầu làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo Tiếng Dân, đặt trụ sở tại Huế. Báo Tiếng Dân chủ trương chống chính quyền bảo hộ. Hầu hết các bài xã luận đăng trên Tiếng Dân đều do cụ Huỳnh Thúc Kháng viết với mục đích kích thích lòng yêu nước của độc giả. Suốt trong khoảng 15 năm sau đó, cụ là cây bút chính luận sắc sảo, có bài viết trong khoảng 1800 số báo viết và in bằng quốc ngữ bày tỏ rõ chính kiến của mình về chế độ, cũng như các lĩnh vực kinh tế, xã hội đương thời. Trong sự kiểm soát ngặt nghèo của đế quốc thực dân, cụ Huỳnh luôn tỏ rõ bản lĩnh và khí phách người làm báo. Cụ xác định: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”…

Học viên lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng tại ấp Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. (Nguồn: baochinhphu.vn)

Cuối năm 1946, cụ là đặc phái viên của Chính phủ vào làm việc tại Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung bộ đóng tại Nghĩa Hành tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 21 tháng 4 năm 1947, cụ Huỳnh Thúc Kháng qua đời do lâm bệnh nặng, hưởng thọ 71 tuổi. Theo tâm nguyện của cụ, cán bộ và nhân dân đã đưa cụ lên an táng trên đỉnh núi Thiên Ấn, nơi đây là đệ nhất thắng cảnh của tỉnh Quảng Ngãi. Trong lễ Quốc tang nguyên quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ban tang lễ trang trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi vào Quảng Ngãi: “Cụ Huỳnh là người học hành rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây Cụ bị thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường gian nan cực khổ, nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của Cụ chẳng những không sờn mà lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là người mà giầu sang không làm siêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời Cụ Huỳnh không màng danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giầu. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do…”.

Hay tin cụ Huỳnh mất, xa xôi ngàn trùng, công tác bận rộn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đau đớn viết mấy câu thơ bằng chữ Hán gửi vào phúng: “Than ôi!/ Bể Đà Nẵng triều thảm/ Đèo Hải Vân mây sầu/ Tháng tư tin buồn đến/ Huỳnh Bộ trưởng đi đâu?/ Trông vào Bộ Nội vụ/ Tài đức tiếc thương nhau/ Đồng bào ba chục triệu/ Đau đớn lệ rơi châu”.

Trân trọng người chí sỹ yêu nước như vậy, lại lấy tên đặt cho trường đào tạo cán bộ báo chí trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến gian khó trăm bề, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm vào 42 học viên những kỳ vọng lớn lao, những cơ sở lý luận và thực tiễn của một nền báo chí cách mạng. Điều đáng mừng là cả 42 học viên Trường đào tạo cán bộ báo chí đầu tiên và duy nhất trong kháng chiến này đều trở thành những trụ cột của báo chí, văn hóa văn nghệ nước nhà.

Ban Giám đốc của Trường dạy làm báo ngày đó gồm các ông: Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm Báo Độc Lập (Giám đốc); Xuân Thủy, Ủy viên Thường trực Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm Báo Cứu Quốc (Phó Giám đốc); 3 Ủy viên Ban Giám đốc là các ông Như Phong, Đồ Phồn và Tú Mỡ. Trong hoàn cảnh vừa phải giữ bí mật, vừa phải bảo đảm việc di chuyển của giảng viên phù hợp, Tổng bộ Việt Minh chọn Đại Từ - Thái Nguyên trung tâm của ATK là hợp lý... Trong vòng 3 tháng, học viên tiếp thu cả 3 phần lý thuyết, chuyên môn và thực hành. 29 giảng viên gồm các đồng chí: Trường Chinh, Tổng Bí thư Trung ương Đảng giảng bài: “Viết xã luận”; Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân, giảng bài: “Viết tin chiến sự trên báo chí như thế nào?”; Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng giảng về: “Kịch bản đăng báo, bình phẩm kịch trên báo, quảng cáo kịch trên báo”, vv... Đặc biệt, có 2 bức thư của Hồ Chủ tịch gửi lớp học (đề ngày 9/6 và 6/7/1949) cho đến nay luôn là cẩm nang cho người làm báo.

Bảy thập kỷ đã qua, cho dù công nghệ có nhiều thay đổi nhưng những điều căn bản, cốt lõi của nghề báo thì vẫn vậy. Hiểu về tên tuổi của Huỳnh Thúc Kháng cũng như vai trò của Trường dạy làm báo mang tên cụ cũng là việc cần thiết của người làm báo.

Hữu Minh

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy