Cú bắt tay Nga – Iran: Liệu có xoay chuyển được cục diện Trung Đông?
VNTN - Trong nỗ lực nhằm thúc đẩy việc giải quyết cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua tại Syria, ngày 28/3/2016, Tổng thống Nga V. Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani về các biện pháp tăng cường sự phối hợp giữa hai nước trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc nội chiến tại Syria. Ngày 16/8/2016, các máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 và tiêm kích - bom Su-34 của Nga đã cất cánh từ sân bay Nojeh gần thành phố Hamedan, Iran, thực hiện các đòn không kích các mục tiêu của “Tổ chức Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS) và các nhóm khủng bố thuộc lực lượng "Dzhabhat - al-Nusra" ở các tỉnh Aleppo, Deir ez-Zor và Idlib. Các máy bay Nga đã phá hủy 5 kho vũ khí, đạn dược, nhiên liệu, các trại huấn luyện chiến binh trong khu định cư Serakab, Al-Bab, Aleppo và Deir ez-Zor, 3 trạm kiểm soát ở các khu vực thành phố Jafri và Deir ez-Zor, tiêu diệt nhiều chiến binh khủng bố. Đây là lần đầu tiên máy bay Nga sử dụng một căn cứ ở Iran để tấn công các nhóm khủng bố ở Syria, và cũng là lần đầu tiên kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran cho phép nước ngoài sử dụng lãnh thổ của họ cho các hoạt động quân sự. Các nhà phân tích cho rằng, động thái này được coi là sự đột phá trong quan hệ vốn chẳng "mặn mà" giữa Nga và Iran.
Oanh tạc cơ tầm xa Tu-22M3 của không quân Nga. Ảnh: RIA
(Nguồn: vnexpress.net)
Lịch sử thăng trầm trong quan hệ Nga-Iran
Sau cuộc cách mạng Iran 1979, quan hệ giữa Iran và Liên Xô trở nên rất căng thẳng. Liên Xô đã ủng hộ Irắc trong cuộc chiến tranh Iran-Irắc (1980-1988) vì lo sợ rằng nếu Iran giành được chiến thắng thì tư tưởng Hồi giáo Khomeini sẽ "bành trướng" ra khu vực Trung Đông. Sau khi Liên Xô sụp đổ, quan hệ giữa Nga và Iran bắt đầu "tan băng" và ấm dần lên. Nga đẩy mạnh quan hệ thương mại, bán vũ khí cho Iran; đến giữa những năm 1990, Nga bắt đầu giúp Iran thực hiện chương trình phát triển hạt nhân. Giai đoạn này, cả Nga và Iran có điểm chung về lợi ích địa - chiến lược: Hai nước đều phản đối chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung Đông và chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Á. Tuy nhiên, quan hệ Nga - Iran vẫn ở trong tình trạng phân cực, do cả hai nước thiếu lòng tin với nhau. Tình trạng thù hận giữa hai nước bắt nguồn từ chương trình tăng cường sức mạnh quân sự mà Nga cho là thiếu minh bạch của Iran và tham vọng của Nga nhằm kiềm chế Iran trong phạm vi ảnh hưởng của mình. Nga coi Iran là không đáng tin cậy, trong khi Iran coi Nga là "đế quốc kiểu mới" và kiêu ngạo. Sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa Nga và Iran đã biểu lộ qua nhiều sự kiện. Năm 1996, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Igor Rodinov đã xếp Iran vào danh sách các nước có nền quân sự đe dọa khu vực hậu Xô Viết và Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Năm 2003, Báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ tham vọng hạt nhân của Iran, sau đó Nga cắt viện trợ cho chương trình hạt nhân của Iran. Năm 2010, Thủ tướng Medvedev tuyên bố Iran đang tiến gần đến giai đoạn sản xuất bom hạt nhân. Năm 2012, Putin bày tỏ lo ngại nếu Iran có vũ khí hạt nhân sẽ gây mất ổn định ở Trung Đông và việc Nga giúp Iran có thể trở nên vô ích nếu Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Ngược lại, Iran cũng tuyên bố phản đối quan điểm và việc làm của Nga thông qua vụ kiện Nga ngừng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran và coi Nga như một nhà độc quyền cung cấp uranium cho Iran, qua đó yêu cầu Nga đối xử với Iran như một đối tác bình đẳng. Năm 2010, Nga đã ủng hộ lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran, sau đó chính Nga lại là nước lên tiếng phê phán lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và yêu cầu phương Tây phải xóa bỏ lệnh cấm vận và cô lập Iran. Do đó, không có gì đáng ngạc niên khi Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã ca ngợi thỏa thuận hạt nhân đã đạt được giữa Iran và các nước P5+1. Tuy nhiên, xét ở góc độ lợi ích chiến lược, Nga đã phải chịu thiệt hại bởi hai lý do: Thứ nhất, Nga đánh mất ảnh hưởng ngoại giao đối với Iran, vai trò trung gian của Nga đối với Iran và phương Tây đã kết thúc. Hiện nay, Iran đã ký hiệp định thương mại trị giá hàng trăm triệu USD với châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương, làm giảm vị thế của Nga đối với Iran. Thứ hai, Iran hiện đang là "đối thủ" cạnh tranh với Nga trên thị trường năng lượng toàn cầu. Nhiều nhà kinh tế cho rằng việc Iran tăng sản lượng sản xuất dầu mỏ sẽ làm cho giá dầu mỏ thế giới giảm kéo dài hơn. Hơn thế nữa, hiện nay Trung Quốc đang tăng cường mua dầu mỏ của Iran, trong khi Iran sắp gia nhập Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), một tổ chức kinh tế, quân sự và chính trị Á - Âu, kết nối Nga, Trung Quốc với Trung Á. Những yếu tố trên dẫn đến việc Iran yêu cầu Nga phải đối xử với Iran như một đối tác bình đẳng, trong khi Nga không muốn điều đó, Nga muốn Iran là một đối tác yếu hơn, nằm trong sự kiềm tỏa của Nga.
Ngày 1/11/2015, Mehdi Sanaei, Đại sứ Iran tại Nga đã tuyên bố "một chương mới trong quan hệ Nga - Iran đã bắt đầu". Để chứng minh cho lời nói của mình, Đại sứ Iran đã đưa ra những bằng chứng khá ấn tượng: Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 5 tỉ USD/năm, hợp tác quân sự ở Syria và việc Nga ủng hộ Iran thực hiện chương trình năng lượng hạt nhân hòa bình. Mới đây nhất, Iran cho phép máy bay Nga cất cánh từ lãnh thổ Iran để tấn công IS và các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan. Cú bắt tay này có thể được nhìn nhận trên cả phương diện chiến lược và chiến thuật.
Vị trí căn cứ Hamedan, Iran. Đồ họa: Google Maps.
Về phương diện chiến lược
Trung Đông có vị trí chiến lược quan trọng đối với Nga, trong đó Syria được coi là "chiếc mỏ neo" để Nga khôi phục và mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông. Mặc dù động thái mới của Nga ở Trung Đông trong thời gian gần đây mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là quân sự, song đây vẫn được coi là dấu hiệu cho thấy Nga không hề có ý định giảm bớt cường độ chiến dịch không kích ở Syria trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh quân đội chính phủ Syria vừa thất bại trong việc khép chặt vòng vây xung quanh thành phố chiến lược Aleppo do quân nổi dậy kiểm soát. Quyết định sử dụng căn cứ không quân Nojeh gần thành phố Hamedan cho thấy, những tính toán của Nga về việc đẩy mạnh chiến dịch can thiệp quân sự công khai suốt một năm qua tại Syria, vốn ban đầu chỉ là các cuộc không kích xuất phát từ một căn cứ ở thị trấn ven biển Latakia của Syria, tiến tới đẩy cục diện ở đây theo chiều có lợi đối với Tổng thống Bashar al-Assad.
Sau nhiều năm bị gạt ra bên lề, nước Nga đã trở lại trung tâm của cuộc chơi địa - chính trị ở Trung Đông. Trong bối cảnh chính sách mập mờ của Mỹ ở Trung Đông, sự can thiệp có tính toán của Nga trong cuộc nội chiến ở Syria là một trường hợp hiếm hoi mà ở đó việc sử dụng sức mạnh hạn chế ở khu vực đã đem lại một sự biến đổi lớn về cục diện ngoại giao. Chiến dịch quân sự của Nga đã giúp chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đứng vững, cũng như giúp Nga giữ an toàn cho căn cứ không quân ở Latakia cùng với sự hiện diện của hải quân Nga ở Latakia và Tartus. Những thành trì này sẽ cho phép Nga thách thức sự kiểm soát của Mỹ và NATO ở phía Đông Địa Trung Hải. Kể từ sau cuộc khủng hoảng ở Ucraina đến nay, Nga đã chuyển từ thế bị động sang chủ động về chính trị, có thêm các con bài lợi hại trong xử lý quan hệ với Mỹ và phương Tây; buộc Mỹ và phương Tây phải tính tới lợi ích của Nga trong các vấn đề toàn cầu. Động thái can thiệp quân sự của Nga ở Syria gần đây đã chứng tỏ sức mạnh quân sự của Nga là một yếu tố quan trọng, không thể bị gạt bỏ khi giải quyết các vấn đề quốc tế. Đối với Nga và Iran, động thái trên cho phép hai nước hạn chế sự cô lập của Mỹ và phương Tây nhằm vào họ, trong khi mở rộng sự ảnh hưởng trong khu vực thông qua việc sử dụng quyền lực cứng. Đối với Iran, quyết định cho phép Nga sử dụng lãnh thổ của họ lần đầu tiên kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 là minh chứng cho thấy tham vọng của Iran trong việc giành được những lợi ích chiến lược trong khu vực. Ngoài Iran, các hoạt động quân sự của Nga ở Syria trong thời gian gần đây còn nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Irắc. Thủ tướng Irắc Haider al-Abadi đã tuyên bố, Irắc sẵn sàng cho phép máy bay Nga qua không phận nước này với điều kiện các máy bay phải bay sát rìa biên giới, không bay qua các thành phố của Irắc...
Về phương diện chiến thuật
Việc sử dụng căn cứ không quân ở Nojeh, Hamedan, Iran mang lại nhiều lợi thế về quân sự cho Nga. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích IS, Nga vẫn sử dụng căn cứ quân sự Khmeimim ở Latakia, Syria, nhưng cơ sở vật chất tại căn cứ này không phù hợp để triển khai các máy bay ném bom cỡ lớn. Trong chiến dịch không kích các mục tiêu quan trọng ở Syria, máy bay Tu-22M3 của không quân Nga phải bay từ căn cứ Mozdok, miền Nam nước Nga đến Syria trên quãng đường dài 2.150 km. Với cự ly xa như trên, máy bay Tu-22M3 chỉ mang tối đa được 8 tấn bom, tên lửa và thời gian tác chiến trên lãnh thổ Syria chỉ khoảng 15 phút. Tuy nhiên, khi được triển khai tại căn cứ không quân Nojeh, Hamedan, cự ly tác chiến tới Syria rút xuống chỉ còn hơn 900km, nhờ đó máy bay Tu-22M3 có thể mang tới 24 tấn bom, đạn, tên lửa và thời gian tác chiến trên lãnh thổ Syria đạt tới 30 phút. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm tới 60% nhiên liệu của máy bay Tu-22M3 trong mỗi phi vụ, mà còn giúp tăng cường độ không kích nhằm vào các nhóm khủng bố tại Syria từ 1 phi vụ/ngày lên tới 4 phi vụ/ngày. Cục diện Trung Đông có xoay chuyển?
Vũ Khanh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...