Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
07:28 (GMT +7)

Cổng chào che mặt tượng đài

VNTN - Chào mừng kỷ niệm 55 năm thành lập thành phố Thái Nguyên, tháng 10 năm 2017 một biển điện tử dạng cổng chào lớn (thực chất là cổng chào vì khá phổ biến ở cổng các nhà ga sân bay, bến cảng) được dựng lên tại khu vực đầu đường Cách mạng tháng Tám, ngay bên cạnh tượng đài “Công nhân Gang thép”.

Tượng đài “Công nhân Gang thép” được khánh thành tháng 11 năm 1993, nhân kỷ niệm 30 năm mẻ gang đầu tiên của Tổ quốc ra lò. Khi đó thể theo nguyện vọng của các thế hệ công nhân - viên chức - lao động, lãnh đạo Công ty Gang thép Thái Nguyên đã tổ chức Cuộc thi thiết kế mẫu và xin phép lãnh đạo tỉnh, thành phố xây dựng tượng đài tại khu vực đảo tròn, nằm trong quần thể văn hóa của Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên bao gồm: Nhà Văn hóa, hồ Thiên Nga, rạp Phúc Lợi và Nhà khách. Tượng đài là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ công nhân Gang thép.

Cổng chào che khuất tượng đài “Công nhân Gang thép” và nhiều ngày đêm không chạy chữ gì.

Tuy nhiên, kể từ khi cổng chào điện tử được dựng lên đã làm cho tượng đài bị che khuất. Nếu đi từ phía nam lên trung tâm thành phố thì tượng đài lại che khuất cổng chào. Với khoảng cách sát vòng xuyến, dòng chữ chạy bên trên nhỏ, người điều khiển phương tiện ngước đọc sẽ rất dễ xảy ra mất an toàn giao thông.

Nhiều người dân phía nam thành phố tỏ ra không đồng tình trước lời giải thích đây không phải là cổng chào, mà chỉ là dải biển điện tử chạy chữ chào mừng. Tuy nhiên, hình dáng kết cấu công trình thật khó lý giải và có tính thuyết phục. Có thể nói công trình này đã làm mất mỹ quan độ thị và cảnh quan khu vực đường tròn Gang thép. Tại khu vực này, thay vì biển điện tử dạng cổng chào, nên sử dụng màn hình lớn đặt trên trụ cao trước hồ Thiên Nga hoặc khu vực Nhà khách và kết hợp tuyên truyền, quảng cáo, kết nối với truyền hình, tạo thành hình thức giải trí tổng hợp phục vụ cả nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân, bởi khu vực này buổi tối rất đông người tụ tập nghỉ ngơi thư giãn. Lời chào mừng, hoặc khẩu hiệu tuyên truyền thuần túy trên bảng điện tử với nội dung chậm đổi mới, chỉ có giá trị trong thời điểm nhất định là sự lãng phí không cần thiết. Thậm chí, nhiều ngày đêm sau lễ kỷ niệm, cổng chào không chạy chữ gì.

Theo một số người dân, vị trí đặt cổng chào này bên cạnh việc che khuất tượng đài, gây mất an toàn giao thông, nó còn gây cảm giác như thành phố tạo khoảng cách với nhiều công trình văn hóa và phân biệt đối xử với cư dân các phường thuộc thành phố nằm ngoài cổng chào. Lẽ ra nó phải được đặt tại vị trí cửa ngõ vào thành phố, nơi giáp ranh huyện thị khác.

Khi tượng đài xây dựng trước đã đăng cai không gian, tất cả các công trình xây dựng sau cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và tính đến tầm ảnh hưởng của nó, đó là điều bất cứ người hoạch định không gian đô thị và kiến trúc cảnh quan nào cũng phải tuân thủ. Công trình này về kiểu dáng, khoảng cách với tượng đài không phù hợp và không có tính thẩm mỹ.

Tượng đài “Công nhân Gang thép” là biểu tượng của Khu Gang thép Thái Nguyên, đứa con đầu lòng của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam. Hình ảnh tượng đài bị che khuất khiến nhiều người bức xúc và vô hình chung làm tổn thương tình cảm của các thế hệ đã từng cống hiến mồ hôi công sức và cả máu của mình để làm ra gang thép cho Tổ quốc.

Theo chúng tôi, những người có trách nhiệm của thành phố nên kiểm tra, xem xét và di chuyển cổng chào tới vị trí thích hợp.

Thái Dương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy