Con đường cát bụi
Trích tiểu thuyết của nhà văn Hồ Thủy Giang
…Khu biệt thự Hoàng Mơ nằm đối diện với tòa soạn báo văn nghệ. Đó là một vùng đất rộng đến vài héc- ta, cây cối rậm rạp um tùm. Hàng chục cây cổ thụ rải rác bao xung quanh mấy tòa ngang dãy dọc của khu biệt thự khiến nó giống như một vật thể khổng lồ nhưng âm thầm, cô độc, tách hẳn với thế giới bên ngoài. Nếu được dạo bước trên con đường nhỏ lát toàn bằng đá xanh cổ kính từ cổng vào phía trong, ta sẽ có ngay một cảm giác đang du ngoạn trong một cánh rừng già vùng nhiệt đới. Tĩnh lặng và âm u đến lạnh sống lưng. Trong những tán lá đen ngòm, tiếng sóc chuyền cành soàn soạt. Trên những cành cây đâm ra tứ phía như giáo mác là những chú khỉ mặt mày nhăn nheo, nghiến răng ken két dọa dẫm. Rùng mình nhất là dưới một gốc cây cổ thụ sát lối đi, một con trăn mắt võng to như chiếc cột nhà oằn mình trong chiếc cũi sắt, như muốn ăn tươi nuốt sống những ai dám bước đến gần. Cách đó không xa, sát hơn với ngôi biệt thự là dãy chuồng nhốt mấy con béc giê to như con bê, mỗi khi gặp người lạ lại ngửa cổ lên trời tru lên những tiếng man dại. Có lẽ con vật hiền lành nhất ở nơi đây là con vẹt xanh biếc bị xích chân trên một cành cây bên cạnh dãy chuồng chó, miệng luôn thảng thốt la lên mấy tiếng quen thuộc: ''Ông chủ về! Ông chủ về!''
Dưới một lùm cây cổ thụ sát với chân móng ngôi biệt thự chính, một người đàn ông khoảng ngoài sáu mươi tuổi và một chú bé gầy trơ xương sườn đang làm cỏ và chăm sóc vườn cây.
Đứa bé lấy tay nhổ những búi cỏ xung quanh một gốc cây, thỉnh thoảng lại nghiêng ngó nhìn về phía dãy hành lang tầng hai trước mặt, nơi có người đàn bà còn khá trẻ ngồi như một bức tượng.
Người đàn ông liếc xéo về phía cậu bé, cau mày, cất tiếng khàn đục:
Thằng bé vội cúi gằm mặt. Nhưng một lúc, chừng như không nén nổi sự tò mò, nó cất tiếng:
- Ông Hồi ơi, hơn một tuần cháu vào làm ở đây sao ngày nào cũng thấy bà chủ ngồi ở chỗ kia, mặt buồn như đưa đám ma vậy?
Huy nhìn trộm ông Hồi, khẽ nói:
- Bà chủ đẹp thật ông Hồi nhỉ. Cứ như hoa hậu trên ti vi ấy. Ở quê cháu bói cũng không ra người như bà chủ đâu.
Ông Hồi phì cười:
- Quê mày toàn người chân đất mắt toét lại đi bì với người ăn trắng mặc trơn như bà chủ đây. Rõ là so công với quạ.
Huy nheo mắt, như suy nghĩ điều gì.
- Ông ơi, thế mà hôm qua cháu thấy bà chủ vừa soi gương vừa khóc đấy. Chuyện lạ có thật ông nhỉ. Cháu mà giầu như bà chủ thì cười tít mắt cả ngày.
Ông Hồi vẻ hoảng hốt:
Huy ngẩn mặt một lúc lâu rồi cất lời:
- Ông chủ ác thế hả ông? Nhưng từ ngày vào làm cháu có thấy ông chủ về đâu? Nhiều người làm ở đây cũng chưa biết mặt ông chủ mà.
Ông Hồi gật gù:
- Ừ! Nhưng...
Huy quệt mũi:
- Nhưng sao hả ông?
Ông Hồi gắt:
- Ngu! Cái gì cũng muốn biết là chết không có chỗ chôn đấy con ạ.
* * *
Vũ Hoàng vẫn đang hướng ống nhòm về phía ngôi biệt thự. Một lát, anh quay sang Phi Hải:
- Chếch về phía chị ta ngồi không xa tôi nhìn thấy một ông già và một đứa trẻ đang nhổ cỏ. Có lẽ đó là những người làm. Thì ra kẻ hầu người hạ trong ngôi biệt thự kia không hề ít. Chủ ngôi biệt thự này phải là một tỷ phú có hạng. Nhưng…
Phi Hải:
- Nhưng sao…?
Vũ Hoàng buông ống nhòm:
- Ngắm dung nhan người phụ nữ suốt cả tuần nay, anh có thấy điều gì khác lạ không?
Phi Hải nhún vai:
- Còn chú thấy gì?
Vũ Hoàng hướng cái nhìn về phía xa:
- Anh có nhận thấy người phụ nữ kia có một vẻ đẹp bình dân của một cô gái thôn quê không? Một vẻ đẹp bình dân trong bộ vỏ quí phái! Tôi cảm thấy chị ta giống như một con công nhốt trong chiếc lồng bằng vàng.
- Chú có vẻ tinh đấy!
Vũ Hoàng nhíu lông mày, nghĩ ngợi:
- Vậy mà chị ta lại là chủ nhân của một ngôi biệt thự có giá tới vài trăm tỉ.
- Vào thời buổi bây giờ, điều ấy cũng có gì lạ đâu.
Vũ Hoàng lắc đầu, không đồng tình:
- Anh không nhận thấy đó là một hiện tượng phi lô gích sao?
Phi Hải không nói, cười tủm tỉm.
Vũ Hoàng vừa đưa ống nhòm nhìn sang ngôi biệt thự vừa nói:
- Theo óc tưởng tượng vô bờ bến của tôi, hình như đó là ngôi biệt thự... quỉ ám.
- Quỉ ám! Chú nghĩ gì mà khủng khiếp vậy?
Tiếp tục giữ ống nhòm trên tay, Vũ Hoàng như phát hiện thấy điều gì, lắp bắp:
* * *
Người phụ nữ ngồi như bất động trong hành lang tầng hai ngôi biệt thự. Vẻ mặt vô hồn buông cặp mắt đờ đẫn về phía xa. Nhìn gần, ta có thể nhận thấy một giọt nước mắt ứa ra, loang trên gò má hơi xanh xao của chị.
Một bà già khoảng sáu mươi tuổi khép nép bước lại gần người phụ nữ trẻ. Giọng bà già lập cập, cung kính:
- Bẩm, con đã bật ti vi, mời bà chủ vào xem. Đang chiếu phim Tây du đấy ạ.
Người phụ nữ quay về phía bà già, vẻ không vui:
- Chị Tâm! Em đã nói với chị bao nhiêu lần rồi. Tên em là Mơ, sao chị cứ gọi em là bà chủ mãi thế?
Bà già khom lưng:
- Dạ! Bà chủ tha tội. Con không dám.
Mơ gắt:
- Chị sợ ông Sách đến thế sao?
Bà Tâm chắp tay:
Mơ phật ý:
- Chị tắt đi giúp em. Hôm nay em chẳng muốn xem một tị nào.
Bỗng từ phía trong tiếng chuông điện thoại cố định vọng ra.
Mơ nhỏm người định chạy vào, bà Tâm vội ngăn lại:
- Bẩm bà, để con ạ...
Nói rồi Bà Tâm nhanh nhẩu bước vào phía trong, nơi tiếng điện thoại phát ra.
Chạy tới bàn đặt điện thoại, bà Tâm hấp tấp cầm ống nghe.
- Thưa! Biệt thự Hoàng Mơ đây ạ.
Bà Tâm chăm chú nghe, vẻ mặt căng thẳng dần. Một lát sau, giọng bà Tâm như ríu lại:
- Dạ... Dạ... Vâng ạ... Vâng... Bẩm ông chủ, con biết rồi ạ...
Mơ dời hành lang, bước lại gần bàn điện thoại. Nghe tiếng động, bà Tâm ngoảnh lại, vẻ sợ hãi lộ trên nét mặt.
Mơ nhìn xoáy vào mặt bà Tâm:
- Có phải điện thoại của chồng em không?
Bà Tâm lúng túng suýt rơi ống nghe.
- Dạ... Thưa bà chủ... Không… không phải... Từ ngày đi, ông chủ có bao giờ điện thoại về đâu ạ. Chỉ là việc nhà mình nộp tiền điện hơi chậm, người ta gọi đến để nhắc nhở.
Mơ nhăn mặt:
- Rõ chán! Chị cho người mang tiền nộp ngay. Trước khi đi, ông ấy dặn dò rất kĩ là tất cả mọi việc, dù nhỏ đến đâu cũng đều phải làm thật chỉn chu, không được sơ sểnh điều gì.
Bà Tâm đặt ống nghe, thở phào.
* * *
Đã khuya mà Thắm vẫn trằn trọc không sao ngủ được. Từ chiếc giường tầng trên, phát ra tiếng ngáy nhẹ đều đều của Liễu. Phía cuối phòng, những tiếng nói mớ, tiếng nghiến răng ken két.
Thắm nhớ lại hồi chiều, khi biết quyết định của Thắm không bán chiếc đồng hồ kỉ niệm của bố để mua bộ quần áo mới đi dự đại hội sinh viên toàn tỉnh, Liễu cứ cau có không yên. Nó hộc tốc đến gặp ông chủ khu giải trí Sơn Ca Quán nơi nó làm thêm để xin tạm ứng nhưng ông chủ lại không có nhà. Thắm đã nói với nó không có gì phải băn khoăn, cô sẽ đi dự đại hội bằng chiếc áo vá. Nghèo thì chịu phận nghèo có sao đâu. Nhưng cái Liễu vẫn một mực không nghe:
- Không được! Các thầy sẽ cho rằng mày coi thường mọi người. Mày phải hiểu, việc mày được đi dự đại hội là niềm vinh dự không phải cho riêng mày mà cho cả tao nữa. Nói đúng hơn là cho tất cả bọn sinh viên nghèo hèn chúng mình. Ngược lại, đó cũng chính là một cái tát nổ đom đóm mắt vào mặt lũ bò dửng mỡ.
Cái Liễu là thế. Nó căm ghét bọn sinh viên giầu đến tận xương tủy. Cái câu 'lũ bò dửng mỡ” là do nó đặt ra để chỉ những đứa con nhà giầu. Vốn là người rụt rè, đối với Thắm, chuyện đi dự đại hội sinh viên toàn tỉnh là một sự ngại ngùng thì cái Liễu lại coi đó như một chiến thắng vang dội của sinh viên nghèo với một niềm kiêu hãnh lớn. Cả ngày hôm qua, cứ mỗi lần lướt qua mặt bọn con Lan, con Tuyết, mặt cái Liễu cứ vênh lên như chiếc bánh đa nướng làm Thắm không nhịn được cười. Về chuyện mua quần áo mới để Thắm đi dự đại hội cũng vậy. Chạy đôn chạy đáo khắp nơi mong có được vài trăm nghìn mà không nổi, nó cứ như phát cuồng lên. Và rồi cái ý định điên rồ của nó tung ra vào lúc sẩm tối hôm nay khi chỉ có hai đứa ở phòng kí túc xá làm Thắm như muốn ngất xỉu.
- Mày đã từng... ăn cắp bao giờ chưa? Liễu vừa đảo mắt nhìn xung quanh phòng kí túc xá vừa nói khẽ vào tai Thắm.
Thắm sững người:
- Mày nói gì!?
Liễu thì thầm:
- Ăn cắp!
Thắm hoảng hồn:
- Mày định làm gì?
Mắt Liễu vẫn soi mói nhìn vào ổ khoá chiếc va li của cái Lan ở cuối giường tận trong góc phòng. Một lát, nó quay sang nói nhỏ vào tai Thắm:
- Nhiều khi việc trộm cắp cũng không hoàn toàn có tội, mà chỉ là sự phân phối lại của cải giữa người giầu và người nghèo mà thôi. Mày chưa ăn cắp bất cứ một vật gì thật sao? Tao không tin. Những người nghèo chúng ta luôn bị dồn vào cái thế buộc phải ăn cắp.
Câu nói của Liễu làm Thắm đờ người. Tuy có phần ngụy biện, nhưng điều nó nói quả là không sai. Thực ra, Thắm cũng đã từng có một lần ăn cắp. Đó là cái ngày Thắm còn học cấp 2 ở trường làng. Năm ấy, bố ốm quặt quẹo. Bà dì ghẻ gồng gánh chạy ăn cho cả nhà, suốt ngày thét lên như xé vải. Đã tới nửa năm học Thắm thiếu tiền học phí đóng cho nhà trường. Cô chủ nhiệm đã đưa ra “tối hậu thư” sau một tuần, nếu không đóng đủ tiền, Thắm sẽ bị đuổi học.
Đêm hôm ấy, Thắm gạt nước mắt, cúi gằm mặt lẩn vào ruộng ngô của nhà lão Huỳnh béo giầu nhất xóm bẻ trộm một bao tải đầy. Cái bao tải ngô lần ấy mang ra chợ bán đã giúp cho Thắm không bị đuổi học.
Sau khi nghe thắm “thú tội”, cái Liễu cười vang:
- Không sao cả! Người nghèo chúng ta nhiều khi muốn giữ gìn sự trong sạch nhưng đâu có được. Các cụ đã từng có câu "đói ăn vụng túng làm liều" chính là cái ý ấy.
- Nhưng chuyện này làm tao áy náy đến tận bây giờ.
Liễu hất tay:
- Lẩm cẩm! Việc lấy trộm ngô của mày tuy không thể chối cãi là một hành vi trộm cắp.
Nhưng theo tao, điều đáng nói hơn đó chính là một chiến công oanh liệt của tinh thần hiếu học. Không có gì phải ân hận. Nhưng lần này tao không để mày phải dính dáng vào chuyện này đâu. Cứ yên tâm, chủ nhật này mày sẽ có áo mới. Hôm qua tao thấy con Lan ra bưu điện lĩnh năm triệu. Gia đình nó tiền nhiều như nước.
Thắm lúng túng:
- Liễu ơi, thôi đi... Tao thấy cứ thế nào ấy.
Liễu nắm chặt tay Thắm:
- Để thực hiện việc lớn cho cả cuộc đời, những sinh viên nghèo chúng mình không còn con đường nào khác. Tao cấm mày không được mềm lòng. Tối hôm qua tao đã tăm được chỗ con Lan giấu chìa khóa va li.
- Tao thấy cứ như không phải với nó.
Liễu bĩu dài môi:
- Mày thương gì nó. Năm triệu ấy nó chỉ ra siêu thị ba ngày là hết. Thôi gắng lên! Cũng giống như ngày ấy nếu mày không ăn cắp ngô để nộp tiền học phí thì bây giờ chắc gì mày đã được làm sinh viên y khoa như hôm nay.
Trong màn đêm bắt đầu buông xuống, trông khu biệt thự càng thêm rùng rợn, bí hiểm.
Ông Hồi và Huy đang dọn dẹp mấy thứ lặt vặt ở một góc vườn. Chừng như vãn việc, Huy tha thẩn bước đến gần hàng rào sắt, chợt nó đứng sững lại, mồm há hốc. Trước mắt Huy, ngay sát hàng rào phía ngoài, một bóng đen cao lớn sừng sững đang ghếch cái đầu to xù lên thanh sắt hàng rào. Đôi mắt man dại quắc lên như mắt thú dữ nhìn xói vào bên trong. Huy co rúm người lùi vội vào phía trong, va vào người ông Hồi.
- Cái thằng này! Sao mà hốt hoảng thế?
Khá lâu Huy mới cất nổi mấy tiếng ú ớ:
- Ma...m...a... Có ma!
Ông Hồi quắc mắt:
- Mày nói lảm nhảm cái gì thế?
Huy lấy tay che mặt.
- Ma! Cháu vừa nhìn thấy mà. Nó ở phía hàng rào kia kìa!
Giọng ông Hồi hơi run nhưng vẫn làm ra vẻ cứng cỏi:
- Mày nói láo, ông chủ về thì cắt lưỡi.
Huy xua tay rối rít:
- Cháu nói thật mà.
Ông Hồi lôi tay Huy:
- Dẫn tao ra xem.
Huy lấm lét bám sau lưng ông Hồi lê từng bước về phía hàng rào sắt.
Ông Hồi quan sát một lúc lâu, quay lại cốc vào đầu Huy.
- Có thấy gì đâu? Rõ là thần hồn nát thần tính. Này! Ông bảo cho mà biết, ở đây mà cứ cái tính này là về vườn sớm con ạ. Chốn này tuy hơi buồn nhưng tháng tháng cũng kiếm nổi vài triệu đấy.
Huy nhăn nhó:
- Cháu biết rồi. Nhưng đúng là cháu vừa nhìn thấy nó ở sau cái hàng rào này mà.
Phía sau bức tường, tiếng xe máy chợt nổ vang. Huy giật mình co rúm người lại.
Huy kiễng chân nhìn ra ngoài:
- Chắc là nó lên xe máy chạy rồi.
Ông Hồi phì cười:
- Ma mà biết đi xe máy thì tao cũng chịu mày thật rồi Huy ạ. Thôi, đi về! Nhớ giữ mồm giữ miệng!
Ông Hồi đuổi Huy vào trong, nhìn ngó hồi lâu quanh hàng rào sắt. Vẻ mặt ông đăm chiêu, đầy lo lắng. Vừa rồi ông lớn tiếng mắng thằng Huy là để trấn an nó và cũng là để tự trấn an chính mình chứ thực trong bụng ông cũng đang rối bời. Ông nghĩ chắc thằng Huy không nói dối. Hẳn vừa rồi nó đã nhìn thấy cái gì đó không bình thường. Là bọn trộm cướp rình mò hay là người do ông chủ cử về theo dõi? Là ai thì cũng đáng sợ. Trước khi đi, ông chủ đã tin tưởng và gửi gắm mọi chuyện cho ông. Biết đó là một việc quá sức nhưng ông không thể chối từ. Ông Hồi lê bước về khu nhà dành cho người làm, đầu phác tính một phương án đề phòng. Cắm cúi bước, bất chợt ông va mạnh vào bà Tâm đang đi ngược chiều từ hành lang ra.
Bà Tâm kêu ré lên:
- Quỉ sứ cái nhà ông này. Mắt mũi để đâu mà...? Ồ, nhưng mà gặp ông ở đây là may cho tôi rồi.
Ông Hồi cũng trách:
- Còn bà đi đâu mà như ma đuổi thế?
Bà Tâm không nói, vội kéo ông Hồi ra một nơi kín đáo:
- Nguy to rồi ông ạ.
Ông Hồi lo lắng:
- Có gì mà trông bà hốt hoảng vậy?
Bà Tâm ngoảnh đi ngoảnh lại vẻ đầy cảnh giác:
- Tôi đang sốt hết cả ruột gan lên đây.
- Có chuyện gì?
Bà Tâm lại ngó xung quanh rồi ghé sát vào tai ông Hồi, thì thào:
- Ông chủ điện thoại về! May quá, cả hai lần tôi đều nhanh tay cầm điện thoại chứ không bà chủ nghe được thì nguy.
Ông Hồi cũng đờ người, giọng run run:
- Nhưng mà có… chuyện gì, bà nói nhanh lên, sao cứ úp mở mãi thế.
Bà Tâm hạ thấp giọng:
- Ông chủ nói rằng có kẻ đang nhòm ngó ngôi biệt thự và ra lệnh cần có kế hoạch bảo vệ bà chủ kĩ lưỡng hơn.
Ông Hồi cau mày, gật gù:
- Chết rồi! Vậy là chuyện thằng Huy nói nhìn thấy ma ở sau hàng rào là có thật. Lại còn tiếng xe máy nữa... Chẳng lẽ...
Bà Tâm.
- Thế thì đúng rồi ông ơi. Hãi thế! Ông chủ ở đâu đâu nhà giời mà có động tĩnh gì là đã biết ngay. Ta phải báo công an thôi ông ơi.
Ông Hồi dằn giọng:
- Bà điên à? Đã mấy năm hầu hạ ở biệt thự này mà bà chẳng hiểu gì cả.
Giọng bà Tâm lạc đi:
- Nhưng mà tôi sợ lắm.
Ông Hồi dứt khoát:
- Sợ cũng phải nghĩ cách khác chứ không bao giờ được nghĩ đến việc báo công an bà hiểu chưa.
Bà Tâm so vai:
- Thì tôi cũng biết, nhưng mà...
Ông Hồi nghĩ ngợi một lúc lâu, rồi ghé sát tai bà Tâm:
- Việc đầu tiên là bà phải lựa lời để bà chủ không được ra ngồi ở hành lang như vậy nữa. Chắc bà cũng biết, bà chủ mới chính là người ông chủ cần quan tâm, bảo vệ chứ không phải là tiền bạc, của nả.
Bà Tâm ríu lưỡi:
- Tôi biết rồi! Tôi biết rồi!
Ông Hồi nhìn quanh khu biệt thự chìm trong bóng đêm:
- Ngay đêm nay tôi sẽ cắt cử mấy thanh niên khoẻ mạnh đi tuần quanh khu vực hàng rào.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...