Con dế nơi miền cát trắng
Truyện ngắn. Lê Trung Cường
Dòng sông ngăn không cho cơn mưa trở về với đồng làng quê tôi đang khát nước. Bờ bên kia mưa trắng trời, nước đổ xuống sông ầm ầm. Cơn mưa dừng lại ở chỗ dòng chảy. Để bờ bên này vẫn nắng chang chang. Em vịn vai tôi, nhìn về làng mình:
- Tới đây rồi em nhớ nhà lắm nhưng thiếu con đò để sang ngang.
- Em về quê nắng sẽ theo về, bọn trẻ sẽ mất vui. Lâu lắm rồi mới có một cơn mưa!
Em nhìn theo tay tôi chỉ, bờ phía bên kia có những bé trai đang tắm mưa. Làn da đen bóng. Nếu trời cho bên này một chút mưa, tôi cũng sẽ tắm mưa như bọn trẻ. Sao mưa không cho bên này chút nước, để mạ tôi không phải gánh nước tưới hàng cây mới trồng. Kĩu kịt đôi thùng trên vai, mạ nhìn đứa con trai, ngoảnh mặt đi. Giọng nói của người lại vang lên trong trí nhớ con:
-Quê mình nghèo, đổi sức lấy miếng ăn. Người phụ nữ tật nguyền không thể đứng chân trên mảnh đất này.
Mạ quay đi giấu dòng nước mắt. Cả đời người lận đận thân cò với đôi thùng gánh nước trên vai. Quê tôi cát trải dài qua tầm mắt. Nắng lửa mưa dầu ruộng lúa vẫn xanh. Cát bỏng bàn chân tre vẫn mọc thẳng. Bọn trẻ như những cây măng vẫn lớn lên, vươn cao. Tuổi thơ tôi cũng tròn đầy như bọn trẻ trong làng, với những chiều chăn trâu, chơi trò đá dế. Con dế vùng cát trắng cũng khỏe hơn con dế sống trong đất phì nhiêu. Vì tổ dế luôn bị cát lấp đầy, cả ngày dế phải bới cát xây tổ như mạ tôi luôn phải gánh nước tưới cây. Tôi cũng như con dế có hai cánh tay chắc khỏe. Tôi có thể mang sức trai che chở được cho em. Mạ không cho người yêu tôi vào nhà cũng vì quá thương con. Làm dâu trên mảnh đất này em không quẩy được đôi thùng như mạ. Khoai trồng trên cát phải tưới đến khi nào lá phủ kín mặt đất. Tôi giờ đã có việc làm không thể thành người vô gia cư, nhưng mạ không chấp nhận em. Cùng là phụ nữ, sao mạ không thể thông cảm với em? Dìu em ra khỏi nhà, trái tim tôi trĩu nặng. Mắt em đỏ như vạt nắng chiều rơi. Buồn, em chỉ khóc với người yêu. Trong cái nắng bỏng rát của ngày hè, em là cây phi lao quen với đất cằn pha cát. Bọ tôi đón con ở đầu làng:
-Mạ các con chưa hiểu, hai đứa lên thị trấn thuê nhà ở tạm. Thư thư ít bữa rồi bọ khuyên giải.
Bọ nhìn em:
-Khuyết tật không phải lỗi của con.
Nói với con được ngần nấy câu, bọ lại vội gánh nước chạy đi. Đôi thùng sóng sánh, lấp lánh ánh trời. Những cơn gió Lào vô tình cứ mang đi những hạt nước pha lẫn mồ hôi. Gió như những bánh sắt nghiến trên con đường không gian khét lẹt.
Căn phòng tối rồi mà vẫn nóng như là lò nung. Bức tường tựa chiếc chảo vừa rang ngô. Nóng đổ mồ hôi em vẫn không bật điều hòa: “Bọ mạ ở nhà nóng hơn chúng mình nhiều cũng chỉ có quạt điện thôi.” Em tập tễnh leo lên giường nằm sát tường:
-Anh mở cửa sổ ra đi. Gió trời cũng đủ cho mình giấc ngủ ngon.
-Anh muốn đêm nay chúng mình là của nhau.
Em giấu vào trong dòng nước mắt hay gió Lào làm nó khô ngay khi chưa ra khỏi bờ mi:
-Mình thương nhau nhiều năm rồi! Đợi thêm mấy ngày nữa thôi anh.
Thị trấn về đêm trời đầy sao. Mấy căn nhà trồi lên nhờ nhờ trong bóng tối. Đom đóm lập lòe trong màn đêm đen. Bọ mạ tôi giờ chắc chưa được nghỉ. Vì cây trong vườn vẫn còn đang khát nước. Ngày anh trai tôi cưới vợ, bọ gọi con ra nhắc nhở: “Làm dâu quê mình vất vả nhiều, con phải yêu thương và tôn trọng vợ”. Bọ vỗ vai tôi: “Cả con nữa! Nhớ nhé khi nào lập gia đình riêng bọ không nhắc lại nữa đâu”. Quê tôi cái nắng gắt đến rát mặt bỏng da nhưng người dân vẫn gieo trồng cấy lúa. Thời nào cũng vậy, những người có chút chữ nghĩa là ra khỏi làng. Họ chỉ trở về khi mái đầu đã bạc. Nhiều người gửi nắm xương tàn nơi đất khách quê người. Mạ tôi hiểu hơn con nỗi khổ của người phụ nữ quê nghèo. Nghĩa vụ của người vợ, người mẹ trên đất cằn sỏi đá cũng nặng nề hơn. Họ phải có sức khỏe mới chống chọi được với thiên nhiên khắc nghiệt. Nhớ những ngày mùa, tôi học ở trong nhà còn cảm thấy như lò bát quái. Nóng giọt mồ hôi chảy mờ trang sách. Thế mà bọ mạ tôi vẫn ra đồng gặt lúa. Học là con đường duy nhất đưa chúng tôi tới những miền đất xa xôi. Ở nơi đó đất phì nhiêu màu mỡ, cây trồng không phải tưới nước nhiều. Màu xanh che khắp xóm làng. Anh tôi đã theo chị dâu vào Nam sống nhờ bên ngoại. Không phải là người sinh ra trên mảnh đất này, mấy ai chịu được cơn gió Lào khô khốc xát vào mặt, bỏng rát trên từng bó lúa trĩu nặng. Những hạt lúa đó đã nuôi lớn bao nhiêu người có tầm hiểu biết vượt qua cả biên giới. Sáng kiến của họ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cho cả quốc gia. Nhưng mảnh đất chôn nhau cắt rốn vẫn nghèo xơ xác. Thuở nhỏ mỗi khi nhìn về dãy Trường Sơn tôi luôn thầm mơ ước: có những chiếc ống dài nối dòng suối trên núi chảy về làng. Từng ống nhỏ tới từng thửa ruộng. Khi cần nước mở nút rơm là nước chảy tràn. Trong mắt của đứa trẻ con, ngọn núi mây phủ là có rất nhiều nước. Mỗi khi trời mưa không phải là nước từ những đám mây đen đó sao? Mơ ước đó đã dẫn tôi đến với em. Chúng tôi gặp nhau trong buổi lễ phát thưởng cho những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt. Tôi đi thay thằng bạn làm sinh viên tình nguyện giúp những bạn có hoàn cảnh khó khăn lên hội trường tầng sáu. Em vịn cầu thang đi được một vòng thì ngồi xuống bóp chân:
-Em nghỉ ở đây rồi xuống thôi! Anh lên báo cáo ban tổ chức giúp em!
Miệng nói, hai dòng nước mắt em lăn dài trên gò má. Máu anh hùng trong tôi nổi lên:
-Phần thưởng có thể nhận thay! Còn báo cáo về ý tưởng chống hạn cho miền Trung ai sẽ đọc thay em. Để anh cõng em lên.
Không đợi em đồng ý, tôi xốc em lên lưng chạy nhanh lên hội trường. Ít người nhìn thấy bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Điểm chung của chúng tôi là muốn mang nước về tưới cho cánh đồng cát trắng. Biết nhà em cách nhà mình có một con sông, tôi thường lui tới thăm nom. Chúng tôi cùng cảm nhận được trong hương thơm của lúa, trong vị ngọt của từng bát cơm có cả vị mặn của bao giọt mồ hôi. Em hiểu ý mạ tôi nên không trách nửa lời. Em sinh ra là để chịu thiệt thòi, thua thiệt. Cặp mắt buồn thẳm sâu: Hết nhìn cái nắng đang rực rực cháy lại nhìn người yêu. Ánh mắt em không có màu mây hờn giận. Tôi che nắng cho em. “Dù thế nào anh vẫn là nơi nương tựa vững chắc của em!”. Tôi thầm nhủ với lòng mình. Lớn lên trong trại mồ côi em vẫn hiểu cánh đồng làng nắng cháy. Ngày bà ngoại chưa về với cát! Em vẫn được nhận những củ khoai lang do bà gửi tới. Ngày nào em cũng ngóng ra cổng chờ bác bán hàng rong đi qua. Nhìn thấy người phụ nữ mặc áo nâu vá vai là em thấy được làng mình. Bác bán hàng rong, người cùng xóm, mỗi khi về nhà lại mang cho em những món quà của quê nghèo.
Lần đầu chung giường với em tôi không dám đơn phương làm cái việc mà tuổi trẻ khao khát. Yêu và tôn trọng đã lấn át bản năng. Nhiều lúc tôi tự hỏi: “Em có phải là phụ nữ hay không?”. Người yêu của những thằng bạn cùng phòng kí túc xá với tôi thường khéo léo mời mọc. Chúng nó đi chơi với bạn gái lúc nào cũng phải thủ sẵn “thiết bị” an toàn. Những lúc cõng em trên vai tôi cảm nhận được hơi thở gấp gấp, trong bộ ngực căng tròn, phập phồng của tuổi trẻ. Em luôn khéo léo giữ giới hạn với người yêu. Hôm nay khi chúng tôi sắp thành vợ chồng em vẫn giữ khoảng cách vừa đủ. Nhìn em nằm úp mặt vào tường tôi thấy thương em rất nhiều. Em đang tự kiềm chế bản thân. Tôi chỉ cần duỗi thẳng cánh tay là kéo em đến được với mình. Khoảng cách mong manh chưa đủ an toàn cho em. Nhưng tình yêu và lòng tự trọng không cho phép tôi. Trời chưa hửng sáng, hàng cây trong thị trấn vẫn một màu đen thẫm. Em vẫn chìm trong giấc ngủ ngon. Không gian yên ắng, thi thoảng tiếng gà gáy xa xa vọng lại. Tôi hòa trong đoàn người tập thể dục buổi sớm. Chợ họp từ khi nào mà người đã đông. Tôi như thấy mạ trong những người quẩy gánh. Bọ tôi trong những người phu khuân vác.
Cửa phòng khép hờ. Đôi dép của mạ để sát bên tường. Tôi trèo ra ban công phía sau nghe hai người nói chuyện. Cửa sổ em đã cài chặt. Chiếc điều hòa xả hơi nóng hầm hập. Tôi không nghe thấy tiếng ai nói. Nhìn ánh mắt là họ hiểu nhau. Hồi lâu mới có tiếng người yêu tôi nấc nhẹ và giọng mạ tôi vỗ về: “Cùng là đàn bà bác thương con nhiều lắm!”. Tiếng cài cửa cũng rất nhẹ. Bóng mạ tôi hòa vào dòng người dưới đường. Cái dáng khòm khòm của mạ như lưỡi dao cứa vào lòng con. Cùng tuổi với mạ người Hà Nội họ trẻ hơn rất nhiều. Cặp mắt em ráo hoảnh, không có một chút buồn hiện lên nét mặt:
-Hôm nay em về thị xã, thăm mẹ và dì ở trại trẻ. Anh về nhà giúp đỡ bọ mạ gặt mùa, ngày mai bão về rồi.
-Anh muốn về trại trẻ cùng em. Anh muốn được cảm ơn những người đã nuôi dưỡng em.
Em cảm động ôm tôi. Em đặt lên môi người yêu nụ hôn nóng bỏng. Lần đầu tiên được em chủ động tôi lại trở thành con dế co mình trong cát. Nó chẳng có phản ứng thể hiện tình yêu thương đang dồn nén trong lòng. Em ôm vai người yêu như là một đứa trẻ thể hiện tình cảm với cha. Từ nhỏ em đã chỉ có tình thương của người mẹ, người dì. Gió Lào xác khô không ngăn nổi dòng nước mắt. Nhưng em cất đi ngay để người yêu chưa kịp nhận ra. Giọng nói cứng cỏi lại về trên đôi môi thắm đỏ:
-Em muốn anh chuyển giúp em chút quà về cho dì ruột em ở làng. Nói với dì là lúc nào em cũng nhớ quê. Chiếc vòng bạc của bà ngoại tới nay em vẫn đeo trên cổ.
Nắng lửa tràn vào phòng. Em tự thu dọn những thứ cần thiết của mình. Cách một con sông mà hai làng khác nhau nhiều quá. Vị muối của biển, vị muối của mồ hôi hòa trộn nhau. Làng em làm muối phụ thuộc vào cái nắng chói chang. Làng tôi mong mưa cho cây khoai sai củ. Làng em mong nắng cho hạt muối kết tinh. Người diêm dân dưới cái nắng cháy trên những cánh đồng muối nơi cồn cát. Họ kiếm miếng ăn cực nhọc biết bao? Ở Hà Nội, ngày nào em cũng nhấm nháp một hạt muối để nhớ về quê nhà. Ngoài vị mặn của biển em cảm nhận được dư vị ngọt ngào của bao sự khó nhọc, lan tận vào tim. Bà ngoại em và dì em làm ra hạt muối trắng có cả vị mặn của mồ hôi. Nhưng tự nhiên, tre già măng vẫn mọc. Mộ bà ngoại em phủ kín màu xanh. Mặc cảm về khuyết tật chưa một lần em về trồng cỏ tưới nước cho bà. Đồi cát còng lưng hứng từng đợt gió Lào thổi rát mặt. Nếu không có cỏ và được người thân chăm sóc thì chẳng mấy, gió sẽ xóa sạch những nấm mồ xây bằng cát.
Thấy con trai về một mình mạ rất vui. Ngày mai bão về nay vẫn phải tưới cây. Để phòng những cơn gió đi trước không làm trơ gốc những cây khoai đang bén rễ. Tôi gánh nước cùng mạ, đôi vai sưng lên rát bỏng. Ở Hà Nội tôi cũng chăm tập thể dục rèn luyện sức khỏe mà không thể thắng được cái nóng của quê nhà. Tôi không còn là con dế của miền cát trắng. Mạ cười giúp con lau những hạt mồ hôi ròng ròng trên trán:
-Kiếm việc gì ngoài Bắc mà làm con ạ! Nhiều bác trong làng đi thoát li nay trở về với cuốn sổ hưu và quyển sổ tiết kiệm rất an nhàn. Bọ mạ không có những quyển sổ đó phải làm tới khi nào đôi chân không bước được.
-Anh con ở Nam, con lại ở Bắc bọ mạ sẽ sống với ai?
Bọ tôi cảm động. Ông buộc lại mái tóc cho vợ. Tóc bạc rồi mà hai người vẫn thương nhau:
-Mình thấy đó, con nó rất lo cho vợ chồng mình. Để nó về quê công tác cũng là một việc tốt. Mấy ông cán bộ huyện cũng đều có sổ hưu cả.
Mạ không nói có nghĩa là người đồng ý. Chưa có năm nào mà quê tôi không phải hứng chịu những cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Trước kia chỉ có bão, gần đây thêm lũ lụt. Nước lũ trong một giờ có thể xóa sạch thành quả lao động của nhiều đời. Cuộc sống mưu sinh đầy gian lao vất vả mang lại lắm nỗi đắng cay. Nhiều người làng như anh tôi đã bỏ quê đi. Làng giờ chỉ còn mấy chục nóc nhà, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ. Làng em cũng thế. Thưa dân là một điều kiện tốt để phục hồi lại những diện tích rừng đã bị chặt phá. Nhiều nơi đã làm khi người dân tự chuyển cư về đô thị. Mơ ước của em về những khu rừng giữ cát ngăn lũ thật đẹp. Nhưng có thành hiện thực hay không còn phải đợi tới ngày mai. Hôm nay tôi phải thuyết phục được mạ chấp nhận em. Vật lộn với mưa bão cả tuần. Khi ông mặt trời ló rạng phía biển tôi mới có thời gian trở về thị xã tìm em. Mạ chưa chấp thuận nhưng tôi không thể thiếu em. Xa nhau mới biết thế nào là nhớ. Ba năm rồi ngày nào tôi cũng được thấy nụ cười lạc quan, rạng rỡ của em. Nửa ngày đường tôi tới được thị xã. Trại trẻ cho biết em không trở về. Người mẹ và người dì em thường hay kể họ đã nghỉ hưu lâu rồi. Gọi điện cho em thuê bao không liên lạc được. Mới tối qua em còn nói chuyện rất đằm thắm với người yêu. Em nhớ tôi, nhớ những ngày đầm ấm bên nhau. Ông trưởng phòng tổ chức thông cảm mở tủ tìm địa chỉ. Những số điện thoại trong hồ sơ lưu đều không còn sử dụng. Ông cũng thở dài:
- Từ nhỏ con bé đã rất tự trọng. Đói đến mấy nó cũng không xin đồ ăn của bạn khác. Nó chỉ dùng những thứ thuộc về mình. Cháu về quê xem nó có về đó không?
Trong tuần mưa bão em đã đi đâu? Mạ tôi đã nói gì với em? Yêu em sao tôi không hiểu người mình yêu. Mấy năm qua chỉ có em yêu tôi. Còn tôi với em chỉ là tình thương. Em hiểu nên luôn giữ khoảng cách chăng. Tuần vừa qua những tin nhắn nồng nàn tình cảm phần lớn là của em. Hai chúng tôi cùng yêu mảnh đất này. Về tới đây rồi em không thể chia xa. Bốn năm đằng đẵng vì lý do sức khỏe chưa một lần em được về thăm quê. Làm con, sao tôi không hiểu mạ mình. Vì con mạ sẵn sàng làm tất cả. Bao năm rồi chiếc đòn gánh vẫn nặng trên vai mạ mỗi phiên chợ sớm. Mạ mang hết những thứ thu từ ruộng vườn, có thể bán được ra chợ lấy tiền gửi cho con. Tấm áo bọ bạc màu vì mưa nắng dãi dầu. Hai đứa con học đại học ở hai đầu đất nước, bọ mạ ở nhà oằn lưng gánh nhọc nhằn. Giận mạ nhưng tôi nuốt vào trong dạ. Mạ đã vất vả về con quá nhiều rồi. Những việc mạ làm cũng vì thương con. Tại sao tôi không động viên em về làng. Nơi đó căn nhà của bà ngoại em vẫn còn. Các con của người dì ruột em cũng đã đều ra thành phố. Em có thể ở với dì ít bữa. Tại sao tôi lại để em đi. Suốt ba năm kể từ khi chúng tôi biết mình không thể sống thiếu nhau, chưa khi nào tôi để em đi xa một mình. Qua cơn bão, làng em trở nên tiêu điều. Dì cũng già đi hàng chục tuổi. Dì tâm sự với tôi như tự trách chính mình:
- Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, dì phải gửi em vào trại mồ côi. Từ ngày đó đến nay con bé chưa một lần trở lại xóm làng. Nó còn giận dì nhiều lắm. Dì cũng thấy có lỗi với mẹ con bé. Trước khi ra đi, mẹ nó đã gửi lại con nhỏ cho dì. Dì đã không làm tròn trách nhiệm với người quá cố.
Chưa khi nào em nói với tôi về gia đình mình. Em yêu cái nắng chói chang của miền Trung đã nuôi mình khôn lớn. Học xong em sẽ về quê làm việc, mang hiểu biết giúp ích cho xóm làng. Em muốn quê mình bớt nghèo, những người như bà ngoại em bớt khổ. Em yêu vị mặn của những giọt mồ hôi đã đổ xuống trên từng cánh đồng, từng ruộng muối. Tình yêu quê của em đã chảy sang cả tôi, trong những bữa cơm chiều em nấu món ăn quê nhà. Em dẫn con dế đang tìm đến vùng đất phì nhiêu quay trở lại với những cồn cát trắng phau. Món bánh tôm bột lọc em làm cho tôi mời các bạn trong cả khu trọ là niềm tự hào của vùng quê phần nhiều chỉ có sắn khoai. Nay tôi mới hiểu vì nghèo, mẹ em phải dời làng ra đi nhưng cơn bão không cho tới miền đất mới. Chân trời góc biển tôi biết tìm em nơi đâu? Xa nhau tôi mới nhận ra mình yêu em rất nhiều. Tôi yêu làn da rám nắng, mặn mòi, của gió Lào cát trắng. Vắng em tôi không thiết thứ gì. Huyện gọi về làm việc tôi cũng cho qua. Cả ngày đi tìm vết chân em trên cát. Người con gái chân đi cà nhắc, bàn chân nổi bàn chân sâu. Trên cồn cát trắng tinh không còn vết chân nào. Tôi chỉ cảm thấy vui khi được ăn bát canh do em nấu. Ba năm rồi tôi đã quen với sự chăm sóc của em. Mạ tôi động viên:
- Phụ nữ chưa cưới hỏi đã ở cùng phòng với con trai chẳng phải là người ngoan. Con gái khỏe mạnh quê mình có rất nhiều. Con nên kiếm một cô giáo làng sau này có lương hưu lại đảm việc nhà.
Tôi bỏ ra sông. Nắng quay cuồng làm sôi cả mặt nước. Mạ đuổi theo đội cho con chiếc nón lá lên đầu. Thương con nhưng mạ đâu có hiểu lòng con. Tôi không thể giải thích với mạ là em trong sáng. Việc hai năm rõ mười nói mạ cũng chẳng tin. Em đi đâu trên miền đất chỉ có nắng và cát này? Chuyên môn của em tốt nhưng doanh nghiệp nào sẽ nhận em vào làm việc? Ai sẽ chở em đi làm mỗi ngày?
Con dế mất người yêu, nó đi thơ thẩn trên triền sông, nhìn về bờ bên kia, tìm một bóng dáng quen thuộc. Tôi sẽ về Hà Nội sống ở nơi có những kỉ niệm về em. Căn phòng trọ đã có bốn năm mang hơi ấm người tôi yêu.
Những lời thấu lý đẹp tình của bọ và những giọt nước mắt của mạ không ngăn được tôi khoác ba lô dời quê. Bọ chở con ra ga trong nắng hè cháy đỏ. Con tàu thở hồng hộc khi vừa qua một quãng đường dài. Bụi đỏ bám đầy thân tàu. Người con gái chân thấp chân cao vịn vai bạn gái khó nhọc bước xuống sân ga. Nắng, cát và gió Lào đã đưa em trở lại. Con dế đã quay về, bởi chỉ có sống trong cát dế mới có sức khỏe bền lâu.
Tàu nặng nề chuyển bánh để lại một hành khách cùng tấm vé trên tay. Tiếng rít của bánh sắt trên đường ray vỡ vụn nắng chiều.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...