Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
16:44 (GMT +7)

Con có về nhà đi chợ đầu năm

Trong tiết trời lạnh giá, mưa phùn rắc mỏng mảnh, mùi Tết đặc quánh khắp đầu thôn cuối xóm, năm nào cũng đúng mồng hai Tết mẹ tôi sẽ đi chợ ra hàng. Trong Tết mẹ đã nhóm lò than củi ngồi quạt nướng mấy trăm cái bánh đa, dạo quanh xóm mua mấy buồng cau, hái ít lá trầu, đẽo vỏ chay, chia thuốc lào, dồn gạo muối vào những chiếc túi xinh xinh.

- Con có về đi chợ đầu năm không, về đi bán ra hàng với mẹ.

Lấy chồng xa nhà, ngày Tết đi đằng đông chạy đằng tây, năm nào về được với mẹ ngày mồng hai Tết là quý lắm. Lưng mẹ còng lắm rồi, con cháu ai cũng khuyên mẹ nghỉ chợ thôi, lời lãi có là bao nhưng mẹ bảo đấy là niềm vui của mẹ. Phiên chợ đầu năm không cần đi chợ sớm, Tết mà. Những bà mẹ, ông bố suốt năm dài làm lụng còn nằm ủ ấm trong chăn. Thong thả chở mấy bao bánh đa, mấy mẹt trầu cau, muối gạo bày lên tấm nilon trải trên nền gạch. Khách đến mở hàng đã nhắt nhỉ với mẹ từ trước, vừa mua hàng vừa ôm vai nắm tay nhau mà chúc Tết, mà chị chị em em xôn xao.

Con có về nhà đi chợ đầu năm
Nguồn: internet

“Anh ơi, chị ơi, bà cụ ơi ăn một tấm bánh đa năm mới cho khấc kháo, cô gì ơi có mua “giầu cau” đi lễ chùa Cổ Lễ mình không! Bác mua lễ bao nhiêu, năm nghìn, ba nghìn, chục nghìn em cũng bán…”

Giọng mẹ tôi bỗng trẻ trung lạ thường, như người Quan họ ngày chưa về nhà chồng đang đi hát hội xuân. Bánh đa lời mấy trăm đồng, bánh vỡ mẹ tặng mẹ cho thêm. Tay mẹ thoăn thoắt, miệng cười đến duyên. Người mua có người trả giá, lại có người biếu thêm “mừng tuổi” bà cụ.

Hàng quán xung quanh đều giản dị và tươi tắn, nào hàng mía thuốc tím thẫm ngọt mềm mua lấy vài cây cho “dóc ráo” đầu năm, vài mớ rau cần xanh ngắt trên cái rổ sề nhà ai vừa hái dưới ao, ít bỏng gạo bỏng ngô nở bông lên đầy vun trong mấy cái bao tải. Phiên chợ đầu năm thứ gì cũng dễ mua.

Chợ họp đến độ mười giờ sáng thì tan, cùng mẹ trở về nhà, cả nhà ăn một bữa cơm trưa, nghe mẹ phấn khởi khoe tiền lãi ngày đầu năm mới. Ôi, có anh giám đốc kia mua hết có ba chục nghìn mà lì xì cho mẹ hẳn năm mươi nghìn, có chị giám đốc kia trả tiền rồi còn mừng tuổi mẹ thêm một chục. Ai mừng tuổi cho mẹ thì mẹ đều gọi là “giám đốc” hết. Cả nhà cười rộn lên rồi rôm rả cụng ly.

Ngủ một giấc trưa lấy sức, Tết của mẹ khi ấy mới bắt đầu, cùng các con cháu đến nhà bác cả hai bên nội ngoại rồi cô bác chú dì, nhà nào mẹ cũng đến, những tờ tiền mới mẹ để dành không biết từ bao nhiêu phiên chợ để mừng tuổi cho đàn cháu “đông như quân Nguyên”.

Cả đời mẹ chạy chợ, tôi mong mẹ về chợ, cùng mẹ bươn chải đường xa, bão gió… Đường về nhà đã bao chuyến xa xôi. Mẹ khi còn trẻ, những ngày nông nhàn mẹ đi bán kem que. Chiều muộn mẹ về nhà, gỡ hai cái bao tải treo bên hông thùng kem xuống, cầm đáy bao dốc ngược lên, tung ra sân nào dép rách, lông gà lông vịt, nồi niêu cũ hỏng, vỏ lon bia… Chị em tôi tha hồ ngồi đập lon, phân loại đồng nát trên sân gạch. Hôm nào may mắn mẹ đổi được đôi dép còn mới mẹ gói kỹ vào giấy báo, giắt thật chặt sau xe, hôm ấy mẹ đạp xe về nhà thật nhanh ướm thử “dép mới” cho mấy đứa con đang mong mỏi.

Mùa hè cùng mẹ đẩy xe bò chở dưa hấu đi chợ từ gà gáy, hết dốc xuống đò rồi lại leo dốc lên đê. Hôm nào đắt hàng mẹ hào phóng mua cho tôi một tô bánh đúc riêu cua nóng hổi. Gặp hôm mưa bão, xe dưa hấu chở đi không bán được lại phải kéo về. Lúc ấy hai mẹ con tôi bấm chân xuống đường đất trơn trượt, đi một đoạn lại nhẩm xem còn bao nhiêu cây số thì về đến nhà. Mưa như trút nước, trời tối sầm, sấm sét chằng chịt bầu trời. Mẹ vừa đi vừa bứt hoa móc hùm cho tôi ăn, dặn con phải ăn thật ngon lành. Trời đánh còn tránh miếng ăn - mẹ vin vào câu cửa miệng mang hàm ý khác của người đời mà dẫn tôi về nhà qua bao mùa bão gió. Sau này, con trai trong nhà có khi nông nổi, con gái lớn lên nhiều lúc cực thân, mẹ đều dặn về đến nhà rồi mới tính. Về đến nhà là lúc mọi thứ được xoa dịu đi, hoặc là tha hồ được bung ra cho phải lẽ.  Nhà có cửa lớn đón gió hướng nam, có chái bếp nằm cạnh cây rơm, có mảnh vườn bốn mùa cây trái thay phiên nhau vào ngọt. Nhà có những người thân dần khuất núi mà mỗi lần về tôi vẫn mượn khói nhang để tựa nương vào những tình thương đã từng.

“Con có về đi chợ Tết với mẹ không” hay là “về đi chợ đầu năm ra hàng với mẹ”. Suốt đời mẹ dường như lúc nào cũng chờ đợi những dấu mốc của đàn con, ngóng con cái trưởng thành bay vút lên thật cao thật xa, rồi lại ngóng đợi chúng tôi trở về nhà. Có những món đồ mẹ giữ lại được từ thuở tôi còn bé xíu, mỗi món đồ đều có một câu chuyện, như là một chứng nhân. Không biết mẹ còn khỏe để đi bán hàng bao nhiêu phiên chợ đầu xuân, tôi còn bao nhiêu cột mốc cùng mẹ mình mong ngóng. Khi con gái kịp biết thương mẹ theo cách của một người đàn bà là lúc mình có thêm một ngôi nhà khác để mà vun vén. Ngôi nhà tôi đã lớn lên có mẹ luôn đón chờ cùng bao nhiêu ký ức lúc nào cũng tròn trịa, vẹn nguyên như mới hôm qua.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy