Con chim Cáng Lò lại hót
Truyện ngắn. Nông Văn Kim
Mưa, mịt mùng mãi không ngớt, những cây bạch đàn liễu rủ lá, trầm lặng, tựa những người lính canh ngày ngày bất động trong bốt gác.
Tám giờ, cổng trại giam T5 dội lên tiếng loảng xoảng, bật mở, một tốp ba, bốn người líu díu dưới mấy chiếc ô che bước ra, một chiếc xe Toyota vios đen trờ tới, cửa mở. Rất nhanh, tốp người như ấn một người trong số họ vào xe, giơ tay vẫy vẫy, rồi vội vã quay lại cánh cổng vẫn đang mở. Mưa vẫn không ngớt. Chiếc xe lao ra con đường nhựa nhỏ, qua chỗ trũng làm tung lên những sóng nước. Sau mấy phút, người khách định thần lại, ngờ ngợ, con linh vật tết bằng nhung xanh đang lắc lư như chực vỗ cánh bay lên như con chim Cáng Lò quen thuộc của mình, lại nữa, mùi hương trên xe là mùi thảo quả ưa thích của mình khi xưa, liếc nhìn người lái xe nhỏ nhắn đầu chùm kín trong chiếc mũ liền áo, cậu ta tỏ ra một tay lái thành thạo, có tố chất nghệ sĩ khi uốn lượn qua các cua, các vũng nước, dường như cố tình tạo nên những con sóng dâng cao như vận động viên lướt ván. Đến đường cái, thay vì về thị xã, xe lại rẽ trái. Người khách buột miệng, vẻ bất cần:
-Anh đưa tôi về đâu.
-Tôi đưa anh đến nơi cần đến. Một giọng cất lên, anh ta phì cười, nghĩ bụng, “giả giọng vụng lắm cô gái ạ, không lừa được tai ta đâu”. Anh ta đang định phản ứng cho dừng xe lại, bỗng nhớ đến lời thượng tá phó giám thị: “anh đã được tự do từ giờ phút này…, nhưng tôi khuyên anh hãy kiên trì chịu sự quản thúc ngọt ngào mấy hôm nữa rồi tự do hoàn toàn vẫn chưa muộn”, lại nổi máu thám tử: “ừ, thì cứ để vậy xem sao”. Im lặng, chỉ nghe tiếng động cơ rì rì đều đặn, tiếng vỡ vụn của bọt nước tung tóe trên đường.
Mưa vừa ngớt, xe lên một con dốc nhỏ, dừng lại. Dẻ Hương Hotel! Người khách chợt giật mình, sao lại như vậy? Người lái xe bước xuống, mở cửa xe, với một giọng nữ lịch sự:
-Mời anh xuống xe!
Anh bàng hoàng:
-Trời, là em ư!
-Không phải em, anh cho là ai. Rồi nói nhỏ:
-Đây là ý Trời! Rồi nghiêm giọng, tiếp:
-Chúng ta cần nói hết chuyện với nhau rồi hãy quyết định mọi việc.
Người khách lẳng lặng xách đồ lên phòng nghỉ. Anh ta chợt sững lại, xuýt làm rơi bọc đồ, sao lại phòng 304. Căn phòng định mệnh cách đây ba năm đã làm tan nát tổ ấm nhỏ của anh. “Sao em lại chọn căn phòng này, hay em đã biết tất cả, em đang chơi trò đánh ghen của Hoạn Thư năm xưa, đưa ta vào cảnh “người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”? Chợt em trượt chân. Người khách đỡ em bằng đôi tay lực lưỡng của mình, mặt giáp mặt, mắt trong mắt... Bỗng người con gái vươn tay bá lấy cổ người trai, khóc nấc lên…
Và, họ đã sống lại thời khắc cách đây bốn năm, đắm chìm trong niềm hạnh phúc như đã từng có trước đây.
*
Ngày ấy, trong cuộc liên hoan vinh danh các gương mặt trẻ làm kinh tế giỏi của tỉnh, anh đã gặp em. Em vừa tốt nghiệp trường Văn hóa Nghệ thuật quân đội, cùng đội Tuyên truyền Văn hóa của tỉnh biểu diễn văn nghệ chào mừng. Lời then em hát ngọt ngào qua bài “Khảm khắc Cáng lò”:
Người ơi, nếu người còn thương còn nhớ
Chớ phát nương chặt gỗ phá rừng
...Chim với rừng nặng tình nặng nghĩa
Để chim rừng làm tổ kết duyên…
Lời ca đã khiến nhiều người thổn thức, có người lau nước mắt. Anh, trong số nhiều người lên tặng hoa, ghé tai em nói nhỏ: “anh sẽ trồng lại những cánh rừng cho em”. Em, rạng ngời hạnh phúc. Rồi họ thành đôi.
Em được mệnh danh là con chim Sơn ca nhưng em nói, em chỉ muốn gọi là chim Cáng lò thôi. Con chim Cáng lò sánh vai cùng chàng doanh nhân trẻ đầy khát vọng vươn lên…Cặp đôi họ là thần tượng của giới trẻ đương thời. Công ty anh là niềm tự hào của dòng họ Đỗ, anh em trong họ, tùy sở trường, năng lực, người lái xe, lái máy, người làm kế toán, thợ xây, phụ xây… Có lúc cao điểm hơn một trăm lao động, anh không nề hà địa bàn đồi núi, vùng sâu, vùng xa, nhiều công trình phúc lợi để lại dấu ấn cho cộng đồng vùng cao. Em làm nội trợ, thủ quĩ cho công ty, lâu lâu lại đem lời ca tiếng hát động viên cộng đồng.
Hạnh phúc chỉ tày gang…hai năm trời.
Anh bị nạn, bởi cái cơ chế xin cho, bởi cái lệ “qua sông phải lụy đò”. Ngày ấy, với năng lực của công ty, anh đã được chỉ thầu một công trình đập thủy lợi lớn. Ngoài điều kiện, ăn chia theo “luật lệ” đương hành với chủ dự án, còn kèm theo một điều kiện: Các nguyên, vật liệu phải mua của Công ty do vợ của chủ dự án làm giám đốc. Một khoản tiền lớn đã chuyển qua tài khoản của “chị” gọi là đặt cọc ứng trước nguồn hàng…Công trình xây đạt khối lượng 80% thì gặp chuyện, Công ty chị hết hàng, nói là do bên cung ứng dây dưa. Họ hẹn trả tiền đặt cọc kèm tiền phạt hợp đồng tại nơi kín đáo…khách sạn Dẻ Hương. Để bảo đảm vị thế và an toàn trong vụ giao dịch, chị nhờ anh tháp tùng cùng với hai người của công ty. Họ thuê phòng 302 và 304. Nhưng ngày hôm sau hai người của công ty có việc phải về, chỉ còn lại hai người. Đêm vắng, buồn, dài dằng dặc, rượu thuốc đặc sản rừng… chị đã chiếm trọn được anh, năm ngày đợi khách, chị đã đưa anh vào chốn mê cung của nhục dục với những lời thẽ thọt mủi lòng: “lão ấy non ợt, mà còn ham bồ non, đã bỏ rơi chị mấy năm nay…”. Với những bộ đồ lót thêu ren cầu kỳ, gợi cảm, thân hình được tỉa tót tạo dáng, ngay cả chỗ kín nhất. Gọi là chị cho phải đạo chứ chỉ hơn nhau mấy tháng. Hết hẹn, khách không đến. Anh như người mất hồn… không dám nhìn thẳng vào mắt em, cảm giác tội lỗi đè nặng, dự cảm một tai họa đang ập đến, anh lặng lẽ sang tên em căn nhà hai tầng mới xây ở khu phố mới, gửi tiết kiệm sáu trăm triệu mang tên em.
Tai họa ập xuống nhanh hơn anh dự đoán. Lũ tiểu mãn, nước dâng, công trình đổ sập, hạ lưu đập tan hoang, may không thiệt hại về người. Công an vào cuộc Giám định chất lượng bê tông… lòi ra một khối lượng xây bằng xi măng giả, mác rất thấp… Anh gọi anh em trong công ty lại, thanh toán những phần có thể thanh toán được, có trường hợp giao xe công trình cho họ gọi là thay cho tiền công. Anh em chia tay trong nước mắt… anh chủ động lên cơ quan pháp luật nhận mọi trách nhiệm. Ngay những ngày ấy công ty của “chị” bị khám xét, lộ ra nhiều lô hàng giả, mở rộng ra các công trình dùng hàng của “chị” đều bị thiệt hại tương tự.
Anh khóc:
- Tại anh tất cả, anh làm tan nát đời em rồi, mấy thứ này em giữ mà gây dựng lại cuộc đời. Rồi đưa cho em giấy tờ nhà, cùng cuốn sổ tiết kiệm. Em khóc đỏ mắt.
- Em sẵn sàng tha thứ cho anh tất cả, làm tất cả để bảo vệ anh. Chỉ mong sao anh được bình yên. Ngày sắp ra tòa, có ba người tự xưng là người của cơ quan pháp luật, đến gặp riêng em, họ hỏi han nhiều điều. Đến chiều hai người trẻ về trước, chỉ còn một mình vị đứng tuổi, ra vẻ phân vân:
- Mức án của anh ở khung 4 năm đến 8 năm tù, nếu chịu mức 8 năm thì hết tuổi xuân rồi, nhất là thương cho cô, xinh đẹp, giỏi giang phải chịu cô đơn. Cô phải giúp anh ấy.
- Theo chú, cháu phải làm gì?
Vị khách nở nụ cười:
- Ấy đừng nói anh là chú để anh chết già. Thế này nhé, cho anh nói thẳng, em đang ở tình thế “thế thời thế, thế thời phải thế”. Kinh tế nhà em khá giả phải biết dùng kinh tế để giảm mức án.
- Thế chú ra giá bao nhiêu?
- Lại là chú rồi, làm gì một mình anh có quyền, là cả một hội đồng chứ. Thế này nhé theo thông lệ bây giờ, mỗi năm chịu án giá một trăm.
- Thế cháu gửi chú tám trăm là được xóa án phải không chú?
- Không được, mức bốn năm là thấp nhất rồi, không mua được đâu. Em giả vờ ngây thơ:
- Cháu sẽ mua bốn năm, chú cho tài khoản để ngày mai cháu chuyển cho, nếu lấy tiền mặt hết tuần cháu mới rút được, nhưng chú bảo các anh ấy bớt cho cháu một phần ba đi.
- Hì hì không được đâu, nhưng riêng em, xinh đẹp như vậy ta sẽ không lấy phần của ta… được ta đồng ý…chiều em… Nhưng em cũng phải chiều lại anh. Vị khách sấn tới... Tung vào mặt lão một ánh mắt đưa tình, thẽ thọt “để em tắm cái đã”. Lão mừng rơn, chun môi, huýt sáo mồm “cuộc đời vẫn đẹp sao…tình yêu vẫn đẹp sao…”. Em bôi kem làm mặt trắng bệch, tô mắt thâm quầng, choàng tấm khăn trắng chùm kín mặt đi ra. Lão mừng rơn, xô tới. Bỗng “Hả” lên một tiếng kinh hoàng. Tay cầm cây kéo nhọn hoắt, em nghiến răng kèn kẹt:
- Đi ra ngay, một là tôi chết, hai là cùng chết!
- Ấy, đùa tý thôi mà. Lão ta đi giật lùi ra khỏi cửa.
Em nhắn tin vào máy lão: “Câu chuyện hôm nay đã được ghi âm đầy đủ, tôi biết khung hình phạt chồng tôi là bốn năm. Nếu tòa tuyên án dù chỉ thêm một tháng. Cuốn băng này sẽ được đưa đến nơi cần đến”.
Không còn công việc, một mình cô đơn, em mở phòng môi giới giúp việc nhà và nhận một cô đứng tuổi về phụ giúp. Hai cô cháu cùng ở, cùng làm. Em mở thêm hàng bán xôi sáng, bán cháo đêm, không ngờ rất đông khách, không những đủ nuôi nhau mà còn tích lũy một khoản đáng kể để phòng “giáp hạt”. Điều đáng sợ nhất là nỗi cô đơn, nhớ anh, nhớ quê rừng. Em nhờ người lùng mua đôi chim Cáng lò về nuôi, nó lớn nhanh, bắt đầu hót được mấy tháng, nhưng con chim đực nhiễm bệnh chết, con cái đêm đêm cất tiếng “co..lo..o co..lo.. o” thảm thiết. Rồi dãy phố bên kia, không biết ai đã phát băng ghi âm lên loa tiếng hót đáp lại, nó lồng lộn trong lồng tìm cách sổng ra… nhưng sức nó đâu kháng được sắt thép, nó bỏ ăn, tiều tụy dần. Em chợt hiểu, phải trả tự do cho nó, cửa lồng mở, sau mấy giây ngơ ngác nó vụt bay đi… Hôm sau người ta thấy xác nó chết rũ dưới cửa sổ căn nhà nơi phát ra tiếng hót. Một lần dọn nhà, khi lau chùi những đồ vật, em chợt đụng vào dây chiếc đàn tính vẫn nằm im trên tường ba năm trời. Tiện tay gỡ xuống, theo bản năng, những ngón tay tự dạo, lướt trên bàn phím, một khúc nhạc vang lên. Tiếng thanh của chim hót, tiếng rít của ngọn gió siết qua khe đá trên núi cao, tiếng trầm đục của cơn mưa sầm sập đất trời, tiếng ùng, ùng của con nước dưới khe sâu, nỗi nhớ quê, nhớ anh lại càng da diết.
Em đã lên trại thăm anh nhiều lần, lần nào anh cũng từ chối không gặp, đã vậy còn hai lần gửi đơn xin ly hôn anh đã ký sẵn. Em trực tiếp gặp ban giám thị để hỏi nguồn cơn. Đồng chí thượng tá Phó giám thị đã nói với em tất cả. Anh là một người chồng, người đàn ông tốt, bị tai họa do những bất cập của thời cuộc. Tâm phục khẩu phục với bản án bốn năm tù giam, ngay từ ngày mới vào trại, chân ướt chân ráo đã tỏ ra con người có tài tổ chức, ý thức tự giác trong công việc mình làm, mong chuộc lỗi lầm mình gây ra, Anh được giao làm đội trưởng tăng gia, chăn nuôi, trồng rau, trồng rừng. Với thành tích cải tạo tốt anh được giảm án một năm. Nhưng, anh chưa biết sẽ đi đâu, về đâu vì tính anh quá cố chấp, quá mặc cảm bởi lỗi lầm của mình với vợ và với gia tộc họ Đỗ, vì anh làm cho họ vỡ mộng. Chính Phó giám thị đã lên kịch bản cho phương án đón anh ngày ra trại, để anh gặp em hôm nay. Đây tờ đơn ly hôn anh đã ký, cuốn sổ tiết kiệm còn nguyên gốc và phần lãi đã được cộng vào, giấy tờ nhà, giấy tờ xe… Bây giờ anh đã tự do, mọi việc do anh toàn quyền quyết định.
*
Em cùng anh về Đội Tám. Những năm trước anh đã được về đó hai lần, nhưng quá ngắn ngủi, chưa đủ hiểu về nó. Đội Tám của Lâm trường 279, thành lập trên vùng đất toàn đồi núi của tỉnh vốn là hậu phương trực tiếp trong chiến tranh biên giới. Mẹ em kể, thời ấy trai làng đi bộ đội cả, ở làng chỉ còn mấy cậu “sứt môi, lồi rốn”. Lứa tuổi mẹ, ai nhanh chân lấy chồng sớm, đành thúc thủ ở nhà, số còn lại mấy đứa đi thanh niên xung phong, số đi thanh niên quốc phòng. Đội Tám của mẹ phần lớn là thanh niên quốc phòng quê ở Hà Bắc lên làm kinh tế, trấn giữ tại các huyện biên giới. Hết chiến tranh, tập chung về sáp nhập với các đội trồng rừng vốn có trên địa bàn, thành lập lâm trường rộng hàng mấy ngàn ha. Thời bao cấp, nghèo khó, thiếu thốn, gian lao nhưng tập thể ấm tình đồng đội, lao động hết mình. Đội Tám trên một trăm lao động chỉ có chưa đầy chục nam giới là đội trưởng, thủ kho, y tá…, hầu hết là thương, bệnh binh được chuyển về từ tiền tuyến. Năm tháng qua đi, qui luật tuổi tác không chừa ai trên đời, vào những năm cuối thập niên tám mươi, những tập thể toàn nữ ấy đã bắt đầu chấp nhận chuyện phải xảy ra như nó sẽ xảy ra… Các sinh linh bé nhỏ lần lượt chào đời, hầu hết không có cha. Mẹ em xinh đẹp, là con sơn ca của đội, hát quan họ làm say bao người, lên miền núi, nhanh chóng hòa nhập, thành thạo đàn tính, hát then, lượn cọi…, nhiều lần được các cơ quan “mượn” đi hội diễn. Em được sinh ra từ những đợt lưu diễn ấy. Xóa bao cấp, các đơn vị kinh tế quốc doanh phải tự chủ tài chính... Các đội sản xuất như bầy chim gặp bão, ai nấy tự lo cứu lấy mình… Đội Tám chuyển từ trồng rừng sang làm kinh tế tự túc để chờ đến tuổi về hưu. Phần lớn về quê tìm kế sinh nhai, hơn hai chục hộ còn trụ lại bám rừng làm nương, trồng ngô, nuôi lợn, nấu rượu… Đội sản xuất giải thể, các hộ trở thành cư dân thôn bản địa phương. Huyện ưu tiên cấp cho mỗi hộ từ bốn đến sáu ha đất rừng để bảo vệ, khai thác lâm sản phụ, rồi cấp vốn trồng rừng. Đội Tám từ ngày khai tử có hai mươi lăm hộ nay còn hai mươi hộ bám trụ, sinh hoạt chung với thôn bản song sống cách biệt trong khu đội cũ. Bị lâm vào tình thế “phải sống”, những con người của Đội Tám đã làm nên chuyện, họ kiên cường bám trụ, rừng được tái sinh, hơn bốn chục ha rừng được trồng mới với thông, lát, keo, dẻ Trùng Khánh, na, quýt, trám… Xóm Đội Tám trở thành khu dân cư có kinh tế khá giả nhất, hơn chục con em đều được học hết mười hai, hầu hết vào được các trường đại học, nhiều bạn đã nhận công tác tại các cơ quan đoàn thể trên huyện, trên tỉnh. Nhưng, một tai họa ập xuống Đội Tám. Số là, với mấy chục ha đất được cấp “sổ đỏ” ấy, sau mười lăm năm, tài sản trên mỗi ha đất đó đáng giá hơn một trăm triệu, một nhóm lợi ích đã tìm mọi cách thôn tính để có được, họ vin vào hồ sơ cũ là đất của Lâm trường quốc doanh, tìm cách tiếp cận, lập hồ sơ giả “các hộ dân tự nguyện trả đất cho Lâm trường”, tư vấn cho UBND huyện sở tại ra quyết định, hủy quyết định giao đất của chính quyền tiền nhiệm cách đó mười lăm năm, cho là cấp trùng vào đất Lâm trường quốc doanh. Bất chấp luật lệ và đạo lý, giao toàn bộ đất của Đội Tám cho cái gọi là Công ty cổ phần lâm nghiệp. Hơn hai mươi hộ dân Lâm nghiệp lâm vào tỉnh cảnh trắng tay. May thay, một bầy quạ bay không che nổi bầu trời. Báo chí phanh phui sự việc, cơ quan thanh tra vào cuộc. Cái chủ trương ấy phải dừng lại ở giai đoạn trên giấy.
Nhưng, Đội Tám lại lâm vào tình huống khác. Số là, như em nói, các bạn cùng trang lứa của em sinh hầu hết không có cha, hoặc cha hờ, có bạn là con chung của hai mẹ nên số con ít hơn số mẹ. Các mẹ năm nay tuổi đã trên sáu mươi, hầu hết các con đều học hành thành đạt, đều đang là công chức ở huyện, ở tỉnh. Nhiều bạn lấy vợ, lấy chồng làm nhà riêng ở thị trấn, thành phố dần dần đón các mẹ ra trông cháu, an dưỡng tuổi già … Cư dân Đội Tám teo đi theo năm tháng.
Cuộc hội ngộ vừa qua của gần một trăm cựu công nhân của Đội Tám đã đi đến một quyết định, phải giữ lấy mảnh đất linh hồn Đội Tám, là kỷ niệm mồ hôi nước mắt của một thời gian khó. Các ông, bà có trách nhiệm vận động con cháu trở về Đội Tám với mô hình tổ chức mới. Hôm đó, trước lãnh đạo thôn, xã và các mẹ, em đã ghi tên tình nguyện trở về. Anh nắm chặt tay em, nói nhỏ:
- Anh tình nguyện làm “người tù” chung thân của em ở nơi đây.
Em cười rạng rỡ.
Chiều cuối năm, trên con đường bê tông phẳng lỳ, mấy chiếc xe máy cuối cùng cõng trên mình những hộp xốp đựng đầy những quả quýt vàng ươm, những xâu nấm hương được buộc thành bó, hối hả đi ra thị trấn. Chiếc toyota dừng lại, mở toang cửa, luồng không khí thoang thoảng hương hoa rừng ùa vào. Anh và em lặng ngắm con đường vào Đội Tám, xa xa là những cánh rừng, ẩn hiện bằng những khối sáng tối của ánh hoàng hôn vừa buông xuống. Lác đác có tiếng chim rừng gọi nhau về tổ, bỗng có tiếng co..o lò co.. o.. lò cất lên, bên kia núi lập tức có tiếng đáp lại. Rồi, những tiếng co..o.. lo co..o..lo vang lên típ tắp tận chân trời xa.
Bắc Kạn 31/12/2017
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...