Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
13:46 (GMT +7)

Cô Tám.

VNTN - Có chuyện muốn nhờ mày nè?  - đầu dây bên kia, tiếng nói trầm khàn của thằng bạn nghe dè dặt.

- Nói đi!

- Cầm lên nhà bố đưa Tám vài trăm, nói của thằng Mẫm gửi về. Rồi tao sẽ gửi lại mày sau. Thanks trước nha!

- Ok.

Chiều đó, tôi thu xếp làm về sớm rồi tức tốc lên nhà bố thằng Tân. Gian nhà bé xíu, xập xệ. Dựng xe trước cửa nhà, sững sờ… tôi không tin đây là ngôi nhà có người ở. Kì thực, nhìn giống y chang một ngôi nhà hoang. Cửa nẻo tuềnh toàng, xứt xỉa, mọi thứ cũ kĩ và bệ rạc… Ngôi nhà thiếu hơi ấm, cảm giác lạnh lẽo như đang ở chỗ cái chòi canh bắp của ông Năm cạnh bãi tha ma… Bố Tân nằm thoi thóp trên chiếc chõng tre mỏng mảnh, bỏ trước hè. Cái chõng rệu rạo, đến nỗi chỉ một tiếng thở đứt quãng của người bịnh cũng làm nó kêu cót két. Thảm đến độ, tôi nghĩ nếu khổ chủ mà cựa mình được, chắc cái chõng đó đổ ụp liền. Người đàn ông một thời gái gú, buổi xế chiều là thế này đây, chữ “ngờ” làm người ta không dám “ngờ” luôn. Tôi đưa mắt nhìn vào phía trong, lắc đầu thở ra cái xì. Bốn bức vách chỉ thấy màu gạch phợt phạt, nền xi - măng lở lói, đất cát trồi lên… Không gian trong nhà chỉ đủ bỏ một cái phản gỗ, chiếc bàn con con với bộ ấm chén bằng gốm rẻ tiền đã quá cũ, dưới đít tách nước chè đóng vàng khè từng mảng... “Ban ngày nằm ngoài này nhìn gió nhìn mây cho khuây khỏa rồi xâm xẩm thì Tám đỡ cho vô phản nằm”, bố Tân nói yếu ớt khi tôi hỏi “Sao bác không nằm trong nhà cho khỏi hanh nắng?” “Ở ngoài này chỉ nên nằm buổi sáng cho mát mẻ chút thôi!” - tôi chỉ biết lấp liếm như thế vì thấy câu hỏi của mình… hơi bị vô duyên.

Tôi lễ phép bỏ túi thức ăn xuống bàn, nói là nhà có giỗ nên đem ít bánh gửi bác và Tám ăn cho vui. Sau mấy câu chào hỏi, tôi bắt đầu thấy hình như đứng là không tiện nên vội ngồi xuống bên giường, rồi y như một người thân, tôi mân mê nắn tay, bóp chân. Tuổi càng nhiều thì thân thể càng teo tóp lại, có quá nhiều nếp gấp, những chiếc xương nằm sát da, nhô lên. Trông cái bộ dạng khẳng khiu thảm hại này, ai dám nghĩ ngày xưa bác có biệt danh “sát gái”. Tôi hỏi han bệnh tình, trò chuyện... Bố Tân rặn è è mới nói được vài từ, trước sau cũng chỉ than, “Nhớ thằng Mẫm!”, khó nhọc nói xong thì lấy tay quệt qua mắt, đôi mắt đỏ hoe nhưng không thể rớt ra một giọt nước nào. Bệnh đau, cô đơn, nghèo túng… đã làm quánh lại những giọt nước mắt của người đàn ông này rồi thì phải. Tôi đánh tiếng thở dài, cám cảnh…Lúc đứng dậy chuẩn bị ra về, tôi thò tay vào ví rút mấy tờ tiền gọi Tám và nói như lời Tân dặn. Tám không nghe, tôi nói to hơn một chút, (sợ bố Tân đang mệt, tôi gọi hơi nhỏ nên Tám không nghe chắc), Tám vẫn không quay người lại, tôi tiến gần hơn.

Tám đang lui cui nấu cơm. Một người đàn bà nhỏ bé và khắc khổ. Tám đứng khum khum, nhìn khổ sở. Bộ đồ cũ kĩ, nhăn rúm như cái nhau mèo. Đôi dép sứt quai, đế đã mòn vẹt nhưng vẫn được Tám buộc lại bằng sợi thép mảnh. Vẻ ngoài rách rưới… cộng với dáng đi vòng kiềng càng tô đậm vẻ bần cùng không tả nổi. Tám gầy đét như một cành củi khô, xeo xắt. Khuôn mặt hóp lại, đẩy lưỡng quyền nhô cao hơn, đôi mắt trũng sâu nhờ nhờ đục cứ nheo nheo vì khói bếp áp vào. Tám đưa tay lên dụi dụi mắt, mặt mày lem luốc hết vì tay Tám dính đầy lọ nghẹ. Tôi đứng nhìn trâng trâng vào đôi tay gân guốc của Tám, mọi thao tác đều chậm chạp, lập cập... Đôi tay run bần bật nhưng không rảnh rang, hết sờ cái này lại cầm cái nọ, một bữa cơm sơ sài nhưng thấy Tám bận bịu lắm, tôi không thể rời mắt khỏi đôi bàn tay khốn khổ và nhẫn nại đó… Đang loay hoay cơm canh, bỗng như sực nhớ điều gì, Tám gõ lên đầu mình cái bộp rồi vội vã lấy chiếc ca nhựa, rót nước từ bình thủy ra, đứng thổi vội thổi vã rồi đem lên đưa bố Tân. Xong, Tám lại xuống bếp…

Gọi là bếp… chứ không phải nhà bếp đâu nhé. Nó chỉ là chỗ để nấu cơm được khoanh lại bằng tấm nhựa cũ. Vừa đủ để bỏ chiếc kiềng sắt, ít củi khô. Xoong nồi, chảo chạn, rổ rá… Mấy cái chén đất, ít đũa muỗng thì úp lên cái rổ mốc meo. Chiếc bình thủy cũ, vỏ đã thâm đen, lọ muối, chai mắm, hũ bột ngọt… Những thứ đó được đặt lổn ngổn ở dưới nền. Miếng nhựa mỏng giăng xung quanh che gió rách tả tơi cứ bay phần phật, nhìn đống củi khô được sắp gọn gàng, tôi thấy xót. Thương Tám quá, tôi hình dung đôi tay run run, lầy cầy ấy suốt ngày nhặt củi, lặt rau, lo cơm canh, tắm rửa cho bố Tân. Để làm được những việc ấy, Tám phải qua nhà hàng xóm múc từng gàu nước... Tự dưng tôi thấy tức… muốn vỡ ngực ra luôn,  thực phẫn nộ cho cảnh đời của Tám. Thời đại nào rồi mà người phụ nữ hóp hép già nua lại phải ở, phải nấu, phải ăn… tại một nơi xệch xoạc thế này. Căn nhà đơn sơ đến tồi tàn… chỗ nấu ăn tạm bợ còn thua một cái bếp dã chiến. Nồi canh mướp sôi ùng ục, Tám vội lấy miếng giẻ nhấc xuống, đôi tay Tám run bần bật làm tôi thót tim…

 Tôi đứng bất động luôn, có cái gì nhọn hoắt bất ngờ cắm phập vào tim, nhức nhối… Tôi ghét thằng con trai “biết” khóc nhưng ngay lúc này, nếu nán lại một giây nữa nhìn Tám chắc tôi cầm lòng không đặng. Tôi lắc đầu, cười méo xẹo, đánh trống lảng rồi dúi tiền vào tay Tám và xin phép ra về. Cô Tám cũng chẳng để ý đến cái cúi đầu và lời thưa trình của tôi, tay run rẩy cầm mấy tờ tiền, mân mê vuốt ve và rủ rỉ một mình:

- Mẫm lại gửi tiền về. Cái thằng đến tội! Sao mày không về thăm bố, thăm Tám !?...

Tân được gọi là Mẫm vì bộ dạng béo trùng trục, mẫm bóng. Nhớ lần đầu tôi lên nhà rủ nó đi câu cá, hỏi có Tân ở nhà không, cô Tám lớ ngớ… Thằng Tân giải thích, do Tám quen gọi cái tên cúng cơm cúng cháo là Mẫm nên khi hỏi Tân, cô nhất thời không nhớ ra. Có khi Tám cũng chẳng biết Mẫm đi học tên Tân, thằng bạn cười hề hề nói như thế.

Tôi gọi điện báo cáo Tân đã làm xong nhiệm vụ hắn giao. Không phải để nghe cảm ơn mà để thằng bạn nối khố an tâm. Rồi như một người dày chuyện sảnh sẹ, tôi không kịp để nó hỏi thăm tình hình bố và Tám mà trịnh trọng lên giọng bề trên, trách móc:

- Sao mày không tranh thủ về thăm bố, thăm Tám?

- Về sao đặng mà về!

- Ủa, hai chân của mày bị bà mụ thu lại rồi hả?

- Khùng quá! Công việc bận tối mắt tối mũi nè. Ăn cơm chúa múa tối ngày!

- Thì sắp xếp mà về chớ… mày chờ bố mất mới về hả?

- Cái mỏ… ăn mắm ăn muối, mày nói ba láp ba xàm gì đấy?!

- Chứ không phải bố thì đang bệnh quéo quắt… nằm thở thoi thóp. Còn Tám…

- Tám có chuyện gì à? Nó sốt sắng hỏi tới.

- Bộ có chuyện mày mới về hả?

- Mày đừng làm tao rối lên nữa, để tao “cày” thêm, dành dụm được ít khá rồi về. Mày nghĩ tao giàu có lắm hả?

- Tại tao thấy thương bố, thương Tám mày thôi!

- Chứ tao ghét bố, ghét Tám chắc?!

- Mà mày ơi! Tám mày sao vậy?

- Thì Tám tao là Tám tao chứ sao trăng gì?

-Không… Ý tao là đôi tay Tám lúc nào cũng run rẩy, không giống một người khỏe mạnh. Mày về đưa Tám đi khám bệnh đi!

- Hồi giờ mày không biết à?

Tôi giật mình vì câu hỏi của thằng bạn như cái nhéo mạnh bất ngờ ở hông, tôi thật vô tâm hết chỗ nói. Chỗ bạn bè từ thuở lớn tồng ngồng mà tắm mưa còn cởi truồng đứng nhồng nhỗng, cây ổi nhà thằng Tân tôi leo trèo đến nhẵn bóng nhưng Tám nó thì tôi mù… Đang cứng họng không biết nói gì để phân bua gỡ gạc cho cái sự đểnh đoảng hời hợt của mình thì thằng Tân tiếp:

- Tám bị như vậy từ nhỏ.

- Thế hồi giờ không đi khám à?

- Không!

- Sao vậy?

- Chưa bao giờ tao nghe Tám bảo sẽ đi khám bệnh. Mà nhà tao cũng không ai biểu Tám đi khám. Nên cũng chẳng biết Tám bị bệnh gì nữa!

- Mày phải có nhiệm vụ chở Tám đi chớ?!

- Hồi còn ở với Tám thì quá nhỏ để làm được điều đó, giờ lớn rồi thì không nuôi nổi cái thân, muốn giúp Tám cũng lực bất tòng tâm, Để tao ráng dành dụm rồi một ngày nào đó sẽ về đưa Tám đi khám. Tao biết tay Tám càng ngày run càng dữ…

- Chờ mày kiếm đủ tiền chắc Tám đã về cát bụi rồi!

- Hay tao đi cướp nhà băng nha?! Thằng bạn đau đớn thở ra nghe não ruột.

- Thế Tám không có chồng con gì à?

- Không có chồng… nhưng con thì Tám có… mà có cũng như không…

- Mày lòng vòng úp mở làm tao xót ruột gớm!

- Kể ra thấy đau lòng!

- Mày có khiếu kích thích sự tò mò tới đỉnh điểm của người khác lắm!

- Tám khổ, khổ lắm lận… Mồ côi từ tấm bé, ông bà nội tao thấy hiền lành nên thương thương rồi nhận làm con nuôi. Tiếng là con nuôi nhưng sống như một con hầu. Thời con gái qua nhanh, Tám thì cứ lầm lụi ngoài đồng…

- Tám ở với nội mày chứ không theo chồng?

- Gần như thế!

- Mày nói gì mà khó hiểu quá?! Nói rõ ra coi!

- Ngoảnh mặt một cái thì tuổi xuân đã qua đi, thời đó con gái hai mươi chưa có con bồng thì đã như trâu quá lứa mạ quá thì rồi. Tám thì ba mươi vẫn chưa có mống nào đến hỏi. Người ta sợ cái lưỡng quyền cao ngất của Tám, cộng thêm cái dáng đi chữ O nữa nên … không thấy anh nào “rớ” - mẹ tao kể vậy. Mà Tám cứ tay táy trong nhà, tất tưởi ngoài ngõ, bươn bả trên đồng, ngụp lặn dưới đìa… nên chẳng rảnh rang để nghĩ chuyện kiếm tấm chồng.

- Hình như mày nói Tám cũng có con?

- Ừ.

- Không anh nào “rớ” thì đào đâu ra con?

- Người ta không cưới hỏi thôi, còn “quẹt quò” thì tiếc gì hả mày?

- Tám cũng…?!

- Không, Tám hiền lành ít ỏi. Bà nội tao nói cái gì thì với Tám là mệnh lệnh. Nội ngắn dài, bảo Tám “xin” chỗ nào đó một đứa con để già có chỗ thủ thỉ. Đàn bà không con là nỗi đau không gì bù sớt nổi.

- Thế Tám có dám “xin” không?

- Cũng không biết Tám “xin” hay người ta tình nguyện “bố thí” nữa nhưng rồi Tám chửa thật.

- Có biết người “rộng rãi” đó không ?

- Tám có nói đâu mà biết!

- Thế con Tám đâu?

-  Đi rồi… đi sau hai hôm chào đời!

- Trời đất!!!

- Đó là một bé gái!...

- Có chuyện gì vậy?

- Mày chỉ cần biết như thế!

- Gì chưng hửng vậy trời! Chuyện cũ mà bí mật gì nữa không biết?

- Không phải bí mật mà đau lòng không thể kể.

- Mày có muốn tao vò đầu bứt tóc rồi tức khí mà … chết đứng như trời trồng không?

- Tám sinh con, mẹ “tròn” nhưng con không “vuông”. Nếu phải tả về đứa bé thì đó là cực hình với người kể và cũng có nghĩa là đang xát muối lên vết thương còn mưng mủ của Tám. Mẹ tao bảo, không có từ nào để diễn tả hết sự hãi hùng của bà khi nhìn thấy hài nhi khốn khổ đó chỉ biết đau đến thâm tím ruột gan. Lúc nhìn thấy đứa bé, Tám đau đớn nhưng không hoảng sợ, rồi Tám ôm con vào lòng, hun hít vồ vập mà nước mắt chảy ròng ròng… Có chết mẹ tao cũng không tả lại hình hài của đứa bé đó, chỉ kể có vậy và nói Tám đặt tên con là Hồng Ân. “Để cho Tám yên, cấm được hỏi chuyện chồng con của Tám!”, mẹ tao có tâm nguyện như vậy.

Tội Tám dữ!... Thấy Tám, thương bố mày lắm đó!

- Biết chứ!

- Tao đem tiền sẵn mang lên ít súp và bánh, Tám kêu để đó lát đút cho bố mày. Tao bảo Tám cứ xớt ra ăn đi, nhiều mà, Tám nói thứ ngon để dành người bệnh.

- Ừ, cô Tám xem bố tao không đơn giản như một người anh. Tám chăm bố như hầu hạ một đấng bề trên. Có lần trong bệnh viện, bố tao hôn mê mấy ngày, lúc Tám đang xách túi đồ ăn đi ở ngoài sân thì tao la lên “Tám ơi, bố con tỉnh rồi!”. Tám hối hả chạy vô, vấp té bức móng chân luôn, không kêu đau nhức gì cả, vồ vập chạy vào giường bệnh, máu rỏ xuống nền. Tao nhìn mủi lòng muốn khóc...

- Mà tao thấy bệnh bố mày có vẻ nặng?

- Ừ, bố tao bị tai biến mấy lần. Yếu lắm rồi!

- Nếu bố mày “đi”  thì Tám ở với ai? Tám cũng bệnh đau mà, biết sống chết hồi nào mà ở một mình?

Lời đã nói ra thì không kịp hốt về. Biết mình hớ, tôi tự vả vào mồm một cái chát. Câu hỏi vô tâm vô tình hình như phạm điều kiêng kị rồi, sao lại hàm hồ vậy không biết nữa. Sợ Tân giận nhưng đầu dây bên kia giọng Tân chùng xuống, hắn nói thật nhỏ, nghe yếu ớt và vô vọng lắm:

- Tao cũng chẳng biết nữa!...

 Năm tôi và Tân học lớp 7,  bố mẹ hắn bỏ nhau. Tân phải nghỉ học theo mẹ về quê ngoại, hắn lớn lên khổ sở trầy trật nhưng kì lạ là hắn không hận bố, bằng chứng là năm nào hắn cũng về thăm ông. Đợt bố hắn bị đột qụy, nhận được tin hắn về ngay bệnh viện, ở với Tám cùng chăm bố, mãi đến khi ra viện, hắn mới về lại với mẹ.

               ***

Rồi một đêm đông, trời mưa to, ầm ầm ào ào, đang ngủ thì điện thoại rung lên, tôi vội bật dậy nghe, đầu dây bên kia giọng Tân nhẹ như tiếng rụng của lá:

- Bố tao mất rồi!

Không nói một lời, tôi thu xếp công việc rồi ngay lập tức đến nhà bố Tân. Đám tang đơn chiếc. Thưa thớt một hai chiếc khăn trắng nhưng mắt ai cũng ráo hoảnh. Vài ba người trong xóm tới giúp cầm cờ, gõ trống, không có tiếng khóc than kể lể thống thiết nhưng cảnh càng bi ai vì đám ma lại không nghe tiếng đờn nhạc. Nếu phải chọn một cái kết cho đời mình, tôi thề thà sống cô đơn bất hạnh nhưng trọng tình trọng nghĩa để khi xuôi tay nhắm mắt còn có người rỏ giọt nước mắt tiếc thương. Bố hắn ngày xưa biết đàn hát, rất bảnh nên oách lắm. Cũng vì thế mới ưng được mẹ hắn - đẹp ngời ngời  nhưng rồi nhan sắc của bà cũng không thể hủy diệt được cái sở thích tàn nhẫn của chồng, ông thích chinh phục đàn bà để ghi vào sổ chiến công đời mình. Khi mẹ con hắn bỏ đi, sức khỏe của ông cũng xuống dốc. Bố hắn rổ rá cạp lại với một người phụ nữ lỡ thì nữa. Rồi người đàn bà ấy ra đi, ông lại chắp nối…  Sau khi người vợ thứ tư bỏ đi, ông sống với cô Tám cho tới bây giờ. Ông bị tai biến không quá nặng nhưng cứ tái đi tái lại, lần tai biến gần nhất như một đòn chí mạng… và giờ thì nằm một chỗ. Hàng xóm vì thế cũng không mấy người qua lại…

Tôi vào bàn thờ thắp nhang, nhìn thấy cô Tám nằm mê mết trên giường, tay mò mò sửa chiếc khăn tang trên đầu đang xệch qua một bên. Tôi lại gần:

- Tám gắng ăn uống chút gì nha!?

Cô khó nhọc:

- Tám không sao.

Đôi mắt già nua đờ đẫn nhưng khô ráo, Tân nói, sau lần sinh con đó, Tám mất bản năng khóc rồi. Thấy Tám nằm thở đứt quãng, tôi lẹ làng bước ra ngoài để cô nghỉ ngơi. Ra đứng trước sân, nghe rõ tiếng ồn ào, tranh cãi. Cô Năm lạnh tanh, giọng nói chua ngoa, chì chiết:

- Nhà nghèo khạc ra tro, ông anh mất, bà Tám đổ bệnh, thiệt chán!... Trước mắt cứ rao bán nhà đi để lo hậu sự cho ổng.

Cô Sáu có vẻ hiền lành hơn (ít ra là còn biết Tám không có chỗ dung thân):

- Vậy mình “nhét” bà Tám chỗ nào?

- Tự tìm chỗ mà trôi tấp. “Đời cua cua máy, đời cáy cáy mò”. Ăn bám gần hết đời rồi còn gì!

Mẫm nghe cô Năm nói thì tức cành hông:

- Tám thì sức đâu nữa mà đi!? Chẳng phải gia đình ta đã vắt kiệt Tám rồi sao? Giờ quay ra rẻ rúng…

- Mày yên chí đi, bà con chòm xóm không để bả chết nằm đó mà ươn lên đâu. Ngữ đó là sắp đi rồi!  Giọng cô Năm the thé, nghe chua ngoa làm sao.

- Tám cả đời hầu hạ nhà mình, bây giờ mình bỏ cô sao đành?! Tân bất lực nói sau tiếng thở dài.

- Vậy mày mang về nuôi đi.

Cô Năm đành hanh nói một câu móc họng, Tân á ớ liền. Hắn đang sống cơ cực với cái mác một anh công nhân nhà máy gạch. Một mẹ già hắn đã lo không đàng hoàng, làm sao thêm cô Tám nữa. Nhưng hắn vẫn cố vớt vát:

- Hay mình bán nhà rồi trích ít tiền để Tám vào viện dưỡng lão?

- Ngôi nhà này bán để lo hậu sự cho bố mày biết có đủ không mà đòi lo cho cái đồ khố rách ấy nữa. Mày tốt bụng thì “rước” của nợ đó về lo đi. Đừng đạo đức giả nữa!

Cô Năm đãi ra từ “rước” nghe mà nổi da gà, Tám y như là cái gai trong mắt cô Năm vậy, cứ thấy Tám lẩn quẩn bên quan tài là cô Năm hét, Tám là ánh sáng chói chang mà cô Năm là kẻ đau mắt. Khổ thật!

Cô Năm nói xong, thằng Tân đỏ mặt tức tối, hắn quạu luôn:

- Cô là em gái, lâu nay bố bệnh không thấy mặt mũi đâu, giờ bố mất thì tự dưng xuất hiện để nói chuyện tiền nong, chia chát?!

- Mày hỗn hào vừa thôi! Bố mày có năm ba đời vợ, đèo bòng thêm một con em nuôi, họ mang ơn bố mày thì phải lo mà trả. Tao chăm chồng nuôi con chứ cắc cớ gì nuôi ổng? Còn căn nhà rách nát này mày tưởng báu lắm hả? Mấy đồng mà chia với chát, mày không biết cái cỗ quan tài kia là mua nợ à? Tao nói trước là tao không rớt ra một cắc một hào nào đâu nha!

Câu chuyện đang diễn ra tức rực nhưng có điện thoại của cơ quan, tôi hối hả về…

***

Ngày hôm sau, tôi gọi điện cho Tân, không nói vòng vo mà hỏi thẳng:

- Cô Tám giờ sao rồi?

- Không biết!

- Mày nói cái gì đấy?

- Tám đi rồi!

- Đi đâu?

- Trời biết, đất biết… tao thì không biết! - giọng thằng Tân nghe sao mà bi thiết.

- Mới hôm qua còn đó cơ mà?

- Ừ. Hôm qua… sau một hồi tranh cãi, tao giận dữ bỏ vào nhà thì không thấy Tám nữa!

- Tám đi không ai hay biết à?

- Ừ… mà nếu giả mấy cô tao có biết, chắc sẽ như không biết…

- Tám thương mày lắm, sao bỏ đi mà không nói gì với mày được?

- Làm sao mà nói khi tao đang đôi co với cô Năm.

- Nghĩa là Tám lẳng lặng đi?

- Tám nhờ ông Tư hàng xóm gửi lại tao một tờ giấy!

- Tám viết gì trong đó?

- Không viết gì!

- Sao mày nói Tám gửi tờ giấy?

- Đó là tờ di chúc của ba tao!

- Di chúc ghi gì ?

- Ba để lại ngôi nhà cho Tám!

Giọng thằng Tân lí nhí… Còn tôi, tôi bỗng thấy ngực mình nặng trịch như có tảng đá đè lên, khó thở quá.

Nguyễn Thị Bích Nhàn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 21 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước