Cố nhân
Truyện ngắn. Cao Duy Sơn
VNTN - Trở về Cô Sầu anh đã đi qua hai mươi ba năm, ba tháng, hai mươi ba ngày. Đuôi các con số kết bằng con số ba trùng hợp thật ngẫu nhiên. Bước qua phố nhỏ, mái ngói tuềnh toàng gợi bao ký ức. Thời gian làm con người đổi thay nhưng phố xưa vẫn phố xưa đây. Nghe gió cuối đông lật từng lọn tóc, cọ vào vành tai thầm thì. Tiếng lòng nhắc gợi, sương mai đã đậu mái đầu, sóng thời gian thời đã hiện mờ vầng trán.
Đi trong lất phất mưa bay, ngược chiều với đám trai thanh, gái tú chợt thấy liu hiu buồn. Chúng chẳng biết ta là ai, ta cũng vậy. Đôi lúc dừng bước, chợt như tìm lại nét quen, có thể đoán ra cha mẹ chúng. Mọi cố gắng đều trở nên vô ích. Phố xưa người cũng xưa rồi! Những mới mẻ hôm nay sẽ là quá khứ của ngày mai thôi. Trẻ lâu qua, già nhanh tới mà.
-Dó! Thằng Sáng! Đúng là thằng Sáng rồi!
-Đưa con trai về cùng hả! Giống bố quá!
-Về chơi có lâu không Sáng ơi?
Anh cứ phải dừng bước để trả lời, để hỏi chuyện. Vẫn còn người nhớ anh. Họ cùng trang lứa, hoặc trên vài ba tuổi, có khi hơn. Lâu rồi mới được nghe cách nói quen thuộc của dân Cô Sầu, anh cảm thấy thích thú.
Những bóng người lướt qua cùng những miệng cười thân thiện, những mái nhà lợp ngói âm dương xô lệch cũ kỹ gợi bao nỗi niềm. Vậy là đã trở về. Trở về nơi ta đã được sinh ra, trong cái thung nằm trong lũng núi, có nước nguồn Hiếu Lễ ngọt mát trong lòng, có mùi thơm của khoai nướng ấm áp đêm đông. Có miền rừng Lũng Đắc, Keng Pảng hẳn vẫn còn gốc cây với tên em, tên ta khắc lên.
Ôm con vào lòng, anh những muốn thì thầm với nó. Cha cùng đồng đội từng vượt qua những trận bom ngùn ngụt khói lửa. Từng sống qua năm tháng với những lá cây củ rừng. Chỉ mong manh hy vọng, nếu còn sống sẽ trở lại nơi này. Một xứ sở thần tiên biết bao mong nhớ. Và giờ thì đây, đã về lại sau những năm tháng phiêu bạt như gió hoang toàng.
Đất này với anh thân thiết biết bao, nhưng với con thì vẫn còn xa lạ. Trước khi trở về, anh đã kể con nghe, những đẹp nhất nơi mình chào đời bằng tiếng khóc. Kỷ niệm khắc sâu và thiên nhiên đẹp tựa tranh thủy mặc. Những người già chầm chậm đi trong nắng đông mỗi sớm mai. Đàn sẻ đá như pháo hoa tung cánh ngang trời. Nhưng còn một điều anh không thể kể. Chợt áy náy, nhưng rồi lại tự an ủi, đó là khoảng riêng ai nào cũng có. Quyền giấu kín niềm riêng tư đều có ở con người. Rồi sau con cũng vậy. Anh buột miệng:
-Đó là sự công bằng.
-Gì thế pa ơi?
Cu Khương ngẩng nhìn chờ đợi. Anh bối rối:
-Không, không có gì đâu! Đột nhiên đang nghĩ, pa lại nói ra.
Tự vấn, hay không thể kiềm chế? Không biết! Nhưng mà thôi, sao cũng được. Có lúc con người ta nó thế.
Người bạn nhập ngũ cùng anh ngày nào, chạy ra nắm tay hai bố con kéo vào nhà. Vẻ mặt mừng rỡ, nhưng trong giọng nói chợt nhận thấy những âm thanh như bị lạc. Bạn run run:
-Tao biết nhất định sẽ có ngày này mà. Có người trách mày, một thằng quên gốc gác, nhưng tao thì không nghĩ vậy. Mỗi người mỗi phận. Cuộc sống bây giờ không biết lo thì chỉ có chết đói. Vậy là tốt rồi, gặp lại nhau thế này mừng lắm. Con trai lớn đấy hả? Bao nhiêu tuổi rồi? Mười một hả? Lớn trước tuổi đấy!.. Tên là Khương! Mày đã lấy tên cô ấy đặt cho con? À mà thôi, tao xin lỗi. Bỏ qua nhé. Kìa, sao thằng cháu lại tròn mắt lên như thế? Bác với pa mày là bạn trèo cây, lấy củi từ hồi nhỏ đấy. Ngày đó pa cháu nghịch lắm, hơn bác nhiều. Ôi chà, lại luyên thuyên rồi. Sáng à, chúng mình có sáu thằng cùng nhập ngũ. Kết thúc chiến tranh đều trở về nguyên vẹn. Riêng có mày ở xa, còn năm thằng tao đều về quê, cuộc sống giờ cũng tàm tạm. Chẳng mấy khi đủ mặt, tối nay tập trung nhà tao nhẳm một trận thật ra trò. Đừng nghĩ ngợi linh tinh, dù mày trở về không còn ai thân thích, nhưng vẫn còn có bạn hữu. Đất này là quê bọn mình, nhà mình mà.
Anh gật đầu nhận lời với bạn, rồi lại cùng con đi qua những phố hẹp. Những phiến đá lát mặt đường lấp lóa trong nắng. Con đường này, nhà xưa của ta đây ai đã đến ở? Sống mũi chợt cay cay. Anh muốn bước vào mà sao lưỡng lự? Cảm giác vừa xa lạ vừa gần gũi cứ lặng lẽ gợi nỗi buồn.
Chung bức tường xây đá hộc phía bên phải là nhà em. Dưới mái ngói âm dương kia có còn đó không? Hay đó đã về làm dâu phương nào?
Hai nhà chung tường, phía sau nhà là vườn cũng chung bức rào đá xếp chồng lên nhau khéo léo. Nhìn em đang lớn phổng, anh bảo:
-Bao giờ em lớn thành cô gái anh sẽ đạp đổ hàng rào này!
-Em lớn rồi mà anh!
-Anh vẫn chưa thấy thế.
Em cúi đầu, má đỏ bừng vẻ như hờn giận. Anh bối rối:
-Ừ, có thể em đang sắp thành cô gái, mười sáu rồi phải không?
-Em là cô gái rồi!
Em quả quyết, mắt nhìn anh rực sáng kiêu hãnh, bước qua lối sau, vào nhà rồi đóng sập cửa. Từ lần đó em thường tránh gặp anh. Trong đám bạn em nổi bật bởi chiều cao và nước da trắng ngời, cười nói hồn nhiên vô tư. Nhưng khi anh xuất hiện em vờ như không nhìn thấy. Anh buồn, vẻ mặt lơ đãng khác thường. Mẹ bảo:
-Năm cuối cấp con phải tập trung và cố gắng lên con nhé!
Anh lặng người, nhìn mẹ, rồi run run:
-Vâng, mẹ yên tâm, con sẽ cố gắng. Nhưng mẹ ơi, con muốn nói với mẹ điều này, thi tốt nghiệp xong con định sẽ nhập ngũ.
-Con bảo sao?
Mẹ nhìn anh lo lắng:
-Định để mẹ ở lại một mình trong ngôi nhà này ư? Con hứa với mẹ sẽ thi vào đại học kia mà?
-Việc học đại học để sau này khi chiến tranh kết thúc cũng được mẹ à!
-Chiến tranh ư, đến bao giờ mới kết thúc?
Lưng mẹ như chùng xuống.
Đêm, ngôi nhà trở nên im ắng. Trong ánh vàng nhạt hắt ra từ ngọn đèn trong buồng, anh biết mẹ đang thầm khóc. Buồn và thương mẹ biết bao. Đêm đầu tiên trong đời anh không ngủ.
Mùa thi kết thúc cũng là lúc anh nhận được giấy báo nhập ngũ. Mẹ vui và chăm sóc anh nhiều hơn. Nhưng anh biết đó chỉ để anh yên tâm, còn trong lòng nước mắt đang âm thầm chảy. Chiến tranh ác liệt, bom đạn không có mắt, sống sót trở về chỉ là may mắn thôi. Có người mẹ nào mà không lo lắng cho con.
Sắp xa mẹ rồi, và cả Khương nữa. Cách nào để em thôi giận mà nói lời tạm biệt bây giờ? Anh ngẩn ngơ bên bờ rào đá. Mắt không rời cánh cửa sau nhà em. Xem kìa, là em đấy! Em bước ra như đang trong mơ. Trẻ trung xinh đẹp, nhưng sao mắt buồn hoang vắng. Em khẽ hỏi như chưa hề giận nhau:
-Anh nhập ngũ thật sao?
-Ừ, hết chiến tranh rồi về!
-Mẹ buồn và khổ tâm lắm anh biết không?
-Anh biết.
-Biết sao còn trái ý mẹ?
-Trai thời loạn mà.
-Thật chán! Nghe câu này đến thuộc lòng. Mẹ buồn lắm, bảo anh là thằng bé ngốc.
-Anh cũng biết. Ở nhà thỉnh thoảng em sang trông nom mẹ giúp anh.
-Anh còn giận em?
-Em thì sao?
-Hết giận rồi!
-Em biết không, chưa khi nào anh giận em đâu, chỉ nhớ thôi.
Mắt em long lanh lệ. Anh thì thầm:
-Em đã thành cô gái rồi.
-Còn lời hứa của anh?
Hàng rào đá lập tức bị xô đổ, một lối nhỏ mở ra. Anh bước chân sang vườn nhà em. Anh nghe tim mình rộn lên trong ngực. Tóc em tỏa hương ngây ngất. Hai đứa đã đứng gần nhau lắm. Anh nắm tay em đặt lên ngực mình. Mềm mại nồng ấm đôi môi. Anh bỗng thấy mình và em bay bay, rồi bay lên rất cao trên bầu trời thanh khiết.
-Em sẽ đợi anh.
Em nói rồi chạy vụt vào nhà.
Hơn hai mươi năm qua, lời hẹn ước vẫn vang trong lòng. Thời gian đã lôi anh qua bao cuộc chìm nổi, nay trở về như một kẻ phản bội đang chờ được cúi đầu tạ tội.
Tin mẹ bị bệnh mất đột ngột anh nhận được sau hai năm ở chiến trường Tây Nguyên. Tin em lấy chồng anh nhận được sau ngày miền Nam giải phóng. Rồi những vết thương đã đưa anh đi hết viện này sang viện khác dòng dã năm năm trời. Đó là lý do khiến anh không bao giờ muốn trở lại Cô Sầu. Không còn muốn gì khác ngoài ý nghĩ buông xuôi, cả không cần bến đỗ. Rồi một ngày anh gặp người con gái, yêu anh, lấy anh và sinh cho anh đứa con. Cứ tưởng cuộc đời từ nay được bù đắp. Vậy mà bất hạnh vẫn chưa chịu buông tha. Chị đã mất trong một lần ra sông giặt, anh một mình ôm con vất vả sớm chiều. Buồn nay phần nào đã nguôi ngoai. Anh dắt con trở về đứng trước ngôi nhà xưa nay thuộc về người khác.
Cửa chợt mở, một bóng người bước ra. Anh như chết lặng. Khương đấy ư? Không thay đổi nhiều lắm. Cạnh em là một cô bé đã lớn. Cô bé trông hệt em ngày xưa. Em đứng ngây. Quả len trong tay suýt rơi xuống đất vì run rẩy. Trái tim bấy lâu mệt mỏi của anh bỗng đập rộn. Không biết nên bắt đầu như thế nào? Ký ức chợt hiện về. Ngày ấy cũng thế này, hai đứa bên nhau và ánh mắt đắm đuối. Khoảng cách giờ cũng vậy mà sao cách biệt? Mắt trào dâng xót xa ẩn nỗi niềm trách cứ. Hình như em đang phải cố gắng để khỏi bật tiếng khóc. Dù môi đã mím chặt nhưng lệ vẫn tuôn trào.
-Mẹ, sao mẹ lại khóc? Mẹ quen bác này à?
Cô bé níu tay mẹ. Em khẽ lắc đầu rồi gượng cười với con.
-Pa ơi!
Nghe cu Khương gọi anh như choàng tỉnh.
-Pa lại ốm rồi à?
Anh ôm con:
-Không, pa không làm sao cả. Chỉ là nhầm lẫn chút xíu thôi con ạ.
-Cô kia khóc kìa, pa kìa?
-Có lẽ mới ở bếp ra bị khói đấy.
Chợt có tiếng nói cất lên:
-Pa cháu không nhầm đâu cháu à, đây là nhà của pa cháu đấy.
Cu Khương ngơ ngác nhìn bố, rồi nhìn người phụ nữa vừa nói với mình. Người phụ nữ đó trông hiền dịu và đẹp quá! Nó kéo pa xuống gần rồi ghé tai hỏi nhỏ:
-Nhà mình thật hả pa?
-Là ngày xưa thôi con.
-Bây giờ vẫn vậy!
Chị nhìn anh không giấu nổi đau khổ hiện trong cặp mắt ngấn lệ.- Nhiều người bảo, anh sẽ không bao giờ trở về nữa, đừng đợi, nhưng em vẫn hy vọng, ngày nào đó anh sẽ về. Hôm nay là ngày mùng một, mẹ con em chỉ sang đây quét dọn, và thắp hương cho ông bà thôi, và từ nay sẽ không cần thế nữa. Vắng nhà đã quá lâu rồi, sao anh không vào đi. Mọi thứ vẫn nguyên như ngày anh đi đấy.
Sao có thể như vậy được chứ? Lòng bàng hoàng. Liệu có thể là thật? Sao không thử bước vào? Đây chính là nơi anh cất tiếng khóc chào đời, kỷ niệm với những người thân yêu ruột thịt. Anh đã muốn ôm lấy chị ngay từ khi chị xuất hiện như bao đêm từng mơ, nhưng đã kịp kìm lại. Mình đã là người khác rồi. Một kẻ bước ra từ cuộc chiến, cố chấp và khô cằn.
Anh bối rối nhìn con, rồi nhìn chị. Trong mắt kia, anh thấy có gì đó như chờ đợi, như trách móc. Nhưng không thể đường đột, vì đã quá lâu rồi. Bé gái kia, pa nó là ai? Biết đâu cũng đang gần đây. Những gì vừa chứng kiến chưa thể tường tận. Anh cần chút thời gian để lắng lại, nghĩ lại và thận trọng. Có thể tất cả đã thay đổi. Người xưa đã khác xưa rồi. Nhưng biết đâu, biết đâu. Những hy vọng mơ hồ. Hãy tạm để mọi chuyện yên đó như đã bao năm. Anh cúi xuống thơm lên tóc con, thì thầm:
-Ta ra thăm mộ ông bà đi con.
Phía sau lưng, anh biết có người đang dõi theo. Đó là đôi mắt dịu dàng của ngày xưa, chan chứa niềm tin, rồi sẽ nhanh thôi anh lại trở về ngôi nhà xưa giữa phố xưa này.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...